Saturday, June 25, 2011

Đua Thuyền Ở Làng Tôi

*
Vào khoảng năm 1952 hay 1953, đến nay cũng đã trên nửa thế kỷ rồi, lúc ấy anh tôi đã thôi học trường tỉnh, sau khi thi rớt Trung Học Thoại Ngọc Hầu Long Xuyên 2 năm liên tiếp, một năm lớp Nhứt và năm sau lớp Tiếp Liên.
Anh tôi rất thích nuôi bò, nên khi về ở nhà, liền đem một đôi bò từ Phú Hòa về nuôi, nhà chỉ có mấy công ruộng, anh ấy làm chẳng cực nhọc gì, nên có nhiều thì giờ, vã lại ở tỉnh có nhiều thú vui, nên anh tôi thường cùng mấy chú, mấy anh em họ hàng bày ra những trò chơi tiêu khiển vào buổi chiều, sau khi công việc nhà đã xong.
Chẳng hạn như chơi “Người ăn bánh in, kẻ chạy xe đạp”. Thuở ấy quán thường bán phong bánh in có kích thước ngang độ 5 phân, dầy non 2 phân, dài độ 1 tấc rưỡi, bánh không có nhân, người sản xuất có khứa sẵn, mỗi khứa chừng 2 ly, để người ăn bẻ nhỏ ra dễ dàng.
Cuộc chơi là một người chạy xe đạp, người kia ăn cho hết cây bánh in, trong miệng không được còn bánh, nghĩa là nói chuyện phải bình thường, không được uống nước khi ăn, người chạy xe đạp sẽ chạy một đoạn đườngm dài nào đó. Thường họ hay lấy khoảng đường từ trrước nhà tôi, chạy đến cầu mương rồi quay trở lại. Đoạn ấy dài chừng 300 thước, chạy đi rồi quay lại vị chi chừng hơn nửa cây số.
Bắt đầu, người ta đếm 1, 2, 3 người ăn bánh in ăn bánh, người chạy xe đạp chạy, người xem thường đứng xem anh chàng ăn bánh, vì đó là mức khởi hành cũng là mức ăn thua chung cuộc, ở cầu mương có một người đứng để chứng nhận anh xe đạp có chạy đến đó rồi mới quay lại.
Anh xe đạp chạy hết tốc độ, cũng nguy hiểm nếu gặp phải người hay súc vật chẳng hạn như chó đi băng qua đường, không lo xe hơi vì đây là cù lao, thuở đó chưa có xe hơi hay xe gắn máy.
Người ăn bánh in đừng tưởng dễ, bởi vì bánh in là bột rang khô, khi ăn vào trong miệng không có nước sẽ rất khó nuốt, ăn miếng nhỏ chờ trộn với nước miếng sẽ dễ nuốt nhưng lâu, còn ăn miếng lớn, hay nuốt vội vàng sẽ bị mắc nghẹn.
Cũng có anh ăn bánh thắng cuộc vì anh xe đạp chạy chậm, cũng có anh ăn không hết vì bị mắc nghẹn. Có khi anh xe đạp về tới nơi hỏi anh ăn bánh:
-         Ăn hết chưa ?
Anh ăn bánh tuy trong tay không còn miếng bánh nào, miệng cũng không còn nhai nữa, nhưng khi phải trả lời, anh ta nói:
-         Ông ồi !
Thế là thua, vì bánh vẫn còn trong miệng, nên phát âm không đúng.
Vào đầu mùa nước nổi, khoảng tháng 7 tháng 8 ta, có nhiều mía, mía đủ độ ngọt, người trồng mía phải thu hoạch, nếu để nước lên nhiều, mía hút nhiều nước sẽ lạt, hoặc mía bị ngâm trong nước sẽ chạy chỉ, nghĩ là trong than cây mía có những đường đỏ bằng sợi chỉ, đó là bị hư. Trên sông, mỗi ngày có 5, 7 xuồng bán  mía, hầu hết mía cây người ta bó thành chục 12, và người bán thường bán nguyên bó. Lúa gặt rồi có khi người ta cũng bó thành từng bó, mỗi bó vừa chừng một ôm, để người ta ôm, khiêng, vác di chuyển cho dễ. Nên mấy anh trai tráng, chọc ghẹo mấy cô bán mía xinh đẹp:
