Saturday, November 20, 2010

Làng Tôi


Làng tôi là một cù lao nằm trên sông Hậu, trong Đại Nam Nhất Thống Chí ghi đó là Cù lao Năng Gù có nhiều tre gai. Cù lao này dài khoảng 10 cây số, ngang chỗ rộng nhất nằm giữa cù lao khoảng 3 cây số. Thời xưa có tên là làng Bình Lâm, thời Pháp thuộc có tên là làng Bình Thủy, thuộc Tổng Định Thành, quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Làng Bình Thủy trên đất cù lao Năng gù có ba ấp là Bình Phú, Bình Thới, Bình Hòa còn có thêm ấp Bình An nằm bên phần đất liền, giáp ranh với phần đất phía Đông tỉnh Châu Đốc.

Cù Lao Năng Gù phía Bắc là sông Hậu Giang, bên kia sông là làng Mỹ Hội Đông, thuộc quận Chợ Mới, phía Nam là phụ lưu sông Hậu Giang, tách ra từ đầu cù lao và nhập lại vào cuối cù lao, bên kia sông là con đường liên tỉnh 10 Long Xuyên – Châu Đốc thuộc xã Bình Mỹ, phía Đông giáp với làng Bình Hòa, phía Tây ở Ấp Bình An giáp với làng Bình Mỹ. Trên cù lao có hai con rạch : Rạch Cát chạy từ đầu cù lao đến cuối cù lao, cách sông Hậu Giang chừng 500 thước; Rạch Chanh chạy từ đầu cù lao, chạy song song với nhánh sông, rồi đổ ra nhánh sông ở khoảng giữa cù lao, nơi đó có ngôi đình làng, nơi đây làng cho đào một con kinh cắt ngang cù lao, để nhánh sông thông qua sông Hậu Giang, thuận tiện cho việc lưu thông thủy bộ trong làng.

Về mặt tôn giáo, ấp Bình Phú và Bình Thới hầu hết theo đạo Phật sau năm 1939, đa số chuyển sang đạo Phật Giáo Hòa Hảo, ấp Bình Hòa có một số tín đồ Tứ Ân của Phật Thầy Tây An, thường gọi là đạo Hiếu Nghĩa, riêng ấp Bình An toàn thể theo Thiên Chúa Giáo, có một ngôi nhà thờ Năng Gù xây dựng từ thời Pháp thuộc. Khi còn nhỏ, tôi nghe có Linh mục Poulo cai quản giáo xứ Bình An này, nhưng khi lớn lên, vào quân đội đóng ở Sóc Trăng, người địa phương cho biết Giám mục Poulo cai quản địa phận từ Nam Vang chạy dài xuống theo dòng sông Hậu, qua các tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ cho tới Sóc Trăng.


Sau năm 1975, thời ba tỉnh nhập một Long Châu Hà, có một nhân vật cách mạng quê ở Cái Dầu, lấy vợ ở cù lao Năng Gù, ông ta đã nâng thị trấn Cái Dầu thành Huyện lỵ Châu Phú, rồi đem cù lao Năng Gù xáp nhập vào huyện Châu Phú với sự thay đổi là tách ấp Bình An ra khỏi làng Bình Thủy, lập thêm một ấp Bình Quới, làm cho làng Bình Thủy nằm trọn trên cù lao Năng gù có bốn ấp: Bình Phú, Bình Quới, Bình Thới và Bình Hòa, làng Bình Thủy trở lại là làng Phật Giáo, có nhiều giáo phái, có một ngôi chùa làng, một ngôi chùa tư, một ngôi đình cổ, một ngôi trường học có từ lâu đời và một ngôi chợ ở đầu làng.

Còn ấp Bình An tách ra khỏi làng Bình Thủy, cộng thêm một phần đất xã Bình Hòa lập thành xã Bình An, vẫn thuộc huyện Châu thành tỉnh An Giang. Là một xã có đạo Thiên Chúa giáo.

Ở đầu làng có một ngôi chợ, nơi đó có một bến đò thường gọi là bến đò Năng gù, về sau gần đó có một bến Bắc (phà), những người phụ xế (lơ) xe đò, không rành về địa phương, thấy bến bắc gần bến đò Năng gù, nên họ đặt tên là “Bắc Năng Gù”, thật ra chiếc Bắc này đưa người đi từ làng Bình Mỹ sang Hòa Hảo và ngược lại, không dính dáng chi đến cù lao Năng gù cả. Đây là sự sai lầm mà chúng tôi muốn giải thích nguyên do vì sao có tên là “Bắc Năng Gù”.

