Sunday, July 28, 2019

Đi xin ăn để trả hiếu cha mẹ

Vào đầu thập niên 1950, thuở niên thiếu, cha mẹ tôi còn sanh tiền, tôi còn nhỏ tuổi, nhà ở gần ngôi trường làng, đây là ngôi trường duy nhất trong làng, tôi không biết nó được xây cất từ năm nào, cùng giống như nhiều ngôi trường làng khác ở trong Nam, trường xây tường, lợp ngói móc, nền xây cao hơn sân chừng 3 tấc, lát gạch Tàu.

Trường cách xa nhà tôi chưa đầy 100 thước, nhưng thuở nhỏ đi học vở lòng, tôi không học trường nầy mà theo người chú là Trưởng giáo sang bên kia sông học với thầy Lê Văn Thọ, thầy gốc người Tân An, cả 2 ngôi trường đều xây cất giống nhau, có 3 lớp học và một gian nhỏ bên cạnh, để Trưởng giáo cư ngụ và trông nom trường.  


Trường tôi theo học có tên là École de Bình Mỹ, chỉ có 2 thầy giáo dạy học trò. Thầy tôi dạy lớp Élémentaire, chú tôi dạy 2 lớp nhập chung là Cour Moyen và Superieure, trai gái học chung, lớp tôi ngày nay tôi chỉ còn nhớ có cô The, lớp chú tôi có nhiều con gái hơn, nào là con của chú tôi nào là chị Phấn …

Còn trường làng tôi, cả 3 lớp đều có học trò. Bây giờ tôi mới hiểu làng tôi đông dân cư hơn, nó có một cù lao, đó là cù lao Năng gù có chừng 16 cây số vuông, cộng thêm một ấp Bình An là xóm Đạo nằm bên kia sông giáp với làng Bình Mỹ thuộc quận Châu Phủ tỉnh Châu Đốc, với làng Bình Hòa và Cần Đăng cùng với làng tôi Bình Thủy thuộc huyện Châu thành, tỉnh Long Xuyên.

Cho đến khi Nhật đão chánh Tây năm 1945, các thầy giáo dạy trường gần nhà tôi bỏ lớp, bỏ trường đi theo Thanh niên Tiền phong chống Pháp, giành độc lập, còn trường bên kia sông chú tôi, thầy tôi bỏ trường về tỉnh Châu Đốc dạy học. Tôi mới học “đánh vần ngược” thì bị thất học từ đó.

Trường làng gần nhà, các thầy đi theo kháng chiến hay họ trở về quê nhà tôi không rõ, chìa khóa trường giao cho cha tôi cất giữ, có lúc anh tôi và một người bạn lấy trường mở lớp dạy tư, được một thời gian vài tháng, anh tôi trốn nhà lên Sàigòn lập thân, người bạn anh tôi đi bán thuốc “Sơn Đông mãi võ” lấy hiệu là Hoài Sanh, chuyên bán ở vùng “sông nước miền Tây”.

Thuở đó trong làng, thuộc vùng Cù lao, gần như tôi biết hết mọi nhà, vì cha tôi là cháu chắt dòng họ Dương, có ông Dương Văn Hóa lập làng nầy, mộ ông chôn cất trong phần đất của bà Cố tôi, gần đây con cháu họ Dương lập phủ thờ, họ cải táng ông Dương Văn Hóa về Phủ thờ cất bên cạnh Đình làng.

Cha tôi từng giữ chức Hương Quản rồi Hương Sư, nên cha tôi biết hết dân cư trong làng, cha tôi có hôm nói với người quen: “Trong làng nầy, tôi không thể làm suôi với ai hết, vì không bà con bên nội cũng bà con bên ngoại.

Thời cha tôi làm làng không hiểu do đâu mà 12 ông Hội tề, mỗi ông commande một chiếc xe đạp từ bên Pháp gửi sang hiệu Saint-Etienne, do cha tôi cao, nên chiếc xe cao hơn hết, chỉ có chú Chín tôi là chiếc “xe máy đầm”. Tôi tập chạy xe khi còn nhỏ, phải lòn người qua “cái đòn dong”, nửa bên nây và nửa bên kia để chạy, xe không có thắng, muốn ngừng phải dùng bàn chân tựa vào sườn xe để đè ép võ xe lại.

Vì biết chạy xe đạp, nên cha tôi thường sai đi chỗ nọ, chỗ kia từ đầu làng cho đến cuối làng, hơn nữa nhà cha tôi có nuôi một bầy dê để lấy sửa uống, cho nên vào mùa nước nổi dê không thể ra đồng, tôi phải lùa dê ngoài đường lộ, cho chúng ăn những hàng me nước, người ta cũng gọi là me keo, thân và nhánh nó có gai, nên chìm dòng dọc thường làm ổ trên nhánh cây nầy, ổ của nó làm bằng những cọng cỏ kết lại, vì nó nặng nên nhánh cây bị rũ xuống, ổ có cái miệng thòng xuống như một chiếc vớ, trẻ con lấy ổ chim nầy xỏ vào chân làm chiếc vớ đùa nghịch. Cây me nước trồng lâu năm có trái, có loại ăn chát, có loại ăn ngọt, thân nó chỉ là gỗ tạp dùng làm củi, người ta thường trồng loại cây nầy làm hàng rào trước sân nhị 

Khoảng cuối thập niên 1940, có người bà con lấy trường mở lớp dạy tư, học trò đi học có người ở đầu làng cũng không thiếu người ở cuối làng, tôi cũng đi học lớp nầy, nên có nhiều bạn học. Nhờ đi công việc cho cha tôi, nhờ chăn dê, nhờ có bạn học, tôi biết được nhiều người, nhiều nhà trong làng.

Tôi có người cô, nhà cô ở phía dưới chợ, cách nhau chừng 300 thước, ngay sát cạnh nhà cô tôi có cái mương, thông từ Rạch Chanh ra Xép Năng Gù, ngày nay có tên là Mương Năm Đô, hắn là con thứ năm của cô tôi. Bên kia mương có một người, thuở nhỏ tôi biết ông ta đi xin ăn. Khi tôi lớn hơn một chút, khoảng 11, 12 tuổi ông ta không còn đi xin ăn nữa, không rõ vì trong gia đình có con lớn lên làm ăn đủ sống hay vì ông ta già yếu. Tôi không rõ lắm vì một năm có đôi ba lần tôi đến nhà cô tôi ăn giỗ hay ngày tư ngày Tết, chuyện chòm xóm của cô tôi, tôi không hỏi, trừ có A Dậu, con chú Tư chệt Soạn, nhà bên cạnh phía dưới thỉnh thoảng tôi có hỏi, khi không thấy cô ấy sang chơi hoặc phụ giúp khi nhà có giỗ quãi.

Một hôm đi chơi về, thấy có người ăn xin mặc bộ bà ba đen, đầu đội nớn lá, tay xách bị giỏ bàng, tay cầm gậy đứng ngay cầu thang lên nhà, tôi đi vượt qua người ăn xin rồi vào gặp mẹ tôi trong nhà bếp, tôi báo cho mẹ biết:

- Má ơi ! Có người đàn ông đứng ở cầu thang nhà mình xin ăn.

Mẹ tôi nói không cần suy nghĩ:

- Thì vào xúc gạo cho người ta như mọi lần đi con.

Tôi nghe lời mẹ, lấy cái chén đi đến lu gạo đặt gần bồ lúa, xúc một chén đầy, đem ra cho người ăn xin. Khi người ăn xin dùng hai tay cầm hai quai cái giỏ bàng mở miệng giỏ ra để tôi đỗ gạo vào, tôi mới nhìn được mặt người ăn xin và nhận ra anh ta là con người ăn xin, hàng xóm của cô tôi.

Khi người ăn xin đi rồi, tôi thắc mắc cầm cái chén không kịp úp vào sóng chén, đến bên bếp hỏi mẹ tôi.

- Má ơi !

- Gì nữa con ?

- Con thấy anh ăn xin là con người ăn xin, hàng xóm của cô Năm. Con thắc mắc.

- Thắc mắc chi con ?

- Ba anh ấy trước kia ăn xin, nhưng lâu rồi con không thấy ông ta ăn xin nữa. Còn anh nầy ăn mặc lành lặn, không có gì chứng tỏ nghèo khó, sao anh ta lại đi ăn xin ?

