Sunday, March 15, 2015

Thư tình mực tím


So là tên cô gái út của thầy giáo Chính, thầy vừa mới được tỉnh thâu dụng để bổ về trường. Làng tôi cũng như một số làng khác có trường học, trường gồm một dãi ba lớp học, và một căn nhỏ dành cho Trưởng giáo ở. Hầu hết các trường đều được xây gạch, tô tường, quét vôi màu vàng và lợp mái bằng ngói móc đỏ.

Mỗi lớp có một dãi bàn dài ngồi được từ  sáu đến tám học trò. Bàn đóng bằng gỗ dầu hay gỗ sao dầy, trên mặt bàn có một tấm ván phẳng chạy dài suốt mặt bàn, bề ngang chừng sáu phân, trên đó người móc những lõm tròn, sâu vài ly để cho học trò để bình mực và những lõm hình chữ nhật hai đầu hình bán nguyệt ngang chừng bốn phân, dài gần hai tấc, cho học trò để bút chì, bút mực, phần còn lại của mặt bàn là tấm ván dài suốt, bề ngang chừng ba tấc, hơi nghiêng về phía học trò, dưới mặt bàn cũng là tấm ván, phía trước là tấm ván cao chừng một tấc, hai đầu cuối cùng là hai tấm ván, có  sáu chân, tất cả tạo thành cái bàn có ngăn cho học trò để sách vở, lại có tấm ván dài khác cũng dầy chừng hai phân có sáu chân, cao chừng nửa thước để làm cái băng ngồi, bàn và băng ngồi được đóng ghép chung lại nhờ ba thanh ngang và hai thanh dọc nằm trên nền gạch, tạo thành cái bàn học rất nặng, học trò không thể đùa nghịch vô tình làm cho nó hư hỏng.  


Từ năm 1945, trường làng tôi đã bị bỏ hoang, Trưởng giáo gia nhập Thanh Niên Tiền Phong, còn hai thầy giáo khác nghe nói cùng bỏ trường về quê của họ.

Nhà tôi gần trường, ông thân tôi là hương chức làng, vì thời cuộc năm đó, tất cả hương chức đều đứng chung đơn từ chức, nhưng các thầy giáo trước khi đi, họ đem chìa khóa lớp học giao cho ông thân tôi giữ. Có vài lần, ông thân tôi đưa người quen đi thăm lớp học, tôi được đi theo nên thấy trên tường có những bức tranh nào là cảnh bến tàu Sàigòn, cảnh một buổi chợ ở vùng quê, cảnh tiễn đưa ở sân ga xe lửa …, trong tủ có vài món thủ công của học trò như cái cộ, cái trục, cái cày… có thứ làm bằng tre, có thứ bằng gỗ.

Có lúc anh tôi cùng người bạn lấy trường mở lớp dạy tư, dạy được vài tháng anh tôi bỏ trường, bỏ nhà lên Sàigòn lập thân, còn bạn của anh tôi cũng lên Sàigòn lập thân một thời gian rồi trở về quê, sắm ghe máy theo kinh rạch miền Tây, hành nghề “bán thuốc sơn đông mãi võ”.

Theo đó, một người bà con lối xóm lấy trường, mở lớp dạy tư, học trò theo học cũng bộn. Vì thầy giáo dạy tư ấy thứ Hai, dạy cho những con, em trong xóm nên học trò gọi thầy là anh Hai, là chú Hai, là bác Hai trừ vài ba đứa ở xứ khác theo cha mẹ tản cư đến, nên gọi đúng là Thầy. Tôi gọi là chú Hai.

Năm đó, chú Hai tổ chức đưa một số học sinh xuống tỉnh đi thi, chú mướn một chiếc ghe, thuê một người chèo ghe ấy, chú đưa một số học sinh đi thi, tôi có người quen, nên đi xe đò xuống tỉnh, ở nhà người quen đi thi. Sau kỳ thi đó, chú xin được Ty tiểu học tỉnh, làm Thầy giáo lãnh lương nhà nước, được bổ dụng dạy tại trường làng cùng lúc với Thầy giáo Chính, do đó trường có hai thầy cùng dạy ở bước đầu.

