Thursday, March 22, 2012

Khóc Anh Tôi


Đêm nghe tin anh mất (1)
Nhớ lúc tuổi còn thơ
Tung tăng cánh đồng cò
Bầy dê trên đồng cỏ
Té nước cộng lá môn
Ngứa ngáy vì chơi dại
*
Đêm chống xuồng anh cắt cỏ
Trên trời xanh đầy sao
Xuồng lướt trên đồng lúa
Lúa xanh ngút chân trời
Nơi nơi
Đêm yên tịnh
An bình trong khoảnh khắc
Gió mát mùi cỏ dại
Thoáng đã đi qua rồi
Nay anh cũng lại đi
Dập vùi chôn kỷ niệm
Gặp lại giấc chiêm bao!
*
Nhớ tới lúc đi học
Chúng ta cùng chung trường
Bên kia Xép sông Hậu
Trường mái đỏ
Tường xây
Cột đu cao ngất nghễu
Năm ba đứa nhảy cò cò
Chỗ có thằng bắn bi xanh
Góc kia mấy chị tóc đuôi gà
Ngồi chơi trò đánh đủa
Lại có đứa cõng nhau
Chạy quanh sân trường nhỏ
La hét dậy buổi trưa
Giờ chơi vui nhộn nhịp
Trường xưa nay đã dời
Bóng anh nay đã khuất
Thầy cũng đã xa lâu
*
Thấy đó
Rồi mất đó
Nghìn thu ta vĩnh biệt
Khóc anh lệ chẳng rơi
Buồn ngập khắp phương trời
*
Đi
Anh đi
Miên viễn miền an lạc,
Bỏ chốn nhân gian một kiếp
người.

Ngày 8-3-2012
Huỳnh Ái Tông

( 1 ) Huỳnh Ái Tộc
       Sinh 1938
Ủy Viên Hội Đồng Xã Bình Thủy, Quận Châu Thành, Tỉnh Long Xuyên
       Tử 8-3-2012

Tuesday, March 6, 2012

Tìm Hiểu Về Con Cò


Sir Rowland Hill
Con Tem 1 Penny (Con tem đầu tiên trên thế giới)
Đồng bạc con cò
Đồng bạc trắng




Con Cò tôi muốn nói tới là con Tem để gửi thư, nó không chút liên can gì tới con cò ở ngoài cánh đồng hay trong Ca dao:

Con cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.

Tem dùng để gửi thư, người Pháp gọi là Timbre, người Anh, Mỹ gọi là Postage stamp, sao người Việt ở Miền Nam gọi là “con cò”? Muốn biết, chúng ta phải quay ngược dòng lịch sử, người phát kiến ra cách sử dụng Tem để gửi thư là ông Rowlland Hill (1795-1879), ông sinh ra tại đường Blackwell, Kidderminster, Worcestershire, Anh quốc.