- À ! Hình như ông ăn xin xóm giềng của cô Năm mất lầu rồi. Con của người ăn xin, đi ăn xin lúc nãy không phải anh ta nghèo đói, theo má biết anh ta đi xin ăn để cúng giỗ cha mình, anh ấy đi xin ăn để trả hiếu đó con.

Mẹ tôi nói làm cho tôi thắc mắc nên hỏi thêm:

- Đi xin của thiên hạ về cúng kiến cha mẹ mình, thì có gì mà trả hiếu má ?

Mẹ tôi suy nghĩ trả lời:

- Con còn nhỏ chưa hiểu được, đó là một phong tục của người ăn xin. Nhớ lời má nói hôm nay, khi lớn lên con mới hiểu phong tục trả hiếu nầy.

Vài năm sau, năm 1956 nhà báo Anh Phương Trần Văn Ngà làm huấn luyện viên thể dục thể thao, hướng dẫn chúng tôi là học sinh Trường Thủ Khoa Nghĩa, Trường Nam, Trường Nữ tỉnh lỵ Châu Đốc đi trại Hè Vũng Tàu, vì có ít trại sinh nên ghép thêm học sinh trường Chu Văn An ở Sàigòn vào thành một Đội, nên có thêm một ông huấn luyên viên nữa trông nom.


Một hôm trại Hè tổ chức Trò Chơi Lớn đi từ trại Hè ở gần Bót Cảnh Sát đi ra Bãi Sau, hồi đó nó là con đường một bên là chân núi Lớn, một bên là đầm lầy có những đám bàng, đám lác gần ra tới bãi Sau thì có những đụn cát, Khi trò chơi chấm dứt lúc đi về, thấy phía trong xa ở những đám lác và bờ đê, có một người cụt một chân, đang đứng với cái nạn câu cá. Ông thầy huấn luyện viên chỉ người câu cá ấy nói:

- Đó là một người quân tử !

Đám học sinh chúng tôi nhao nhao hỏi:

- Ông cụt chân! Người tàn tật mà quân tử sao thầy !?

- Ừ ! Các con không biết ! Đâu phải như Quan Công mới là quân tử, người tàn tật mà không đi ăn xin. Ông ta tự đi làm để nuôi mình, có tiết tháo. Đó cũng là quân tử.

Từ đó tôi hiểu được một ý nghĩa của người quân tử. Còn về người đi ăn xin để cúng giỗ cha mẹ, nhiều năm sau nầy, tôi mới hiểu được ý nghĩa phong tục con cái của người ăn xin phải đi xin ăn để cúng giỗ, trả hiếu cho cha mẹ mình.


Thật vậy, người ta thường nói làm cha mẹ rồi mới biết công khó, lòng thương yêu của cha mẹ đối với con cái. Con của những người ăn xin, có đi ăn xin mới biết được sự tủi nhục, nhọc nhằn khi đi ăn xin từng nhà, khi ngồi ở đầu đường xó chợ. Xin đọc bài Người ăn mày của vua Lê Thánh Tông qua bốn câu Thực và Luận:

Hạt châu, chúa cấp trao ngang mặt,
Bệ ngọc, tôi từng đứng chấp tay.
Nam bắc đông tây đều tới cửa,
Trẻ già lớn bé cũng xưng thầy.

Chúng ta sẽ cảm thấy thấm thía cảnh xin ăn. Và mới thấu hiểu con người ăn xin phải đi ăn xin mới thấu hiểu mọi nổi của kiếp người xin ăn. Hiểu được như vậy mới biết công đức cha mẹ nuôi con cái như thế nào.

8664270719






Thursday, July 11, 2019

Những ngày ở Bắc Cali tháng 5 & 6 năm 2019

Trong những ngày ở San Jose năm nay từ 29-5 đến 10-6-2019, Trưởng Nguyễn Quang Vui có đến thăm chúng tôi, biết tôi thích uống trà ngon, nên mang đến cho tôi một hộp trà 313, mấy phong bánh Bảo Hiên Rồng Vàng, bánh in đậu xanh, chắc là để ăn bánh thưởng thức trà ngon. Anh cho tôi số điện thoại của anh Nguyễn Đình Thống, tôi gọi mấy lần nhưng không được anh Thống bắt phôn. Bây giờ là vậy, thấy phôn có số lạ không bắt máy, vì thường là quảng cáo gọi tới.

Anh Vui quen với mấy anh của Phượng, trong số đó có người nay không còn nữa, anh và tôi trò chuyện khá lâu, trong đó tôi có hỏi anh để mua một cái nón cho Đặng Văn Nữu, anh bảo rằng anh có, anh sẽ mang đến cho tôi, để tôi mang về Việt Nam cho Nữu, nhưng sau khi tôi về nhà, anh gọi điện thoại hỏi thăm và cho biết sẽ mang về Việt Nam cho Nữu, vì anh quên ngày tôi bay về nhà.

Những ngày ở nhà Dĩ - Phượng, buổi sáng Dĩ đưa nhà tôi và tôi đi châm cứu, trừ ngày Thứ Hai Dĩ bận không đưa đi được, chúng tôi phải nhờ Nguyễn Đình Đông. Ngày nào cũng vậy, Dĩ - Phượng phải mất ít nhất ít nhất 3 giờ để đưa chúng tôi đi, về và thời gian chờ đợi châm cứu, sau đó lại phải đưa đi chợ mua thức ăn chay.

Ngày Thứ Bảy 1-6, sau khi đưa chúng tôi đi châm cứu và đi chợ, Dĩ - Phượng đưa chúng tôi đi thăm cô Phỉ Cúc là cô họ của nhà tôi, xưa gia đình cô  Bến Tre, đi học nội trú ở Gia Long, hàng tuần nhà tôi phải vào trường, thay mặt gia đình lãnh cô ra đi ăn sáng hoặc đi chợ mua sắm, nên họ rất thân nhau từ thuở còn cập sách đến trường.

Đến thăm tại nhà người con trai thứ của cô, sau đó cô mời chúng tôi đi ăn, Dĩ đưa đến quán chay Di Lặc, cô gọi mấy món, quán chay nầy có món ngon như gỏi chua, cá chiên.

Dĩ, Tông, cô Phỉ Cúc, Kim Chi, Phượng

Sau khi dùng bữa xong, Dĩ đưa cô về nhà, cô hái cho mấy trái chanh vàng trồng trước sân nhà, có những trái to bằng cái chén. Nói chung thời tiết San Jose thuận lợi, làm cho cho cây, trái hoa đều to và đẹp.


Ngày Chủ nhật 2-6-2019, có một bữa tiệc tại nhà Nguyễn Tấn Thịnh, có mặt Phượng,  Dĩ, Thịnh, Quyên, Thảo, Yên, Đông , An và chúng tôi uống vài chai rượu chát đỏ và một màn Karaoké.


Hôm nào đó, tôi có gọi điện thoại và hẹn cùng anh Trịnh Như Tích, nguyên Hiệu Trưởng Trung Học Kỹ Thuật Gia Định, trưa ngày Thứ Bảy 8-6-2019 đến đưa tôi đi chơi. Y hẹn anh đã đến nhà Dĩ - Phượng.

Trước tiên, tôi nhờ anh Tích đưa tôi đi thăm anh Lê Hữu Chính là CHS KT Cao Thắng, trong thập niên 1980 anh là Phó phòng Kế Hoạch của Công Ty Trang Bị Kỹ Thuật, mấy năm trước anh bị tai biến, tôi có đi thăm một lần, lúc ấy anh chỉ ngồi trên giường tiếp tôi. Nay muốn đi thăm lại, anh Tích phải hỏi tới hỏi lui, đi nhầm 2 lần, lần đầu anh Chính hứa sẽ chạy đến đón chúng tôi trước cổng một nhà thờ, lần sau chúng tôi yêu cầu cho người đến dẫn chúng tôi tại một ngã tư gần một nhà thờ, nhưng anh cho biết các cháu bận nên tiếp tục chỉ đường, may mà anh Tích cũng tìm ra.

Gặp được anh Chính đáng mừng là anh đi lại được, cánh tay trái của anh hoạt động yếu, anh nói chuyện bình thường, tôi chụp chung với anh tấm ảnh.


Tôi cũng không quên chụp với anh Tích một tấm ảnh để làm kỷ niệm, anh với tôi cùng học CĐSPKT, ra trường năm 1966, anh đi dạy ở Đà Nẵng rồi về Nha Trang, sau cùng về Trường KT Gia Định nằm ở vùng An Nhơn, xa hơn Gò Vấp, cách Lái Thiêu một con sông.


