Saturday, November 20, 2010

Con Sáo Tôi Nuôi


Hồi nhỏ ở nhà quê, tôi thường chơi với thằng Khuyến, hắn là con của người chú họ tôi, bà nội hắn với bà nội tôi là chị em ruột, nhà hắn ở trong Giồng , bên cạnh đất ruộng nhà tôi, mẹ tôi thường làm ruộng làm rẫy ở đó, tôi hay theo mẹ nên thường chơi với hắn lúc còn nhỏ. Khi lớn thêm vài tuổi, tôi chăn dê còn hắn chăn bò ngày ngày gặp nhau.
Buổi trưa, thả bò thả dê trong cánh đồng, cho chúng tự do tìm cỏ ăn, chúng tôi rảnh rang, có nhiều thì giờ rong chơi, có khi đi lật đất cày lên tìm bắt dế, dế có cánh đen thì gọi là dế mun, dế có cánh vàng gọi la dế lửa, chỉ có dế trống mới gáy và đá với nhau, nói là đá chớ thật ra mỗi con dế có hai cái càng ở miệng, chúng dùng càng cắn với nhau, khi cắn nhau rồi chúng lại dùng chân để đẩy đối thủ, hoặc dùng đôi chân để tung mình lên kéo theo đối thủ, con nào ê càng thì chạy. Nhưng muốn cho nó phục thù, lấy sợi tóc cột vào chân dế rồi quay cho nó năm bảy vòng, bỏ ra, nó lại hăng say đá nữa, có lẽ nó bị say máu ngà chăng? Còn dế cơm, thân hình nó to hơn, không biết đá, người ta thường bắt nó lăn bột chiên ăn, một thứ dế nữa là dế nhũi, thân nó nhỏ không cánh, hai càng ở miệng nhô ra dùng để ủi đất mà đi, như thế nó ủi chết lúa, đậu, bắp những thứ nông dân trồng, nên nông dân ghét nhứt là dế nhủi.
Hết đá dế lại chơi đá gà, mỗi đứa đi tìm cỏ chỉ, cỏ chỉ là một thứ cỏ thân nhỏ bằng cộng chân nhang, có nhiều khúc, mỗi khúc chừng một lóng tay, ở mỗi khúc đều có lá, nó chỉ bò ở dưới đất, dài lắm chừng ba bốn tấc, có những cọng có cái gù lớn chừng bằng ngón tay, tìm cho được những cọng cỏ này, rồi mỗi người chơi cầm một cọng cỏ đánh vào nhau, thường là đánh vào chỗ cọng cỏ giáp với gù, chỗ ấy dễ bị đứt, ai bị đứt gù là thua.
Có khi đi hái me nước ăn, me nước là loại cây ở nhà quê người ta thường trồng làm hàng rào vì nó có nhiều gai, dễ trồng, đó là những cây nhỏ, những cây lớn thường người ta không trồng, nó tự nhiên mọc lên, rồi người ta lãng quên. Nó lớn dần lên, thân nó chừng bằng bắp vế, cao độ năm bảy thước là có trái, nói người ta không trồng vì thân nó không thẳng, gỗ nó không tốt, chỉ dùng làm củi mà thôi, trái của nó như cái lò xo hai ba vòng, lúc còn non nó dẹp nhưng khi sinh trưởng nó to ra tròn như ngón tay,có nhiều ngấn, mỗi ngấn gọi là một mắt, trong mỗi mắt ấy, ở giữa là hột xung quanh hột là cơm, khi còn non hột màu xanh đọt chuối, khi chín thì hột màu đen, lúc me nước chín cái vỏ ngoài trở thành đỏ rồi vỏ tự tách ra, nhìn thấy cơm màu trắng, hoặc tim tím. Chim tha hồ ăn me nước chín. Cây me nước có nhiều gai, và nhánh của nó dai, nên chim dòng dọc thường đến những cây me nước làm tổ, chúng tha cỏ về bện ở đầu cành một cái tổ y như một chiếc vớ, rất dầy, miệng tổ luôn luôn nằm phía dưới, nhờ đó mưa không ướt trứng, khi nào người ta đốn me nước có ổ chim dòng dọc, trẻ con thường lấy ổ, xỏ vào chân làm giày đi chơi.
Me nước có hai loại, lọai ngọt và loại không ngọt, loại ngọt lúc già cho tới chín ăn đều ngọt loại không ngọt lúc chưa già ăn hơi chát,lúc chín ăn hơi chua, khi me nước khô ăn cũng ngon vì vẫn còn chua chua. Ngoài cách ăn lúc già, lúc chín, lúc khô, người ta còn hái những trái me già rồi đem nấu có bỏ một chút muối, ăn cũng ngon.