Địa danh “Năng Gù”, có lẽ cũng như “Chắc Cà Đao”, “Mặc Cần Dưng”, không phải nguồn gốc từ tiếng Việt, có thể địa danh của người Khmer còn để lại.

Theo lời truyền tụng lại, ngày xưa có một ông họ Dương đem gia đình, gia nhân đến cù lao Năng Gù khai hoang, lập làng được gọi là ông Tiền Hiền, ông có bài vị thờ trong đình làng.


Gia đình tôi có liên hệ đến ông Tiền Hiền, nguyên xưa kia ông Sơ tôi nghèo, sau vụ mùa lúa, ông đi xuống miệt dưới (Sa đéc, Cần Thơ, Vĩnh Long …), để làm thuê, trong khi đó bà Sơ tôi ở nhà sanh ra ông Cố tôi, khi ông Sơ tôi trở về, bị ông bà thân của bà Sơ tôi bắt lỗi là vợ sanh mà không ở nhà lo cho vợ con, cấm tuyệt không cho ông Sơ tôi vào nhà, ông Sơ tôi ngồi ở bên cạnh nhà, khóc suốt đêm rồi bỏ đi biệt tâm từ đó.

Về sau bà Sơ tôi lấy chồng khác, đem ông Cố tôi cho làm con nuôi quan Phủ Nguyễn Bá Thanh, nên được lấy họ Nguyễn, nhờ là con nuôi của quan Phủ nên ông Cố tôi cưới được con gái út của nhà họ Dương, thuộc dòng dõi ông Tiền Hiền kể trên. Ngày nay trên phần đất họ Dương chia cho bà Cố tôi có ngôi mộ của ông Tiền Hiền. Còn phần mộ ông bà Cố tôi lại nằm trong phần đất gần khu mộ của gia đình ông Phủ. Chính bên ngọai của Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ cũng thuộc dòng dõi họ Dương của ông Tiền Hiền này.

Khoảng cuối thập niên 50, con cháu họ Dương cất một phủ thờ trên phần đất họ Dương bên cạnh đình làng, rước bài vị họ Dương từ đình sang phủ thờ tế tự từ đó. Ý kiến cất một phủ thờ riêng cho ông Tiền Hiền, cha tôi là cháu ngoại họ Dương, là Hương chức trong làng có nêu ý kiến là khi lập phủ thờ, ông Tiền Hiền chỉ được con cháu họ Dương cúng kiến mỗi năm một lần vào ngày giỗ, còn nếu vẫn để bài vị trong đình thì mỗi năm được Hương chức làng đứng ra cúng kiến mỗi năm ba lệ tháng Giêng, tháng Năm và tháng Chạp không phải là cao quí hơn sao ? Nhưng những người gánh họ Dương quyết tâm xây cất phủ thờ họ Dương.

  Hồi tôi còn nhỏ, khoảng 4 tuổi, tôi nhớ được ngôi nhà cũ của cha tôi, đó là ngôi nhà của ông bà để lại, nhà ba căn, cất sát ngay cạnh nền nhà của ông Phủ ngày xưa, sau đó cha tôi đã dời nhà về miếng đất mới mua, cất ngôi nhà mới chưa hoàn tất thì đất nước xảy ra cuộc cách mạng mùa thu năm 1945.

Bên cạnh ngôi nhà cũ, cô tôi thường kể có nhà bà mụ Ba, chồng bà mụ Ba cũng là con nuôi của quan Phủ, Bà mụ Ba thật có thiên tài, sanh cho những người bị nhao choàng rất dễ dàng, có ai rước bà đi sanh, bà hỏi tuổi của người mẹ rồi đánh tay, biết người mẹ sanh con vào lúc nào, có khi sau khi đánh tay xong, bà bảo người đi rước mụ hãy để cho bà ăn trầu, uống nước thư thả rồi hẳn đi vì sản phụ chưa sanh, có lúc bà hối thúc người rước mụ đưa bà đi nhanh lên, kẻo không kịp đến nơi thì sản phụ đã sanh, có khi bà bảo cho người đi rước biết là sản phụ đã sanh rồi, trăm lần như một đều đúng không sai một mải mai.

