Saturday, May 27, 2023

Vài ca khúc Tuyển chọn:

Hôm nay tự nhiên tôi muốn nghe một vài bản nhạc, tân có, cổ có với những ca sĩ danh tiếng được nhiều người ưa thích, quý vị thích bài nào xin mời nghe. Chúc nhiều an lạc.

Hạ Thương Thái Thanh

https://www.youtube.com/watch?v=4JVn-VZx-8s

Thiên Thai Ánh Tuyết

https://www.youtube.com/watch?v=bxfj5i5aZFE

Người đi qua đời tôi Thái Thanh

https://www.youtube.com/watch?v=iAEhDd5TmJY

Buồn Tàn Thu Thái Thanh

https://www.youtube.com/watch?v=lQDntvMjE8E

Hòn Vọng Phu 1, 2, 3 Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi

https://www.youtube.com/watch?v=6xlIF2Ru7lw

Hòn Vọng Phu 1, 2, 3 Thái Thanh, Ánh Tuyết

https://www.youtube.com/watch?v=kPkpxMhWxrg

Ông Lái Đò Hùng Cường

https://www.youtube.com/watch?v=Kq5Baaegyr0

Làm Quen Hùng Cường Mai Lệ Quyền

https://www.youtube.com/watch?v=v3TxQJDfoCs

Xổ Số Kiến Thiết Trần Văn Trạch

https://www.youtube.com/watch?v=WmlE1BCKH-w

Dạ Cổ Hoài Lang Hương Lan

https://www.youtube.com/watch?v=QQ9S_vZl0bg

Tình anh bán chiếu Út Trà Ôn

https://www.youtube.com/watch?v=kbilws5tJIo

866427052023






Friday, May 12, 2023

Mẹ tôi

 Để kỷ niệm ngày Mother’s Day 2023

Một buổi sáng sớm vào tháng 11 năm 1954, tôi chuẩn bị đi học thì có anh Ba Tịnh, bà con xa ở xóm tôi, anh làm tài xế xe đò Thái Nguyên chạy đường Long Xuyên-Châu Đốc, anh ghé nhà chú tôi, báo cho chú tôi biết mẹ tôi bệnh nặng, cô nhắn tin bảo tôi phải về gắp.

Thời gian đó, tôi mới vào lớp Nhì trường Nam tỉnh lỵ Châu Đốc và đang ở nhà chú tôi, để đi học được vài tháng, sau khi tôi đã thất học vài năm. Tôi nhớ ngày đầu năm, vào lớp Thầy giáo muốn biết trình độ học trò, từ những làng xa không có trường lớp cao nên về tỉnh học, như ở Núi Sam, Cồn Tiên, Châu Giang, Mỹ Đức, Tịnh Biên, Bình Di Bắc Nam …, nên Thầy giáo cho bài tập gồm có cộng trừ nhân chia. Cộng, trừ tôi làm trúng nhưng nhân với chia tôi làm sai vì không thuộc cữu chương. Mặc dù năm 1950 tôi xuống trường tỉnh lỵ Long Xuyên thi đậu văn bằng Sơ Đẳng Tiểu Học.

Văn bằng Sơ Đẳng Tiểu Học năm 1950

Vì anh kế tôi đang theo học tại trường Nam Tiểu Học tỉnh Long Xuyên, nên cha mẹ tôi không đủ sức nuôi thêm tôi xuống tỉnh học. Đầu năm cha tôi qua đời, nên mẹ và anh tôi quyết định gửi tôi ở nhờ nhà người chú đang làm thầy giáo dạy học tại Trường Nữ tỉnh lỵ Châu Đốc, để tôi đi học lại.

Sáng hôm đó, chú tôi đang chuẩn bị đi dạy, được tin chú bảo tôi:

- Chú cho tiền xe, con đi về ngay đi, việc nghỉ học ở trường để chú xin phép cho con.

Thế là tôi ra bến xe, mua vé xe đi về nhà. Với tâm trạng lo âu, không biết bệnh tình mẹ tôi ra sao? Tháng trước tôi có về nhà, mẹ tôi vẫn bình thường, chỉ cho biết trong người không được khỏe. Định sẽ về quê ngoại chữa bệnh. Việc nhà có cô tôi trông nom. Cô tôi vốn không lập gia đình, ở chung nhà với cha mẹ tôi sau khi bà nội tôi mất, lúc đó tôi chưa sinh ra đời.

Tôi về đến nhà thì có anh rể tôi ở làng bên, anh cũng vừa đến nhà để đi thăm má tôi, nhưng anh chưa biết quê ngoại tôi ở đâu, nên cô tôi bảo anh ấy chờ tôi về rồi cùng đi, vì tôi biết đường đi về quê ngoại cùng nhà cửa của các dì.

Khi tôi về tới nhà, cô tôi cho biết mẹ tôi bệnh, muốn đi Núi Sập (Thoại Sơn) để chữa bệnh, tôi biết núi Sập ở gần quê ngoại, nhưng tôi chưa có đến đó, nên cô tôi bảo:

Con đi xuống Bờ Ao, rồi hỏi thăm Dì Ba hoặc Dì Năm thì biết mẹ con chữa bệnh ở đâu. Vì nghe mẹ con bệnh trở nặng nên chị Ba, chị Tư và anh Năm con đã xuống đó hết rồi. Bây giờ con đi với anh Ba con, nó cũng muốn xuống đó thăm má con và thăm vợ con nó.

Thế là anh rể tôi chạy xe Mobylette vàng, chở tôi đi từ nhà ở Năng Gù xuống Long Xuyên rồi vào Phú Hòa cũng có tên gọi là Bờ Ao. Từ Long Xuyên đi vào Bờ Ao lúc đó phải đi theo con đường lộ chạy dọc theo sông Long Xuyên. Dọc đường trên con lộ nầy, có gặp một đám tang bên vệ đường, anh rể tôi hỏi:

- Có phải đám ma nầy không cậu ?

