Thursday, October 30, 2014

Cù Lao Năng Gù



Cù lao Năng Gù

Xã Bình Thủy ( 1 ) là một xã nằm trên cù lao Năng gù, thuộc huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam.

Cù lao Năng Gù nằm trên sông Hậu, cách thành phố Long Xuyên khoảng 20 km, cách thị xã Châu đốc khoảng 30 km. Phía Bắc, Đông Bắc và Tây Bắc giáp với sông Hậu và xép Năng Gù, bên kia sông là hai xã Bình Thạnh Đông và Tân Hòa thuộc huyện Phú Tân và xã Bình Mỹ; phía Đông giáp với sông Hậu, bên kia sông là xã Mỹ Hội Đông, thuộc huyện Chợ Mới. Tây Nam cũng giáp với sông Hậu và xép Năng Gù, bên kia sông là xã An Hòa,thuộc huyện châu thành; phía Tây giáp với xép Năng Gù, bên kia sông là Bình Mỹ, thuộc huyện Châu Phú.

Cù lao Năng Gù có hai con rạch thiên nhiên chạy song song nhau, một con rạch nằm gần phía sông Hậu có tên là Rạch Cát, một con rạch nằm phía xép ( 2 ) Năng Gù có tên là Rạch Chanh, phần cuối Rạch Chanh thông ra chỗ ngôi Đình làng, nằm khoảng giữa Cù Lao. Ngoài ra còn vài con rạch nhỏ, phát xuất từ giữa cù lao, thông ra Rạch Chanh, chiều dài không đáng kể, có một con kênh đào Đông Tây lớn được gọi là kênh Đình Bình Thủy, do Làng huy động dân làm xâu đào trước cách mạng mùa thu năm 1945 vài tháng, kênh này có tác dụng cho dân chúng lưu thông từ xép Năng Gù qua Mỹ Hội Đông được thuận tiện hơn. Hiện tại chính quyền địa phương đang có chủ trương san lắp con kênh này để làm đường cho cầu bắt ngang sông.

Trong thập niên 1980 phía Bắc, Đông, Tây đất lở rất dữ đội, diện tích cù lao Bình Thủy bị thu hẹp nhiều, bên bờ xếp Năng Gù đất lở vào khoảng 20 mét, bên bờ sông Hậu đất lở mất trên 100 mét.

Trước năm 1975 xã Bình Thủy có 4 ấp: Bình Phú, Bình Hòa, Bình Thới, Bình An (nay là xã An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang).

Hiện nay xã Bình Thủy có 6 ấp: Bình Phú, Bình Quý, Bình Thới, Bình Thiện, Bình Hòa, Bình Yên.

Nhà của Hương sư Lâm Văn Nguyện, thân phụ cô giáo Lâm Thị Hương (có dạy ở Trường Tiểu Học Bàn Cờ Sàigòn vào đầu thập niên 70), sau đó về dạy Trường A Bình Thủy

Cù lao Năng Gù có ghi chép trong Đại Nam Nhất Thống Chí Tập Hạ, là cù lao có nhiều tre, trù phú nhờ nông, thủy sản. Xưa có tên là làng Bình Lâm, đến thời Pháp thuộc đổi ra là làng Bình Thủy, làng có bốn ấp, ba ấp nằm trên cù lao là ấp Bình Phú nằm ở xép Năng Gù từ đầu cù lao chạy xuống tới đình làng, ấp Bình Hòa nằm ở xép chạy từ đình làng tới cuối cù lao, ấp Bình Thới nằm phía sông Hậu (thường có tên gọi là bên Hồ), chạy từ đầu cù lao tới cuối cù lao, ấp Bình An nằm bên kia xép Năng Gù tiếp giáp với các xã Bình Hòa (Mặc Cần Dưng), Cần Đăng (Hang Tra), Bình Mỹ.