Nhưng mà trong làng có bà mụ Ngũ còn danh tiếng hơn, chuyện sau đây được truyền tụng sang các làng khác, cho đến ngày nay vẫn còn được nhắc nhở như sau :
Một đêm khuya, có việc bà mụ Ngũ ra khỏi nhà, liền gặp ngay một con cọp đang nằm phục sẳn trước mặt bà. Bà mụ sợ hãi nhưng còn kịp suy nghĩ nên khấn nguyện với con cọp.

- Tôi là người hiền lương, nếu ngài cần chi tôi sẵn lòng giúp, xin ngài đừng hại tội nghiệp.

Cọp như nghe được tiếng người, liền tỏ vẻ cung kính và như mời bà mụ lên lưng. Mặc dù sợ cọp nhưng bà mụ cũng đánh liều leo lên lưng cọp.

Cọp liền cõng bà mụ đi, qua vài con rạch len lỏi trong những bụi tre rừng, vài đám sậy, chừng một khắc thì đến dưới một góc cây to. Bà mụ thấy ở đó có một con cọp cái đang hung hăng chừng như đau đớn lắm, bà ta định bụng chắc cọp cái đang có chửa sắp sanh liền nói:

- Nếu như ngài muốn cho tôi sanh con ngài êm ái, xin ngài nằm yên, đừng làm cho tôi sợ hãi, tôi sẽ hết lòng giúp ngài.

Cọp cái lúc ấy nằm yên, bà mụ giúp cọp cái sanh con. Xong xuôi cọp đực liền mọp xuống, bà mụ lúc này đã yên tâm leo lên lưng cho cọp mang về.

Lúc bà mụ bị cọp cõng đi trong nhà không ai hay biết, lúc hay được, báo tin cho hàng xóm, dân làng đốt đuốc, gõ mõ đưa nhau đi tìm, tìm mãi mà không thấy nhưng đến khoảng canh tư thì bà mụ được cọp cõng về trả ở sau vườn, bà đi vào nhà thuật lại chuyện được cọp mời đi sanh cọp con, mọi người bán tín bán nghi.

Đến ba hôm sau, trời vừa hửng sáng, bà mụ dậy sớm ra quét sân thấy có một con heo đúng tạ, vừa bị cọp vồ đặt giữa sân. Dân làng biết được đến xem heo và thấy dấu chân cọp họ mới tin, nhưng sợ là cọp đã vồ heo trong làng, nên cho người đi các nơi dọ hỏi dân trong làng và làng bên kia sông, kết quả không có ai mất heo. Gia đình bà mụ lúc đó mới yên tâm làm heo ăn mừng, và chừa lại cái đầu, tối đến bà mụ đem đầu heo ra sân kiến lại cho cọp, đêm đó cọp về tha đầu heo đi mất.

Từ đó người ta tin tưởng cọp ở trong làng, không làm hại ai cả mà lại còn có nghĩa, nên Hương chức trong làng họp lại làm một tờ cử. Cử cọp làm ông xã trưởng, mỗi năm cứ đến dịp đình cúng lệ Kỳ yên, dân làng đều có dành kiến cho ông Xã cọp một đầu heo và làm một tờ cử mới, năm nào cũng như năm nào sau đêm cúng, sáng ra người ta thấy có dấu chân cọp về tha đầu heo đi, để lại tờ cử cũ năm trước và lấy tờ cử mới. Ai cũng lấy làm lạ, về tờ cử cũ không biết ông Xã cọp cất giấu ở đâu, mà suốt năm tờ cử vẫn còn mới nguyên.

Mỗi năm dân cư mỗi đông, ruộng đất được khai khẩn thêm, biến những tre rừng, lau sậy um tùm thành ruộng đất xanh tươi, từ đó ông Xã cọp không còn nơi ở, không nhận tờ cử mới và đầu heo. Nhưng trong những ngôi miếu trước sân đình, có một ngôi miếu nhỏ dưới gốc cây thị to vẫn còn chổ thờ phượng ông Xã cọp. Ngày nay người ta đã biến thành miếu Thổ thần, vẫn có người đem đem con khó nuôi đến miếu, ký bán con mình để được dễ nuôi ngon ăn chóng lớn.