Đáng lẽ ra, anh Tích sẽ đưa tôi đi chùa nhưng vì đi thăm anh Chính, nên không có thì giờ đi chùa khá xa, do đó chúng tôi đi uống cà-phê. Nơi quán rất đông khách toàn là người Việt Nam, già có, trẻ có như một quán cà-phê đắc khách ở Sàigòn. Sau khi dùng cà-phê, anh Tích mời tôi về nhà anh dùng cơm, tôi từ chối vì từ tuần trước tôi đã nhận lời với Ngô Đình Học. Do anh Tích không báo trước, nếu biết trước tôi đã từ chối để chị Tích khỏi phải nấu nướng chuẩn bị đãi chúng tôi.

Tuy nhiên, tôi cũng phải đến nhà anh Tích để thăm chị và tham quan cái vườn cây Thiên Tuế của anh. Năm nay trở lại nhà anh, thấy những khóm hoa không còn, thay vào đó là Thiên Tuế và những chậu Bonsai cũng ít đi. Anh Tích và tôi mỗi người có thú tiêu khiển, anh thích chơi Bonsai, cây cảnh, tôi thích viết lách. Với anh Nguyễn Đức Lộc và Lương Văn Nhơn tôi không rõ sở thích của 2 anh nầy. Còn anh Nguyễn Văn Bài và Nguyễn Văn Đước đã mồ yên mã đẹp từ lâu. Đó là 6 anh em chúng tôi cùng khóa 3 CĐSPKT Ban Kỹ Nghệ Họa, trong số nầy có 4 người từng làm Hiệu Trưởng, người trước nhất là anh Lương Văn Nhơn, Hiệu Trởng THKT Kiến Hòa, người kế là Nguyễn Văn Đước, Hiệu Trưởng THKT Tây Ninh, người kế là anh Trịnh Như Tích và người sau chót là tôi.

Trong khi anh Tích chở tôi đi, dọc đường tôi đã kể cho anh nghe, tôi tin con người có số mạng, từ việc tôi đi sang Mỹ định cư năm 1991 thuộc diện HO, mặc dù tôi đi Học tập cải tạo có 2 năm 2 tháng 20 ngày. Việc tôi làm Hiệu Trưởng cũng vậy, tôi đã từ chối với ông Giám Đốc Nha Kỹ Thuật Học Vụ Lý Kim Chân không làm Hiệu Trưởng Trường THKT Kiến Hòa năm 1970 thay anh Nguyễn Văn Hoa được du học ở Hoa Kỳ. Năm 1974, từ chối với ông Nguyễn Minh Hoàng Phó Giám Đốc Nha Kỹ Thuật Học Vụ để thay Kỹ sư Thịnh làm Hiệu Trưởng THKT Gia Định. Cuối cùng tôi nhận đề nghị của anh Phạm Văn Tài, được ông Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa Giáo Dục ký ngay Nghị Định bổ nhiệm chính thức, chớ không phải là Sự Vụ Lệnh tạm thời.

Vì tôi không dùng bữa cơm, nên chị Tích gửi cho tôi mang về nào là xôi vò, nào là gỏi và thức ăn khác, tôi không dám từ chối tấm lòng tốt của chị.

Gia đình anh Tích và gia đình tôi còn có chung kỷ niệm, có một thời gian vào khoảng năm 1971, chúng tôi cùng ở trọ trong khu nhà của ông Đại Úy Lê Thế Ngọc khu chùa Quản Tám, đường Ngô Tùng Châu Gia Định.

Khi tham dự Hội Ngộ ở Santa Ana, Ngô Đình Học và tôi đã gặp nhau, nên khi tôi đến San Jose, Học mời tôi đi ăn, nhưng sau đó học hẹn đến Thứ Bảy 8-6-2019, sẽ rước tôi đi ăn vào buổi tối, để có Ngô Đình Duy em của Học cùng tham dự. Duy không có học với tôi, chỉ là học sinh Cao Thắng, quen biết nhau trên Mạng do biết Học có học với tôi.

Sau khi anh Tích đưa về, nghỉ một chút thì Học đến nhà Dĩ - Phượng rước nhà tôi và tôi đi đến nhà hàng Di Lặc, chờ một chốc Duy mới đến, vì đi làm nên đến trễ.

Trước khi ăn, Duy chụp cho chúng tôi vài tấm ảnh.


Rồi Duy nhờ người của nhà hàng Di Lặc, để chụp ảnh có Duy làm kỷ niệm với chúng tôi.


Sau bữa ăn, Học hẹn ngày mai sẽ mang cho tôi 1 cái USB trong đó có tất cả ảnh Học chụp trong Hội Ngộ THKT Cao Thắng ngày 26-5-2019 và ảnh Duy vừa mới chụp tại nhà hàng nầy. Hôm trước, khi tôi viết bài về Hội Ngộ, không có tấm ảnh nào, sau đó tôi lấy ảnh do anh Đào Công Minh đưa lên Mạng, lại có đường dẫn đến hình ảnh của Học, nhưng đường dẫn sai, tôi không vào được, nên tôi liên lạc nhờ Học chuyển hình cho tôi. Vì vậy Học chuyển tất cả hình sang USB cho tôi.

Chúng tôi mãi mê trò chuyện, nên là thực khách ra về sau cùng của nhà hàng Di Lặc hôm Thứ Bảy đó. Học đưa chúng tôi về, còn Duy đi xe riêng. Lần nầy trông Duy có vẻ đen và gầy chứng tỏ công việc khá cực nhọc, mấy năm trước Duy làm việc tại San Diego, nhưng xa gia đình. Duy bỏ việc dưới đó trở về gần gia đình,  tiện việc cần chăm sóc đứa con có bệnh, Duy bị thất nghiẹp một thời gian. Nay có việc làm, sống gần gia đình là điều đáng mừng cho Duy.

Ngày Chủ Nhật 9-6-2019, sau khi đi châm cứu về Dĩ Phượng đưa chúng tôi đi viếng chùa Di Lạc, chùa có đất rộng, nhưng xây cất thu gọn, có Chánh điện, Đông lang, Tây Lang và Cổng tam quan vây kín, nên có vẻ ấm cúng.


Chánh điện thờ phượng trang nghiêm. Phía trước có tượng Phật Di Lặc, chung quanh chùa có nhiều tượng Quán Thế Âm, mỗi tượng là một vị thế khác nhau. Tôi thấy có vài Phật tử, hai tay cầm hương đi chung quanh chùa, cứ đến mỗi tượng đứng trang nghiêm xá, rồi đi đến tượng kế tiếp.


Buổi chiều tại nhà Dĩ - Phượng, Học mang đến cho tôi cái USB 32GB, trong đó hình ảnh chứa hơn 29 GB chỉ còn tróng có 55.7 MB mà thôi. Học ngồi nán lại, giải thích cho tôi về cách sử dụng Bộ Gõ Winvnkey và đã tải cũng như cài đặt Bộ Gõ nầy vào cái Dell Inspiron 10” của tôi.

Trong khi đó cô Phỉ Cúc được con trai chở đến để gửi cho con gái tôi một ít trái cây như Mít và Cherry.

Sau đó cô Phỉ Cúc và con trai về trước rồi Học về sau.

Ngày Thứ Hai 10-6-2019, Dĩ - Phượng bận không thể đưa chúng tôi đi châm cứu nên tôi đã nhờ Nguyễn Đình Đông giúp dùm.

Sau khi châm cứu, chúng tôi đến Grand Century Mall uống cà phê. Hôm qua cũng như hôm kia, tôi gọi Nguyễn Vũ Hoàng Cương mấy lần nhưng không được, hôm nay, tôi gọi Cương bắt máy nên tôi mời Cương ra uống cà-phê trò chuyện, tôi hỏi về việc Cương lập gia đình và sang Mỹ, Cương cho biết vợ Cương cũng là thành viên GĐPT, quen biết nhau trên Mạng rồi đi đến hôn nhân. Cương sang đây đã 7 tháng, đã có bằng lái xe, đã có việc làm, Cương làm ở nhà hay Thư viện hoặc ở quán Cà-phê. Nói chung là nơi nào có WiFi để truy cập trên Mạng.

Tông và Đông trong cửa hàng Ca-phê tại Grand Century Mall

Sau đó, Đông mời đi ăn trưa, chúng tôi kéo nhau đi tìm một lúc thì đến nhà hàng Green Lotus nằm xa phía trước bên tay trái Grand Century.

