Trong làng tôi có hai ngôi chùa, một ngôi chùa do Ban Hội Tề cất ở Rạch Cát, trong cánh đồng của Cù lao, trên đất của làng, nên người ta gọi là Chùa Làng, một ngôi chùa khác có tên là Bình Phước Tự, đó là ngôi chùa tư, vì chùa do gia đình ông Dương Văn Tranh dựng nên, tôi không rõ cất từ năm nào, khi tôi biết khoảng năm 1950, chùa nền đất, cột gỗ, lợp lá, vách lá.
Chánh điện có ba gian, gian giữa có bàn thờ tam cấp, đặt trước vách ngăn hậu tổ, mỗi cấp cách nhau chừng 3 tấc, trên cùng tôn tượng đức Phật Thích Ca, tôi không rõ tượng bằng đồng hay bằng xi măng hoặc bằng đất, nhưng tượng có màu xám, tượng Phật đang ngồi thiền định, cao chỉ chừng 6 tấc, giống như các chùa trong Nam, trên đầu tượng có để một cái khăn đỏ, cấp giữa chưng hoa và trái cây mà thường là nãi chuối sứ, cấp dưới cùng cao hơn mặt đất chừng một thước rưỡi, chính giữa để lư hương to bằng sành, hai bên có hai chân đèn gỗ mun cao gần nữa thước, chân đèn có gắn cập đèn cầy đỏ bằng cườm tay, chỉ đốt khi làm lễ vía hoặc tụng kinh Sám hối vào Mùng Một hoặc ngày Rằm, phía ngoài hai chân đèn, bên tay phải từ ngoài nhìn vào bàn thờ đặt cái chuông , đường kính miệng chừng 3 tấc, bên tay trái là cái mỏ tương xứng, hai gian bên là bàn thờ, tay phải tôn tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, tay trái Bồ Tát Đại Thế Chí, ở sát vách tay trái có trống, kính chừng 4 tấc, đối diện bên phải có giá gỗ treo một tiểu chung, phía sau các bàn thờ là vách ngăn, vách phía ngoài đối diện với bàn thờ Phật là tượng Hộ pháp, phía sau vách chỗ bàn thờ Phật là bàn thờ Tổ.
Ở phía trước đi vào chùa có 2 cửa hai bên, vào trong giữa bàn thờ Phật và Hộ pháp là một lòng căn 3 gian, mỗi gian trải được một tấm đệm. Từ Chánh điện, giữa bàn thờ Phật và Bồ Tát là hai lối đi thông ra Hậu liêu, Chánh điện liền với hậu liêu cũng ba gian, mỗi gian có một bộ ván, riêng đầu bộ ván giữa có đặt một chiếc bàn, trên bàn có bình trà và một ống bút bằng gốc tre, đựng bút lông và cả viết chì, viết mực. Đây là nơi vị trụ trì chép kinh, tiếp khách, uống trà. Bên hông hậu liêu là chái bếp.
Sân chùa cũng khá rộng, hình vuông, mỗi cạnh chừng 12 thước, từ trong chùa nhìn ra, cách Chánh điện chừng 3 thước là một cây trôm lớn một người ôm không giáp, cây trôm cành lá lưa thưa, cũng về hướng đó ở góc sân chùa, cách vòng rào chừng 1 thước, có một cái miếu nhỏ, sườn tre, lợp lá, vách lá, kê trên mấy miếng gạch Tàu.
Lúc nhỏ, tôi thường theo mấy người chị họ vào đêm ba mươi hay mười bốn đến Chùa đọc kinh, lạy Sám hối quỳ trên chiếc đệm, dưới là nền đất gồ ghề, chịu đau đầu gối suốt một thời kinh, để được ăn chè sôi nước hay ăn kiểm.
Tôi nghe người nhà nói, trước kia có một cô vãi tu ở chùa đó, lòng trần chưa dứt hay nghiệp chướng quá dày, cô có mang rồi sinh con, sinh xong cô ôm con đi biệt tăm, mất tích. Khi tôi biết, chùa có một ông Tăng trụ trì tuổi ngoài năm mươi, chỉ có mỗi mình ông ở tu đó mà thôi, thỉnh thoảng ông đắp y vàng ôm bình bát đi khất thực, mỗi lần như vậy, mẹ tôi thỉnh ông vào nhà, đổ đầy một bình bát gạo, tôi không thấy nhưng chắc mẹ tôi có cúng dường chút tịnh tài cho ông mua nhang cúng Phật, mua tương chao qua ngày.
Tôi không nghe ai gọi ông là Hòa Thượng hay Thượng Tọa hoặc Đại Đức như ngày nay, ai ai cũng gọi ông là Thầy Tư, hồi đó tôi nghĩ Thầy là Thầy chùa còn Tư là thứ tư trong gia đình của ông.