Do anh rể tôi chưa từng đi Bờ Ao lần nào, nên tôi giới thiệu:

- Khi nào mình chạy qua một cái cầu đúc cao,  sẽ qua chợ bên tay trái, cách đó vài căn nhà có con đường bên tay trái, anh quẹo vào đó rồi qua cái cầu sắt, gần cầu sắt có cái Đình, đó là Bờ Ao, xuống cầu mình đi về tay phải chừng 5, 6 trăm thước có cái cầu cây. Đó chính là quê ngoại, có nhà hai dì và nhà Mợ Hai.

Rồi chúng tôi cũng đến nhà Dì Ba tôi, hỏi Dì mới biết rằng mẹ tôi nằm trong chùa bên Bờ Ao ngày đó tôi không biết tên chi, nay mới biết là Chùa Khánh Hòa. Tôi không hiểu sao, mẹ tôi không nằm một trong 2 nhà của hai Dì lại nằm trong chùa để dưỡng bệnh.Dì Ba biết chúng tôi chưa dùng cơm, nên dì bảo:

Để dì dọn cơm ăn rồi hai cháu đi sang chùa thăm má các cháu.

Dì Ba dọn cơm ra, chúng tôi ăn với gia đình Dì, có anh Tư Triếu và chị Năm Huề.

Ăn cơm xong cũng hơn 5 giờ chiều chúng tôi đi trở lại con đường cũ, ngay tại chỗ đầu cầu, có một cái bót Nghĩa quân, qua khỏi Bót là tới Đình Phú Hòa, ở đây như là đầu cồn chạy bọc đó một đổi là tới chùa.

Tôi và anh rể tôi vào thăm má, má tô được nằm trên bộ ván ở nhà  Hậu tổ, tôi thấy trên người má dắp cái mền, má nằm như ngủ mê, chị Tư tôi lay thân má và nói:

- Má oi! Má! Anh Ba với thằng Tông xuống thăm má nè má.

Tôi nghe tiếng má tôi yếu ớt thốt ra:

- Ư ! Ơ !

Rồi má vẫn nằm im, chị Ba tôi bảo với tôi:

- Em nằm bên cạnh má đi !

Thế là tôi lên bộ ván ngựa, nằm bên cạnh má tôi. Tôi không còn nhớ được lúc đó tôi nghĩ gì.

Mọi chuyện tôi không còn nhớ rõ lắm. Cho đến lúc nào đó anh Hai Thâm, xưa kia là con nuôi của má tôi nói trong nghẹn ngào:

- Cô Tư đã mất rồi !

Có ai đó hỏi:

- Bây giờ là mấy giờ.

Thời đó ban đêm trong chùa thắp đèn dầu leo lét. không ai có đồng hồ đeo tay, trong chùa có nuôi một anh mù chừng 30 tuổi, anh đi lại cái đồng hồ treo trên cây cột, gần bộ ván má tôi nằm, anh lấy tay rờ rồi nói:

- Đúng mười giờ !

Có ai đó hướng dẫn, chị em tôi ra chánh điện đốt hương, lễ Phật và cầu nguyện cho mẹ tôi được siêu thoát.

Từ đó cho đến 5 giờ sáng không ai ngủ, mọi người đều thức, đến 5 giờ anh Năm tôi và tôi ra Long Xuyên, anh Năm tôi v nhà lo hậu sự cho má tôi, còn tôi đi lên Châu Đốc báo tin cho chú tôi biết má tôi đã mất. Tôi không gặp chú vì chú đi dạy, nên báo cho thím biết rồi tôi đi về.

Về tới nhà, thấy má tôi được đặt nằm ở bộ ván phía dưới, chớ không đặt ở bộ ván giữa nhà, trên người má tôi có đắp cái mền, trên cái mền đó chỗ ngực má tôi đặt một nãi chuối lá Xiêm, ngoài sân mấy chú thợ mộc bà con đang rà lại cái hòm gỗ mới nhắc về, mấy cô, thím đang gắp rút may áo quần tang chế.

Một lúc sau chú Tám tôi về, Dượng Tư tôi từ Thị Đam xuống, Cô Dượng Sáu tôi từ Hang Tra ra, Cô Năm tôi nhà ở trên chợ làng xuống. Dì Ba, Dì Năm, Mợ Hai tôi từ Phú Hòa lên. Nói chung là thân tộc có mặt đầy đủ. Lễ phát tang bắt đầu khoảng 11 giờ trưa. Đến khoảng hơn 4 giờ chiều thì Di quan, vì là mùa nước nổi, nên quan tài mẹ tôi được đưa đi bằng chiếc xuồng có 2 người bơi, trên xuồng chỉ có anh Năm tôi ngồi phía trước quan tài, bưng một cái khay, trong khai có đặt lư hương, bình hoa và cái chung cúng nước. Xuồng chỡ quan tài bơi trên sông, còn những thân tộc đều đi bộ, từ nhà đến nghĩa trang gia đình không xa hơn 1 cây số. Nghĩa trang gia đình nằm trong khu đất có vườn cây dầu, là khu đất cao, nên không bị nước ngập.

Chôn cất má tôi xong, về tới nhà thì khách khứa đã về hết, chỉ còn bác Hai tôi nhà gần đó nên bác ở lại, chỉ chỗ cho anh Ba và anh Năm tôi đặt bàn thờ tang cho má tôi. Cũng căn nhà đó, chỉ vắng một người thấy nó như quạnh hiu, trống trơn mênh mông. Khuya đó chừng 5 giờ sáng, tôi được đưa sang sông, đón xe anh Ba Tịnh chạy, để lên Châu Đốc, trở lại trường học.

Tôi nhớ sau khi cha tôi mất, một hôm tôi làm lỗi chi đó, bây giờ tôi quên chỉ nhớ má tôi cầm roi, gọi tôi rồi bảo:

- Vô nhà nằm xuống, má phải đánh con mấy roi về chuyện nầy !

Nghe vậy, tôi bỏ chạy trốn má tôi, tránh bị trận đòn đó.

