Saturday, June 25, 2011

Đua Thuyền Ở Làng Tôi

*
Vào khoảng năm 1952 hay 1953, đến nay cũng đã trên nửa thế kỷ rồi, lúc ấy anh tôi đã thôi học trường tỉnh, sau khi thi rớt Trung Học Thoại Ngọc Hầu Long Xuyên 2 năm liên tiếp, một năm lớp Nhứt và năm sau lớp Tiếp Liên.
Anh tôi rất thích nuôi bò, nên khi về ở nhà, liền đem một đôi bò từ Phú Hòa về nuôi, nhà chỉ có mấy công ruộng, anh ấy làm chẳng cực nhọc gì, nên có nhiều thì giờ, vã lại ở tỉnh có nhiều thú vui, nên anh tôi thường cùng mấy chú, mấy anh em họ hàng bày ra những trò chơi tiêu khiển vào buổi chiều, sau khi công việc nhà đã xong.
Chẳng hạn như chơi “Người ăn bánh in, kẻ chạy xe đạp”. Thuở ấy quán thường bán phong bánh in có kích thước ngang độ 5 phân, dầy non 2 phân, dài độ 1 tấc rưỡi, bánh không có nhân, người sản xuất có khứa sẵn, mỗi khứa chừng 2 ly, để người ăn bẻ nhỏ ra dễ dàng.
Cuộc chơi là một người chạy xe đạp, người kia ăn cho hết cây bánh in, trong miệng không được còn bánh, nghĩa là nói chuyện phải bình thường, không được uống nước khi ăn, người chạy xe đạp sẽ chạy một đoạn đườngm dài nào đó. Thường họ hay lấy khoảng đường từ trrước nhà tôi, chạy đến cầu mương rồi quay trở lại. Đoạn ấy dài chừng 300 thước, chạy đi rồi quay lại vị chi chừng hơn nửa cây số.
Bắt đầu, người ta đếm 1, 2, 3 người ăn bánh in ăn bánh, người chạy xe đạp chạy, người xem thường đứng xem anh chàng ăn bánh, vì đó là mức khởi hành cũng là mức ăn thua chung cuộc, ở cầu mương có một người đứng để chứng nhận anh xe đạp có chạy đến đó rồi mới quay lại.
Anh xe đạp chạy hết tốc độ, cũng nguy hiểm nếu gặp phải người hay súc vật chẳng hạn như chó đi băng qua đường, không lo xe hơi vì đây là cù lao, thuở đó chưa có xe hơi hay xe gắn máy.
Người ăn bánh in đừng tưởng dễ, bởi vì bánh in là bột rang khô, khi ăn vào trong miệng không có nước sẽ rất khó nuốt, ăn miếng nhỏ chờ trộn với nước miếng sẽ dễ nuốt nhưng lâu, còn ăn miếng lớn, hay nuốt vội vàng sẽ bị mắc nghẹn.
Cũng có anh ăn bánh thắng cuộc vì anh xe đạp chạy chậm, cũng có anh ăn không hết vì bị mắc nghẹn. Có khi anh xe đạp về tới nơi hỏi anh ăn bánh:
-         Ăn hết chưa ?
Anh ăn bánh tuy trong tay không còn miếng bánh nào, miệng cũng không còn nhai nữa, nhưng khi phải trả lời, anh ta nói:
-         Ông ồi !
Thế là thua, vì bánh vẫn còn trong miệng, nên phát âm không đúng.
Vào đầu mùa nước nổi, khoảng tháng 7 tháng 8 ta, có nhiều mía, mía đủ độ ngọt, người trồng mía phải thu hoạch, nếu để nước lên nhiều, mía hút nhiều nước sẽ lạt, hoặc mía bị ngâm trong nước sẽ chạy chỉ, nghĩ là trong than cây mía có những đường đỏ bằng sợi chỉ, đó là bị hư. Trên sông, mỗi ngày có 5, 7 xuồng bán  mía, hầu hết mía cây người ta bó thành chục 12, và người bán thường bán nguyên bó. Lúa gặt rồi có khi người ta cũng bó thành từng bó, mỗi bó vừa chừng một ôm, để người ta ôm, khiêng, vác di chuyển cho dễ. Nên mấy anh trai tráng, chọc ghẹo mấy cô bán mía xinh đẹp:
-         Một ôm bao nhiêu vậy cô ?
Có cô đỏ mặt tía tai, im lặng, có cô trả đủa ngay:
-         Chừng vài chục dầm mà thôi.
Trở lại trò chơi chặt mía như sau, trước nhất người thách đố chặt xéo góc mía cho nó nhọn để dễ ngã, và người đó cạo làm dấu một lóng mía vừa tầm tay người chặt, xong đưa cây mía cho người chặt, người chặt sẽ dùng một con dao yếm thật bén, một tay vừa cầm cây mía, vừa cầm cái dao, để cây mía cho đứng, không được dộng mạnh xuống đất, xong buông tay ra, xoay mình một vòng, chặt cây mía vào lóng mía đã đánh dấu, phải chặt cho đứt lìa. Nếu cây mía đứng yên thì dễ chặt, thường khi người chặt buông tay ra thì cây mía ngã, nếu cây mía ngã theo chiều người đó xoay thì khó chặt, nết ngã ngược chiều thì dễ chặt hơn, và nhát dao chặt xéo dễ đứt hơn là chặt ngang thân cây mía.
Sự ăn thua không nhiều, vài cây bánh in, mỗi cây chừng một đồng, chặt mía ăn thua một vài cây, nhiều lắm là một chục, chẳng qua chỉ nhằm mục đích giải trí, nhưng nó không có tánh cách đồng đội.
Về sau anh tôi và mấy chú họ bày ra đua bơi xuồng ở dưới sông, trước chỉ vài người, mỗi người bơi một chiếc xuồng, sau tổ chức thành từng nhóm, nhóm phía trên với nhóm phía dưới Trường học, mỗi nhóm chừng 5, 7 người cùng bơi một chiếc xuồng, họ cũng thách đố ăn thua với kẹo, bánh cũng chỉ để mua vui mà thôi.
Về sau, để cho lễ Kỳ Yên của làng long trọng hơn, họ tự động quyên góp tiền, tổ chức đua xuồng có phần thưởng, rồi năm nọ nối tiếp theo năm kia, cuộc đua thuyền vào lệ cúng Kỳ Yên làng Bình Thủy trở thành thông lệ.
Lúc đua thuyền, người ta đứng xem chật cả những bến ven sông, con lộ Liên Tỉnh 10, đường Long Xuyên Châu Đốc, quảng đường ngang Đình Bình Thủy đến trên cầu Thầy Phó, nhiều xe hơi, đôi khi có cả xe chở hành khách, ngừng lại bên đường để xem cuộc đua.  
Cuộc đua thuyền trên Xép Năng Gù, lệ cúng Kỳ Yên năm 2008
Cúng đình ngày xưa chỉ được xem hát bội để giải trí, ngày nay cuộc đua thuyền trên Xép Năng Gù thật náo nhiệt, hai bên cả khúc sông gần cây số, nam thanh nữ tú dập dìu, họ ăn mặc đủ màu sắc, chạy đủ thứ xe càng thêm nhộn nhịp.
Cuộc đua xuồng ở xóm Trường học, dần dần đã trở thành cuộc đua thuyền truyền thống của Làng Bình Thủy, nhờ người ta khéo đưa vào dịp lễ cúng Kỳ Yên hàng năm, giúp cho dân chúng mấy làng lân cận có dịp vui chơi khuây khỏa, sau những ngày mùa nhọc mệt.
25-6-2011

No comments:

Post a Comment