Sunday, May 16, 2021

Sinh nhật thứ 80 của tôi

 Hôm qua là ngày Sinh nhật của tôi, sáng sớm cậu con trai tặng quà sinh nhật cho tôi cái Iphone, tôi không biết nó là đời nào, nhìn phía sau cái hộp có ghi Iphơne XR, năm ngoái cậu ta cho tôi cái Samsung, năm trước nữa thì cho tôi cái Computer Dell 24. Bởi vì con tôi biết tôi thích Computer dòng Dell, tôi có cái Dell 10, 15, 17 nên tặng tôi cái Dell 24.

Samsung  Apple

Ngoài những bạn bè, cựu học sinh được Facebook thông báo đã gửi lời chúc mừng sinh nhật đến tôi. Thật là ấm lòng, lại còn có từ Ngân Hàng gửi tới chúc mừng sinh nhật. Vài chục năm trước, khi tôi đi làm  hãng Fabricated Metal, hãng nầy chuyên làm những sản phẩm cung cấp cho hỏa xa, hỏa xa có tổ chức thành hiệp hội hay liên đoàn, họ có Ngân hàng riêng, khuyến khích nhân viên mở tài khoảng chỉ có 5 dollars mà thôi, cuối tuần Công ty trả lương chỉ là tờ giấy báo, khỏi phải đem chi phiếu ra Ngân hàng lãnh tiền.

Có em Lê Tâm cựu học sinh từ Texas gọi điện thoại tới chúc mừng sinh nhật và trò chuyện với tôi về bài viết của tôi được đài phát thanh ở Dallas phát, em ấy tưởng là tôi có cộng tác với đài, tôi phải nói rõ bài viết của tôi ai muốn sử dụng thì cứ sử dụng, cho nên họ lấy làm tài liệu chớ tôi ở xa cách Dallas và hình như tô không có duyên với Dallas, năm 2000 tôi đã mua vé khứ hồi cho 2 vợ chồng đi Dallas dự họp mặt với bạn bè, nhưng giờ chót chúng tôi không đi. Còn phi trường Dallas Fort Worth thỉnh thoảng đi Việt Nam hay Cali, chúng tôi phải chuyển cảnh tại phi trường nầy, nó là phi trường quốc tế, có 4 phi đạo dài song song với nhau, cho nên không ngại chuyện ùn tắc ở phi trường. Nhưng năm 2019, tôi đã bị hủy chuyến bay và phải ngủ qua đêm tại phi trường, do phi cơ đã ra phi đạo rồi, nhưng trời mưa tầm tả lại có thông báo có bão, nên chuyến bay bị hủy.



Phi trường Dalas Fort Worth (DFW) ở Texas

Đặc biệt có ông bạn già Nghi Yên sinh hoạt trong GĐPT, chị Vũ Ngọc Lan vợ của anh bạn HO đã mất, cũng gửi lời chúc sinh nhật cho tôi:

Cô Thanh Mai, bạn làm chung Công Ty Trang Bị Kỹ Thuật, lần nào về Việt Nam, hai vợ chồng cũng mời chúng tôi đi ăn 2, 3 lần, mỗi lần đều giới thiệu một quán Chay mới, đã gửi qua Zalo:

Tại gia đình nhà tôi nấu cho tôi một nồi Phở chay, một Chỏ xôi có đủ muối mè đậu phộng và dừa nạo. Con gái lớn  Việt Nam gọi FaceTime qua chúc mừng, yêu cầu giũ gìn sức khỏe để về thăm con, cháu. Nói với nước mắt không cầm được vì “Nhớ cha, mẹ quá !”

Nhà tôi với con gái mỗi người một thiệp chúc mừng có kèm tấm hình ông Franklin, con dâu cùng gọi điện chúc mừng và 2 đứa cháu nội ngủ dậy trễ, nên chiều mới gọi điện chúc mừng Sinh nhật.

Còn con gái thứ ba vì đi làm, nên hôm nay hẹn sẽ về đưa chúng tôi đi ăn, mừng sinh nhật, sẽ có 2 đứa cháu ngoại đi theo để mừng thọ ông ngoại.

Hôm nay là ngày sinh nhật cháu nội gái, ngày mai sinh nhật con dâu. Tháng nầy đúng là Tháng Sinh Nhật của gia đình tôi. Đầu tháng sinh nhật con gái thứ ba, hôm sau con gái út. Hôm qua tôi, hôm nay cháu nội và ngày mai mẹ nó.

 8664160521





Tuesday, March 2, 2021

Tản mạn về Quốc phục truyền thống Nam

 Nói về quốc phục truyền thống nam giới gồm có quần, áo, khăn đội đầu.

Về chi tiết, thông thường bên trong người ta mặc một bộ “bà bà trắng”, tức là quần dài, áo tay dài tứ thân, ngày xưa áo tay dài ngũ thân còn có tên gọi là “áo vạt mẻ”. bên ngoài mới mặc chiếo áo dài ngũ thân, trên đầu quấn khăn hoặc đội khăn đóng, chân đi giày.

Hình một nhân viên thu thuế chợ, đầu thế kỷ XX

Bộ đồ bà ba mặc lót bên trong chúng ta thường thấy, đơn giản chắc khỏi bàn đến

Những người đàn ông nầy mặc bộ Bà Ba đi chợ Bạc Liêu khoảng năm 1930

Khi người ta mặc áo dài sẽ mặc bên ngoài bộ Bà Ba nầy, người bình thường mặc áo dài đen hay the thâm, người giàu có mặc áo gấm xanh có thêu ngũ sắc.

