Tuesday, June 21, 2011

Tôi xem phim TARZAN

*
Năm đó khoảng 1952 hay 1953, sau khi Trung đội Chánh kéo Trung đội từ trong mộ Thầy Phó bên Bình Mỹ về đóng ở Nhà Việc làng Bình Thủy và dinh cơ Thầy Phó bị lực lượng Hòa Hảo của Lâm Thành Nguyên chiếm đóng, thành lập tại đó trường đào tạo Sĩ Quan Hòa Hảo.
Thời đó, ở trong tỉnh Long Xuyên hay Châu đốc, trong rừng hay vùng Bảy Núi thỉnh thoảng, quân đội Pháp mở cuộc hành quân, mỗi lần như vậy đoàn convoy chạy chừng 7, 8 chục chiếc xe nhà binh, có những xe kéo theo trọng pháo, đoàn đi chừng mười bửa, nửa tháng mới quay về.
Nói chung làng Bình Thủy hay Bình Mỹ đều bình an, vì làng Bình Mỹ một mặt là sông, mặt kia là cánh đồng trống mênh mông, còn làng Bình Thủy một phần nằm trên Cù lao, một phần kia là ấp Bình An nằm cạnh làng Bình Mỹ, cũng đồng mông hiu quạnh, lại là một ấp có đạo Thiên Chúa giáo, có Nhà Thờ Năng Gù lâu đời, do đó du kích Việt Minh khó hoạt động.
Một hôm vào khoảng 6 giờ chiều, có anh Sáu Ỵ ở dưới Cù lao, chạy xe đạp lên nhà, xin phép cha má tôi, cho tôi đi xem chiếu bóng, hồi đó ở nhà quê thường gọi là đi coi “hát bóng” hay “chớp bóng”.
Gia đình anh Ỵ với gia đình tôi không có bà con, ông thân anh Ỵ người Hoa, mẹ anh Ỵ người Việt, thứ tư, tôi thường gọi là Cô Tư, Dượng Tư.
Gia đình Cô Dượng Tư có ba người con trai, đó là anh Tư Sến, anh Năm Èm, anh Sáu Ỵ và con gái út, chị Xìn Tai, chắc tên của họ là tên theo người Hoa, nhưng đọc theo âm Việt là vậy vừa khó nghe lại vừa không có nghĩa! Mấy anh chị đó nghe nói còn có anh thứ hai, thứ ba nữa, nhưng Dượng Tư cho về bên Tàu. Dượng Tư đi làm “Tài phú” cho một cửa hàng bán bánh kẹo ở chợ Long Xuyên. Anh Tư Sến, Năm Èm cũng theo Dượng Tư học việc ở các tiệm buôn bán. Còn lại nhà chỉ có anh Sáu Ỵ và chị Út, họ đều lớn hơn tôi bốn năm tuổi.
Tôi nhớ có lần cha tôi chở xe đạp đến nhà Cô Tư, tôi leo lên võng nhà Cô ngủ một giấc trưa, trong khi cha tôi bỏ xe đạp ở đó, đi thăm viếng và uống trà ở mấy nhà xung quanh.
Mẹ tôi mỗi lần bơi xuồng về quê ngoại ở Phú Hòa, chuyến về thế nào cũng ghé nhà Cô Tư ăn miếng trầu, hỏi thăm từng người trong gia đình, những lúc đó tôi phải ngồi chờ mòn mõi.
Về sau anh Tư Sến lấy vợ gần trên chợ ở đầu làng, thỉnh thoảng nghỉ việc ở Long Xuyên về, Dượng Tư đi thăm suôi gia, đều ghé nhà thăm cha má tôi, uống hết một bình trà Dượng mới ra về. Cô Tư cũng vậy, khi đi thăm suôi gia về đều ghé nhà tôi, má tôi thường cầm chân lại, đãi một bửa cơm rồi mới cho về.
Tôi không hiểu sao gia đình Cô Dượng Tư và gia đình tôi thân nhau như ruột thịt, tôi nhớ, ông thân tôi có khuyên trong gia đình: “ Ngày sau chẳng may mà các con có nghèo, phải bán đất nuôi thân thì chỉ nên bán đất ruộng, còn đất “thổ cư” ráng giữ để cất nhà mà ở, trong nhà ngoài số nữ trang khác, có đôi bông tai, một chiếc vòng trơn và chiếc vòng chạm, giữ làm kỷ niệm đó là nữ trang do cha chế tạo khi hành nghề kim hoàng”.