Năm 1835, ông đã để tâm nghiên cứu về sự chuyển vận thư từ, năm 1837, ông cho xuất bản quyển sách để đề xuất cải cách việc gửi thư qua bưu điện, đó là quyển “Post Office Reform It’s Importance and Practicability” (Cải cách bưu cục - tầm quan trọng và tính thực tiễn).
Cải cách này có thể tóm gọn là thư nặng 1/2 ounce, gửi toàn xứ Anh và Bắc Ireland chỉ trả 1 penny, bằng cách mua một phong bì rồi bỏ thư vào đó gửi đi, nhưng bị những người có trách nhiệm ở ngành Bưu điện Anh phản đối. Sau ông phải in tập sách nhỏ trên phát không cho nhiều người để tạo thành dư luận, cuối cùng vào tháng 8 năm 1839, Quốc hội Anh chấp thuận ra một đạo luật “One Penny Act” (Luật cước phí 1 penny), dự định tháng giêng 1940 sẽ phát hành phong bì trả trước 1 penny để gửi thư, nhưng do in ấn chuẩn bị không kịp, phải dời lại đến ngày 6 tháng 5 năm 1940 mới chính thức phát hành, sử dụng, nhưng có nơi đã phát hành ngày 1-5-1940. Đó là trên bì thư có dán một cái “Label” in hình đen trắng Nữ hoàng Anh Victoria lúc 18 tuổi (năm 1937). Và Bưu điện Anh in mỗi tờ ngang 12 label, dọc 20 hàng, thành ra 240 label trị giá 1 Anh kim. Con tem này lưu hành trong 61 năm, đến năm 1901, nữ hoàng Victoria băng hà, tem này mới bị thu hồi. Sau khi con tem đen phát hành được 2 ngày, con tem xanh 2 penny cũng được phát hành và thêm con tem đỏ 1 penny được phát hành vào tháng 2 năm 1841.
Để vinh danh sự đóng góp của Rowlland Hill, nữ hoàng Victoria đã phong ông tước “Hiệp Sĩ”, là Sir Rowland Hill. Ông là cha đẻ con Tem của ngành Bưu chính thế giới.
Tiếp theo nước Anh, Brazil bắt đầu sử dụng tem vào năm 1843; sau đó là Mỹ và Mauritius vào năm 1847; Pháp, Bỉ và Bavaria vào năm 1849; Áo, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ vào năm 1850; Đức và Đan Mạch vào năm 1852… các nước khác cũng bắt đầu sử dụng tem vào năm 1860. Việt Nam, con tem được sử dụng vào năm 1863, theo lệnh Đô đốc Bonard cho thành lập Bưu cục Sàigòn ngày 13-3-1863, nhưng đến 1-1-1864 dân chúng mới được sử dụng.
Năm 1863, con Tem phát hành ở đất thuộc địa Nam Kỳ in hình con chim phượng hoàng (l’aigle impérial), biểu hiệu của hoàng đế Napoléon III, có giá trị từ 0,01 đến 0,4 Fr. (đồng Quan Pháp) hình này cũng như hình trên đồng bạc Mexicana giống nhau, là  hình con đ ại bang, nhưng không hiểu vì sao người ta đều gọi là CON CÒ, “đồng bạc con cò”, “con cò gửi thư”. Do vậy con tem được gọi là con cò từ đó.
Về đồng bạc, sau này tổng thống Pháp Mac Mahon ký sắc lệnh ngày 21-1-1875 thành lập Ngân Hàng Đông Dương (Banque de l’Indo - Chine chữ Hán Viết là     Đông Phương Hối Lý Ngân Hàng). Năm 1885, Ngân Hàng Đông Dương đúc đồng bạc nặng 27,215 gam bạc ròng 900.
Về sau, Ngân Hàng phát hành tiền giấy, vì lúc đó chữ “quốc ngữ” chưa được sử dụng, nên có chữ Hán ghi là   Ngân Nhất Nguyên (nguơn) Chính
Khi chữ Việt đã thông dụng thì ghi: Giấy Bạc Một Đồng.
Về sau này giấy bạc được ghi là Giấy Một Đồng Vàng
Cuối cùng Viện Phát Hành của Ngân Hàng Đông Dương ghi là Một Đồng 
Đến khi Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam được thành lập ngày 31-12-1954, phát hành tiền giấy cũng ghi là Một Đồng
Dưới thời Đệ nhất Cộng Hòa, hối suất chính thức của đồng bạc Việt Nam là 35 VNĐồng = 1 US Dollar.
Ngày nay, người ta ít sử dụng danh từ Con Cò, ít hay không nghe nói tới Đồng bạc con cò. Nó bị lãng quên không phải vì chứng tích một giai đoạn đen tối của lịch sử nước ta, mà vì nó trở nên hiếm có, các nhà chơi Tem, Tiền vẫn đang sưu tầm.
Ngày 5-3-2012