Sau nầy cho đến nay, tôi luôn ân hận vì đã không nghe lời mẹ, không nằm xuống chịu đòn cho mẹ đánh, thật là bất hiếu.  

Từ nhỏ cho đến lớn, má tôi chưa hề đánh tôi bạt tay hay roi nào hết. Bị đòn là cha tôi đánh, ông đánh không muốn ai can, không muốn nghe tiếng khóc. Càng khóc càng bị đòn nhiều hơn, ai can ngăn cũng bị đòn nhiều hơn. Cho nên mỗi lần anh em tôi bị đòn. Má và cô tôi có mặt ở nhà thì tránh đi chỗ khác, không bao giờ can ngăn.

Chuyện tôi chạy trốn để khỏi bị má đánh đòn, tôi cho là mình nhỏ dại làm điều bất hiếu, sau đó có muốn để cho má đánh đòn cũng không được vì má đã mất rồi.

Tôi nhớ có đọc ở đâu đó về câu chuyện: Có một người đàn ông trung niên, thỉnh thoảng bị mẹ bắt nằm xuống mẹ đánh đòn vì làm lỗi. Người đó không hề khóc, nhận roi vọt cho vừa lòng mẹ. Một hôm anh ta bị mẹ đánh đòn, chịu đòn xong, anh ta khóc. Bà mẹ lấy làm lạ, hỏi con:

- Sao hôm nay mẹ đánh đòn con, đau lắm hay là oan ức mà con khóc ?

Anh ta vừa khọc vừa trả lời:

- Không phải vậy đâu mẹ ! Con bị đòn là đáng tội như những lần trước con cam chịu. Nhưng lần nầy con khóc, vì roi vọt của mẹ nhẹ hơn những lần trước, con nghĩ mẹ không được khỏe vì tuổi đã già, nên con khóc vì thương cho mẹ đó!

Tôi cứ nghĩ đó là một trong Nhị Thập Tứ Hiếu, nhưng có thì giờ xem lại thì không phải, trong sách nầy chỉ có Truyện 17 như sau:

Lão Lai Tử là người ở nước Sở, sinh vào đời Xuân Thu, đã 70 tuổi mà cha mẹ vẫn còn sống, ông thờ cha mẹ rất có hiếu. Không muốn cha mẹ thấy con già nua mà lo buồn, ông thường mặc áo sặc sỡ, rồi tay múa miệng hát trước mắt cha mẹ. 


Lại có khi bưng nước hầu cha mẹ, ông giả vờ trợt té rồi ngồi khóc oa oa trước mặt cha mẹ như trẻ nít mới lên năm lên ba vậy. Cha mẹ vui cười trước trò ngộ nghĩnh của con mình.


Thế nên có thơ rằng: 


Hý Vũ học Kiều sy

Xuân phong động thái y
Song thân khai khẩu tiếu,
Hỷ sắc mãn đình vi.


Diễn nghĩa:

Chơi đùa như con trẻ,

Gió xuân động áo hoa.

Cha mẹ già ưa thích,

Niềm vui rộn cửa nhà.

 

Còn việc má tôi nằm dưỡng bệnh trong chùa, theo sự suy đoán của tôi ngày nay như sau: Phía trước Chùa là con lộ, qua khỏi con lộ là con rạch Bờ AoBao quanh chùa 2 trong 3  cạnh còn lại là đất của Dì Ba và Mợ Ba tôi, cả 2 miếng đất đó xưa kia là của ông Cố ngoại tôi. Có lẽ ngày xưa ông bà cố tôi cho người nào đó cất một cái Am, về sau trở thành Chùa, mẹ tôi lúc nhỏ đã quy y tại chùa nầy và chính vì thế mà mẹ tôi được nằm trong chùa dưỡng bệnh, nghe kinh. Mẹ tôi được Chùa  đối xử như là con cháu của một thí chủ

Tôi nghe cô tôi kể lại, Bà Nội mất quàng lại 7 ngày, gia đình sắp xếp, mỗi ngày có 1 thông gia đi viếng tang, dịp nầy tế một con heo. Đến cha tôi mất buổi chiều hôm trước, trưa hôm sau chôn cất. Má tôi mất tối hôm trước, chiều hôm sau chôn cất. Bà nội tôi là cháu nội của quan phủ hồi hưu, cháu họ của ông Dương Văn Hóa, người lập làng Bình Lâm, Tổng Định Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Long Xuyên,  nay là làng Bình Thủy huyện Châu Phú tỉnh An Giang, có con làm thầy giáo, nên muốn làm đám tang rỡ ràng, đưa quan tài đi bằng nhà giàng, mượn của ông bá hộ Phạm Phú Quí, dinh thự của ông ta bên khia sông. Đám tang có giàn nhạc lễ và học trò lễ.

Nhà giàng đưa quan tài bà nội tôi đi chôn cất năm 1937

Có lẽ sau nầy, gia đình thấm nhuần đạo Phật, sợ tội phước, nhân quả, nên đám tang không còn làm rình rang. Người chết trong 3 ngày thì cứ chôn cất không cần coi ngày tốt, xấu.

866412-5-2023





Wednesday, May 10, 2023

Vài sai lầm cần biết và nên tránh

 Trong đời sống hàng ngày có vài vấn đề cần biết, để tránh những sai lầm về văn hóa, phong tục, …

Tôi nhớ lúc còn đi học vào thập niên 1950, trong văn chương cũng như báo chí người ta thường viết hai chữ sáng lạng. Thí dụ như làm như thế tương lai sẽ sáng lạng hơn, nhưng trong thập niên 1960, có người nào đó cho biết rằng chữ Sáng lạng đó từ Hán Việt nó chính là chữ xán lạn   giản thể  . Từ đó nhà văn cũng như nhà báo và ở học đường phải sửa đổi từ chữ sáng lạng ra xán lạn cho đúng với bản gốc của nó.

