Thursday, February 20, 2020

Về Bến Tre


Để giải trí, nhà tôi thường xem các kênh Yoube nào là Thôn nữ Miền Tây, Hội Ngộ Miền Tây, Hotboy Trà Sữa…, vì ái mộ Hội Ngộ Miền Tây, nên nhà tôi nhờ Võ Thành Phúc sắp xếp một chuyến đi chơi thăm viếng họ.

Cuối cùng Phúc hẹn ngày Thứ Tư 19 tháng 2 năm 2020 sẽ đi xuống Bến Tre gặp nhóm Hội Ngộ Miền Tây, rồi đi thuyền ra sông chơi. Chiếc thuyền do Phúc giao duyên mua tặng cho nhóm nầy.

Khởi hành vào lúc 5 giờ 30, Phúc và con rể tôi mạnh ai nấy đi, hẹn gặp nhau ở chân cầu Rạch Miễu. Phúc đi lộ trình Cao tốc Tp. HCM – Trung Lương, con rể tôi đi đường quốc lộ để vào thành phố Long An ăn sáng, Trong khi ăn sáng, gọi điện thoại cho Phúc, Phúc báo cho biết là cao tốc bị chận không đi được, nên phải quay lại An Lạc và sẽ theo quốc lộ.

Con rể tôi đậu xe ở ngã tư gần sân banh xưa, rồi đi vào ngang hông chợ, hỏi thăm mấy chị bán hàng, họ chỉ tới một chỗ bán Hủ tíu, bún Huế, cơm Chay. Ăn tạm được chớ không ngon miệng bằng Hủ tíu chay Cây Bồ Đề trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa tại thành phố Mỹ Tho.

Khi chúng tôi ăn sáng xong, trở ra quốc lộ cũ chạy một đoạn thì gặp xe Phúc vượt qua, thế là 2 xe nối đuôi nhau chạy qua cầu Rạch Miễu, xuống cầu, qua khỏi trạm thu phí, đến vòng xoay, xe Phục quẹo tay phải, xe chúng tôi chạy theo, vì con rể tôi chưa biết nơi ở của nhóm Hội Ngộ Miền Tây. Tôi không rành địa phuơng nầy, nhưng từ vòng xoay, xe chạy chừng 10 phút thì đến nơi gửi xe, ngay sau đó có vài chiếc xe gắn máy của các anh, chị trong nhóm ra đón chúng tôi vào địa điểm sinh hoạt của họ. 

Đến đây chúng tôi mới biết, các anh chị trong nhóm có vợ chồng cô Thúy là con của anh Chín Thanh, anh Thanh năm nay 60 tuổi, thuở nhỏ anh sống với cha mẹ trên đường Nguyễn Minh Chiếu, gần Trương Tấn Bửu, cũng gần ngã tư Phú Nhuận. Thân phụ chạy xe Lam đường Phú Nhuận, Sàigòn. Thân mẫu bán bắp nấu ở cửa Tây chợ Bến Thành, nhà anh có đến 9 anh em. Sau 1975, anh mới theo gia đình về quê  Bến Tre, rồi vợ chồng anh lập nghiệp buôn bán dừa từ thời ngăn sông cách chợ, khá lên anh mới mua đất cất nhà. Nay cho nhóm Hội ngộ Miền Tây cất 2 căn nhà nghỉ cột tre, mái lá. Một căn để ăn uống, căn kia nhỏ hơn để ngủ nghỉ.


Rể của anh Chín làm nghề giăng lưới với các bạn cùng nghề, giăng lưới cho các công trình xây dựng, họ đã cùng nhau lập nhóm Hội Ngộ Miền Tây, nhờ Minh và Phương hướng dẫn bước đầu. Nay họ đã được Youtube tặng cho Nút Bạc (Youtube Play Buttons), để thưởng cho những người sáng tạo youtube (Youtube Creactor). 


Youtube hiện nay có các nút thưởng sau đây:

Nút Bạc: Dành cho kênh Youtube nào có được 100 ngàn người theo dõi (Subscribe).

Nút vàng: Dành cho kênh Youtube có 1 triệu người theo dõi.

Nút kim cương: Dành cho kênh Youtube có 10 triệu người theo dõi.

Nút Play Ruby: Dành cho kênh Youtube có 50 triệu người theo dõi. Ngày 18 tháng 12 năm 2016, Youtuber PewDiePie là người đầu tiên đã nhận được phần thưởng nầy với hình dạng logos kênh PewDiepie.

Trong nhóm Hội Ngộ Miền Tây có cô Trần Thanh Thúy, con gái anh Chín Thanh, Hoài, rể của anh Chín, ngoài ra còn có Tiến, Lực và Út Quang.