.Nét Văn Hóa Miền Tây


Vài chục năm trước, giao thông cách trở, chủ yếu là đường sông, nào tàu, nào ghe nào xuồng là những phương tiện thông dụng đi trên những con sông lớn, sông bé, kinh rạch chằng chịt ở miền Tây.
Ban đêm ống khói những chiếc tàu kéo ghe, phun ra những đốm tro một màu đỏ lún phún, lại thêm hai hàng đèn màu xanh, đỏ, vàng mắc theo dây giăng từ ống khói đến trước mũi và sau lái tàu, trông đẹp mắt cho lũ trẻ con, ban ngày thấy rõ tàu kéo theo vài chục chiếc ghe thương hồ, chúng cập đôi, cập ba lúc thẳng tấp lúc ngoằn ngoèo tùy theo khúc sông, trông như con rắn khổng lồ đang lội trên mặt nước.
Do giao thông cách trở, đời sống ở quê ít đổi thay, người ta sống bình dị ngày hai bửa cơm rau, gạo cá.
Nhà ở có thể cất với cột tre, cột tràm, đòn tay, đòn dông, rui mè, chỉ với vài cây tre, lợp mái dừng vách với lá dừa nước từ miệt dưới vùng nước lơ lớ mặn, thích ứng với loại cây này.
Gạo ăn, chỉ cần có đôi bò hoặc mua, hoặc nuôi rẽ của người khác, chỉ vài năm là có đủ đôi, canh tác chừng một chục chục công đất thì đủ ăn, đủ mặc, có đất thì làm đất nhà, không thì thuê đất làm tá điền của người khác.
Thậm chí có người không có đất làm, cũng không làm tá điền cho ai, chờ khoảng tháng mười, tháng mười một bơi xuồng vào Đồng Tháp Mười thu hoạch “lúa ma”, đi chừng hai chuyến, đủ ăn cả năm.
Cá, mắm thì không lo, ở đâu có nước là có cá, trên đồng có những thứ cá lóc, cá trê, cá rô, cá sặt, lương … dưới sông có cá linh, cá cơm, cá he, cá lăng, cá trèn, cá chốt, cá chạch … người ta giăng câu, giăng lưới, vãi chài, làm bò, chất chà, đặt lờ, đặt lọp, đặt trúm, xây đăng, kéo vó, làm đìa, tùy mùa, tùy phương tiện bắt cá ăn hàng ngày, có dư đem bán, hoặc gặp lúc được con nước cá nhiều người ta làm mắm, làm khô.
Người chịu khó chân lấm, tay bùn đừng va vào tứ đổ tường thì sẽ dư ăn dư để.
Đời sống dân quê là thế, giải trí thì có hát bội hay cải lương. Hát bội vào những dịp lễ cúng đình, còn cải lương  năm khi, mười họa mới có. Thỉnh thoảng những người biết đàn, ca họ tổ chức đàn ca tài tử tại bộ ván gõ trong nhà hoặc trải chiếc đệm ngoài sân với bình trà và dĩa bánh kẹo.
Chủ yếu là đàn kìm, phụ thêm đàn cò, chỗ nào có người chuyên môn mới có thêm đàn tranh, ít người sử dụng đàn độc huyền, nghe đâu họ kiêng cử. Họ ca vọng cổ và những bài bản vắn như Lưu Thủy, Văn Thiên Tường, Khổng Minh Tọa Lầu …
Đó là những cuộc giải trí có tổ chức, ngoài ra còn những cuộc giải trí do ngẫu hứng dựng nên, như khi người ta đi cấy, năm bảy người có khi nhiều hơn, họ hò đối đáp với nhau từ đám cấy này với đám cấy khác gần bên.