Mặc dù đất Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp, nhưng cũng như những ngôi đình khác, Thần hoàng phải có sắc phong của vua Nam triều, nên vào thập niên 30, Ban Hội Tề làng Bình Thủy đã làm Sớ gửi tới triều đình Huế, dưới thời vua Bảo Đại để xin thỉnh cầu sắc phong thần hoàng đã tôn thờ ở đình làng, Sớ viết chữ Hán:

 
 Phiên âm:
Việt Nam Nam Kỳ Long Xuyên tỉnh
Tỉnh Thành quận Định Thành tổng Bình Thủy thôn
Hương chức đồng tấu chương
Cẩn tấu thỉnh sắc phong thần sự
Việt Nam Hoàng Đế giai hạ
Ngự lãm
Kim triêu cẩn thỉnh:

Bổn cảnh thần hoàng tôn thần chính vị ư Bình Thủy thôn, nguyên thần miếu trung, dĩ thừa kỳ sự, tứ thời tế tự kinh bách ngũ thập dư niên, tuy hương hỏa chi thịnh, đãn vị thụ phong thần chi sắc.
Phục khất:

Thánh Thượng minh xét thôi cổ cập kim

Sắc phong bổn cảnh thành hoàng tôn thần chính vị, hưởng thụ đình trung niên niên phụng tế.
Phục khất duy tấu.

Khấu chúc: Việt Nam Hoàng đế vạn vạn tuế.

Việt Nam, Nam Kỳ, Long Xuyên tỉnh, Tỉnh Thành quận, Định Thành tổng, Bình Thủy thôn

- Định Thành Cai tổng Nguyễn Minh Nhung

Bình Thủy thôn Hương chức đồng đẳng:

- Đại Hương Cả Phạm Tứ Thể
- Hương Cả Lê Bửu Linh
- Hương Chủ Phan Hòa Huởn
- Hương Sư Lâm Văn Nguyện
- Hương Trưởng (khuyết)
- Hương Chánh (khuyết)
- Hương Giáo (khuyết)
- Hương Quản Huỳnh Văn Đoan
- Hương Bộ Dương Văn Cừ
- Hương Thân Lâm Văn Chẩn
- Thôn Trưởng Trần Văn Chốn
- Hương Hào Nguyễn Bá Tòng
- Chánh Lục Bộ Nguyễn Văn Bổn

Hương chức đồng quỵ tấu

Sắc phong thần hoàng làng Bình Thủy của Hoàng đế Bảo Đại


Phiên âm:

Sắc Long Xuyên tỉnh, Tỉnh Thành quận, Định Thành tổng, Bình Thủy thôn phụng sự bổn cảnh thần hoàng tôn thần hộ quốc tí dân niệm trứ linh ứng tư kim phi thừa.

Cảnh mệnh miến niệm thần hưu trứ phong vi tỉnh hậu dực bảo trung hưng trung đẳng thần chuẩn kỳ phụng sự tịch cơ thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân khâm tai.

Bảo Đại thập cửu niên tam nguyệt nhị thập nhị nhật.

Tưởng cũng cần nhắc lại Hương chức gồm có 12 người gọi là Ban Hội Tề, do nghị định của Toàn Quyền Đông Dương ban hành ngày 30 tháng 10 năm 1927, qui định chức vụ và quyền hạn của 12 Hương chức trong Ban Hội Tề như sau:

-         Hương Cả: Chủ tịch.
-         Hương Chủ: Phó Chủ tịch kiêm Thủ quỹ.
-         Hương Sư: Giám sát các hương chức khác.
-         Hương Trưởng: Trông nom việc học.
-         Hương Chánh: Cố vấn cho Hương Thân, Xã Trưởng, Hương Hào
-         Hương Giáo: Chỉ bảo cho Hương chức cấp thấp không nằm trong Ban Hội Tề
-         Hương Quản: Đảm trách việc cảnh sát, hành chánh và tư pháp.
-         Hương bộ hay Thủ bộ: Giữ sổ sách thuế bộ như thuế thân, thuế ghe, thuyền, thuế trâu bò, địa bộ và các sổ sách khác của làng.
-         Thương Thân: Đứng đầu Ban Chấp Hành (Hương Thân, Xã Trưởng, Hương Hào) có nhiệm vụ liên lạc giữa Ban Hội Tề với quan trên.
-         Xã Trưởng hay Thôn Trưởng: Làm môi giới giữa xã thôn và nhà nước.
-         Hương Hào: Coi việc tuần tra ở trong làng xã.
-         Chánh Lục Bộ: Chịu trách nhiệm về Khai sanh, Khai tử, Hôn thú