Gần đây, có lẽ từ thập niên 2010, Internet bùng phát, nhiều người trẻ dùng điện thoại để giải trí, để sáng tác trên Blog hay Vlog có người dùng từ Thi Thoảng để chỉ cho việc chi đó lâu lâu lập lại mà gốc của nó là Thỉnh Thoảng, không hiểu người ta nghĩ sao mà có một số người cũng dùng theo mà không biết rằng trong ngôn ngữ Việt, trong Từ điển không có từ Thi Thoảng, chỉ có Thỉnh Thoảng mà thôi. Cho nên đừng thấy người ta dùng mà mình dùng theo, nhất là giới trể họ thường sáng chế ra những từ mới lạ để đùa vui.

Tôi thấy trong những dịp lễ truyền thống như ngày Tết, ngày lễ hỏi, lễ cưới trong gia đình, đi cúng Đình, Miếu hoặc Giỗ Chạp trong gia đình, cũng như mừng Thọ, người ta thường mặc lễ phục, cho nên năm 60 tuổi, tôi cũng may một cái áo dài, một cái khăn đóng, khi đó tôi phải tìm hiểu xem áo dài cũng như khăn đóng phải may hay mua sắm ra sao ?

Về áo dài người xưa quy định, màu đỏ dành cho những vị thần linh như Thần Tài, Thần hoàng. Màu vàng dành cho vua chúa hay hoàng phái. Người thường mặc áo các màu còn lại thường là xanh, đen. Áo dài chỉ nên dài xuống dưới đầu gối chừng 3 lóng tay, không nên dài lê thê thành ra áo dài của phụ nữ. Nút thì đơm 5 cái từ cổ xuống tới thắt lưng.

 Về khăn đội đầu gọi là khăn đóng, thường dùng màu phù hợp với áo hoặc là dùng màu đen cho tất cả màu áo. Khăn đóng hoặc là có 5 lớp hoặc là có 7 lớp. Với 5 lớp tượng trưng cho Ngũ thường là “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”. Còn 7 lớp tương trưng cho câu chữ : “Thất phu hữu trách”. Ở lớp dưới cùng, phía trước có gắn thêm 1 trong 3 chữ : Chữ nhất, dành cho vua chúa, chữ Nhân và chữ Nhập đành cho mọi người. Phía trên cái khăn có 3 trường hợp: Một là để tróng trơn, hai là có một miếng vải che chừng bằng bàn tay, để che cái búi tóc; ba là có miếng vải che kín hết ở bên trên.

Có những người mừng sinh nhật mặc áo màu đỏ, có người mặc áo màu vàng, để cho khác lạ, nhưng chúng ta nhớ rằng màu đỏ dành cho thần linh, màu vàng dành cho vua chúa. Chúng ta muốn giữ truyền thống, lễ nghĩa mà không tôn trọng những quy định cổ truyền đó, hóa ra chúng ta phá hết phong tục, lễ nghi, vô tình làm trò cười cho thiên hạ, như anh hề trên sân kháu.

Màu sắc áo dài của Nam giới

Mong rằng những ai muốn gìn giũ phong tục, lễ nghi cổ truyền nên hiểu về những uớc lệ, những phong tục đã có từ xưa, để làm cho nền văn hóa, phong tục cổ truyền ngày càng rạng rỡ hơn.

866410052023





Monday, February 6, 2023

Một ngày giữa thực và hư, dĩ vãng và hiện tại, quên và nhớ.

Từ hôm qua, trong đầu tôi bị quên lãng, tôi cho là lạ kỳ và có những thứ cũng kỳ lạ đến với tôi. Bắt đầu từ đâu?

Có một anh cựu học sinh Trường Trung học Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ, vài tháng trước, chính xác là ngày 20-11-2022, các cựu học sinh có họp mặt lấy danh nghĩa là Tri ân Thầy Cô nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam, tôi có tham dự do cô cựu học sinh cùng họ nhận tôi là bố mời dự ở nhà hàng Đông Hồ đường Cao Thắng nối dài Q.10 Tp. HCM.

Trong buổi họp mặt có một số Thầy Cô giáo được mời tới dự, nhiều cựu học sinh tham dự, sau khi ra về tôi bỗng nhớ không có anh Tạ Trung Hiếu tham dự, khi về Mỹ hôm nào đó, tôi có gửi email hỏi Hiếu, Hiếu trả lời là hôm đó đi du lịch ở Hạ Long hay Nha Trang chi đó, tiếp theo đó trong tuần vừa qua, sau Tết Nguyên đán Quý Mão, tôi lại nhớ thường Hiếu đi dự luôn đi với 2 em cựu học sinh khác, tôi tự cho là bộ ba, khi đi dự thì có cả 3, mà khi vắng thì cả 3 cùng vắng mặt, nên tôi muốn email hỏi Hiếu 2 em kia tên là chi, nhưng tôi không nhớ địa chỉ email của Hiếu, thường như vậy mở phần email ra, gõ vào khoản To: tên của người mình muốn gửi email, máy sẽ trưng ra nhiều địa chỉ email có tên Hiếu, nhưng tuyệt nhiên không có của Tạ Trung Hiếu mà tôi muốn tìm.

Tôi phải email nhờ một anh ở Sàigòn tìm dùm cho tôi địa chỉ email của Tạ Trung Hiếu, may mà anh nầy có và đã cho tôi địa chỉ email của Hiếu, tôi đã liên lạc được và biết tên 2 anh kia do Hiếu cho biết là Tô Vĩnh Khoa và Trương Anh Dũng

Trong khi tìm địa chỉ email, có lúc tôi thấy bài hát Người ở lại Charlie của Trần Thiện Thanh, tôi gõ tìm Charlie rồi trên máy đưa tôi đến youtube của Tung Tăng Khắp Miền với Đồi Sạc Ly người nằm lại sau 50 năm Mùa hè đỏ lửa 1972 nay ra sao. Xem xong tôi thấy buồn quá, chiến tranh ở đó chỉ trong mấy ngày mà cả Nam, Bắc có chừng 500 quân nhân đã bỏ mình vĩnh viễn tại đó, trong đó có Thiếu Tá Nguyễn Đình Bảo Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 11 Dù và tôi nhớ tới nhà văn Phan Nhật Nam kể về anh chàng Thiếu Tá cố vấn Đỗ Phủ, tôi gõ tìm anh ta và đã thấy có Video Clip Trung Tá VNCH Nguyễn Đình Bảo người ở lại Charlie của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Người quay phim và thuyết minh rất rõ ràng và am tường về thời đó, đáng khen ngợi anh ta cũng như người đồng bào Dao đưa anh ta đi, họ đã đốt những nén hương tưởng nhớ cả binh sĩ miền Bắc và Nam.