Thầy giáo Chính, nghe nói quê ở Chợ Mới, Thầy đến nhận việc đem theo cả gia đình với chiếc ghe nhỏ có mui mái vòm, lợp lá. Gia đình Thầy có hai con trai và ba con gái, những con Thầy là anh Quân, anh Quan, chị Liệt, chị Tuyết đều lớn tuổi, không còn đi học nữa. anh Quân với anh Quan hằng ngày mỗi người ôm một chồng chiếu sáng đi bán, đến chiều tối mới về. Chị Liệt, chị Tuyết ở nhà giúp thím giáo đi chợ, nấu ăn. Chỉ có cô con gái út tên So chừng mười một, mười hai tuổi nên còn đi học. Hai anh con trai vóc dáng bình thường, chỉ có mấy cô con gái nước da trắng, gương mặt đẹp, nhưng cô con gái út thì đẹp hơn hết, nước da đà trắng hơn hai chị, miệng nhỏ, môi lại đỏ như son, mũi thon nhỏ, đô mắt tròn và đen. Họ ăn uống trên ghe, đậu ở bến sông của chú Hai, là bạn đồng nghiệp, là người quen duy nhất của Thầy Chính, mỗi bữa họ ăn uống trên ghe, tối một số ngủ ở ghe, một số tá túc nơi nhà chú Hai.

Lúc tôi còn nhỏ nhà tôi và nhà chú Hai cách nhau chỉ một căn nhà khác, mấy căn nhà là bà con, họ hàng nên không có hàng rào, đi qua đi lại thông thương, khi tôi lên năm tuổi cha tôi mới dọn về nhà mới, cách trường vài chục thước, cách nhà cũ để lại cho chú tôi ở chừng ba trăm thước, nên tôi vẫn thường về nhà cũ, chơi với mấy thằng con chú tôi và con của chú Hai, nhờ đó tôi được biết gia đình Thầy giáo Chính.

Chú Hai làm Trưởng giáo, dạy lớp trên, có hai trình độ khác nhau, tôi chưa có bằng Sơ học học với chú, có bằng Sơ học rồi cũng ngồi lại lớp học với chú, trong lớp cả con trai với con gái học chung, cô So học lớp nầy.

Thầy giáo Chính dạy lớp vở lòng, lớp học của Thầy đông học trò, tiếng ê a, tiếng thầy gõ roi lên bảng vang dậy cả ngày, tôi không học với Thầy ngày nào, nên không rõ tánh tình của Thầy ra sao, nhưng theo phán đoán Thầy giáo Chính trầm tĩnh hơn chú Hai.

Tôi nhớ, có lần thằng Bê là dân tản cư, có ghe gia đình hắn đậu ở bến sông trường bên kia sông, nhưng trường đó không có thầy dạy, nên hắn ngày ngày phải qua học với chú Hai. Vì nhà nghèo, hắn đi học mang theo thùng kẹo kéo, ra chơi hắn ra sân bán cho học trò để kiếm tiền cho gia đình, hắn kém thông minh, ban đêm tôi thường nghe hắn học bài từ bên kia sông dội đến nhà tôi bên nầy sông, cách nhau không dưới năm mươi thước, vậy mà sáng ra chú Hai gọi hắn trả bài, hắn không thuộc, có lần chú giận quá vớ ngay cái dùi trống trên bàn thầy giáo, đánh vào lưng hắn mấy cái như chú thường đánh cái trống của trường đặt bên cạnh bàn của chú.

Một lần khác chú giận thằng Đơn vì tội không thuộc cửu chương, chú đánh bằng cây thước kẻ hàng gỗ mun có cẩn thau ở bốn góc, thằng Đơn bị tét gò má. Giờ ra chơi, hắn nhờ tôi về nhà lấy cho hắn chút muối bọt, đắp vào chỗ bị thương cho tan máu bầm. Thầy giáo xưa trên bực cha mẹ, vì xã hội tôn trọng đạo thánh hiền đã dạy: “Quân Sư Phụ”.

Chú Hai là Trưởng giáo, có nhà cửa nên nhường căn phòng Trưởng giáo ở trường cho gia đình thầy giáo Chính ở, lúc nầy tôi đã thôi học, hằng ngày không còn gặp cô So ở trong lớp nữa, tuy là cùng xóm, đi qua đi lại còn gặp nhau, nhưng không có chuyện trò như lúc còn cùng lớp, cùng trường.

Tôi cũng không có chơi thân với các anh, các chị của So nên tôi không thể đến trường để gặp So trò chuyện, có những lúc tôi chợt nhớ khuôn mặt đẹp của So, giọng nói nhỏ nhẹ ngọt ngào, tôi nghĩ như trong tiểu thuyết đã đọc được, để biết rằng tôi đã yêu So.