Tại nhà hàng nầy, chúng tôi đã ăn vài lần, nhưng có món mì vịt tiềm là ngon hơn cả, chúng tôi với Đông ăn mì vịt tiềm, còn Cương ăn Bún Huế rồi ăn chè Sâm Bổ Lượng. Sau khi dùng bữa trưa xong, chúng tôi chia tay với Cương. Đông đưa chúng tôi về nhà Dĩ - Phượng.

Cương, Đông, Kimchi, Tông

Đến 6 giờ Dĩ - Phượng đưa chúng tôi ra phi trường San Jose, từ đây chúng tôi đáp chuyến bay đi Los Angeles. Tạm biệt tất cả thân nhân, thân hữu, đồng môn hẹn ngày tái ngộ.

Do tại San Jose máy bay bị hoãn chuyến nên đến Los Angeles trễ, may mà chuyển cảnh hộc tốc mới kịp chuyến bay về Louisville. Đáp xuống phi trường lúc 6 giờ sáng ngày Thứ Ba 11-6-2019, chấm dứt một chuyến sang California đầy ấp tình nghĩa Thầy, trò với Thân nhân và thân hữu đáng ghi, đáng nhớ.

8664190619







Mấy ngày ở Nam Cali

Tôi đã đến Santa Ana

Ngày Thứ Năm 23-5-2019, tôi đã đến phi trường JohnWay tại Orange County, anh Nguyễn Đình Lâm đã đón tôi về nhà người thân. anh Lâm cho biết thầy Vũ Mộng Hà sẽ cùng các anh em cựu học sinh KT Cao Thắng đi uống cà-phê, thầy trò tâm tình với nhau, để cho thân mật và tự nhiên, nên không có sự hiện diện của các phu nhân.

Ngày Thứ Sáu 24-5-2019, anh Nguyễn Đình Lâm cho biết vào khoảng 9 giờ sáng ngày Thứ Bảy 25-5-2019, anh sẽ đón tôi đến địa điểm uống cà-phê.

Đúng giờ hẹn, anh Lâm gọi điện thoại cho biết anh sẽ đón tôi, rồi anh đến đón tôi như đã hẹn, đưa tôi đến địa điểm bên kia xa lộ 405, đến một quán cà-phê, tôi không để ý tên của nó. Tại đây, tôi thấy có 3 người, một trong 3 người đó là thầy Vũ Mộng Hà, còn 2 người kia tôi không biết là ai, sau khi bắt tay chào hỏi Thầy Hà, hai anh kia tôi được biết là anh Phan Minh Mẫn và anh Vũ Văn Đức.

Tôi được biết anh Mẫn là Cựu học sinh Cours d’Apprentisage, anh biết các ông Lâm Văn Trân, Trần Văn Trừ … là những giáo chức, nhân viên kỳ cựu của Trường nầy, sau đó đổi thành Trường Thực Nghiệp rồi Nguyễn Trường Tộ. Năm 1955, anh Mẫn vào học Cao Thắng cùng khóa với anh Nguyễn Đình Lâm. Anh Mẫn là sĩ quan Quân Cụ, chuyên ngành Đạn Được, trước 30-4-1975 anh từng đóng quân ở kho đạn Quy Nhơn. Học kỹ thuật cũng như trong ngành Quân Cụ anh là đàn anh của tôi, anh lớn hơn thầy Vù Mộng Hà 2 tuổi, thầy Vũ Mộng Hà sinh năm 1940, bằng tuổi với Thầy Cù An Hưng,

Một lát sau, anh Hà Phú Thạch đến, anh Thạch và anh Đức cùng vào Kỹ thuật Cao Thắng một năm, nhưng anh Thạch học nhảy nên năm Đệ Tứ anh đã đỗ bằng Tú Tài I, sau khi đỗ Tú Tài toàn phần năm 1965, anh thi vào Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, học 4 năm ra trường năm 1969 rồi được phân bổ ra dạy tại Trung Học Kỹ thuật Quy Nhơn.

Vũ Văn Đức sau khi tốt nghiệp Tú Tài toàn phần kỹ thuật, anh trúng tuyển vào Kỷ sư Công Nghệ khóa 11, tốt nghiệp vào đầu năm 1970..

Từ trái sang phải: Lâm, Mẫn, Đức, Thầy Hà, Tông, Thạch

Sau khi uống cà phê, ăn sáng, anh Lâm về sớm, giao tôi cho Thầy Hà. Rồi Thầy Hà và anh Mẫn rủ nhau đi giải trí, anh Thạch nhận thay Thầy Hà đưa tôi về, chúng tôi ngồi nán lại chuyện trò thêm vì Thạch và Đức có nghe biết tên tôi, nhưng đây là lần đầu chúng tôi biết nhau.

Đức cho biết Thầy Hà sẽ gọi cho tôi, để biết chiều nay đi uống bia với Thầy.

Trên đường về Thạch nói cho tôi biết, anh học chung với Nguyễn Hưng, nay Hưng ở Oregon đã bị tai biến nhẹ. Tôi nhớ Nguyễn Hưng thường chở cô Nga, giáo viên của Trường đi chung xe Vespa của anh, cả 2 đều là giáo viên Trường Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ vào khoảng năm 1982, sau đó anh vượt biên, cô Nga vẫn ở Việt Nam, nhưng sau khi tôi rời khỏi trường Nguyễn Trường Tộ năm 1983, tôi không gặp lại cô Nga nữa.

Sau khi Thạch đưa tôi về nhà chừng 1 giờ sau, anh Huỳnh Hữu Ủy đến đón tôi đi uống cà phê ở Bella Terra Mall, chúng tôi ngồi ở Starbus Coffee, bàn về chuyện quyển sách của Ủy đã soạn từ nhiều năm trước, năm vừa rồi có người nhận dịch ra Anh văn để xuất bản, nhưng Ủy muốn sửa chữa, bổ túc thêm cho hoàn chỉnh hơn, như thế anh đã bỏ mất cơ hội tốt.

Huỳnh Hữu Ủy và tôi

Anh cũng có ý kiến các bộ sách của tôi nên có nhận xét riêng của mình sẽ có giá trị hơn và nếu gom lại thành một bộ trình bày như một hộp sách, trình bày cho thật đẹp sẽ làm cho nó tăng thêm giá trị, lôi cuốn độc giả. Tôi nhận thấy những góp ý của Huỳnh Hữu Ủy rất có giá trị cho tôi.

Đến khoảng 4 giờ chiều, Huỳnh Hữu Ủy đưa tôi về, tôi tặng cho anh quyển Hò Miền Nam, chúng tôi trao đổi với nhau về kỹ thuật tự dàn trang, in sách của mình. Rồi chúng tôi chia tay nhau.

Hơn 5 giờ, Thầy Hà gọi tới cho biết Thầy đến rước tôi. Một lát sau Thầy Hà đến rước tôi đi đến chợ T & K rồi chúng tôi vào nhà hàng Sao Biển 9626 Bolsa Ave, Westminster, CA 92683.

Võ Văn Đức, Huỳnh Ái Tông, Vũ Mộng Hà

Thầy Vũ Mộng Hà, anh Vũ Văn Đức và tôi Thầy trò vui vẻ trò chuyện với chai Cordon Bleu của anh Vũ Văn Đức. Thầy đối với chúng tôi như bậc đàn anh, kể cho chúng tôi nghe về việc đi học và sự nghiệp dạy học của Thầy. Thầy không quên nhắc đến những nhà giáo tiền bối của Thầy như Nguyễn Đình Áng, Nguyễn Văn Phú, Võ Thế Hào và những đồng nghiệp như Nguyễn Xuân Khai, Cù An Hưng, Phan Văn Long …

Cho đến khi Đức mời thêm nhưng Thầy không uống nữa, nên chúng tôi chia tay ra về, mặc dù chai Cordon Bleu chỉ uống sec mới hết phân nữa mà thôi. 


Tông, Thầy Vũ Mộng Hà

Với tôi, đã trải qua một ngày rất hạnh phúc bên cạnh Thầy Vũ Mộng Hà từ buổi cà-phê ăn sáng cho đến bữa ăn tối, chúng tôi hẹn gặp lại ở ngày mai trong Hội ngộ Kỹ Thuật Cao Thắng năm 2019, hứa hẹn đông đủ vui vầy hơn.