Vì là thứ cây không cần trồng, trái không phải là quý hiếm, ăn không phải để no, nên trẻ con hái me nước không ai rầy la. Ngoài chuyện hái me nước để ăn, ăn xong lấy hột chơi đánh bài, ăn chung tính bằng lon sửa bò hay cái mũn vùa.
Nhưng tôi thích nhất vào đầu mùa xuân,trên những hàng rào cây me nước có những cành lá xanh tươi mơn mỡn, đó là lúc những con cánh cam xuất hiện, con cánh cam đẹp nhất là hai chiếc cánh nó màu xanh ửng vàng lấp lánh. Tôi bắt được con cánh cam thường bỏ vào hộp giấy, ngắt bỏ vào vài đọt me nước cho nó ăn, đôi khi con cánh cam đẻ, trứng nhỏ hơn hạt tiêu một chút, màu vàng, nhưng tôi chưa bao giờ thấy trứng đó nở ra con.
Có những khi hai đứa chúng tôi đi vào trong những khu vườn, tìm hái trái cơm nguội, trái nhỏ bằng ngón tay út chín màu tím đen, ăn chua chua ngọt ngọt,
Có khi đi tìm bông vò vẻ, nó có nụ tròn bằng ngón tay cái, khi nó nở ra bốn năm cánh, không đẹp nhưng rất thơm, hái được năm sáu bông nở ủ vào trong túi áo rất thơm, mùi thơm dịu và ngọt ngào, trái của nó bằng đầu đủa ăn, dài chừng hai ngón tay, ăn bên trong cũng chua chua ngòn ngọt, giống như trái nhãn lồng.
Đôi khi chúng tôi đi hái trái bằng lăng ăn chơi, cây bằng lăng trong Nam ít có cây to, cây to ở trên rừng gỗ của nó gọi là thao lao, thường người ta ưa chuộng cất nhà gỗ thao lao, vì dùng được lâu, tốt hơn gỗ dầu, có thể ngang bằng với gỗ sao. Hoa của nó màu tím có chùm, tuy không tím bằng hoa lục bình nhưng một cây bằng lăng có nhiều nhánh, mỗi nhánh đều có hoa, cùng trổ nên trông rất đẹp, khi nó có trái thành từng chùm trái, trái to bằng trái nhãn, trong có nhiều múi, lúc giao thời giữa non và già, hái trái ăn những muối bên trong hơi chua chua, khi trái già bên trong cứng không ăn được.
Có khi chúng tôi đi tìm bắt những ổ chim, săn tìm nhất là những ổ sáo, ổ cưởng, vì dễ nuôi. Sáo với cưởng thân hình giống nhau, cưởng lông thân nó màu hơi nâu, lốm đốm trắng, đen, còn sáo hoặc vàng hoặc đen. Sáu vàng còn gọi là sáo sậu, khôn hơn sáo đen, sáu đen cũng gọi là sáu trâu.
Năm đó, Khuyến và tôi bắt được một con quạ và một con sáo vàng. Khuyến gan dạ hơn tôi, nên leo trèo nhanh, hắn leo trước, tôi leo theo sau, để khi nào hắn bắt được chim con thì đưa cho tôi đem xuống tiếp với hắn, nhưng năm khi mười họa mới bắt được một con, vì nhiều ổ trứng chưa nở, nhiều ổ chim mới nở chưa mọc lông cánh, không thể bắt về nuôi được. Cho nên Khuyến được quyền giữ chim nuôi cho đến lớn rồi mới chia. Hắn nói nuôi sáo chỉ cần lột lưỡi và cho ăn ớt là biết nói, còn quạ theo lời chú năm tôi, ba của Khuyến nói, muốn cho nó nói phải đào hầm nuôi nó dưới hầm, không cho nghe tiếng chim chóc, nó chỉ nghe tiếng người mà thôi, rồi nó sẽ nói theo mình. Do đó khi chia chim, Khuyến nói với tôi, sáo dễ tìm, tôi chia cho anh, còn quạ khó tìm, tôi giữ lại để nuôi thử coi nó có nói được không?
Tôi đem con sáo vàng về nuôi trong cái lồng tre, hằng ngày khi chăn bầy dê ngoài đồng, tôi bắt vài con cào cào, châu chấu hay dế, chiều về cho sáo ăn. Năm mười ngày, tôi hái một trái ớt hiểm nhét vào miệng cho nó ăn, khoảng một tháng tôi lột lưỡi nó một lần, lưỡi của sáo ở đầu lưỡi tách ra làm đôi, phía trong có ngạnh như cái ngòi viết, khi nào tôi thấy cái lưỡi sáo bắt đầu từ ngoài chót vào trong, chừng một phần ba màu đen là tôi lấy móng tay cạo ở phía dưới cái lưỡi, cho nó tróc ra một chút rồi dùng móng tay nắm phần đó kéo ra chót lưỡi, như thế phần đen sẽ bị lột đi, lưỡi sáo còn lại chừng hai phần ba. Tôi nuôi như vậy chừng hơn năm.