-         Một ôm bao nhiêu vậy cô ?
Có cô đỏ mặt tía tai, im lặng, có cô trả đủa ngay:
-         Chừng vài chục dầm mà thôi.
Trở lại trò chơi chặt mía như sau, trước nhất người thách đố chặt xéo góc mía cho nó nhọn để dễ ngã, và người đó cạo làm dấu một lóng mía vừa tầm tay người chặt, xong đưa cây mía cho người chặt, người chặt sẽ dùng một con dao yếm thật bén, một tay vừa cầm cây mía, vừa cầm cái dao, để cây mía cho đứng, không được dộng mạnh xuống đất, xong buông tay ra, xoay mình một vòng, chặt cây mía vào lóng mía đã đánh dấu, phải chặt cho đứt lìa. Nếu cây mía đứng yên thì dễ chặt, thường khi người chặt buông tay ra thì cây mía ngã, nếu cây mía ngã theo chiều người đó xoay thì khó chặt, nết ngã ngược chiều thì dễ chặt hơn, và nhát dao chặt xéo dễ đứt hơn là chặt ngang thân cây mía.
Sự ăn thua không nhiều, vài cây bánh in, mỗi cây chừng một đồng, chặt mía ăn thua một vài cây, nhiều lắm là một chục, chẳng qua chỉ nhằm mục đích giải trí, nhưng nó không có tánh cách đồng đội.
Về sau anh tôi và mấy chú họ bày ra đua bơi xuồng ở dưới sông, trước chỉ vài người, mỗi người bơi một chiếc xuồng, sau tổ chức thành từng nhóm, nhóm phía trên với nhóm phía dưới Trường học, mỗi nhóm chừng 5, 7 người cùng bơi một chiếc xuồng, họ cũng thách đố ăn thua với kẹo, bánh cũng chỉ để mua vui mà thôi.
Về sau, để cho lễ Kỳ Yên của làng long trọng hơn, họ tự động quyên góp tiền, tổ chức đua xuồng có phần thưởng, rồi năm nọ nối tiếp theo năm kia, cuộc đua thuyền vào lệ cúng Kỳ Yên làng Bình Thủy trở thành thông lệ.
Lúc đua thuyền, người ta đứng xem chật cả những bến ven sông, con lộ Liên Tỉnh 10, đường Long Xuyên Châu Đốc, quảng đường ngang Đình Bình Thủy đến trên cầu Thầy Phó, nhiều xe hơi, đôi khi có cả xe chở hành khách, ngừng lại bên đường để xem cuộc đua.  
Cuộc đua thuyền trên Xép Năng Gù, lệ cúng Kỳ Yên năm 2008
Cúng đình ngày xưa chỉ được xem hát bội để giải trí, ngày nay cuộc đua thuyền trên Xép Năng Gù thật náo nhiệt, hai bên cả khúc sông gần cây số, nam thanh nữ tú dập dìu, họ ăn mặc đủ màu sắc, chạy đủ thứ xe càng thêm nhộn nhịp.
Cuộc đua xuồng ở xóm Trường học, dần dần đã trở thành cuộc đua thuyền truyền thống của Làng Bình Thủy, nhờ người ta khéo đưa vào dịp lễ cúng Kỳ Yên hàng năm, giúp cho dân chúng mấy làng lân cận có dịp vui chơi khuây khỏa, sau những ngày mùa nhọc mệt.
25-6-2011