866425052019 


Viếng chùa

Sáng nay 26-5-2019, thấy điện thoại của nhà tôi reo, tôi lấy xem thấy số vùng lạ 714, biết đây là số của Nam Cali, nên mở máy nghe, mới biết anh Tuệ Linh gọi tới, anh cho rằng không hiểu sao nhiều email của anh bị vào Spam, nên anh không đọc được email của tôi. Nhờ có người chỉ dẫn, anh mở lại được các điện thư, nên gọi cho chúng tôi từ buổi sáng sớm với 3 số điện thoại khác nhau, nhưng cho đến khi tôi bắt máy cũng hơn nửa giờ sau.

Anh đề nghị đưa tôi đi chùa Huệ Quang, nhân dịp để gặp một số anh em, trưóc nhất trên đường đi ghé nhà thăm anh chị Trần Tư Tín, sau đó rước anh Trần Tư Tín đi chùa luôn. Tôi đồng ý với điều kiện là trưa khoảng 11 giờ, anh cho tôi về nhà để tôi đi dự họp mặt do có anh CHS TTCN Phan Đình Phùng từ Việt Nam sang. Anh và tôi đồng ý theo chương trình đó.

Khoảng gần 9 giờ, anh Tuệ Linh đến nhà đón tôi đi chùa Huệ Quang, dự lễ Phật Đản do chùa nầy tổ chức. Trên đường đi anh Tuệ Linh cho biết trước tiên đi ăn sáng, uống cà-phê rồi ghé nhà anh Trần Trung Tín.

Vì thời gian rất ít nên anh Tuệ Linh đề nghị tôi liên lạc với anh em tổ chức hỏi xem có thể đón tôi ở chùa Huệ Quang không ? Vì Đoàn Hải người tổ chức họp mặt ở San Diego lên, nên không rõ chùa chiền ở Santa Ana. Anh Tuệ Linh giải quyết sẽ đưa chúng tôi đến nơi nếu cho biết địa chỉ.

Do đó Đoàn Hải gửi cho tôi địa chỉ của nhà hàng Seafood place Diamond, tại 6731 Westminster Blvd #122 Westminster CA 92683, anh Tuệ Linh hứa sẽ đưa tôi đến nơi vì nó cũng gần chùa Huệ Quang.

Để tránh mất thì giờ, dọc đường anh Tuệ Linh ghé mua cho mỗi người 1 ly cà-phê sửa đá rồi chúng tôi đến nhà anh Trần Tư Tính. Anh Tín và vợ anh chị Nga vui vẻ tiếp đón chúng tôi tại nhà. Trước đây cũng trên 10 năm, chúng tôi đã có đến thăm anh chị tại căn nhà khác ở San Bernardino.


Sau đó anh chị Trần Tư Tín và chúng tôi đến chùa Huệ Quang tham dự lễ Phật Đản hôm nay chùa tổ chức. Nơi đây chúng tôi gặp lại chị Dung Kiều, anh Huynh Trưởng Cấp Tấn Tâm Hạnh Trần Văn Kiệm, Gia Trưởng GĐPT Huệ Quang.m

Lần đầu tiên tôi gặp được Hòa Thượng Thích Minh Mẫn, viện chủ chùa Huệ Quang. Ngài ưu ái thăm hỏi các anh chị Trưởng và chụp chung với chúng tôi tấm ảnh kỷ niệm trước sân chùa.

Từ trái qua: chị Dung Kiều, chị Nga, Kim Chi, HT. Thích Minh Mẫn, anh Trần Trung Tín, Phúc Trung, anh Tiệm, anh Tuệ Linh

Chúng tôi lẽ Phật ở chánh điện rồi đi sang hội trường dự lễ, trước tiên dự buổi thuyết pháp của một Giảng sư, thầy đang theo học tại Đại học Harward, biết tôi không có thì giờ nên chúng tôi rời chùa Huệ Quang, chạy sang chùa Điều Ngự, năm ngoái hay năm kia, anh Tuệ Linh đã đưa tôi đến đây, nhân có anh chị nào thuộc Ái Hữu Vĩnh Nghiêm làm lễ húy nhật cho thân nhân tại Hội Trường, năm nay chúng tôi đến viếng, chùa đang tụng kinh ở Chánh điện. Cửa chánh điện đóng, có bảng chỉ dẫn đi cửa hông, thế là chúng tôi phải đi men theo mặt tiền Chánh Điện để đi của hông vào.,

Chánh điện đang tụng kinh, Phật tử chừng hơn 30 người, chúng tôi lễ Phật, vào Hội trường thấy Gia Đình Phật Tử đang sinh hoạt, gặp bác Gia Trưởng đang dọn dẹp sân khấu, chúng tôi chụp tấm ảnh kỷ niệm, rồi vội vàng đi đến nơi anh chị em CHS NTT-PĐP đang tổ chức họp mặt.


Đáng tiếc chúng tôi rất ít thời giờ, tuy nhiên viếng được chùa Huệ Quang, Điều ngự, thăm được anh chị Trần Tư Tín và một số anh chị Huynh Trưởng khác.


8664270519
Họp mặt CHS NTT – PĐP tại Nam Cali

Nhân dịp anh Nguyễn Văn Tịnh từ Việt Nam sang dự lễ ra trường của con tại Mỹ, nên anh em CHS NTT-PĐP tổ chức cuộc họp mặt ngày Chủ nhật 26-5-2019 tại Seafood place Diamond, tại 6731 Westminster Blvd #122 Westminster CA 92683.


Do tôi được người bạn đưa đi viếng chùa Huệ Quang nhân có tổ chức lễ Phật Đản sáng hôm nay, cũng nhân đó thăm lại vài người quen.

Khi tôi đến nhà hang khoảng 11 giờ ruỡi thì hình như mọi người đã đến gần đông đủ, sau tôi còn có anh chị Trần Mạnh Du, anh chị Nguyễn Văn Lâm đến trễ hơn.

Như vậy về phía các giáo sư có: Anh Nguyễn Anh Dõng, anh chị Trần Mạnh Du, chị Nga, chúng tôi. Về các anh chị CHS có anh chị Nguyễn Văn Lâm, anh Nguyễn Văn Hải, anh Hà Hán Quyền, anh Đoàn Văn Hải, chị Bạch Thu Hiền, chị Paula Nguyễn, chị Ngọc Ngô.


Thức ăn có nhng món như soupe vi cá, cua rang muối, thịt heo quay, tráng miệng chè khoai môn và bánh râu câu của chị Trần Mạnh Du.


Chúng tôi ăn chay, nhưng thấy và nghĩ rằng thức ăn khá thịnh soạn, nhất là món cua rang muối và thịt quay bánh bao, tàn tiệc thức ăn vẫn còn nhiều.

Nguyễn Văn Tịnh người đứng bên tay phải, từ Việt Nam sang

Chủ yếu gặp mặt thăm hỏi, tâm tình trong khi ăn và chụp nhiều ảnh kỷ niệm, những ảnh chụp riêng đôi ba người.


Ảnh chụp chung nhiều người quanh Thầy Cô.


Ảnh chụp ầy đủ nhất trước khi ra về.


Chia tay, nhưng mọi người đều lưu luyến, sẽ giũ mãi trong lòng những tình cảm tốt đẹp hôm nay và những kỷ niệm thời xa xưa tuổi học trò dưới mái trường thân yêu NTT-PĐP.

8664270519

Tôi dự Hội Ngộ THKT CaoThắng tại Nam California năm 2019

Ngày 25-5-2019 có Tiền Hội Ngộ, nhưng tôi không có tham dự


Tiền Hội Ngộ ngày 25-5-2019

Tôi đi sang California lần nầy là để tham dự Hội Ngộ Cựu Học Sinh Cao Thắng do anh em Nam Cali tổ chức vào ngày 26-5-2019. Tôi sang đây ngày Thứ Năm 23, đến hôm sau ngày Thứ Sáu anh Nguyễn Đình Lâm, giáo sư THKT Cao Thắng rước tôi đến quán cà-phê phía bên kia xa lộ 405, phía bên nầy là Little Sàigòn, tiếc là tôi không nhớ tên đường cũng như tên quán. Trong cuộc họp mặt nầy, Thầy Hà bảo tôi: “Thôi từ nay gọi tôi bằng anh được rồi !” Tôi đáp:

- Dạ thưa Thầy ! Nhất tự vi Sư, bán tự vi Sư. Nên em còn phải giữ lễ phép cho học trò của em noi theo.