Tôi có hai người anh, anh lớn ở Sàigòn, anh kế đi học ở Long Xuyên, còn lại nhà mọi việc cha mẹ tôi đều sai bảo tôi, tôi cũng thường đi chơi, muốn sai bảo chi, cha tôi phải gọi:
- Tông ơi !
Rồi một hôm, vào buổi trưa, ở trong nhà, cha tôi nghe có tiếng đứa nhỏ nào gọi tên tôi ngoài cửa, đó là đều cha tôi rất ghét có ai rủ tôi đi chơi, nhưng một chút cha tôi lại nghe có tiếng gọi tôi, do đó cha tôi bước ra ngoài xem coi bạn tôi là đứa nào cứ gọi tôi hoài vậy. Ra cửa, cha tôi không thấy trẻ con nào cả, tưởng là đứa trẻ con nào đã đi rồi, nên cha tôi đi vào nhà nhưng được một chút lại nghe gọi nữa, cha tôi lại đi ra cửa, vẫn chẳng thấy bóng ai, cha tôi quyết đứng đó để xem coi có ai gọi nữa không. Rồi lại có tiếng gọi nữa, lần nầy cha tôi mới tháy rõ là con sáo nó gọi tên tôi, cha tôi nghiệm ra, hằng ngày người thường gọi tôi để sai vặt, nên nó bắt chước gọi theo. Thế là nó đã biết nói.
Từ đó, cha tôi dạy cho nó nói, còn tôi thì thấy nó đã biết nói rồi, nên ban ngày tôi mở cửa lồng cho nó thong thả đi ra ngoài, khi nó đi chán, nó lại chui vào lồng, có những hôm nó đi đâu mất cả ngày, nhưng đến chạng vạng tối nó lại bay về chui vào lồng ngủ. Tôi vẫn bắt cào cào, châu chấu mỗi ngày cho nó ăn, tôi rất thích nó, vì nó là con sáo biết nói, chẳng những vậy mà nó cũng không đi hoang, tôi còn hy vọng một ngày nào đó, biết đâu nó lại chẳng dẫn về một con sáo lạ ?
Một hôm vào lúc gần chạng vạng tối, con sáo của tôi từ ngoài bay về lồng của nó, ngay khi đó từ trong góc nhà, con mèo rình sẵn, nhảy lên chụp nó, tôi nghe tiếng con sáo la lên bất thường, tôi chạy tới, con mèo bỏ chạy. Con sáo của tôi từ thế nằm trên sàn, vổ cánh đứng lên, tôi đưa tay bắt nó, thấy ức nó có vết răng mèo, có chút máu, tôi lấy thuốc đỏ bôi lên vết thương, rồi thả sáo vào lồng, nó đứng trên nhánh cây khô trong lồng như mọi hôm, trông nó cũng bình thường, tôi yên chí là nó sẽ không sao.
Vậy mà sáng hôm sau, con sáo vàng biết nói của tôi đã chết. Tôi nghĩ con sáo chết không phải vì vết thương mà vì nọc độc của con mèo. Tôi rất buồn và tiếc thương nó, vì đã bỏ ra nhiều năm tháng, chăm sóc con sáo mới biết nói được tiếng người.
Năm 1978, sau khi đi học tập cải tạo về, tôi thấy có những người ở quê mang lồng sáo đi bán ở đường phố Sàigòn, thấy vậy, tôi nhớ tới lúc còn nhỏ, tôi đã nuôi được một con sáo vàng và một con sáo trâu biết nói, nên tôi mua một con sáo vàng về nuôi.
Nuôi được vài tuần thì anh tôi ở Long xuyên lên chơi, thấy tôi nuôi con sáo, anh nhỏ nhẹ nói:
- Chú mầy ở tù mấy năm không thấm hay sao mà còn bắt người ta bỏ vào lồng ?
Tôi chợt nhớ tới câu : “Cá chậu, chim lồng”, liền mở cửa lồng, thả cho sáo bay đi. Trời rộng bao la, chỉ một chốc là con sáo sổ lồng bay biệt tâm mất tích, nó đã trở lại đời sống thiên nhiên, tôi cảm thấy vui như buổi sáng hôm nào rời khỏi Trại Học Tập Cải Tạo.
11-11-2008
Huỳnh Ái Tông

No comments:

Post a Comment