Vậy mà có một lần Cô Tư ngỏ ý với mẹ tôi, chị Xìn Tai muốn có đôi bông tai nhận hột như vậy, má tôi nói lại. Cha tôi bảo: “ Thôi thì đổi đi cho con nhỏ nó vui lòng”. Mấy chị tôi hờn mát, không dám nói với cha, than với mẹ: “ Làm như nó là con của cha vậy, muốn lấy được, tụi con cũng thích đôi bông đó vậy!”. Mẹ tôi phải an ủi: “ Thôi mà Cô Dượng Tư thân thiết với gia đình mình, Xìn Tai cũng như em mấy con vậy, đổi cho nó vui có mất mát gì đâu ?”.
Do chỗ quen thân của hai gia đình như thế, nên anh Sáu Ỵ phải chạy xe 5, 6 cây số để rước tôi đi xem “chớp bóng”, tối còn phải đưa về, ngán nhất là đi ngang qua Nhà việc, chỗ Trung đội Chánh đóng quân. Trong đêm tối, chạy xe đạp phải có đèn, gần đến nơi phải nói to tiếng, xin phép người lính gác để được đi qua.
Chờ đến chạng vạng, anh Sáu Ỵ mới bơi xuồng anh và tôi qua sông, đến địa điểm có chiếu bong, đó là ngoài sân Nhà thờ Năng Gù. Long Xuyên có nhà thờ Cù Lao Giêng và nhà thờ Năng Gù là hai Nhà Thò lâu đời, nghe nói Nhà Thờ Năng Gù lúc trước, thuộc giáo phận của ông Giám Mục Poulo cai quản từ Nam Vang chạy xuống tới Sóc Trăng, nếu đúng vậy thì Nhà thờ Châu Đốc, ở gần bến Bắc đi Tân Châu, cũng thuộc quyền cai quản của Giám Mục Poulo.
Lúc có chớp bóng tôi đi xem, không rõ Giám mục là người Pháp hay Việt, chắc là người Pháp, nên người Pháp mới tổ chức buổi chiếu bóng đó, họ chiếu phim Tarzan, bây giờ tôi không nhớ là phim nào, chỉ còn nhớ phim “trắng đen” hình ảnh mấy con voi, con dã nhơn, tiếng hú lãnh lót của Tarzan mình trần, đóng khố, cảnh Tarzan đu dây, nhưng hình ảnh khó quên, đó là xe cam nhông của đoàn người đi săn chạy, nó phóng ngay vào khán giả, đám con nít chúng tôi né tránh ngã lăn chiên, có đứa hét lên vì sợ hải.
Lần đầu tôi xem phim, cái cảnh xe từ màn ảnh phóng ngay tới, làm cho tôi sợ hải, né tránh đã trên nửa thế kỷ qua rồi, cái quê mùa của tôi lần lần đã rửa sạch,  nhân vật Tarzan từ thành thị cho đến thôn quê ai ai cũng đều có nghe nói tới, nay cũng đã lùi xa vào dĩ vãng.
Giải trí từ điệu hò câu hát trên sông, trên cánh đồng, rồi hát bội, cải lương, chiếu bóng, sang đến TV, nay đến Internet. Nếu chúng ta để ý thấy sự giải trí đi từ khung cảnh bao la dần dần bị thu hẹp, thu hẹp mãi nay chỉ còn mình ta với máy.
Ngày nay, trẻ con từ thành thị đến thôn quê, bốn năm tuổi đã biết chơi Game trên Mạng, khoa học đã tiến bộ vượt bực, chạy theo đà tiến của vi tính muốn hụt hơi, không như 5, 6 chục năm trước, tôi sống trên đất Cù lao Năng Gù êm đềm với ruộng lúa xanh tươi, trên trời chim bay lượn, dưới nước tôm cá vẩy vùng, mùa hè đi ra đồng lật đất cày bắt dế, mùa nước chống xuồng ngoài ruộng hái bông súng, lặn nước mò củ co, giải trí thuở ấy lành mạnh với thiên nhiên, còn ngày nay giải trí tất cả thiên nhiên và vũ trụ gom vào trong thế giới ảo tân kỳ.
Ngày 20-6-2011

No comments:

Post a Comment