Thầy vui vẻ, cười đáp:

- Chẳng những nửa chữ mà tôi còn dạy cậu đến 2 môn Toán và Vật Lý lớp 12.

Chiều hôm Thứ Bảy 25, Thầy Vũ Mộng Hà đến đón tôi đi uống bia với Thầy và anh Vũ Văn Đức, Kỷ sư Công nghệ khóa 11, một trong những chủ nhân của Red Boat. Anh Đức hẹn tại Sao Biển Restaurant trong khu chợ T& K. Khi Thầy Hà đưa tôi về, tôi không dám làm phiền Thầy phải đón tôi tham dự Hội Ngộ, tôi hy vọng nhờ anh em nào ở KT Cao Thắng cho tôi quá giang hoặc tôi sẽ nhờ một em CHS Nguyễn Trường Tộ đón đưa giúp. Nên tôi đã thưa với Thầy:

- Em sẽ tìm cách quá giang, nếu không được thì trưa mai em sẽ báo cho Thầy biết, xin Thầy đón dùm em.

- Được rồi ! Nếu không quá giang ai được, tôi sẽ đón cậu.

Về đến nhà, tôi gửi email cho Đào Công Minh, nhờ Minh xem có ai ở gần nơi nhà chú em tôi đang trú ngụ, giúp cho tôi quá giang đến địa điểm Hội Ngộ.

Trưa hôm sau, tôi dự trù khi gặp Nguyễn Văn Lâm, anh ta có học mấy năm với tôi, tôi sẽ nhờ anh ta đưa tôi đén nơi Hội ngộ.

Trong khi họp mặt với các anh CHS NTT-PĐP, tôi nghĩ rằng nhờ Lâm cũng không tiện, vì chúng tôi chia tay nhau đã gần 3 giờ chiều rồi, đến 5 giờ phải có mặt, chỉ có khoảng cách 2 tiếng không nên làm phiền Lâm.

Về tới nhà xem email, không thất Đào Công Minh trả lời việc tìm người cho tôi quá giang, tôi phải Text cho Thầy Hà: “Kính Thầy, Em không nhờ ai được, nên phiền Thầy chiều nay cho em quá giang đi dự Hội Ngộ với anh em.”

Đến hơn 4 giờ, tôi nhận được Text trả lời của Thầy: “At about 5:00”

Khoảng 5 giờ, Thầy gọi điện cho tôi: “Tôi đang ở trước cửa nhà cậu !” Thế là tôi ra ngay đi với Thầy.


Trên đường đi, Thầy hỏi tôi có đọc tập truyện của Vũ Thư Hiên không, tôi cho Thầy biết tôi có đọc Đêm giữa ban ngày, nhưng Tuyển tập truyên ngắn Thầy nói tôi chưa đọc, Thầy cho biết nó là những truyện ngắn rất hay. Thầy cũng giới thiệu cho tôi một quyển sách khác của người ngoại quốc viết về Việt Nam rất hay, nội dung về khoảng thời gian 1925 đến 1975, sách được một nhà văn Việt Nam dịch và có thêm vào đó một phần, sách được xuất bản đã lâu, nay khó tìm, nhưng tìm chắc có.

Chiếc xe đạp, Bản vẽ và thước T, phương tiện của học sinh các trường Kỹ thuật ngày trước

Lúc xuống xe, Thầy và tôi đi vào, nhưng Thầy đi mấy bước dừng lại bảo tôi đi trước, Thầy lấy cái áo. Thế là tôi đi vào nhà hàng, được Đào Công Minh, Lâm Thanh Hùng tiếp đón vì đã biết nhau từ trước. Thầy Hà đi sau tôi, dĩ nhiên Thầy được các anh đứng  tại cửa ra vào chào đón nồng nhiệt hơn.

Minh đưa tôi vào chụp ảnh đứng bên cạnh chiếc xe đạp chở Bản Vẽ có cây thước T, sau khi chụp ảnh xong, tôi vào trong được anh em biết mặt, mời ngồi vào bàn giáo sư, tôi thấy có cô Nỗi, Thầy cô Nguyễn Đức Thiêm và Thầy Nén, tôi vào ngồi cạnh Thầy Nén. Thầy hỏi tôi: “Có gặp Vũ Duy Khiết chưa ?” Tôi đáp: “Dạ chưa !” Vì Khiết là bạn học của tôi ở Cao Thắng. Ngay lúc đó Thầy Vũ Mộng Hà vào, Thầy nắm tay tôi kéo đến ngồi cạnh bên Thầy, kế bên Thầy là Thầy Thiêm.

Thầy Nguyễn Đình Lâm và Nguyễn Văn Nên

Thầy Nguyễn Đức Thiêm với tôi cùng dạy ở Trung Học Kỹ Thuật Banmêthuột từ năm 1966, đến cuối năm học 1966-1967 thì Thầy Thiêm được đổi về Sàigòn, sau tôi mới biết Thầy dạy tại THKT Cao Thắng. Còn tôi năm 1968 bị động viên đi khóa Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức 27, ra trường học tiếp ở Trường Quân Cụ, ra trường Quân Cụ được phân bổ về Tiểu Đoàn 21 Tiếp Vận, đơn vị đóng tại Cà Mau, Sóc Trăng, đến tháng 10 được biệt phái về dạy học lại tại THKT Banmêthuột, cho đến năm 1970 mới được thuyên chuyển về trường Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ tại Sàigòn.

Tôi là học sinh Cao Thắng, sinh viên CĐSPKT, không hề dạy  Cao Thắng ngày nào cả, nhưng có những anh học sinh trước kia là học sinh THKT Nguyễn Trường Tộ, đã học hết lớp 8 và 9 rồi chuyển về THKT Cao Thắng theo học Đệ Nhị Cấp, lớp 10, 11, 12. Các em nầy gọi tôi là Thầy. Đó là phải phép “Tôn sư trọng đạo”, của văn hóa Việt Nam ta. Có anh, chị chỉ học THKT Cao Thắng gọi tôi bằng Thầy, tôi nói với họ: “Gọi tôi bằng anh được rồi. Vì tôi có dạy anh, chị ngày nào đâu!”, nhưng có người trả lời: “Dạ Thầy là bạn của Thầy em, nên em phải gọi là Thầỵ”. Lại thêm nét đẹp của văn hóa Việt Nam ta.

Thầy Nguyễn Đức Thiêm và Vũ Mộng Hà 

Cuối cùng có thêm Thầy cô Nguyễn Đình Lâm ngồi cạnh Thầy Nén, Thầy cô Phan Thanh Nhuận ngồi cạnh tôi,

Sau một lúc chuẩn bị rồi chương trình bắt đầu với màn chào cờ Mỹ, Việt, phút mặc niệm, sau đó giới thiệu từng thành viên với công việc họ đảm trách trong Ban Tổ Chức kỳ Hội Ngộ nầy.


Màn giới thiệu những Thầy Cô tham dự, quý Thầy Cô đứng lên tại chỗ cho anh chị em tham dự Hội Ngộ biết mặt.


Có một màn giới thiệu những anh chị em nhiệt tâm ở San Jose xuống tham dự buổi Họp Mặt, họ có trên 30 người được cả hội trường ca ngợi qua tràng pháo tay. San Jose có Kim Hương, là vợ của anh Nguyễn Đăng Khôi. Anh Khôi là một trong những người khởi xướng Hội Ngộ THKT Cao Thắng từ những năm 2012.


Còn người nữa là Hoài Hương rất nhiệt tình trong những lần Hội Ngộ, cô năng động để làm cho mọi người vui vẻ. Hôm nay gặp lại Hoài Hương tôi bảo: “Hoài Hương quậy quá”, cô ta đáp: “Thầy ơi! Thầy còn nợ em cuốc xe Uber, đón Thầy đi dự Hội ngộ ở San Jose, cuốc xe 22 đô với lại tiền Típ nữa Thầy !” Lần đó, tổ chức tại nhà Đăng Khôi-Kim Hương, Hoài Hương đón tôi đi, nhưng khi về Hoài Hương còn nán lại cuộc vui, nên nhờ em gái của Hoài Hương đưa tôi về.