Với Video Clip nêu trên, tôi lại đi tìm xem ông Đỗ Phủ (Duffy) ngày nay ra sao ? Tôi tìm thấy bài Tổng Thống Biden tặng huân chương cho 4 binh sĩ tham chiến tại Việt Nam, trong đó có cựu Thiếu Tá Duffy tại Nhà Trắng ngày 5-7-2022.

Với Trung Tá Nguyễn Đình Bảo với nhà văn Phan Nhật Nam, tôi nhớ đến Binh Chủng Nhảy Dù, có một em cựu học sinh của Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ là Lê Quốc Nam, em thi đậu vào Trường Kỹ Thuật Phước Tuy, rồi chuyển về Nguyễn Trường Tộ do Thầy Nguyễn Anh Dõng có người bạn là Thiếu Tá An Ninh của Binh Chủng Nhảy Dù xin chuyển trường, tôi cố nhớ mãi 2 ngày, chiều tối hôm qua tự nhiên tên anh ta bật ra trong trí tôi. Đó là Thiếu Tá Trực, sau nầy anh sinh sống ở Virginia, Mỹ, nay không rõ ra sao, còn Lê Quốc Nam hình như đã mất rồi.

Về Thiếu tá Trực, tiếc rằng tôi không thể nhớ họ của anh ta, nhưng tôi khó quên những chi anh ta đối với tôi. Chúng ta nhớ rằng trước 1975, Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn Dù đóng ở Vùng I, hình như ở Quảng Trị, Tư Lệnh là Chuẩn Tướng Lê Quang Lưỡng, thân phụ của em Lê Quốc Nam, thỉnh thoảng ông tướng về Sàigòn, anh Trực lại báo cho tôi biết là ông Tướng mời đi ăn, có khi ở nhà hàng Đại La Thiên trong Chợ Lớn, có khi tại Đệ Nhứt Khách Sạn ở Tân Sơn Nhất, nhưng vào tiệc anh Trực nói: “Xin lỗi vì ông Tướng bận không đến dự được, xin anh em cứ tự nhiên.”

Tôi không hiểu do đâu, trong máy vi tính tôi thấy có cái file PDF Hồi ký của Thiếu Tướng Lê Quang Lưỡng, nên tôi mở ra đọc vì nó chỉ có 7 trang. Tưởng nên đọc cho biết. Có một điều rất quan trọng mà Tướng Trưởng không viết ra, quyết chết mang theo.

Cũng trong thời gian nầy, tôi đọc những bài về Khe Sanh, về Đồi Charlie, tôi đọc  được bài Giữa thực và ảo: Thực tại núi rừng Khe Sanh và thế giới internet của Nguyễn Hữu Liêm đăng trên Trang Mạng báo Saigòn Nhỏ ngày 4-2-2023, bài viết đáng đọc, đáng suy gẫm giữa thực và ảo, giữa hiện tại và dĩ vãng như tôi đang liên lạc với Tạ Trung Hiếu, đọc Đồi Charlie với cố Trung Tá Nguyễn Đình Bảo tử trận tại đây ngày 12-4-1972, Thiếu Tá hồi hưu John J. Duffy được trao huân chương cao quý nhất nước Mỹ ngày 5-7-2022. Có kênh Hồi Ức Việt Sử với Video Clip Trung Tá VNCH Nguyễn Đình Bảo người ở lại Charlie của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, cho chúng ta thấy vì tinh thần đồng đội, khiến cho Thiếu Tá Duffy nhảy xuống lúc Thiếu tá Hải Ban 3 của Tiểu Đoàn 11 Dù, bị thương rớt xuống từ trên cao 3 mét, trong khi trực thăng đang bay lên.  

Mọi chuyện đan xen vào nhau.

 


Tạ Trung Hiếu, Tô Vĩnh Khoa, Trương Anh Dũng

866406022023

 

Tuesday, January 31, 2023

Bùi Thế Mỹ

Lan Đình - Bùi Thế Mỹ (1904-1943)

Bùi Thế Mỹ thuộc dòng dõi tộc Bùi, một dòng tộc nổi tiếng của huyện Duy Xuyên. Bùi Thế Mỹ sinh năm 1904, con trai trưởng của cụ Bùi Thiện quê gốc làng Vĩnh Trinh nhưng tổ tiên di cư lên sống ở làng Phú Nhuận, xã Đông An (nay là xã Duy Tân, Duy Xuyên). Bùi Thế Mỹ lại được sinh ra và lớn ở quê ngoại, làng Bảo An, phủ Điện Bàn (nay là xã Điện Trung, Điện Bàn). Mẹ ông là bà Phan Thị Duyên, con gái tộc Phan làng Bảo An, một dòng tộc khoa bảng hàng đầu của Quảng Nam. Bà là em gái của nhà cách mạng Phan Thành Tài (1878 - 1916).

Được hưởng truyền thống của hai gia tộc lừng lẫy, từ nhỏ Bùi Thế Mỹ đã tỏ ra rất thông minh, đĩnh ngộ. Sau khi học xong chương trình trung học với tấm bằng Thành chung, năm 1923, Bùi Thế Mỹ vào Sài Gòn dạy học và làm báo, viết văn.

Ông từng thay Trần Huy Liệu chủ trương tờ Đông Pháp thời báo, rồi sau đó làm chủ bút các tờ Trung lập, Tân thế kỷ, Thần chung và chủ nhiệm tờ Dân báo, tờ báo ông theo đuổi đến cuối đời. Ông ký các bút danh Hy Tô, Thông Reo và Lan Đình.