Năm 1954, năm đó tôi lên 13, cha tôi mất, cúng tuần chung thất, tôi và đứa em gái đến chùa đội Sớ cho ông Thầy Tư tụng kinh Cầu Siêu, đêm đó hai anh em ngủ trên bộ ván ở hậu liêu, cạnh cửa ra vào.
Không biết sanh tiền cha tôi có thọ tam quy, ngũ giới không, chỉ biết cha tôi có ăn chay trường mười năm, rồi bị lao phổi phải nằm nhà thương Long Xuyên, Bác sĩ cho ăn chay thiếu dinh dưỡng, cấm không cho cha tôi ăn chay nữa. Tôi nghe nhiều người nói, cha tôi có đục đá ở điện Bồ hống trên núi Cấm, khắc hai chữ Huệ Minh, đó là pháp danh của một vị danh Tăng thời đó ở vùng Thất sơn, được nhiều người ngưỡng mộ.
Sáng hôm sau, gia đình mới bưng mâm cỗ tới cúng, có ông Thầy Hai Bộ nhà cạnh đường đi vào chùa, một người thân với cha tôi vào dự lễ, ông Thầy Tư nhờ Thầy Hai Bộ tiếp tay đánh trống, Thầy Tư đánh chuông, cử hành Chuông Trống Bát Nhã.
Khoảng năm 1960, nhân đi đâu đó, chú tôi dẫn con lớn của chú và tôi vào chùa, lúc đó vào dịp Tết, chúng tôi đều đi học ở Sàigòn, nghỉ học về quê ăn Tết. Ông Thầy Tư chắc đã tịch rồi, giữ chùa là người có họ hàng, tôi gọi là Anh Bắn.
Sau khi lễ Phật, chú tôi nhờ anh Bắn xem bói cho con của chú và tôi mỗi người một quẻ, anh Bắn hỏi tên tuổi rồi mở một quyển sách chữ Nho ra xem cho con chú tôi trước, tôi nhớ anh nói với chú tôi:
- Chú ơi ! Theo như số của em này thì ngày sau vừa làm quan văn, vừa làm quan võ nghe chú!
Phần tôi, tôi nhớ là anh Bắn lật sách cho tôi xem ba bức tranh trong sách, bức thứ nhất khi tôi sanh ra, bức thứ hai khi tôi lập gia thất, bức thứ ba khi tôi lìa đời. Đến nay, tôi không nhớ bức tranh khi tôi sanh ra như thế nào, bức tranh lúc tôi lập gia đình không có chiếc áo cưới, có nữ trang, có lễ vật hủ rượu, bình trà và bức tranh khi đám tang tôi, theo sau quan tài có con cháu và Tăng, Ni đưa đám.
Tôi hỏi anh Bắn, đám cưới mà không có áo cưới nghĩa là gì ? Anh ta đáp:
- Một là chú mầy dẫn con gái người ta, rồi sau đó thú phạt. Hai là có đám có đám cưới đàng hoàng, nhưng nhà gái giàu có đứng ra lo cho chú mầy!
Để dẫn chứng, sách rất đúng, anh Bắn lật cho chúng tôi xem một bức tranh, vẻ hình một người chết, đêm có trăng, nằm gần bụi tre cạnh con rạch. Anh ta nói:
- Đó là số của chủ ấp Hữu, hồi đó anh coi cho anh ta, không biết anh ta có tin không, nhưng đã bị Việt Cộng sát hại ở gần cầu Đình Bình Mỹ, cảnh y chang như vậy đó!
Sau khi rời khỏi chùa ra về, chú tôi không nói là sách có đúng hay không, chỉ cho biết:
- Quyển sách coi bói đó của cha con, cha con mất rồi bác Hai lấy với một số sách về thơ và tranh, bác Hai cho thằng Bắn mượn đó !
Con chú tôi về sau đi Sĩ Quan Thủ Đức, làm giáo sư Trường Thủ Khoa Nghĩa Châu đốc, sau có làm Hiệu Trưởng một trường, nghe đâu như ở Núi Sam. Còn tôi sau khi ra trường đi dạy học ở Trường Kỹ Thuật Banmêthuột, năm sau cưới vợ, lễ vật, nữ trang tôi mua sắm đầy đủ, riêng phần đãi ăn ở nhà hàng Đồng Khánh, do nhạc gia tôi lo, cho nên phần tôi đúng hay không chưa biết, đến lúc trăm tuổi rồi, nếu có Tăng đưa đám thì mới dám chắc là sách kia giải đúng.
Năm mươi năm trôi qua rồi, nhiều lần có trở về quê, đôi khi đi ngang qua chùa, nhưng chưa lần nào ghé lại, nghe nay chùa đã xây dựng mới, nhưng trong tôi vẫn còn im đậm nết chùa xưa, ẩn mình nơi thanh vắng.
This comment has been removed by the author.
ReplyDelete