Ban Tổ Chức mời quý Thầy Cô lên trước sân khấu để trao quà lưu niệm. Đò là quyển Đặc San Một Thuở Áo Xanh. Đây là thành quả đáng ca ngợi cho Đào Công Minh, anh bỏ công dàn trang, chọn bài, kêu gọi anh em đóng góp bài vở. Kết quả quyển Kỷ Yếu Một Thuở Áo Xanh rất đẹp.





Thức ăn dọn ra từ từ, tôi ăn chay được chuẩn bị riêng một đĩa cơm chay, có tàu hủ chiên, rau cải xào, tươm tất. Tôi chỉ dùng có một chén cơm với rau cải xào, trong đó có cải thìa rất ngon, Theo anh Nhuận gợi ý tôi nhờ nhà hàng bỏ vào “Togo boxe”.

Anh Bùi Đường có đến chào hỏi tôi và anh tự gipới thiệu anh có học 2 năm ở Nguyễn Trường Tộ, sau đó mới về Cao Thắng học Đệ Nhi Cấp. Anh Võ Văn Thiệu có cho tôi tờ Việt Báo phát hành ngày Thứ Bảy 25-5-2019, vì trong đó anh có viết bài Hội ngộ Kỹ thuật Cao Thắng 2019, bài báo chiếm hơn phân nửa trang chót của tờ báo. Ngô Đình Học, Đào Công Minh và vài anh nữa mãi mê săn ảnh. Tôi không chụp tấm ảnh nào, mặc dù có bỏ theo trong túi chiếc Canon nhỏ và Cellphone, nên trong bài nầy không có ảnh kèm theo, tôi sẽ bổ túc sau khi Học và Minh chuyển ảnh cho tôi hoặc đưa lên Web của họ.

Anh Bùi Đường

Ăn một chốc, uống hết chai rượu chát. Thầy Hà bảo tôi; “Tôi về, Tông có về với tôi không ?”. Tôi nghĩ Thầy có việc nên đi về, tôi ở nán lại vì cuộc vui chơi còn kéo dài. Thầy Hà bước đến chỗ Thầy Lâm, nói với Thầy Lâm nhờ đưa tôi về.


Thầy Hà đi ra cửa, tôi đi theo Thầy, chắc Thầy tưởng tôi đi về theo Thầy, Thầy bảo: “Tôi nói với Lâm rồi, Lâm sẽ đưa Tông về.” Tôi thưa với Thầy:

- Dạ cám ơn Thầy ! Em muốn thưa với Thầy. Thứ Tư em đi San Jose, nếu không có dịp gặp lại, cho em chào chia tay Thầy hôm nay. Một lần nữa cám ơn Thầy trong mấy ngày qua”   

- Được rồi ở lại chơi vui vẻ nhé !

Sau đó, Thầy Thiêm cho biết sẽ đưa cô Nổi về, nhân tiện sẽ đưa tôi về luôn thể.


Trên sân khấu có những tiết mục đơn ca, song ca và tốp ca tuy là cây nhà lá vườn, nhưng cũng là những tiết mục khá đạt nghệ thuật diễn ca.


Tuy chưa đến tiết mục chương trình Dạ vũ, nhưng thỉnh thoảng có vài cập cũng ra sàn nhảy.


Sau đó Thầy Cô được mời ra chụp một tấm ảnh lưu niệm, hầu hết Thầy cô và anh chị em tham dự đều có mặt trong tấm ảnh nầy, nó là kỷ niệm đáng nhớ cho một lần Hội Ngộ tại Nam Cali năm 2019.


Sau khi chụp ảnh xong, chúng tôi ra về, trong xe của anh Thiêm, có chị Nổi và tôi. Trên xe chúng tôi nhắc đến anh Nổi, chị Nổi cho chúng tôi biết chị tên Trầm, có nghĩa là tên anh chị rất khác nhau, kẻ Nổi người chìm.

Sau khi chúng tôi ra về, chưnơg trình còn tiếp tục với phần Dạ Vũ. Tất cả mọi tiết mục trong đêm nay, cũng như cuộc Hội Ngộ để anh, chị, em gặp nhau. Đó là kỷ niệm khó quên, sẽ làm cho tình Thầy trò cũng như tình đồng môn ấm áp mãi trong ta.


8664280519


Hậu Hôị Ngộ ngày 27-5-2019



Thăm những người thân cũ

Như đã hẹn, khoảng 9 giờ sáng ngày 27-5-2019, anh Tuệ Linh đưa chúng tôi đi đến nhà anh Bùi Thọ Thi thắp cho anh nén hương, vì từ ngày anh mất năm ngoái đén năm nay vào tuần tới là ngày Giáp năm của anh, chúng tôi chưa hề thắp cho anh nén hương, tưởng niệm tình đồng đội từ năm 1957, sinh hoạt trong Đoàn Nam Phật Tử, GĐPT Giác Minh sinh hoạt tại chùa Kim Cương, gần giáp quận Phú Nhuận.

Chúng tôi đến nhà anh Thi, thắp cho anh nén hương, nhớ năm nào anh Thi mới từ Việt Nam sang, tôi từ Kentucky qua. Chị Nga Phạm phu nhân anh San từ Los Angeles chạy xe xuống đón chúng tôi, đưa về nhà thăm anh Bùi Thế San, tôi không nhớ nhưng một lần chị nhắc cho tôi nhớ: “Ba ông Tân Tỵ gặp nhau ở nhà tôi đó”. Đó là Bùi Thế San, Bùi Thọ Thi và tôi.

Bùi Thế San (1941-2016)

Anh San trước, anh Thi sau, nay đứng trước bàn thờ anh Thi, tôi nhớ tới anh San nhiều vì anh và chúng tôi sinh hoạt một thời gian dài dưới mái chùa Giác Minh Sàigòn. Tôi rời khỏi đơn vị GĐPT Giác Minh anh San thay thế tôi, nhưng chỉ được hơn 1 năm, anh ra trường Sư Phạm đi dạy học, nên cũng nghỉ sinh hoạt.

Bùi Thọ Thi (1941-2018)

Sau khi rời khỏi nhà anh Bùi Thọ Thi, chúng tôi đến thăm anh Nguyễn Tư Cự trong Nurshing home. Mặc dù anh Cự nằm trong Nurshing home, nhưng trông anh da dẻ hồng hào, có da có thịt hơn mấy năm trước anh Tuệ Linh đưa tôi đến nhà thăm anh.

Khi tôi đến hình như anh ngủ, chị Cự gọi anh dậy, anh nhìn tôi trong đôi mắt anh có vẻ tinh anh. Chị Cự nhắc tên tôi rồi hỏi anh có nhớ không, anh không trả lời được nhưng đôi mắt anh nhìn tôi có vẻ chú ý hơn.

Hỏi về tình trạng sức khỏe của anh, chị Cự cho biết anh không ăn được, phải nuôi bằng ống và anh sắp sửa được bác sĩ cho về nhà, chị cũng cho biết sẽ có 2 y tá đến nhà chăm sóc, mỗi người một ca 8 tiếng. Mặc dù suốt ngày chị Cự ở trong Nurshing home, chỉ trừ buổi tối chị về nhà ngủ. Nhưng trông chị Cự có vẻ khỏe mạnh hơn mấy năm trước tôi tới thăm anh Cự và chi.

Người chúng tôi thăm viếng tiếp theo là anh Đỗ Đình Kỳ, năm nay anh 85 tuổi trông anh khỏe mạnh. Trong số những anh trong Ban Hướng Dẫn Trung Ương nhiệm kỳ đầu tiên năm 1964-1967, các anh tuổi trung bình chừng 35, dưới mắt tôi anh Kỳ là người đẹp trai nhất, ăn nói nhỏ nhẹ và duyên dáng.

Từ trái: Huỳnh Ái Tông, Đỗ Đình Kỳ

Lần gặp nầy anh Kỳ cho biết gần đây anh bị bệnh mất ngủ, sụt mất mấy pounds, có người chỉ dẫn, nấu Hắc kỳ tử với hoa Cúc thành trà, anh dùng khoảng một tháng, nay anh đã ngủ được, nên sức khỏe của anh khá tốt.

Rồi anh Tuệ Linh đưa tôi đi thăm chị Lê Xuân Mai vợ anh Ngô Mạnh Thu, trên bàn thờ anh Thu, có di ảnh của bà cụ anh Thu, làm cho tôi nhớ đến những ngày còn trẻ, có đôi khi tôi ngủ lại nhà anh Thu. Ngày tôi rời Sàigòn đi dạy học  Banmêthuột, cụ đã đãi tôi món thịt đông, dó là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng tôi dùng nó. Tôi nghĩ chắc cụ thương tôi như anh Thu hay Quy con gái Cụ.