Nhiều làng có chức Đại Hương Cả, là Chủ tịch danh dự hay là cố vấn cho Ban Hội Tề.
Người ta tin rằng, thần hoàng của làng Bình Thủy rất linh thiêng, tôi có nghe mấy chuyện kể như sau:
*
Sau lệ cúng đình, gạo còn dư nhiều, ông từ ăn không hết sợ để lâu gạo bị mốc, có anh kia nhận mượn một táo gạo đem về nhà ăn, đến lệ cúng sau sẽ trả lại, rồi đến mùa gặt lúa, anh ta đi làm xa, ngày lo làm, tối về mệt ngủ, không nhớ đến lệ cúng đình, một đêm kia anh ta nghe bên tai có ai bảo: “Lo liệu đem táo gạo trả lại để cúng đình”, sáng ra anh ta tức tốc bơi xuồng trở về nhà, kịp xay lúa, giả gạo trả cho đình để cúng lệ Kỳ yên.
*
Chú Bảy Đăng, em của ông xã Nguyễn Nhựt Tiên, một hôm bơi xuồng đi chợ, khi gần đến bến chợ vô tình chú thấy có người đàn bà rút cái quần đang phơi của ghe bên cạnh, lúc chú đến chợ, vừa mới cập xuồng cột vào bến, thì nghe chị đàn bà nọ hỏi chị kia:

- Chị có lấy cái quần của tôi phơi ở đây không? Làm ơn trả lại cho tôi.

- Sao chị lại hỏi kỳ vậy, bộ chị nghi tôi lấy của chị hay sao? Chị không thấy thì đừng có nói bậy nghe !

- Vậy chớ tôi hỏi chị, chỉ có ghe của chị và ghe của tôi đậu nơi đây, sao cái quần của tôi bị mất đi ? Chị nói chị không lấy, vậy chị có dám kêu linh thần thề hay không?

- Sao lại không! Tôi mà có lấy cái quần của chị cho ông Thần vật tôi chết đi!

Chú Bảy Đăng đã thấy chị đàn bà đó lấy cái quần rõ ràng, vậy mà chị ấy lại dám thề độc như vậy, chú nghĩ thầm: “Ai cũng nói ông thần rất linh thiêng, chuyện này để coi ông thần sẽ làm sao ?”. Tối đêm ấy, chú nằm chiêm bao thấy một ông già phương phi, râu tóc bạc phơ nói với chú :

- Này bảy Đăng! Chẳng lẽ, chỉ vì một cái quần của đàn bà, mà ta phải làm cho ra chuyện đối người đàn bà nghèo khổ, đáng thương đó hay sao?

Sáng ra, nhớ lại giấc chiêm bao, chú bảy Đăng liền bắt một con vịt luộc rồi đem tới đình, cúng tạ lỗi với linh thần, vì chú đã có ý nghĩ bất kính.

*
Còn chuyện chính ông thân sinh ra tôi kể lại. Khoảng thập niên 30 đến giữa 40, ông thân tôi có làm Hương chức làng, một buổi tối chừng 10, 11 giờ đêm - ở nhà quê, xưa kia như vậy đã là khuya lắm rồi, không còn ai đi lại – ông thân tôi có việc, trên đường về đi ngang qua đình. Khi đạp xe ngang qua đó, nghe trong nhà hội của đình có tiếng nói lao xao, ông thân tôi nghĩ là ông từ chứa bài, xe chạy qua khỏi đình rồi, ông thân tôi quay lại đi vào nhà hội, khi vào sân đình vẫn còn nghe tiếng lao xao, nên ông thân tôi nghi quyết là có sòng bài, nhưng vào tới nhà hội thì nghe im lặng, ông thân tôi nghĩ chắc có người báo nên mấy tay chơi bài im lặng, ông thân tôi gõ cửa gọi ông từ. Ông từ lục đục rồi mở cửa, hỏi ông thân giọng còn ngáy ngủ:

- Ông Hương sư gọi tôi đêm tối, có việc chi không ?

- Bộ anh chứa bài hả ?

- Đâu mà có !

- Sao chạy xe ngoài đường, tôi nghe trong này có tiếng nói chuyện ồn ào, không có sòng bài thì là gì ?

Ông từ chậm rải giải thích:

- Ông Hương sư không biết đó, mỗi lần gần tới lệ cúng đình, mấy ổng về chia phần cải cọ với nhau, có khi xốc chén dĩa rổn rảng thiếu điều muốn bể hết. Chớ có ai mà dám chứa bài ở đây !

