Tuesday, March 6, 2012

Bàn Thông Thiên


Trong tín ngưỡng dân gian miền Tây, người ta thấy có hình thức thờ phượng ở ngoài sân, thường gọi là Bàn Thông Thiên.
Bàn Thông Thiên là danh từ để chỉ cho chỗ thờ phượng ở ngoài trời, thông thường nó gồm có một cây trụ cao hơn mặt đất chừng 2 thước, đặt ở trong sân nhìn thẳng vào chính giữa nhà, trên cây trụ người ta đặt một miếng ván vuông, hoặc một tấm xi măng cốt sắt cũng vuông, cạnh chừng 3 tấc, đơn giản nhất là người ta dùng miếng gạch tàu đặt lên đó.
Trên chỗ thờ này, nhất thiết có một lọ cắm hương hình trụ bằng sành, đặt ở phía sau cùng, bên cạnh phía tay phải của người nhìn vào là một bình cắm hoa, trước lọ cắm hương đặt một cái dĩa đựng 4 chén chung nước. Dĩ nhiên nhà giàu người ta dùng toàn đồ sứ, nhà nghèo có khi người ta dùng lon sữa bò để cắm hương, dùng cái chai xá xị hay hủ tương để cắm hoa.
Phía sau Bàn Thông Thiên có thể là cái hàng rào, hoặc trồng một cây hay chậu kiểng để làm bình phong, phía trước Bàn Thông Thiên người ta đắp đất cao hơn xung quanh, hoặc lót gạch, để sau cơn mưa nền khô ráo cúng lạy dễ dàng, xung quanh người ta trồng hoa hay đặt những chậu kiểng, làm tăng thêm chỗ trang nghiêm thờ phượng.
Mỗi tối người ta thắp hương cúng trên bàn thờ ông bà ở trong nhà, sau đó ra thắp hương cho Bàn Thông Thiên. Lạy bàn thờ ông bà bốn lạy, người ta cũng lạy Bàn Thông Thiên bốn lạy.
Vì sao có Bàn Thông Thiên, đây là câu hỏi chưa có trả lời thỏa đáng, có người cho rằng xưa người ta lập hương án trước nhà để nghinh đón vua, sắc thần … vì lập rồi dẹp, dẹp rồi lập cho nên người ta làm như vậy cũng như hương án để lưu niên, khỏi tốn công lập và dẹp. Thoạt tiên nghe thuyết này cũng có lý nhưng không thực tế, vì đất miền Nam mới có sau này, vua chẳng hề ngự tới, còn sắc thần rất ít làng có, làng nào có mỗi năm cúng một hai lệ, đâu có phải hàng ngày, hàng tháng mà phải làm rồi để luôn biến hương án thành Bàn Thông Thiên.
Có người cho rằng Bàn Thông Thiên là tín ngưõng dân gian thờ Trời Đất, Trời tròn là cái lọ cắm hương hình trụ, thân có miệng tròn, còn Đất vuông là cái bàn bằng gỗ hay xi măng hoặc miếng gạch tàu. Dựng lên thuyết này xét ra hợp lý, như Vua hàng năm tế ở Đàn Nam Giao, gồm có một nền tròn xây trên một nền vuông, biểu hiện cho Trời, Đất đạo lý Âm, Dương ngũ hành sinh hóa. Bàn Thông Thiên nôm na thờ Trời Đất là hợp lý, nhưng thêm ý nghĩa Trời tròn, đất vuông chỉ là lối giải thích, bởi vì nó quá sâu sắc đối với người bình dân, họ không dụng tới nghĩa lý sâu xa ấy.
Làm sao để giải thích vì sao người Nam có Bàn Thờ Thông Thiên này tức là thờ Trời Đất, nó không phải là một thứ Đạo như Đạo Cao Đài, Đạo Hòa Hảo, nhưng nó là tín ngưỡng. Cho rằng nó không phải là một Đạo vì nó không có giáo chủ, không có quy luật hành trì. Vậy thì do đâu mà có Bàn Thông Thiên ?
Theo chúng tôi nghĩ, người Việt chúng ta vốn có sẵn tín ngưỡng, trong mỗi gia tộc đều có Từ đường, mỗi năm con cháu tụ tập lại để cúng quảy ông bà, thôn làng thì có đình chùa, đình thờ Thần hoàng, Thổ địa, chùa thờ Phật, Bồ Tát. Khi những người đầu tiên vào Nam lập nghiệp, những nơi có quy hoạch lập thành xóm, thành làng thì người ta cũng dựng ngôi Đình để thờ Thần, nhưng Thần không có Sắc của vua phong, không có tên tuổi là người ta thờ Thần linh để cầu được phước gọi nôm na là Phúc Thần.
Có những người sống lẻ loi ở vùng đất mới, không thể dựng nên cái Đình, nhưng do có lòng tin ông Trời là đấng tạo hóa muôn loài, nên người ta lập bàn thờ lộ thiên ở trước sân nhà, chỗ trang trọng nhất để thờ đấng Tạo hóa, rồi nhà nọ bắt chước nhà kia, lâu ngày thành một thứ tín ngưỡng.
Đã thờ Trời, thì phải gọi là Bàn Thờ Ông Trời cũng như Bàn Thờ Ông Địa ở trong nhà, sao lại gọi là Bàn Thông Thiên, có người cho rằng thoạt tiên gọi là Bàn Ông Thiên nhưng dần dần biến âm thành Thông Thiên, theo thiển nghĩ của chúng tôi, dân gian tin rằng ông bà thì ở trên bàn thờ, nhưng ông Trời không ở trên cái bàn thờ giữa sân đó, ông Trời vẫn ở trên Trời cao, cho nên thông qua chỗ thờ tự đó người ta kính ngưỡng, cầu nguyện “đấng Hoàng Thiên, hậu Thổ”, chính vì vậy mà người ta gọi là Bàn Thông Thiên, không ai gọi đó là Bàn Thờ Thông Thiên mà cũng không gọi là Bàn Ông Thiên.
Đến năm Kỷ Mão 1939. ông Huỳnh Phú Sổ khai sáng đạo Phật Giáo tại làng Hòa Hảo tỉnh Châu Đốc, được gọi là đạo Phật Giáo Hòa Hảo, tín đồ tôn xưng ông là giáo chủ. Người đặt ra những bài cúng lạy Cữu huyền ở trong nhà, lạy bốn phương tám hướng ở Bàn Thông Thiên, cũng như ngày xưa đức Phật đã dạy Kinh Lục Phương cho chàng thanh niên Thiện Sinh vậy.
Việc cúng lạy thì hàng ngày người ta thay nước cúng, thay hoa, buổi chiều tối thắp hương cúng lạy, nguyện: “Hoàng Thiên, Hậu Thổ phù hộ cho quốc thái, dân an mùa màng được thịnh vượng”. Những ngày rằm, mồng một, nhất là những ngày lễ Thượng Ngươn, Trung Ngươn, Hạ Ngươn, đêm Giao thừa người ta cúng trái cây hay bánh.
Bàn Thông Thiên là tín ngưỡng của hầu hết người miền Nam, không riêng gì người ở Miền Tây hay Phật Giáo Hòa Hảo.
Ngày 13-01-2012

No comments:

Post a Comment