Trước tiên chúng tôi được mời giải khát, món ruột của xứ Dừa, uống nước dừa ăn tầm ruột ngào đường, chuối phơi khô.

Từ trái: Anh Chín Thanh, Phúc và tôi ngồi giải khát trước căn nhà mát

Ngày hôm nay Hội ngộ Miền Tây mở hộp Nút Bạc do Youtube gửi tới. Phúc được mời dự mở hộp Nút Bạc nầy.

Họ chụp ảnh kỷ niệm gồm những người trong nhóm.

Từ trái: Hàng đứng có Tiến, Lực, Hoài. Hàng ngồi: Út Quang, Thúy

Và những thân hữu của nhóm.

Từ trái, hàng đứng sau: Tiến, Út Quang, Lực, Hoài, hang đứng trước: Thúy,Thảo, Phúc
Hàng ngồi, con của Phúc - Thảo: Phương, Phong

Sau đó họ mỗi người một tay nấu nướng bữa cơm trưa, có cá kho tộ, canh chua cá lóc, tép rang, bắp chuối. Phần cơm chay chúng tôi có canh chua đậu hủ nấu với bạc hà, khóm, giá. Món kho thập cẩm có đậu hủ, tàu hủ ky, bắp non, khổ qua đèo và món bắp chuối, đây là món ăn lạ, lần đầu tiên tôi được dùng nó.


Dùng bữa xong, chúng tôi ngồi uống trà, uống nước đậu đen  hoặc nằm nghỉ. Trong khi đó, một số người chuẩn bị món ăn chiều. trong đó có gà Đông Tảo nấu Ra-gu. 

Từ trái: Phong, Phương, nhà tôi, Lực chẻ trái dừa nước

Sau khi chuẩn bị xong khoảng gần 3 giờ, chúng tôi xuống tàu chạy đi chơi trong vùng, trước tiên chạy trong rạch nhỏ hai bên rạch lá dừa nước che kín bầu trời, sau đó ra sông Ba Lai, nhìn hai bên không thấy nhà, có khúc sông có nhiều cây bần, trên bờ những đám cỏ xanh tươi.


Tiếc rằng ghe không thể ra sông Tiền Giang gần cầu Rạch Miễu, vì có một cái cống tự động đóng mở, nó đã đóng để ngăn nước mặn tràn vào cánh đồng, nên ghe chỉ chạy trên sông Ba Lai mà thôi.


Đến một khúc có bóng mát cây bần, ghe dừng lại bày biện một tiệc mừng Sinh nhật của Phong là con trai lớn của Phúc. Bánh sinh nhật của Phong khá to là một con heo bầu bỉnh, tượng trưng cho tuổi Hợi của Phong, đốt nến số 26 là tuổi của Phong, mọi người cùng hát bài Happy Birthday, Phong thổi nến, nhóm Hội ngộ Miền Tây chúc mừng sinh nhật của Phong, bé Trà Mi và Trà Sữa con của Hoài và Thúy cũng chúc mừng sinh nhật của chú Phong.

Bánh sinh nhật của Phong

Rồi mọi người dùng bữa tiệc, cũng có rượu nhấp môi. Chúng tôi dùng thức ăn như buổi trưa nhưng có thêm món chao rất đặc biệt, con rể tôi thích món chao nầy và nhờ họ mua cho vài hủ.

Nhơn dịp họp mặt nầy, chúng tôi có vài lời cám ơn Võ Thành Phúc đã tạo cơ hội và nhóm Hội Ngộ Miền Tây đã tiếp đãi chúng tôi rất chân tình, hẹn ngày tái ngộ.

Trên sông nước, cảnh mặt trời lặn rất đẹp, tôi chụp vài tấp ảnh cảnh trời chiều, ánh tà dương trên sông nước, ruộng đồng.


Con rể tôi cũng chụp cho chúng tôi vài tấm ảnh, phải công nhận là đẹp.


Sau đó ghe lui, khi vào con rạch trời tối không thấy đường chạy, Tiến phải dùng đèn chiếu để quay video, rọi đường cho tài công Lực chạy.


Về đến nhà của anh Chín Thanh đã 7 giờ, chúng tôi chia tay anh chị Chín và các thành viên nhóm Hội Ngộ Miền Tây. Về đến nhà đồng hồ chỉ 21 giờ 14 phút.