Tuesday, June 21, 2011

Tôi xem phim TARZAN

*
Năm đó khoảng 1952 hay 1953, sau khi Trung đội Chánh kéo Trung đội từ trong mộ Thầy Phó bên Bình Mỹ về đóng ở Nhà Việc làng Bình Thủy và dinh cơ Thầy Phó bị lực lượng Hòa Hảo của Lâm Thành Nguyên chiếm đóng, thành lập tại đó trường đào tạo Sĩ Quan Hòa Hảo.
Thời đó, ở trong tỉnh Long Xuyên hay Châu đốc, trong rừng hay vùng Bảy Núi thỉnh thoảng, quân đội Pháp mở cuộc hành quân, mỗi lần như vậy đoàn convoy chạy chừng 7, 8 chục chiếc xe nhà binh, có những xe kéo theo trọng pháo, đoàn đi chừng mười bửa, nửa tháng mới quay về.
Nói chung làng Bình Thủy hay Bình Mỹ đều bình an, vì làng Bình Mỹ một mặt là sông, mặt kia là cánh đồng trống mênh mông, còn làng Bình Thủy một phần nằm trên Cù lao, một phần kia là ấp Bình An nằm cạnh làng Bình Mỹ, cũng đồng mông hiu quạnh, lại là một ấp có đạo Thiên Chúa giáo, có Nhà Thờ Năng Gù lâu đời, do đó du kích Việt Minh khó hoạt động.
Một hôm vào khoảng 6 giờ chiều, có anh Sáu Ỵ ở dưới Cù lao, chạy xe đạp lên nhà, xin phép cha má tôi, cho tôi đi xem chiếu bóng, hồi đó ở nhà quê thường gọi là đi coi “hát bóng” hay “chớp bóng”.
Gia đình anh Ỵ với gia đình tôi không có bà con, ông thân anh Ỵ người Hoa, mẹ anh Ỵ người Việt, thứ tư, tôi thường gọi là Cô Tư, Dượng Tư.
Gia đình Cô Dượng Tư có ba người con trai, đó là anh Tư Sến, anh Năm Èm, anh Sáu Ỵ và con gái út, chị Xìn Tai, chắc tên của họ là tên theo người Hoa, nhưng đọc theo âm Việt là vậy vừa khó nghe lại vừa không có nghĩa! Mấy anh chị đó nghe nói còn có anh thứ hai, thứ ba nữa, nhưng Dượng Tư cho về bên Tàu. Dượng Tư đi làm “Tài phú” cho một cửa hàng bán bánh kẹo ở chợ Long Xuyên. Anh Tư Sến, Năm Èm cũng theo Dượng Tư học việc ở các tiệm buôn bán. Còn lại nhà chỉ có anh Sáu Ỵ và chị Út, họ đều lớn hơn tôi bốn năm tuổi.
Tôi nhớ có lần cha tôi chở xe đạp đến nhà Cô Tư, tôi leo lên võng nhà Cô ngủ một giấc trưa, trong khi cha tôi bỏ xe đạp ở đó, đi thăm viếng và uống trà ở mấy nhà xung quanh.
Mẹ tôi mỗi lần bơi xuồng về quê ngoại ở Phú Hòa, chuyến về thế nào cũng ghé nhà Cô Tư ăn miếng trầu, hỏi thăm từng người trong gia đình, những lúc đó tôi phải ngồi chờ mòn mõi.
Về sau anh Tư Sến lấy vợ gần trên chợ ở đầu làng, thỉnh thoảng nghỉ việc ở Long Xuyên về, Dượng Tư đi thăm suôi gia, đều ghé nhà thăm cha má tôi, uống hết một bình trà Dượng mới ra về. Cô Tư cũng vậy, khi đi thăm suôi gia về đều ghé nhà tôi, má tôi thường cầm chân lại, đãi một bửa cơm rồi mới cho về.
Tôi không hiểu sao gia đình Cô Dượng Tư và gia đình tôi thân nhau như ruột thịt, tôi nhớ, ông thân tôi có khuyên trong gia đình: “ Ngày sau chẳng may mà các con có nghèo, phải bán đất nuôi thân thì chỉ nên bán đất ruộng, còn đất “thổ cư” ráng giữ để cất nhà mà ở, trong nhà ngoài số nữ trang khác, có đôi bông tai, một chiếc vòng trơn và chiếc vòng chạm, giữ làm kỷ niệm đó là nữ trang do cha chế tạo khi hành nghề kim hoàng”.
Vậy mà có một lần Cô Tư ngỏ ý với mẹ tôi, chị Xìn Tai muốn có đôi bông tai nhận hột như vậy, má tôi nói lại. Cha tôi bảo: “ Thôi thì đổi đi cho con nhỏ nó vui lòng”. Mấy chị tôi hờn mát, không dám nói với cha, than với mẹ: “ Làm như nó là con của cha vậy, muốn lấy được, tụi con cũng thích đôi bông đó vậy!”. Mẹ tôi phải an ủi: “ Thôi mà Cô Dượng Tư thân thiết với gia đình mình, Xìn Tai cũng như em mấy con vậy, đổi cho nó vui có mất mát gì đâu ?”.