Hoặc ban đêm, trăng thanh, gió mát, chèo ghe bơi xuồng trên sông, người ta cũng hay hò cho đỡ buồn ngủ, đỡ cảm thấy vắng lặng, đôi khi có ghe thuyền khác đáp lại, thành ra một cuộc hò đối đáp. Chẳng hạn như có chàng trai đêm thanh vắng hò trên sông:
Hò ơ … Gió đưa con buồn ngủ lên bờ,
Mùng ai có rộng hò ơ …  xin cho ngủ nhờ một đêm.
Tiếng một cô gái trên sông đáp lại:
Hò ơ … Một đêm khó lắm ai ơi!
Xuồng kia có chỗ hò ơ … ngủ thời cho quen.
Những người thuộc vọng cổ, đêm thanh, gió mát người ta cũng hay cất cao bài ca vọng cổ, chẳng hạn như bài “Tôn Tẫn giả điên”:
Úy trời đất ôi! Nỗi đoạn trường…, cũng vì tôi đây quá tin thằng Bàn Quyên là bạn thiết cho nên ngày hôm nay thân của tôi phải ra nông nỗi …
Nhưng hát hò hay ca vọng cổ … đều có bài bản, có thứ giải trí không bài bản, nó thường diễn ra hàng ngày như một nếp sống của dân quê.
Ở đó chỉ năm ba người, cứ chiều chiều họ tụ họp lại, nói chuyện trên trời, dưới đất, tam hoàng, ngũ đế, đông tây, kim cổ, chuyện mùa màng, gã cưới …nhờ vậy người ta hiểu được tin tức từ xóm giềng tới làng nọ làng kia, người ta cũng hiểu được chuyện xưa tích cũ, phong tục, tạp quán.
Nơi đó chỉ là cái băng gỗ đơn sơ, người ta chôn hai đầu hai cột gỗ, trên đó lót tấm ván dầy chừng 3 phân, ngang chừng 3 tấc, dài chừng 2 thước, đóng vài cây đinh cho vững chắc, lối xóm cứ chiều chiều tụ tập ra đó trò chuyện, lâu ngày thành một nếp sống cũng có thể gọi là nét văn hóa thôn quê, gọi là Miệt Vườn nó khu biệt vùng Long An, Mỹ Tho, Bến Tre, gọi là Miền Tây, nó chỉ cho Cần Thơ, Rạch Giá Long Xuyên, Châu Đốc.
Cái băng đó thường người ta đặt bên lề đường, trước cửa nhà hay phía mé sông, ẩn mình dưới tàng cây để che nắng trưa hay chiều, cứ cách xa xa có một cái băng như vậy, người đi đường xa có thể dừng chân ngồi nghỉ, hút điếu thuốc, ăn miếng trầu, trẻ con có thể quây quần chơi đùa buổi sáng hay trưa, khi không có người lớn.
Lại còn một nét văn hóa khác nữa cũng nên nói tới, đó là những cái lu nước ở dọc đường. Nhiều nhà, người ta để một cái lu nước ở chỗ lối vào nhà, ngay chỗ cổng hay ở hàng rào trước nhà, lu nước này không to lớn sức chứa chừng 50 lít nước, có nấp đậy bằng những tấn ván đóng khít vào nhau, để che cho khỏi bụi, lá rơi vào, trên nắp đậy hay trên một cái cây bên cạnh, người ta để một cái gáo dừa có cán tre hay gỗ, người trong nhà cũng như hàng xóm hoặc người đi đường, cứ tự nhiên dùng nước đó để uống khi khát, không phải khách sáo xin phép, cũng không cần cám ơn gia chủ, vì người ta đặt lu nước đó nhằm mục đích cho mọi người dùng, nhất là những khách qua đường, người ta không hẹn, không tổ chức nhưng xa xa chừng 4, 5 trăm thước có một cái khạp nước bên đường như thế.