Xe chạy qua cầu Rạch Miễu

Tuy gặp nhau rất ít thời gian, nhưng tình cảm rất đậm đà, anh chị Chín Thanh cũng như nhóm Hội Ngộ Miền Tây đã chân tình đón tiếp chúng tôi, để lại trong tôi nhiều kỷ niệm thật đẹp. Tôi đã từng sống ở cầu Chệt Xậy vài tháng, đã đến thăm viếng vài nơi ở Bến Tre, nhưng đây là chuyến đi để lại trong tôi nhiều kỷ niệm, nhiều cảm tình nơi xứ dừa ở miền Nam.



Cám ơn anh chị Võ Thành Phúc và con rể chúng tôi Trương Duy Lam, nghệ nhân cây cảnh đã tạo cơ hội đưa chúng tôi đi đến Xứ Dừa giao lưu với nhóm Hội Ngộ Miền Tây và anh chị Chín Thanh.


Mời xem thêm hình ảnh tại:

866420022020










Monday, February 17, 2020

Mua trà


Ngày Thứ ]Bảy 15-02-2020, nhà tôi đi khám Bác sĩ Phạm Khắc Hiệu tại 150 Lê Hồng Phong, Phường 3, Quận 5 Tp. HCM, vì không biết chính xác giờ mở cửa khám bệnh, nên chúng tôi đến sớm, do đó nhân tiện đi sang bên kia đường có hiệu Trà Tân Sanh số 127 Lê Hồng Phong, để mua cà-phê và trà ướp lài về uống.


Trong khi chờ đợi, chúng tôi xem những bình trà tử sa, xem qua các loại trà tàu chưng bày trong tủ kính.


Tôi chọn mua một chiếc ấm tử sa có vòi hình dáng đầu dê, trước tiên vì tôi nhìn thấy hình dáng đẹp, sau nhìn kỷ mới thấy là cái vòi hình đầu dê và trên thân bình có khắc chữ Dương là Dê.


Vì là sáng sớm, nên trong cửa hàng có 2 cô gái lo dọn hàng, chúng tôi mua cà-phê và một gói trà nõn tôm, cô bán hàng cho biết là loại trà một lá trên đọt non, ngon và có giá đến 180 ngàn, trong khi những thứ trà khác có giá từ 18 ngàn đến 52 ngàn cho 100 gr.
Nhà tôi chọn mua một chén uống trà có tượng Phật và nhà sư đi khất thực.


Sau khi mua bình trà, trà, chén uống trà và cà-phê, tôi cho cô bán hàng biết vì nhà tôi đi khám bệnh, nhưng chưa tới giờ khám, do đó cô bán hàng mời chúng tôi ngồi vào bàn, cô pha trà cho chúng tôi uống. Tôi giới thiệu cho cô hàng biết, nhà tôi cũng biết thưởng thức trà ngon.


Là người được đào tạo đứng bán hàng nên cô ta pha trà đúng nghệ thuật từ tráng bình, tráng chén, pha trà rồi rót ra chén tống sau đó rót ra chén quân mời khách, cô ta bưng trà theo cung cách “tam long lộng ngọc”, rồi dùng tay che miệng chén để mũi ngửi, thưởng thức hương vị trà trước khi uống.

Trước khi uống, cô ấy hỏi chúng tôi đã ăn sáng chưa ? Nếu chưa ăn thì uống trà vào nó sẽ cào ruột bào bọt khó chịu. Tôi trả lời đã ăn sang rồi. Thật ra trước đó chúng tôi đã ăn sáng ở Tiệm Chay Định Ý.

Bình trà cô bán hàng pha cho chúng tôi uống hương vị khá ngon, tiếc rằng chúng tôi uống đậm hơn, nên hương vị còn kém một chút.

Năm nay, chúng tôi được uống hai bình trà, người pha sành điệu với trà ngon. Đó là buổi uống trà tại nhà anh Chung chồng cô Thanh trên Lái Thiêu và tại cửa hàng Tân Sanh nầy.

Có lẽ cũng nên kể thêm buổi uống trà tại nhà anh Hiền trên Bến Cát, tỉnh Bình Dương, uống trà ướp sen của Hồ Tây, Hà Nội, gia chủ pha trong bình cũng như chén sứ 2 lớp.

Uống xong vài lượt trà, chúng tôi chào và cám ơn cô hàng trà đã cho chúng tôi uống mấy chén trà ngon, đúng điệu nghệ về uống trà vào buổi sáng sớm.

866418022020 





 

Sunday, February 9, 2020

Ngày kỵ cơm thân phụ


Thường tôi về Việt Nam vào dịp Tết, để dự đám giỗ của thân phụ, còn nếu tôi về vào dịp Ngày Nhà Giáo thì dự đám giỗ thân mẫu tôi.