Ông thân tôi nghe xong, thầm phục cho ông từ là người dạn dĩ, luôn luôn chỉ có một mình ngủ ở đình từ năm nọ qua năm kia.
*
Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, mỗi làng có hai Cảnh Sát viên để giúp Hội Đồng Xã trông coi trật tự, làng tôi cũng vậy có hai anh Cảnh sát. Có một anh Cảnh sát luôn luôn giúp đỡ dân làng, nhất là mỗi lần có hành quân bắt quân dịch, anh ta ngầm thông báo cho thanh niên trong hạng tuổi quân dịch biết để trốn tránh, nhờ vậy nhiều người rất biết ơn anh ta.

Một hôm, ở quán cà-phê anh Cảnh sát ấy nói với mấy người bạn, viên chức trong làng:

- Đêm hôm tôi nằm chiêm bao thấy có một ông già râu tóc bạc phơ, cập cổ dẫn tôi đi chơi, tới một chỗ phong cảnh rất đẹp.

Một người vui vẻ nói:

Anh không biết đó, ông già ấy chẳng ai khác hơn là thần hoàng ở đình này, vì ngài nhận thấy anh luôn luôn giúp đỡ dân trong làng, nên cho anh thấy ngài, cũng như tưởng thưởng anh đó !
*
Có lẽ vào đầu thế kỷ 20, trong Nam có ông Lưu Văn Lang tốt nghiệp Kỷ sư Cầu Cống ở Pháp về, người ta gọi ông là Bác vật Lang. Bác vật Lang có đến làng tôi, xem xét địa thế rồi ông cho biết phần đất phía sông Hậu Giang, cách đầu cù lao một đoạn chừng 2 cây số, đất sẽ bồi thêm ra, ông nội tôi và một số Hương chức trong làng, nghe thế tin lời ông Bác vật, nên đã khẩn mỗi người vài chục công đất.

Cho đến thập niên 60, chú tôi cùng một số con cháu những người khẩn đất xưa, thuê Ty điền địa đo đạt, phân ranh, làm giấy tờ địa bộ. Phần đất ông nội tôi khẩn 32 công, đất bồi được 16 công, những người kia cũng vậy, đều được khoản phân nữa số đất đã khẩn.

Nhưng số đất trên, đều bị người ta chiếm canh, cho nên khi có chánh sách “Người cày có ruộng”, tất cả đều bị truất hữu. Từ không ra có, rồi lại trở về không như lời đức Phật dạy, nhưng đáng khâm phục Bác vật Lang, nhìn thế đất, nhìn giòng nước chảy, biết chỗ bồi chỗ lở, thế mới biết thực tài và sở học của ông.

Mùa thu năm 1945, Nhật đảo chánh Tây, nào là phong trào Thanh Niên Tiền Phong, Việt Minh, lực lượng Hòa Hảo nổi lên, Ban Hội Tề không còn quyền hành, tuy nhiên họ vẫn đảm nhiệm việc cúng tế đình thần. Làng tôi, Hương Cả là người theo đạo Thiên Chúa nên không cúng tế, vì thế Hương Chủ là Chánh bái, ông ta lại theo Phật Giáo Hòa Hảo nhiệt thành, nên quyết định cúng đình là cúng chay để tránh sát sanh. Nhưng cúng được vài lệ trong làng xảy ra nhiều chuyện bất an, nào là bệnh dịch, nào mùa màng thất bát. Do đó những Hương chức cũ trong ban cúng tế, đưa ra ý kiến:

Thần hoàng không phải là ông Phật, Phật ăn chay còn Thần ăn mặn, nên cúng đình phải cúng mặn như cũ chớ không cúng chay nữa. Ông cựu Hương Chủ phải nghe theo số đông, ông nhường chức Chánh bái lại cho người khác, cúng đình trở lại cúng mặn như xưa, làng xã trở lại bình an như cũ.

Bà cố tôi kể trên họ Dương là bà ngoại của ông thân tôi, còn bà cố họ Phạn là bà nội của ông thân tôi, bà có một người anh thứ ba làm đến chức Cai đội, dưới trướng của Quản Cơ Thành, đức cố Quản sau theo đức Phật Thầy Tây An, ông Cai Ba của tôi cũng quy y đầu Phật, làm đệ tử của đức Phật Thầy.