Trong thời gian làm chủ bút tờ Đông Pháp thời báo và tờ Trung lập, Bùi Thế Mỹ đã cùng Phan Khôi xây dựng “Phụ trang văn chương”. Mục này bước đầu giới thiệu khái quát văn học sử Việt Nam, các lý luận văn nghệ, giới thiệu văn chương nước ngoài, vấn đề đạo văn, vấn đề “nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh”… Mục Phụ trang văn chương được nhiệt liệt hoan nghênh tạo nên một dấu ấn về mặt văn học của báo chí!

Bùi Thế Mỹ là nhà báo yêu nước. Những tờ báo mà ông cộng tác hoặc đứng ra thành lập là những tờ báo tiến bộ, có uy tín ở Sài Gòn thời bấy giờ luôn thể hiện quan điểm yêu nước, đứng về phía nhân dân.

Mặc dầu là nhà báo nổi tiếng, cuối đời Bùi Thế Mỹ vẫn cảm thấy chưa hài lòng vì ông cho rằng mình là nhà báo “tay ngang” nên chưa có được những tác phẩm báo chí để đời!

Người ta nói rằng, sự nghiệp văn chương báo chí của ông đạt được như vậy, có phần đóng góp công sức của người bạn đời của ông là nữ sĩ Phương Lan, tục danh là Nguyễn Thị Lánh, tục gọi cô giáo Lánh, người cùng quê với danh nhân Tôn Đức Thắng (Cù lao ông Hổ, Long Xuyên, An Giang).

Bùi Thế Mỹ mất ngày 27.3.1943 tại Sài Gòn, hưởng dương 39 tuổi.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã có câu đối viếng ông:

Quốc văn báo giới nhị thập tải vu kim, đương đắc bằng trù thôi lão kiện;

Nguyệt đán châu bình Ngũ Hành Sơn du tích, khẳng giao bút thiệp khuất nhân tài.

Phú Bình dịch ý:

(Trong) Đội ngũ những người hoạt động báo giới quốc văn hai mươi năm nay, (ai cũng đồng lòng) ca ngợi anh (Bùi Thế Mỹ) là tay già dặn;

(Đọc) những bài bình luận - phê bình sắc sảo của người xứ Quảng này để lại, (ai cũng) thừa nhận làng báo từ nay đã vắng một nhân tài.

Tác phẩm:

- Trà hoa vũ (dịch từ La Dame aux camélias của Alexandre Dumas fils (1824-1895).
- Vai tuồng của nhà gõ đầu trẻ. (Khảo luận)

Trong Những văn nhân chính khách một thời, Thiếu Sơn đã nghiền ngẫm về bài học của mình rút ra từ cuộc đời của gần năm mươi danh nhân như Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn An Ninh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh..., trong đó có Bài học Bùi Thế Mỹ: “Tôi không nhớ anh chết năm nào. Nếu tôi không lầm thì anh tuổi Thìn và chết hồi anh mới 39 tuổi. Anh đau cả tháng rồi mới chết. Tôi thường ra thăm anh ở tư gia. Mới đầu anh còn viết được. Sau anh không viết được nữa. Tất cả mọi việc đều một tay vợ anh quán xuyến. Người anh đã nhỏ con, ốm yếu mà càng ngày càng ốm, càng xanh. Mỗi lần tôi ra thăm anh về là mỗi lần ngậm ngùi chán nản”.

Ông Thái Văn Kiểm trong Dòng thời gian đã viết: “Bùi Thế Mỹ là một ký giả cự phách của làng báo Nam Việt trong thời kỳ tiền chiến, một kiện tướng thuộc thế hệ Nguyễn Phan Long, Diệp Văn Kỳ, Đào Trinh Nhứt, Nguyễn Khắc Hiếu, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Bá... những chiến sĩ có lý tưởng quốc gia, muốn dùng ngòi bút để phổ biến tư tưởng tự do, dân chủ, trình bày lập trường của dân tộc đang bị đô hộ, muốn đập tan xiềng xích, vươn mình lên sống mạnh theo truyền thống của một dân tộc từng có lịch sử vẻ vang”.

Vinh danh Bùi Thế Mỹ, hiện nay trên cả nước, nhiều nơi có đường phố mang tên ông.

Bùi Thế Mỹ là nhà báo tài danh và yêu nước, thể hiện ở những tờ báo mà ông cộng tác hoặc điều hành. Đó là những tờ báo lớn, có uy tín, có số bạn đọc đông đảo và có nghiệp vụ cao và cũng là những tờ báo “đối lập”, luôn đứng trên lập trường quốc gia dân tộc, đứng về phía đa số quần chúng, bảo vệ cho quyền lợi của người nghèo, người lao động. Đó là các báo: Trung lập, Thần chung, Tân thế kỷ, Đông Pháp thời báo và Dân báo. Đọc những nhận xét về các tờ báo mà ông điều hành hay cộng tác là cách gián tiếp nghe một số đánh giá về ông:

Theo ông Huỳnh Văn Tòng, Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945. “Trung lập báo là tờ báo phát hành 15.000 tờ một ngày, đứng đầu các nhật báo ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Tờ báo có cách trình bày đẹp trội hơn các đồng nghiệp khác”.

Tài liệu tham khảo:

- Bùi Thế Mỹ Web: https://baoquangnam.vn/nhan-vat/bui-the-my-nha-bao-tien-phong-nguoi-quang-113542.html

866432012023

 

Wednesday, January 25, 2023

Manh Manh Nữ Sĩ

Manh Manh - Nguyễn Thị Kiêm (1914-2005)

Manh Manh hay Nguyễn Thị Manh Manh (chữ Hán阮氏萌萌) là một nữ sĩ Việt Nam thời tiền chiến. Theo tài liệu thì bà là người phụ nữ đầu tiên đã đăng thơ, viết bài, đăng đàn diễn thuyết hô hào cho phong trào thơ mới tại Việt Nam.