Thân phụ và thân mẫu tôi có mua một miếng đất do người trong thân tộc để lại, tôi nhớ mảnh đất nầy có bề ngang 14 thướcdài từ xép Năng Gù cho đến Rạch Chanh của Cù lao Năng Gù, gồm có thổ cư và thổ canh, trên phần thổ cư cha mẹ tôi có cất một ngôi nhà ba gian, cột gỗ, mái lá, vách lá, sau nầy người anh kế tôi cất lại, rồi sau 1975 anh tôi để lại cho em gái chúng tôi ở, nay em gái tôi mất còn em rể với cháu ở.

Căn nhà nằm trên Cù lao Năng Gù và một ấp Bình An bên kia Xép nằm trên đường lộ Long Xuyên - Châu Đốc, có tên là làng Bình Thủy, trước thuộc Tộng Định Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Long Xuyên, nay ấp Bình An tách ra lập làng khác, còn Cù Lao Năng Gù vẫn là làng Bình Thủy, thuộc huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.

Anh kế tôi sau 1975, về Bờ Ao tức làng Phú Hòa trước thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long Xuyên, nay thuộc huyện Núi Sập tỉnh An Giang, anh tôi làm nhà máy xay lúa, công xuất nhỏ, trên đất của thân mẫu tôi gồm thổ cư và thổ canh được một mẫu.

Cha mẹ tôi xưa thờ cúng ông bà, cho nên đến nay ngôi nhà tại Năng Gù như ngôi Từ đường, nên vẫn tiếp tục cúng kiến ông bà và cha mẹ tôi. Còn anh tôi ở Phú Hòa nay đã mất, các con cúng ông bà nội và cha mẹ chúng.


Nếu dự giỗ cha, tôi thường về Năng Gù vừa để cúng kiếng, vừa để thăm mồ mả ông bà, ch mẹ, chú, bác. Còn giỗ mẹ, tôi mới về Phú Hòa dự đám giỗ, thăm thân nhân bên ngoại và các cháu.



Giỗ thân phụ tôi năm nay, ngoài các con, dâu của chị và em gái tôi, còn có ông anh con Bác Hai, và con trai chú Tám tôi. Hình như giỗ quảy ngày nay đơn giản hơn xưa chăng ? Tôi nhớ xưa kia đám giỗ cha mẹ tôi phải dọn trên 3 bộ ván ngựa, trên mỗi bộ ván trải một chiếc chiếu, trên chiếc chiếu nầy lại trải một chiếc chiếu cỗ, mỗi chiếc chiếu cỗ dọn 2 mâm thức ăn.

Cúng kiếng thì có một mâm trên bàn thờ ông bà, một mâm cúng những người khuất mày, khuất mặt trong nhà và một mâm đất đai viên trạch.

Sau khi cúng kiếng, vái lạy chờ nhang tàn mới dọn từ bàn thờ, các mâm cúng lên trên chiếu cỗ để họ hàng cùng dự. Trẻ con được ăn ở nhà bếp.

Vì thân phụ tôi mất ngày Rằm tháng Giêng, nên từ trước tới nay đều cúng Chay, khi sinh tiền, thân phụ tôi cũng đã trường trai trên 10 năm, về sau bị đau phổi, bác sĩ ở bệnh viện Long Xuyên ngày xưa cấm không cho cha tôi trường trai nữa để chữa trị.

Năm nay, nhà tôi yếu nên không về dự đám giỗ, tôi và con gái lớn sáng đi, chiều về. Ngoài việc cúng giỗ, thăm viếng nghĩa trang gia đình. 


Tôi còn đi tới làng Bình Hòa, trước thăm mộ của chị tôi đã mất vài tháng trước thọ 88 tuổi.


Rồi đi thăm nhà mới cất của thằng cháu gần đó, cháu tưởng tôi về ở lại, nên có ý mời tôi tới nhà ngủ qua đêm, mừng cho cháu có được ngôi nhà mới khang trang. 


Một chuyến đi trong ngày, nay không còn phải qua đò qua bắc, xe chạy Cao tốc Tp. HCM – Trung Lương rồi qua cầu Mỹ Thuận bắt ngàng qua sông Tiền, qua cầu Vàm Cống bắt ngang qua sông Hậu, đi lại được dễ dàng, nhưng xe cộ nhiều quá, chuyến về kẹt xe từ Cái Bè đến khi lên Cao Tốc tại Trung Lương.

Được dự đám giỗ, thăm viếng mồ mả ông bà, cha mẹ, thân nhân, được gặp lại các anh, em và các cháu. Tuy có cực nhọc tấm thân già nhưng thật là một ngày hạnh phúc.

Mời xem thêm hình ảnh tại:

8664090219