Ở trong Nam, thời Pháp thuộc, mỗi làng đều có một Ban Hội Tề. Đứng đầu Ban Hội Tề là ông Hương Cả. Hồi tôi còn nhỏ, nhà ông Hương Cả Phạm Tứ Thể cách nhà tôi hai căn nhà khác, nhà ông ba căn một chái, lợp lá, vách gỗ nền lót gạch tàu, ở hàng ba là một dãi song gỗ, trước sân nhà có những chậu kiểng.
Cô tôi có dắt tôi đến nhà ông một lần, chỉ bước qua bậc thềm cửa, thưa chuyện với ông điều chi đó, rồi cô cháu tôi ra về, lần ấy tôi còn quá bé mới bốn hay năm tuổi nên không thể nhớ được trong căn nhà của ông.
Rồi cha tôi dời nhà xa đi một chút, cách nhà ông Hương Cả chừng năm, sáu trăm thước, là lúc cách mạng mùa Thu đang xảy ra, Hương chức làng không còn làm việc nữa, tuy nhiên người ta vẫn kính trọng và gọi ông là ông Cả, ông vẫn được mời ăn trên, ngồi trước trong những đắm tiệc. Mỗi khi có chuyện nhắc tới ông, cha hay cô tôi gọi ông là Cậu Tư, chắc chỉ là quen biết chòm xóm với nhau chớ không có họ hàng gì.
Khoảng năm 1950, tôi lên mười tuổi thì ông Cả đã già, râu tóc đã bạc trắng, vóc người nho nhã, dáng ông nghiêm nghị, thường mặc bộ bà ba trắng, cỡi xe đạp đi lên chợ hay xuống đình. Chắc ông là người thông thạo chữ Nho và quốc ngữ nên mới làm làng đến chức Hương Cả, Ông biết xem mạch chẩn đoán bệnh và cho toa hốt thuốc, nhưng ông không hành nghề Thầy thuốc, ông chỉ bắt mạch và trị bệnh cho những người thân mà thôi.
Em của ông thứ Năm là ông Phạm Trọng Trì, nhà ở bên cạnh nhà ông Cả, làm đến chức Hương sư, ở nhà ngói, tường xây gạch, nền đúc, tôi có vào nhà ông này mấy lần nên còn nhớ, trong nhà có hai bộ ván gõ ở hai bên, gian giữa có bàn chân quì, có ghế trường kỷ bằng gỗ mun, lau chùi thường xuyên nên lên nước bóng láng, tôi đoán chừng nhà ông Cả bàn ghế, ván ngựa chắc cũng như vậy.
Cô tôi có kể một câu chuyện, hồi ông đã làm hương Cả, có một người cháu họ, vợ mới sanh được đứa con gái. Vài hôm sau, một buổi tối, ông Cả khăn đống áo dài đem theo một khai trầu rượu, đi tới nhà người cháu vừa mới có con.
Người cháu thấy ông Cả, đến nhà ăn mặc nghiêm chỉnh lại có đem theo khai trầu rượu, tưởng là ông Cả ghé nhà nhờ anh ta bưng khai trầu rượu đi đâu đó. Nhưng không ngờ ông Cả lại trịnh trọng nói với anh ta:
- Cậu có chuyện muốn nói với cháu, nhưng cháu phải ngồi vào bàn cậu mới nói được.
Người cháu thấy là chuyện quan trọng, nên đáp:
- Dạ ! Cháu là phận con cháu, đâu có dám ngồi, vô phép như vậy cậu!
- Nhưng cháu phải ngồi, phép phải như vậy cháu.
Anh ta không biết phải làm sao, đành phải ngồi vào ghế. Ông lấy nhạo rót rượu vào chun, rồi nói với người cháu họ:
- Mời cháu uống chun rượu này, đây là rượu lễ, để cậu xin cháu một việc.
Anh ta không biết chuyện chi sẽ xảy ra, vì ông Hương Cả chỉ nói một tiếng là hương chức phải răm rắp tuân theo, ông nói một tiếng là cha mẹ anh ta cũng phải nghe theo, bây giờ ông lại rót rượu cho anh ta uống, thì chuyện quá lớn rồi, nên anh ta đứng dậy, cung kính đáp:
- Thưa cậu ! Cậu sai bảo chi cháu cũng làm, chớ chun rượu này thật cháu không dám uống, nếu cháu có sơ thất điều chi, xin cậu chỉ bảo, dạy cho.
Bấy giờ ông Cả mới nói :
- Cháu vừa mới có đứa con gái, đã đặt tên, tên ấy là tên bà thân của cậu, cậu biết cháu không biết nên mới đặt tên như vậy, cậu mang khai trầu rượu đến đây, mục đích là để xin hai vợ chồng cháu đặt lại tên khác cho cháu bé.
Thế là người cháu quì xuống lạy lấy lại để ông Hương Cả, hứa là ngày mai sẽ đặt tên lại.
Ngày hôm sau, chẳng những anh ta nấu chè cúng “mười hai mụ bà, mười ba đức thầy” mà anh ta mang khai trầu rượu đi cùng với cha mẹ, đến nhà ông Hương Cả để tạ lỗi phạm thượng, đặt trùng tên “kẻ trên người trước”.
Ông Cả có một người con dâu bị bạo bệnh rồi mất, trên quan tài người con dâu của ông có để một cái khăn tang, đó là khăn tang người chết để tang cho cha chồng còn sống và ông đã đánh trên quan tài con dâu ông ba roi về tội bất hiếu, dâu con không phụng dưỡng cha mẹ. Không phải ông ghét bỏ gì người dâu ấy, nhưng ông muốn giữ giềng mối của thánh hiền, phong tục của ta.
Trong làng, tôi còn nghe người ta nhắc đến tên ông Cả Nhứt, ông Cả Linh, cả hai ông cả này tôi đều không biết mặt, mặc dù tôi có biết nhà cửa của họ, ông Cả Nhứt mất khi tôi cha sanh ra đời, còn ông Cả Linh, những năm lộn xộn Nhật đảo chánh Tây, Tây đảo chánh Nhựt, ông bỏ nhà xuống tỉnh ở, nên tôi chưa lần nào gặp ông.
Ông Cả Phạm Tứ Thể mất sau con dâu ông vài năm, là ông Hương Cả cuối cùng ở làng tôi, bởi vì sau khi ông mất, chánh thể đã thay đổi, Ban Hội Tề không còn nữa và trong làng tôi cũng không còn ông Hương Cả nào. Tất cả đều bị vùi chôn, đẩy lùi vào chốn lãng quên của thời gian.
Huỳnh Ái Tông
No comments:
Post a Comment