Tuổi trẻ luôn có những vụn dại, vì thầm yêu, trộm nhớ cho nên tôi muốn cho So biết rằng tôi yêu nàng, nhưng không có dịp để nói, mà chắc như có dịp cùng không dám nói, nên tôi đã viết thư bày tỏ tấm lòng của tôi với So, rồi tôi nhờ chú út Thửng là người thường lui tới trường, có khi giúp công việc nặng nhọc mà anh Quân hay anh Quan thường không có ở nhà. Tôi tin chú sẽ không đọc thư, tôi gọi bằng chú vì là bà con, nhưng chú chỉ lớn hơn tôi một tuổi, không được thông minh, vì thời cuộc nên bị thất học, chú chỉ biết đọc được mặt chữ thôi, tôi cẩn thận dặn dò chú:

- Thư tôi gửi cho cô So, đưa tận tay cô So, đừng cho ai thấy nghe.

Chú lấy thư bỏ vào túi áo, cười đáp gọn:

- Ừ ! Đừng lo tao đâu có ngu mậy !

Mặc dù vậy, tôi tin chú nhưng rất hồi hộp, nghĩ chẳng may bị chị cô ta bắt gặp, hoặc cô ta không yêu tôi, rồi đem lá thư đầy lời yêu thương ấy cho người khác đọc, họ sẽ bêu xấu tôi thì sao ?!!

Ngày hôm sau chú Thửng đến nhà, gặp tôi chú cười trên nét mặt bảo:

- Ăn xoài chín cây không ? Đi theo tao !

Tôi biết nhà chú có mấy cây xoài, đang mùa xoài, nhưng xoài chín cây chỉ là cái cớ, để kéo tôi ra khỏi nhà. Theo chú ra tới cổng, chú móc túi đưa cho tôi lá thư, nói nhỏ vừa đủ nghe:

- Nó đưa cho mầy lá thư đây !

Tôi hỏi thêm:

- Có dặn gì nữa không chú út ?

- Không chỉ có vậy. Thôi tao dìa nghe.

Chú út Thửng về rồi, tôi đi vào nhà lòng hồi hộp từng giây phút, lo nghĩ mình có được cô nàng yêu thương không đây ?

Nhà trước không có ai, cha tôi đi khỏi, còn mẹ tôi với hai chị đang lo cơm nước bữa trưa trong bếp, tôi lấy quyển thơ Lục Vân Tiên mở ra bỏ thư của nàng vào rồi leo lên võng nằm đọc thư của nàng viết mực tím trên tờ giấy học trò.

Anh Thanh,

Từ lâu em nghĩ rằng anh chỉ để ý tới em cũng như mấy cô gái khác trong lớp, trong trường nhưng bây giờ em mới được biết anh yêu em. Em mừng vô cùng, anh Thanh biết không ? Vì em cũng yêu anh.

Trong nhà, trừ ba má em với anh Quân và anh Quan, còn chị Liệt và chị Tuyết thỉnh thoảng lại nói về gia đình anh cho nên em cũng nghĩ đến anh, vài hôm mà em không trông thấy anh đi qua nhà em cũng nhớ hình bóng anh, em nghĩ đó là chúng ta đã có thần giao cách cảm, nên thương nghĩ đến nhau.

Kể từ hôm nay, anh biết rằng em cũng yêu anh, nhưng anh yêu em thì để trong lòng, đừng nói với ai nghe anh, bạn của em hay của anh mà biết chúng sẽ cười mình đó nghe anh.

Em không có thì giờ, thư nầy viết vài dòng đáp lại thư anh, xin anh hiểu cho lòng em luôn luôn yêu anh, nghĩ đến anh.

Người yêu của anh.

S.

Đọc xong thư của So, lòng tôi mừng vô cùng, bởi vì tôi được biết cô nàng cũng yêu tôi, tình yêu của tôi được đáp trả. Tôi đem lá thư của nàng giấu kín để không cho ai tìm thấy.

Vài tháng sau, So đi học trường huyện, nàng và tôi không thường xuyên gặp nhau từ đó. Tôi nghĩ rằng So đẹp, lại đi học chỗ xa lạ sẽ có nhiều chàng thanh niên khác đeo đuổi. Người ta nói “xa mặt cách long”, một ngày nào đó tôi sẽ mất So. Nghĩ như thế lòng buồn vô hạn.

Rồi vài tháng sau, thân phụ tôi qua đời, tôi được gửi theo người chú ở tỉnh đi học lại, vài năm sau tôi rời tỉnh lên Sàigòn vào trường lớn, mặc dù Sàigòn đô hội nhưng hình ảnh So không phai nhạt trong lòng, tôi vẫy yêu So mỗi khi nhớ tới nàng. Còn thân phụ nàng, xin được đổi về dạy ở trường học gần nhà, nơi bến đò Bà Vệ, thuộc quận Chợ Mới. Do đó, gia đình nàng dời hết về quê.