Từ trái: Trưởng Tuệ Linh, Tông, Kim Chi, Xuân Mai

Gặp lại chị Xuân Mai, tôi nhớ tới Quỳnh, em gái của chị khi xưa là Nữ Oanh Vũ Giác Minh, hỏi thì chị cho biết Quỳnh hiện nay sống ở Na Uy. Nhà của chị xưa kia ở Vườn Bà Lớn, nên Quỳnh đi sinh hoạt trước chị khá lâu. Nay hỏi thăm chị về Vườn Bà Lớn, chị không biết nay nó đã ra sao. Tôi có đôi lần đến đó uống bia, cũng không nhận ra ngôi Từ Đường của Bà Lớn tức là bà Tổng Đốc Đỗ Hữu Phương, còn gọi là Tổng Đốc Phương, nó còn hay con cháu đã xây cất khác đi rồi.

Về sức khỏe hỏi thăm, được biết chị có bệnh mất ngủ phải uống thuốc hàng đêm, tôi góp ý kiến chị nên áp dụng pha nấu trà Hắc kỳ tử với hoa Cúc như anh Đỗ Đình Kỳ, hoặc bảo các cháu tìm mua Trà Đinh Lăng của công ty dược thảo từ Việt Nam gửi sang, chị dùng trị bệnh mất ngủ.

Đương nhiên còn nhiều anh, chị em khác nên đi thăm, nhưng tôi không có phương tiện chớ không phải “lực bất tòng tâm”. Ước mong mọi người đều được khỏe mạnh, như câu thường cầu chúc: “Thân tâm thường an lạc”.

8664280519

Mua sách

Tôi đi đến nhà sách Văn Bút để nhà tôi xem mua vài quyển sách đem về đọc. Ngay trước cửa tôi gặp người đàn ông ngờ ngợ là ông chủ nhưng không dám chắc mình nghĩ đúng, nên chỉ gật đầu chào lại khi ông ta chào tôi.

Vào trong gặp bà chủ chào mời chọn quyển nọ, mua quyển kia. Năm ngoái, nămkia tôi đều có vào đây mua sách, nên bà chủ dường như quen mặt, nói : “Lâu mới thấy ông bà trở lại.” Tôi đáp: “Vì chúng tôi ở xa.” Bà ta đáp: “Tôi biết”. Thấy bà chủ bải buôi, tôi mới hỏi: “Ông chủ đâu rồi bà ?”. Bà ta đáp nhanh: “Ông vừa mới chào ổng ngoài cửa đó !”. Lại có tiếng ông ta vừa nói vừa đi từ ngoài vào: “Tôi đây !” Tôi nhìn ông ta nhận xét rồi mới tiếp lời: “Trông ông khác hơn năm rồi, nên tôi không nhận ra !” Ông ta cười đáp: “Cũng vậy thôi !”

Rồi ông ta lo việc ông ta, tôi với nhà tôi và chú em xem và chọn sách. Nhà tôi mua một quyển Đặc san của Trường Trung Học Gia Long và quyển sách của Thầy Nhất Hạnh.


Tôi không hiểu ông chủ nhà sách Văn Bút nghĩ gì về tôi, ông hỏi: “Có sách chi bán không ?” Tôi đáp: “Dạ không” . Rồi mở ví lấy danh thiếp đưa cho ông ta giới thiệu: “Đây là danh thiếp của tôi, có Website và Blog, khi nào rãnh mời ông xem. Tôi cũng có sách nhưng không bán, vì chưa in.”

Nhà tôi mua sách xong, chúng tôi đi ra xe để đi uống cà-phê, ăn sáng. Khi đi đến ngã tư có cửa hàng của ca sĩ Tâm Đoan, tôi cho biết muốn mua vài quyển sách, nhưng ngại xách nặng nên không mua. Nhà tôi góp ý nên mua kẻo về nhà muốn mua lại hối tiếc. Do đó tôi quay lại mua quyẻn Đèn Cù tập 2 của Trần Đĩnh, bà chủ lại dúi vào tay tôi quyển Tháng 4 Đen, và nói: “Ông mua đi, sách hiếm chỉ còn một cuốn duy nhất mà thôị”. Nhìn sơ qua tác giả là người ngoại quốc, tôi chợt nhớ ra, Thầy Vũ Mộng Hà có nói với tôi có tác giả người ngoại quốc viết về Việt Nam từ năm 1925 đến năm 1975.


Tôi tin đây là quyển sách mà Thầy Hà đã gìới thiệu cho tôi mấy hôm trước, tác giả của nó là Olivier Todd. Còn quyển truyện ngắn của tác giả nào đó tôi quên tên, nên không thể tìm mua, về sau nầy tôi mới nhớ đó là quyển Tuyển Tập Truyện Ngắn của Vũ Thư Hiên tác giả quyển Đêm Giữa Ban Ngày, trước kia giáo sư Nguyễn Văn Hai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Đại Học Huế đã cho tôi mượn đọc vào khoảng năm 2003 hay 2004, trước khi Ông di chuyển về Pennsylvania, để sống gần với con gái là bác sĩ.

Ông chủ lấy đặc San Trà Vinh viết tặng tôi, tôi được biết ông ta là Văn Tường, tôi đề nghị ông ta ghi luôn tên bà vợ cho tôi biết, ông ta ghi thêm ở dưới “Tuyết Mai”. Tôi chào hai ông bà chủ nhà sách Văn Bút, cũng là trụ sở Hội Ái Hữu Trà Vinh.

Chúng tôi đi ăn sáng uống cà-phê, rồi về nhà chú em, Ngồi viết bài Tôi dự Hội Ngộ THKT Cao Thắng tại Nam Cali năm 2019.

Chắc là tôi sẽ đặt mua 2 quyển sách của Vũ Thư Hiên qua nhà sách Văn Bút.


Lúc 7:15 sáng ngày Thứ Tư 29-5-2019, Trưởng Tuệ Linh tới đưa chúng tôi ra phi trường JohnWay, rời Nam Cali, tôi sẽ bay đến San Jose cho nhà tôi và tôi đi châm cứu nơi ông thầy Linh-Các Trần-Nguyễn, ông thầy nầy là con trai của Đại Tá Trần Văn Trọng, nguyên Cục trưởng Cục Quân Cụ, thời tôi mới vào quân trường Quân Cụ n ăm 1968. Ông là nhạc sĩ Anh Việt, tác giả nhiều bài hát đã sáng tác từ những năm 1949.

10:00 phi cơ  rời phi đạo JohnWay, tạm biệt Orange County, hẹn ngày tái ngộ với Thầy trò, thân nhân bè bạn đầy ấp tình cảm thân thương.

Nga C Pham
May 29, 2019 10:36 AM
https://mail.google.com/mail/u/0/images/cleardot.gif
https://mail.google.com/mail/u/0/images/cleardot.gif
to Linh, Tam, Keith, Thomas, Phu, Thong, Khiet, Cuong, Phu, HungPham, AHVN, me
https://mail.google.com/mail/u/0/images/cleardot.gif
Cám ơn anh Tông dù thời gian hạn hẹp mà cũng viết bài tường trình thật đầy đủ chuyến đi Nam Cali mấy ngày vừa qua. Nếu anh có thời gian tôi sẽ xuống đón anh đi thăm BTSan ở chùa "Bồ Đề Phật Quốc" dưới Santa Anna. 

Nhanh quá, mới đây mà B.Thế San đã mất 3 năm và anh B.ThoThi sắp giỗ đầu rồi! 

Ba ông Tân Tỵ còn lại mỗi anh Tông, vẫn khỏe mạnh đi khắp đó đây, đến đâu là có bài tường trình thật chi tiết chứng tỏ tinh thần còn rất sáng suốt .

Chúc anh giữ mãi phong độ nầy.

NP

Xin luu y: Email AHVN vao het trong Spam

Chị Nga,

Khi tôi thấy email của chị trong Cellphone của tôi, là lúc tôi lên phi cơ tại phi trương Phoenix để đi từ Santa Ana - Phoenix - San Jose. Tôi đến San Jose hom qua 29-5-2019. Cám ơn Chị và rất tiếc không viếng thăm được nơi San được an vị nghe kinh kệ.

Chúc chị nhiều sức khỏe

Thân


8664300519 86640205199