Khi ông Cai Ba cất nhà mới, ông xin đức Phật Thầy chú nguyện cho, nhằm để gia đình được an khang, tu nhân tích đức, đức Phật Thầy dạy cột chỉ đẽo sơ sơ bên ngoài, không nên bào láng rồi đức Phật viết mấy chữ lên trên đầu một cây cột cái. Về sau, gia đình ông Cai Ba khá giả hơn, gả một người con gái cho một anh thợ mộc là thợ chánh, ông thợ chánh này bàn với gia đình bên vợ là gia đình đã khá giả, ở một ngôi nhà cột không bào, trông không mỹ thuật và nhất là không xứng đáng với hoàn cảnh gia đình, ông hứa sẽ đem tài thợ chánh của mình ra cất lại nhà mới đẹp đẻ hơn. Nghe chàng rể và các con bàn bạc, ông Cai Ba rốt cuộc đồng ý, giao cho con rể cất nhà mới, nhà cũ cột kèo cũng còn tốt nên bán rẽ cho nhà giàu khác, họ mua về để cất chuồng bò.

Khoảng chục năm sau, nhà giàu mua nhà ông Cai Ba cất chuồng bò, tán gia bại sản; gia thế con cháu ông Cai Ba cũng suy sụp, có người bỏ xứ đi xa. Đến những năm loạn lạc 1945, tôi còn nhớ cháu nội ông Cai Ba trở về làng, nghèo đến nổi phải mặc bao bố tời ! Một cái nhà đức Phật Thầy đã chú nguyện, vì vô tình làm sai mà cả hai gia đình đều gặp phải cảnh suy sụp đáng thương!  

Làng tôi không xa làng Hòa Hảo, nơi đức Huỳnh Phú Sổ khai sáng đạo ngày mười chin tháng năm năm Kỷ Mão (1939), hai làng chỉ cách nhau con sông Hậu, như đã nói làng tôi cũng có nhiều tín đồ Hòa Hảo, vậy mà từ năm khai sáng đạo, cho đến năm ngài bị Bửu Vinh sát hại tại Đốc Vàng năm 1947, dù có đi ngang qua nhiều lần nhưng chưa bao giờ Giáo chủ đến làng tôi giảng đạo. Sau này người ta có nhận xét, nơi nào Giáo chủ Hòa Hảo đến giảng đạo, nơi đó có giặc giả, chỉ có làng tôi ngài không đến lại được bình an.

Tôi xa làng từ khi mười ba tuổi, hè hay tết tôi mới lại về chơi, bạn bè ngày xưa cùng chơi đá dế, leo cây bắt chim, ngủ xuồng khi giăng lưới ban đêm, chơi u ấp, bắn bi, nhảy cò cò hay cùng nhau tắm mưa, lội sông nay đều có cháu nội cháu ngoại, gặp lại nhau không còn thân thiết như xưa. Nhìn tấm ảnh chụp hai lớp học ở Trường làng năm 1951, hai Thầy giáo mặc áo sơ-mi quần sọt, học trò hoặc mặc bộ pyjama, hoặc mặc bộ bà ba hay mặc quần đùi áo sơ-mi, tôi không còn nhận ra ai là bạn học cũ của mình nữa.


Đình vẫn cúng nhưng người ra vô ồn ào, không còn được trang nghiêm nữa. Phải chăng tín ngưỡng có thay đổi? Xưa nơi bàn thờ Thần không ai được vào, trừ Hương chức có phận sự, nay thì già, trẻ, lớn, bé đều có thể vào tất. Nếu Thần hoàng cần bày tỏ chắc ngài phải nói: “ Hoàng đế phong cho ta hưởng lộc ở đình làng này, ngài đòi cho được đất Nam kỳ trả lại cho nước Nam ta, rồi vật đổi sao dời ngài không còn đất dung thân, ta lại là thần dân của ngài, làm sao tránh khỏi như ngài !”.

Ngày còn nhỏ, từ đầu làng cho đến cuối cù lao, tôi nhớ được từng nhà, từng người, hơn năm mươi năm sau trở về làng, đi từ nhà đến đình làng chỉ khoảng một cây số, những căn nhà cũ còn in trong trí tôi, ngày nay không còn nữa, mỗi mỗi đều thay đổi, người ta nhìn tôi, nhận ra tôi là một khách lạ từ xa mới tới. Tôi tự hỏi “Phải vậy hay không ?”

Huỳnh Ái Tông
 Louisville, 20-01-2007

No comments:

Post a Comment