Năm đó, năm đầu tiên học ở Sàigòn, nghỉ Tết tôi về quê, rủ người bạn đạp xe đi thăm thầy giáo Chính, thật ra đối với tôi là đi thăm để gặp lại So. Mặc dù cả hai đều không biết đường đi mà cũng không biết rõ địa chỉ vậy mà cũng đi. Từ chợ Xã Búng đi qua Thuận Giang, vòng xuống chùa Tây An, qua đò rồi đi qua Chợ Thủ, hỏi thăm người ta, không ai biết Thầy giáo Chính cả. Đi từ đứng bóng cho tới xế chiều, không tìm ra manh mối, thế là chúng tôi quay trở về. Lúc từ bến đò Bà Vệ đạp xe một đổi, thời may gặp anh Quan đi với mấy người bạn. Gặp nhau mừng không thể tưởng, anh Quan chỉ cho chúng tôi nhà anh ngay bến đò Bà Vệ phía bên kia, thế là chúng tôi trở lại gặp gia đình Thầy giáo Chính. Thầy giữ chúng tôi ngủ lại nhà Thầy, hôm sau ăn sáng rồi Thầy mới cho chúng tôi về. Gặp lại So thì có gặp, nhưng tôi không có cơ hội nói chuyện với nàng, trông So lại đẹp hơn xưa, là một nữ sinh thùy mị, dễ cảm mến hơn những ngày còn trẻ. Lần gặp nhau đó cũng làm cho tôi khuây khỏa nổi nhớ trong lòng, cho dù So có còn yêu tôi nữa hay không.

Bẵng đi một thời gian, tôi được tin So theo học Cao Đẳng Sư Phạm ở tỉnh, rồi cũng xin trở về quê dạy học. Sau đó, lập gia đình với một đồng nghiệp.

Ba mươi năm sau, biết bao vật đổi sao dời, lần đầu tiên tôi có công tác đi ngang qua nhà Thầy giáo Chính, nghĩ tới người xưa, tôi ghé lại thăm.

Gặp thím giáo, thím chỉ lên bàn thờ cho biết Thầy mất vừa mới mãn tang. Tôi xin phép thắp cho Thầy một nén nhang tưởng đến người xưa là bạn cố tri của thân phụ tôi.

Trong lúc thím giáo và tôi còn trò chuyện thì cô giáo So đến thăm mẹ, có hai con trai cùng đi theo, nhìn ba mẹ con, tôi đoán biết chắc là ở gần đó chớ chẳng xa. So cũng như tôi chỉ nhìn nhau mà không nói chi, trong lòng tôi một tình yêu xa xưa ùa về, tôi vẫn rung động như ngày xưa.

Phải chăng có mẹ và con ở đó, nên So bỏ đi ra ngoài. Thím giáo và tôi còn tiếp tục thăm hỏi nhau vài câu rồi tôi xin phép cáo từ.

Từ nhà thím giáo, tôi phải đi con đường nhỏ để ra lộ lớn, tôi thấy So đứng tựa cửa sau nhà người khác, để ý nhìn kỷ thấy nàng mặc quần hàng đen, áo bà ba màu vàng sậm, tóc cắt ngắn chỉ uốn dợn, nét mặt vẫn đẹp không cần trang điểm, phảng phất chút buồn, mặc dù đó là thời buổi khó khăn, củi quế gạo châu, vải khúc thời bao cấp, nhưng cũng chứng tỏ gia đình nàng sống được ấm no, chắc là hạnh phúc. Tôi đi ngang qua, chúng tôi không ai chào ai, không ai nói lời nào. Đó là lần cuối cùng tôi gặp nàng, cách nay cũng đã tròn ba mươi năm rồi.

Cách nay năm năm, chị tôi qua điện thoại, bỗng dưng cho tôi biết So đã mất rồi. Tình yêu của tôi và So chỉ có chúng tôi biết. Sao chị tôi vô tình cho tôi một cái tin không vui. Bới đóng tro tàn ấy làm cho tôi vô vàng nhớ tới So, tôi tự trách mình sao lần gặp cuối cùng ba mươi năm trước, không hỏi han, không nói với So tiếng nào ? Bây giờ muốn nói “Anh vẫn còn yêu em” không thể nói với nàng. So đã khép đôi mắt nhìn đời, vĩnh viễn nằm yên dưới lòng đất lạnh. Chắc gì mối tình xưa, mối tình đầu được khép kín ? Ít ra nó vẫn còn sống động ở trong tôi, nhất là mỗi lần nhớ tới So, nhớ tới những dòng mực tím tình đầu viết trên trang giấy học trò ngày xưa.
9-III-2015