Hai màu sau đây người ta không mặc, được quy định màu đỏ dành cho các vị thần, tiên để người ta thờ cúng.

Tượng Thần Tài mặc y phục đỏ

Còn màu vàng dành cho hoàng phái tức là vua và các thân tộc của nhà vua. 

 
Tranh vẽ Hoàng đế Bảo Đại

Áo dài Nam thường chỉ ngang đầu gối, dài hơn giống như áo phụ nữ, còn ngắn quá, củn cỡn giống như chiếc áo bà ba.

Về khăn đóng, người ta xếp thành 5 vòng, tượng trưng cho Ngũ thường tức là giềng mối đạo làm người: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. hoặc là có 7 vòng tượng trưng cho Thất phu, có câu: “Thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách  天下兴亡匹夫有责”, có nghĩa là đất nước còn mất là trách nhiệm của người trai. Câu nầy xuất phát từ Cố Viêm Vũ 顾炎武 sống vào khoảng cuối nhà Minh đầu Thanh Thanh viết trong bộ Nhật tri lục 日知录.

Ở dưới những vòng đó, khăn của vua có thêm 1 vạch, tượng trưng cho chữ nhất,

Hoàng đế Bảo Đại

Ở dưới những vòng đó, khăn của vua có thêm 1 vạch, tượng trưng cho chữ nhất, 

Khăn đóng của những hạng người khác có chữ Nhập  có nghĩa là nhập vào,

Ba Biều khăn đóng có chữ “nhập”

 Hoặc chữ Nhân  là giữ đạo làm người.

Trương Vĩnh Ký khăn đóng có chữ “Nhân”

Hiểu được ý nghĩa y phục truyền thống Nam, để chúng ta tránh mặc quốc phục thành trò hề trên sân khấu, người ta cảm thấy mặc màu vàng có vẽ nữ tính nên chọn màu đỏ cho nổi bật và mạnh bạo hơn. Nhưng như đã trình bày trên, màu đỏ dành cho các vị thần, còn màu vàng dành cho vua chúa, hoàng tộc. Tưởng rằng mặc một trong hai màu đó sẽ nổi bật hơn, nhưng thật ra là đã làm trò hề trên sân khấu.

Áo gấm màu xanh có hình ngũ sắc cũng khá đẹp măt

Tưởng rằng gìn giữ truyền thống, tôn vinh quốc hồn quốc túy, vô tình người ta đã hủy hoại truyền thống ấy, không còn cao quý mang ý nghĩa quốc phục nước ta.

8664020321







 

Friday, February 19, 2021

Tản Mạn Về Bánh Tét

 Hàng năm bạn con gái tôi đều có gửi cho chúng tôi những đòn bánh Tét, biết chúng tôi ăn chay nên thường gửi bánh nhân đậu xanh, năm nay lại gửi cho 2 đòn bánh chuối. Tôi đoán chắc là lúc đi mua cửa hang không còn bánh chay nhân đậu xanh, nên mua gửi cho 2 đòn bánh chuối.

Bánh gói rất khéo và chặt tay, nên những hạt nếp đã nở nhưng không thể nở to hơn, do đó có thể để lâu nhưng nấu mất thời gian hơn.

Trong gia đình tôi không ai thích ăn bánh Tét nhân chuối, nhưng lúc còn ở Việt Nam mỗi khi gói bánh Tét ăn Tết, người em chú bác thường xin tôi bánh nhân chuối.

Năm nào đó, khi tôi gói bánh, có chị tôi ở nhà quê lên Sàigòn ở nhà tôi chơi, thấy tôi gói bánh nhân chuối, chị ấy dạy tôi:

- Bánh nhân chuối thường khi ăn không ngon vì nhân bị hơi chát, màu của nhân tím bầm không đẹp. Cho nên xẻ trái chuối ra bỏ vào ruột trái chuối một chút đường, đường sẽ làm cho nhân chuối ngọt và có màu nhân chuối đỏ tươi.

Từ đó tôi luôn áp dụng kinh nghiệm nầy và thường chỉ cho ai gói bánh Tét nhân chuối.

Về Bánh Tét từ lâu tôi thắc mắc người Bắc Tết có Bánh Chưng, tại sao người Nam lại Bánh Tét, tôi cho rằng người Nam, khi vào khai phá miền Nam mới có mấy trăm năm gần đây, nên có nét văn hóa khá đặc biệt như Bàn Thông Thiên hay Bàn Ông Thiên, Tết có món bánh truyền thống là Bánh Tét, Bánh Phồng. Vì sống chung đụng với người Khmer nên Bánh Tét là chịu ảnh hưởng của người Khmer.

Bánh Tét lá Cẩm nhân đậu xanh có chữ Lộc

Theo giáo sư Trần Quốc Vượng, Bánh Tét là người Việt Nam chịu ảnh hưởng của người Chăm, tôi không phản bác thuyết của ông Vượng, nhưng tôi nghĩ người miền Nam sơ khởi là những di dân nghèo khó, những người bị lưu đày từ Bắc vào Nam, định cư trong Nam sống lẫn lộn với người Khmer, nên chịu ảnh hưởng của người Khmer nhiều hơn.

Bánh Tét 3 màu

Tôi vẫn mong có lý giải thỏa đáng cho nguồn gốc của Bánh Tét, là dân Miền Nam chịu ảnh hưởng của người Chăm hay người Khmer ?

8664190221





Wednesday, February 10, 2021