Vào khoảng đầu thiên niên kỷ 20, Ban Hội Tề làng Bình Thủy đã trưng thu tất cả đất của dân từ Rách Cát ra đến sông Hậu giang làm đất Công điền, công điền cho dân chúng thuê lấy tiền bỏ vào quỹ gọi là Công nho, dùng Công nho để cúng đình, xây dựng, tu bổ đình, trường học, cầu đường ... Nhờ vậy, đình làng Bình Thủy rất khang trang.

Là một cù lao nhỏ nhưng tồn tại trên 10 căn nhà rất to lớn trang trí kiến trúc hoa văn kiểu Pháp, xây dựng vào những năm 1930, chủ nhân là các ông Trần Văn Chốn, Phan Hòa Huỡn, Lâm Văn Nguyện... hiện tại những ngôi nhà này còn rất đẹp như nhà cô giáo Lâm Thị Hương (con gái ông Lâm Văn Nguyện), nhà thầy Hai Phát (con ông Phan Hòa Huỡn)...

Dân chúng sống chủ yếu bằng nghề ruộng, rẫy, đánh bắt cá, hiện tại là nuôi cá tra, cá basa hầm. Ở đây chưa có nhà máy hay khu công nghiệp nên lứa tuổi thanh niên có trình độ thấp đi lao đông phổ thông nơi khác nhiều.

Trước 1975, về tín ngưỡng làng Bình Thủy có Phật Giáo, Phật Giáo Hòa Hảo, Phật Giáo Tứ Ân, Thiên Chúa Giáo và Cao Đài. Phật Giáo có 3 ngôi chùa, một ngôi chùa do Làng cất nằm ở Rạch Cát, một ngôi chùa tư do gia đình ông Dương Văn Nghét cất cách đình làng chừng 500m có tên là Bình Phước Tự, một ngôi chùa mới cất trong phần đất của cô giáo Hương có tên là Kỳ Lâm Tự, có Nhà Thờ Năng Gù xây cất khang trang từ lâu đời và hai nhà nguyện, một số Độc Giảng Đường của Phật Giáo Hòa Hảo.

Sau 1975, ấp Bình An tách ra hợp với một phần đất xã Bình Hòa thành xã An Hòa, nên làng Bình Thủy ngày nay không có nhà thờ, nhà nguyện và cũng không còn Độc Giảng Đường. Tín ngưỡng chỉ còn có Phật giáo, Phật Giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương.

Dân làng Bình Thủy có tiếng về hiếu học và đi lập nghiệp thành công trên nhiều lĩnh vực..Bất cứ người dân làng Bình Thủy ra đi lập nghiệp nơi đâu khi đến ngày mùng 9, 10 tháng 5 âm lịch đều nhớ và hướng về ngày đại lễ này, lệ kỳ yên hay lễ cầu an hoặc cúng đình Bình Thủy, cầu cho mưa thuận gió hòa, dân chúng được mùa. Lệ cúng này, không nhằm vào ngày mùa nên trước đây hàng năm có tổ chức lễ hội đua thuyền, là một lễ hội lớn có rất nhiều người tham dự, đến nay hàng năm lễ hội đua thuyền vẫn tiếp tục duy trì. Ngoài lễ kỳ yên tháng 5, Đình Bình Thủy còn hai lệ cúng khác, một vào 19, 20 tháng Chạp và một vào 21, 22 tháng Giêng.

Làng Bình Thủy hiện nay có bốn trường Tiểu Học và một trường Trung Học Cơ Sở Bình Thủy, trường THCS này nằm ngay phía sau ngôi đình làng.trường xưa nhất là Trường Tiểu Học A Bình Thủy ( 3 )

Làng Bình Thủy có một ông họ Dương, không rõ tên đến định cư đầu tiên ở cù lao Năng gù, người trước kiêng cử chỉ gọi là Ông Tiền Hiền, được dân làng trọng vọng vì công đức của ông, nên có bài vị thờ trong Đình Làng, mộ của ông nằm trong phần đất của bà Dương Thị Út, là một gánh họ lớn, đông con cháu thường có tên tuổi trong làng. Bên ngoại của cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ thuộc họ Dương này, bên cạnh đình làng có phủ thờ ông Tiền Hiền này.