Bàn Thông Thiên


Trong tín ngưỡng dân gian miền Tây, người ta thấy có hình thức thờ phượng ở ngoài sân, thường gọi là Bàn Thông Thiên.
Bàn Thông Thiên là danh từ để chỉ cho chỗ thờ phượng ở ngoài trời, thông thường nó gồm có một cây trụ cao hơn mặt đất chừng 2 thước, đặt ở trong sân nhìn thẳng vào chính giữa nhà, trên cây trụ người ta đặt một miếng ván vuông, hoặc một tấm xi măng cốt sắt cũng vuông, cạnh chừng 3 tấc, đơn giản nhất là người ta dùng miếng gạch tàu đặt lên đó.
Trên chỗ thờ này, nhất thiết có một lọ cắm hương hình trụ bằng sành, đặt ở phía sau cùng, bên cạnh phía tay phải của người nhìn vào là một bình cắm hoa, trước lọ cắm hương đặt một cái dĩa đựng 4 chén chung nước. Dĩ nhiên nhà giàu người ta dùng toàn đồ sứ, nhà nghèo có khi người ta dùng lon sữa bò để cắm hương, dùng cái chai xá xị hay hủ tương để cắm hoa.
Phía sau Bàn Thông Thiên có thể là cái hàng rào, hoặc trồng một cây hay chậu kiểng để làm bình phong, phía trước Bàn Thông Thiên người ta đắp đất cao hơn xung quanh, hoặc lót gạch, để sau cơn mưa nền khô ráo cúng lạy dễ dàng, xung quanh người ta trồng hoa hay đặt những chậu kiểng, làm tăng thêm chỗ trang nghiêm thờ phượng.
Mỗi tối người ta thắp hương cúng trên bàn thờ ông bà ở trong nhà, sau đó ra thắp hương cho Bàn Thông Thiên. Lạy bàn thờ ông bà bốn lạy, người ta cũng lạy Bàn Thông Thiên bốn lạy.
Vì sao có Bàn Thông Thiên, đây là câu hỏi chưa có trả lời thỏa đáng, có người cho rằng xưa người ta lập hương án trước nhà để nghinh đón vua, sắc thần … vì lập rồi dẹp, dẹp rồi lập cho nên người ta làm như vậy cũng như hương án để lưu niên, khỏi tốn công lập và dẹp. Thoạt tiên nghe thuyết này cũng có lý nhưng không thực tế, vì đất miền Nam mới có sau này, vua chẳng hề ngự tới, còn sắc thần rất ít làng có, làng nào có mỗi năm cúng một hai lệ, đâu có phải hàng ngày, hàng tháng mà phải làm rồi để luôn biến hương án thành Bàn Thông Thiên.
Có người cho rằng Bàn Thông Thiên là tín ngưõng dân gian thờ Trời Đất, Trời tròn là cái lọ cắm hương hình trụ, thân có miệng tròn, còn Đất vuông là cái bàn bằng gỗ hay xi măng hoặc miếng gạch tàu. Dựng lên thuyết này xét ra hợp lý, như Vua hàng năm tế ở Đàn Nam Giao, gồm có một nền tròn xây trên một nền vuông, biểu hiện cho Trời, Đất đạo lý Âm, Dương ngũ hành sinh hóa. Bàn Thông Thiên nôm na thờ Trời Đất là hợp lý, nhưng thêm ý nghĩa Trời tròn, đất vuông chỉ là lối giải thích, bởi vì nó quá sâu sắc đối với người bình dân, họ không dụng tới nghĩa lý sâu xa ấy.
Làm sao để giải thích vì sao người Nam có Bàn Thờ Thông Thiên này tức là thờ Trời Đất, nó không phải là một thứ Đạo như Đạo Cao Đài, Đạo Hòa Hảo, nhưng nó là tín ngưỡng. Cho rằng nó không phải là một Đạo vì nó không có giáo chủ, không có quy luật hành trì. Vậy thì do đâu mà có Bàn Thông Thiên ?
Theo chúng tôi nghĩ, người Việt chúng ta vốn có sẵn tín ngưỡng, trong mỗi gia tộc đều có Từ đường, mỗi năm con cháu tụ tập lại để cúng quảy ông bà, thôn làng thì có đình chùa, đình thờ Thần hoàng, Thổ địa, chùa thờ Phật, Bồ Tát. Khi những người đầu tiên vào Nam lập nghiệp, những nơi có quy hoạch lập thành xóm, thành làng thì người ta cũng dựng ngôi Đình để thờ Thần, nhưng Thần không có Sắc của vua phong, không có tên tuổi là người ta thờ Thần linh để cầu được phước gọi nôm na là Phúc Thần.
Có những người sống lẻ loi ở vùng đất mới, không thể dựng nên cái Đình, nhưng do có lòng tin ông Trời là đấng tạo hóa muôn loài, nên người ta lập bàn thờ lộ thiên ở trước sân nhà, chỗ trang trọng nhất để thờ đấng Tạo hóa, rồi nhà nọ bắt chước nhà kia, lâu ngày thành một thứ tín ngưỡng.
Đã thờ Trời, thì phải gọi là Bàn Thờ Ông Trời cũng như Bàn Thờ Ông Địa ở trong nhà, sao lại gọi là Bàn Thông Thiên, có người cho rằng thoạt tiên gọi là Bàn Ông Thiên nhưng dần dần biến âm thành Thông Thiên, theo thiển nghĩ của chúng tôi, dân gian tin rằng ông bà thì ở trên bàn thờ, nhưng ông Trời không ở trên cái bàn thờ giữa sân đó, ông Trời vẫn ở trên Trời cao, cho nên thông qua chỗ thờ tự đó người ta kính ngưỡng, cầu nguyện “đấng Hoàng Thiên, hậu Thổ”, chính vì vậy mà người ta gọi là Bàn Thông Thiên, không ai gọi đó là Bàn Thờ Thông Thiên mà cũng không gọi là Bàn Ông Thiên.
Đến năm Kỷ Mão 1939. ông Huỳnh Phú Sổ khai sáng đạo Phật Giáo tại làng Hòa Hảo tỉnh Châu Đốc, được gọi là đạo Phật Giáo Hòa Hảo, tín đồ tôn xưng ông là giáo chủ. Người đặt ra những bài cúng lạy Cữu huyền ở trong nhà, lạy bốn phương tám hướng ở Bàn Thông Thiên, cũng như ngày xưa đức Phật đã dạy Kinh Lục Phương cho chàng thanh niên Thiện Sinh vậy.
Việc cúng lạy thì hàng ngày người ta thay nước cúng, thay hoa, buổi chiều tối thắp hương cúng lạy, nguyện: “Hoàng Thiên, Hậu Thổ phù hộ cho quốc thái, dân an mùa màng được thịnh vượng”. Những ngày rằm, mồng một, nhất là những ngày lễ Thượng Ngươn, Trung Ngươn, Hạ Ngươn, đêm Giao thừa người ta cúng trái cây hay bánh.
Bàn Thông Thiên là tín ngưỡng của hầu hết người miền Nam, không riêng gì người ở Miền Tây hay Phật Giáo Hòa Hảo.
Ngày 13-01-2012