Nữ sĩ tên thật là Nguyễn Thị Kiêm (阮氏兼), sinh ngày 3 tháng 1 năm 1914 tại Sài Gòn, nhưng quê quán của bà ở tỉnh Gò Công (nay thuộc Tiền Giang). Bà là con gái thứ của Tri huyện Nguyễn Đình Trị, tục danh Huyện Trị, cũng là một cây bút trong làng báo lúc bấy giờ. Ông Trị từng là chủ huyện Lái Thiêu, Thủ Dầu Một, nghị viên hội đồng thành phố chung "sổ" (liên danh tranh cử) với giáo sư Nguyễn Văn Bá, chủ bút báo Công Luận thời Diệp Văn Kỳ, Thần Chung. Ông Trị cũng là "bầu" của đội bóng đá Ngôi Sao Xanh và sau đó đội Ngôi Sao Gia Định lừng lẫy một thời.

Thuở nhỏ học ở Gò Công, sau khi học hết bậc tiểu học, bà được theo học ở trường Collèges des jeunes filles indigènes: Trung học Thiếu nữ Bản xứ Sau đổi tên là Collèges des Jeunes filles Annamites de Saigon: Nữ Trung học An Nam Sàigòn. Thời đó nữ sinh trường nầy phải mặc đồng phục áo dài màu tím, nên người ta gọi là Trường Áo Tím, đến năm 1949 đổi tên thành Collège Gia Long, rồi Lycée Gia Long, sau 1975 đổi tên thành Trung học Nguyễn Thị Minh Khai.

Khoảng năm 1931-1932, sau khi tốt nghiệp bằng Thành chung ban Sư phạm (Cour de pedagorie hay Section Normal), bà được giữ lại trường để dạy học, nên gia nhập làng báo Sài Gòn. Bà thường xuyên cộng tác với tờ Phụ nữ tân văn ở Sàigòn do ông Nguyễn Đức Nhuận (1900-1968) làm Chủ nhiệm vợ ông bà Cao Thị Khanh (1900-1962) làm Chủ bút, và lần lượt viết cho các tờ báo khác như: Công luận, Nữ lưu...

Ban đầu bà chỉ là phóng viên thường, viết các mục nhỏ với bút hiệu YM, Nguyễn Văn MYM. Sau khi Phan Khôi đăng bài thơ Tình già (Phụ Nữ Tân Văn số 122 ngày 10-3-1932) thì tên tuổi bà sáng lên qua bút danh Nguyễn Thị Manh Manh hoặc tên thật khi ủng hộ Thơ mới và cổ vũ cho nữ quyền. Sau đó, nữ sĩ còn đăng đàn diễn thuyết cổ vũ cho phong trào này. GS.Phan Cự Đệ kể:


..."Cuộc tấn công của "thơ mới" vào "thơ cũ" ngày càng quyết liệt. Tối ngày 26 tháng 7 năm 1933, Nguyễn Thị Kiêm (tức nữ sĩ Manh Manh, khi ấy mới 19 tuổi) diễn thuyết tại Hội Khuyến học Sài Gòn về "Lối thơ mới". Hội này thành lập đã 25 năm mới có một buổi phụ nữ lên diễn đàn, mà cũng là buổi đông thính giả nhất. Hơn hai năm sau (tháng 11 năm 1935), Nguyễn Thị Kiêm lại diễn thuyết một lần nữa tại Hội Khuyến học Sài Gòn. Lần này, bà và ông Nguyễn Văn Hạnh cùng diễn thuyết tranh luận về "thơ mới"...

 

Không chỉ bảo vệ thơ mới, nữ sĩ Manh Manh còn là một chiến sĩ đòi giải phóng phụ nữ, bình quyền với nam giới. Đáng tiếc, cuối năm 1934, tờ Phụ Nữ Tân Văn đình bản, bà Kiêm mất chỗ dựa, phong trào cổ vũ Thơ mới và đấu tranh cho nữ quyền của bà bị xẹp xuống. Và bà trở thành một nhà báo bình thường cộng tác với một số báo đương thời. Sở trường của bà là phỏng vấn. Tuy vậy, bà cũng viết nhiều bài phê bình, ghi chép... TS. Phan Văn Hoàng viết: 


"Chị đả kích các tập tục hủ bại như trọng nam khinh nữ, tảo hôn, đa thê..., bênh vực những quyền lợi chính đáng của nữ giới. Trong năm 1934, chị đã đi tới 4 thành phố (Huế, Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng) để diễn thuyết các đề tài: "Dư luận nam giới đối với phụ nữ tiên tiến", "Một ngày của một người đàn bà tiên tiến", "Có nên tự do kết hôn chăng?", "Nên bỏ chế độ đa thê không"? Ý tưởng của chị trong các buổi diễn thuyết đó đã tạo ra trong xã hội hai luồng dư luận trái chiều (tán thành và phản đối) phản ảnh qua báo chí trong Nam ngoài Bắc..."
 

Năm 1936, nữ sĩ Manh Manh còn tích cực tham gia phong trào Đông Dương đại hội. Tuy mới 22 tuổi, nhưng nữ sĩ là một trong hai phụ nữ được cử vào Ủy ban lâm thời tổ chức Đông Dương đại hội tại Sài Gòn, bên cạnh các nhân vật nổi tiếng thời đó như Nguyễn An NinhTrịnh Đình ThảoNguyễn Văn TạoNguyễn Văn NguyễnTạ Thu ThâuPhan Văn Hùm... 

Ngày mồng 1 tháng 10 năm Bính Tý (tức 11 tháng 11 năm 1937), nữ sĩ thành hôn với ông Trương Văn Em, người Hà Tiên, một nhà giáo dạy Việt văn ở trường Trung học Huỳnh Khương Ninh, Sài Gòn, đồng thời cũng là một nhà báo với bút hiệu Lư Khê. Nhưng họ sống với nhau không lâu. Sau khi đứa con đầu lòng mất và bà không thể có con được nữa, hai người thỏa thuận chia tay.  

Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt (em út Lư Khê, gọi nữ sĩ Manh Manh là chị dâu) kể:

..."Chị (Manh Manh) cư xử với nhà chồng rất tốt, được bên chồng yêu quý. Chị là thứ nữ của ông Huyện Trị, còn anh Lư Khê là con nhà nghèo ở Rạch Vược (Hà Tiên)...Song, chị không hợm mình, lúc nào chị cũng quý trọng người nghèo rất thật tình, không màu mè, không phân biệt giai cấp. Chị thường viết báo hoặc diễn thuyết bênh vực dân nghèo...Khi sinh bé Mi Nu, chị Kiêm bị sự cố không may, mất khả năng sinh sản. Năm sau, bé Mi Nu (bị liệt từ lúc mới sinh) qua đời...chị Kiêm vô cùng buồn, chị thỏa thuận cho anh có người khác...Đầu năm 1945, trước ngày Nhật đảo chính Pháp, anh Lư Khê có người vợ thứ hai... 

Theo TS. Phan Văn Hoàng kể chi tiết:  

"Đầu năm 1950, chị sang Pháp định cư. Bặt vô âm tín. Nhưng ở trong nước, tên tuổi và sự nghiệp của chị không bị lãng quên. Tháng 1 năm 1999, hai nhà nghiên cứu Thiện Mộc Lan và Thanh Việt Thanh cho xuất bản cuốn "Nữ sĩ Nguyễn Thị Manh Manh" (Nhà xuất bản Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh, 1999). Nhờ đọc cuốn sách ấy trong một chuyến về thăm quê hương, bà Bourbon Thi Hương (một Việt kiều ở Paris, bạn của chị) giúp nối lại liên lạc với chị. Nhận được cuốn sách có lời đề tặng của hai tác giả, chị xúc động nói: "Không ngờ nửa thế kỷ rồi mà những người bạn văn ở trong nước còn nhớ và viết về tôi". Lúc đó, chị đã 85 tuổi, đang sống trong nhà dưỡng lão ở Paris. Hơn 6 năm sau, chị trút hơi thở cuối cùng sau hơn nửa thế kỷ sống xa quê hương"  

Nữ sĩ Manh Manh qua đời trong một nhà dưỡng lão ở Paris vào ngày 26 tháng 1 năm 2005, thọ 91 tuổi. 

Tác phm: 

Nữ sĩ Manh Manh làm thơ rất ít, và chưa in tập thơ nào. 


Viếng phòng vắng, đăng báo Phụ nữ tân văn số Xuân, ra ngày 19 tháng 1 năm 1933.

Canh Tàn, trích trong bài diễn thuyết về Thơ mới tại Hội Khuyến học Sài Gòn ngày 26 tháng 7 năm 1933.

Hai cô thiếu nữ, đăng báo Phụ nữ tân văn1933.

Bức thư gửi cho tất cả ai ưa hay là ghét lối thơ mới, đăng báo Phụ nữ tân văn số 228, ra ngày 14 tháng 12 năm 1933.

Vấn đề Nữ lưu và Văn học. Đây là bài diễn thuyết, sau đăng báo Phụ nữ tân văn số 131, ra ngày 26 tháng 5 năm 1932. 

Giới thiệu một bài thơ mới của nữ sĩ

Trong cuộc diễn thuyết vào đêm 26 tháng 7 năm 1933 tại Hội Khuyến học Sài Gòn, nữ sĩ Manh Manh có "trưng ra làm điển hình" một bài thơ mới của mình như sau:

Canh tàn

Em ơi, nghe lóng nghe
Gió đêm thoáng qua cửa...
Lụn tàn một góc lửa,
Lạnh ngắt chốn buồng the.
Gió đêm thoáng qua cửa...
Não dạ dế tỉ te
Lạnh ngắt chốn buồng the...
Em ơi, khêu chút lửa.
Não dạ dế tỉ te
Gió ru! "...thiết chi nữa..."
Em ơi, khêu chút lửa
Rồi lại ngồi đây nghe.
Gió ru: "...thiết chi nữa..."
Sụt sùi mấy cành tre
Em ngồi đây có nghe
Tơ lòng chị đứt nữa.


Hình ảnh Manh Manh - Nguyễn Thị Kiêm diễn thuyết tại Hội Khuyến Học Sàigòn ngày 26-7-1933

Sự cổ vũ nồng nhiệt của nữ sĩ Manh Manh về "thơ mới", đã được Hoài Thanh-Hoài Chân kể lại trong cuốn Thi nhân Việt Nam (xuất bản năm 1941), như sau:

..."Từ hai tháng trước, hôm 26 juillet (tháng 7) 1933, một nữ sĩ có tài và có gan, cô Nguyễn Thị Kiêm, đã lên diễn đàn Hội Khuyến học Sài Gòn thành lập đến bấy giờ đã 25 năm. Lần thứ nhất một bạn gái lên diễn đàn và cũng là lần thứ nhất có một cuộc diễn thuyết được đông người nghe như thế"...

Ghi nhận công lao của nữ sĩ, trong Việt Nam thi nhân tiền chiến (quyển thượng) có đoạn:

..."Trong hồi dậy men của nền thơ mới, nữ sĩ Manh Manh là người đàn bà đầu tiên đáp ứng tiếng gọi đàn của nhà tiên phong Phan Khôi...Chúng ta ngày nay nhìn lại việc qua, giữa cái cũ kỹ từ nghìn đời sừng sững như cổ thành kiên cố; thế mà, bỗng chốc, một Phan Khôi táo bạo nổ phát súng cách mạng thi ca; người nữ chiến sĩ tiền phong anh dũng và hăng say hoạt động để bảo vệ và củng cố nền tảng thơ mới bén rễ và sống mạnh, ta phải kể Nguyễn Thị Manh Manh, một tay đã đóng góp công lao không nhỏ cho nền văn học đất nước .

Tài liệu tham khảo:

- Manh Manh Web: vi.wikipedia

866424012023