Trong Làng có ông Nguyễn Bá Thanh là một vị quan Phủ xưa, không rõ ông trấn nhậm phủ nào trong tỉnh An Giang, khi hưu trí ông lui về ở ấp Bình Phú, phía trên Đình làng chừng 800m, ông là một người mộ đạo Phật, nhân đức, trong đất của ông hiến cho Làng một phần để xây cất trường học, đó là ngôi trường học đầu tiên của Làng, phía sau trường ông cũng dành một miếng đất làm nghĩa trang, để chôn cất những kẻ nghèo khó. Cháu nội ông, giáo học Nguyễn Văn Đe từng dạy học ở trường tỉnh Sa Đéc, Long Xuyên, cháu cố ông Nguyễn Hoa Hẩu là thầy giáo dạy trường làng đầu tiên khi trường học mở lại sau chiến tranh 1945.

Nghe nói xưa kia làng Bình Mỹ có ông Phạm Phú Quý vốn là nông dân, không hiểu ông đã được vàng bạc như thế nào mà phất lên giàu có, mua đất "cò bay thẳng cánh", ông có làm đến chức Phó Cai Tổng, nên người ta gọi ông là Thầy Phó. Để cho đất của ông màu mỡ, tá điền chở lúa dễ dàng, trong đất ông đào những con kênh, gọi là kinh ngang, kinh giữa, kinh chót, ông cho đào một con kinh thông ra xép Năng Gù, cắt con lộ Liên Tỉnh 10, nên ông phải bỏ tiền ra đúc một cái cầu, gọi là Cầu Thầy Phó, con kinh đó đâm thẳng qua Trường học A Bình Thủy vốn là đất của ông Phủ Nguyễn Bá Thanh, ông Phủ sau đó cho đào trong đất mình một cái mương, nối từ Rạch Chanh thông ra Xép Năng Gù, cái mương này, cắt con lộ nên ông bắt một cầu gỗ có lan cang, gọi là Cầu Mương xe hơi có thể chạy qua lại, mương này đâm thẳng qua nhà Thầy Phó. 

Sau đó thì gia đình ông Phủ suy sụp, còn gia đình ông Thầy Phó Quý sau năm 1945 cũng suy tàn, dinh cơ của Thầy Phó Quý rất lớn, đầu thập niên 70, Mỹ nới rộng đường Long Xuyên Châu Đốc, phải phá bỏ hàng rào sắt không kém hàng rào sắt Dinh Độc Lập, từ đó dinh cơ này hoang tàn. Sau thập niên 80 con cháu Thầy Phó có trở về, nhưng đất đai đã bán cho Tướng Lâm Thành Nguyên (Cậu Hai Ngoán) từ trước hoặc đã bị truất hữu theo Luật Người Cày Có Ruộng. Có thể nói, cả hai gia đình danh giá, nhà cửa dinh cơ đồ sộ đã suy tàn, người ta cho là vì hai con kinh đó mà ra.

Ghi chú:

1. Bài này, tôi có tham gia sửa chữa trên Wikipedia, nhưng ai đó viết Tựa Cù Lao Bình Thủy tôi không sửa được tựa, Long Xuyên không có cù lao Bình Thủy, cù lao Bình Thủy ở Cần Thơ, còn An Giang có Cù lao tên là Năng Gù, còn làng trên cù lao là làng Bình Thủy. Tên cù lao Năng Gù không đổI, còn tên làng, thời nhà Nguyễn là làng Bình Lâm, đến thời Pháp mới đổi là làng Bình Thủy.
2. Xép là một con sông nhỏ, phụ lưu của sông Cái.
3. Thay vì gọi là Trường Tiểu Học Bình Thủy A, Sau 1975, nhà cầm quyền không chịu theo cách sử dụng chữ nghĩa Miền Nam nên gọi là Trường Tiểu học "A" Bình Thủy, Trường Tiểu học "B" Bình Thủy ...., các làng khác cũng vậy.