Do chỗ quen thân của hai gia đình như thế, nên anh Sáu Ỵ phải chạy xe 5, 6 cây số để rước tôi đi xem “chớp bóng”, tối còn phải đưa về, ngán nhất là đi ngang qua Nhà việc, chỗ Trung đội Chánh đóng quân. Trong đêm tối, chạy xe đạp phải có đèn, gần đến nơi phải nói to tiếng, xin phép người lính gác để được đi qua.
Chờ đến chạng vạng, anh Sáu Ỵ mới bơi xuồng anh và tôi qua sông, đến địa điểm có chiếu bong, đó là ngoài sân Nhà thờ Năng Gù. Long Xuyên có nhà thờ Cù Lao Giêng và nhà thờ Năng Gù là hai Nhà Thò lâu đời, nghe nói Nhà Thờ Năng Gù lúc trước, thuộc giáo phận của ông Giám Mục Poulo cai quản từ Nam Vang chạy xuống tới Sóc Trăng, nếu đúng vậy thì Nhà thờ Châu Đốc, ở gần bến Bắc đi Tân Châu, cũng thuộc quyền cai quản của Giám Mục Poulo.
Lúc có chớp bóng tôi đi xem, không rõ Giám mục là người Pháp hay Việt, chắc là người Pháp, nên người Pháp mới tổ chức buổi chiếu bóng đó, họ chiếu phim Tarzan, bây giờ tôi không nhớ là phim nào, chỉ còn nhớ phim “trắng đen” hình ảnh mấy con voi, con dã nhơn, tiếng hú lãnh lót của Tarzan mình trần, đóng khố, cảnh Tarzan đu dây, nhưng hình ảnh khó quên, đó là xe cam nhông của đoàn người đi săn chạy, nó phóng ngay vào khán giả, đám con nít chúng tôi né tránh ngã lăn chiên, có đứa hét lên vì sợ hải.
Lần đầu tôi xem phim, cái cảnh xe từ màn ảnh phóng ngay tới, làm cho tôi sợ hải, né tránh đã trên nửa thế kỷ qua rồi, cái quê mùa của tôi lần lần đã rửa sạch,  nhân vật Tarzan từ thành thị cho đến thôn quê ai ai cũng đều có nghe nói tới, nay cũng đã lùi xa vào dĩ vãng.
Giải trí từ điệu hò câu hát trên sông, trên cánh đồng, rồi hát bội, cải lương, chiếu bóng, sang đến TV, nay đến Internet. Nếu chúng ta để ý thấy sự giải trí đi từ khung cảnh bao la dần dần bị thu hẹp, thu hẹp mãi nay chỉ còn mình ta với máy.
Ngày nay, trẻ con từ thành thị đến thôn quê, bốn năm tuổi đã biết chơi Game trên Mạng, khoa học đã tiến bộ vượt bực, chạy theo đà tiến của vi tính muốn hụt hơi, không như 5, 6 chục năm trước, tôi sống trên đất Cù lao Năng Gù êm đềm với ruộng lúa xanh tươi, trên trời chim bay lượn, dưới nước tôm cá vẩy vùng, mùa hè đi ra đồng lật đất cày bắt dế, mùa nước chống xuồng ngoài ruộng hái bông súng, lặn nước mò củ co, giải trí thuở ấy lành mạnh với thiên nhiên, còn ngày nay giải trí tất cả thiên nhiên và vũ trụ gom vào trong thế giới ảo tân kỳ.
Ngày 20-6-2011

Saturday, June 18, 2011

Cúng Đình

*
Tôi xa làng từ năm 13 tuổi, nói rõ hơn từ dịp khai trường vào tháng 9 năm 1954,  từ đó, hàng năm tôi đều có trở về làng, nhưng đều không nhằm dịp cúng Đình, nên những gi tôi viết chỉ là mớ ký ức của tuổi thơ.
Nói về Đình làng tôi, đó là ngôi Đình làng Bình Thủy thuộc Cù lao Năng Gù, trên dòng sông Hậu. Đình ấy không biết cất từ năm nào, gồm có những kiến trúc sau đây:
-                     Chánh điện có 3 gian xây tô, cột gõ, mái lợp ngói âm dương, gian giữa trong cùng có bàn thờ thần, hai gian bên mỗi gian có một bàn thờ, một bên là bàn thờ Tiên sư, bàn thờ gian bên kia tôi không nhớ, còn một số bàn thờ khác đặt sát vách hông, trước bàn thờ Thần có khoảng trống đủ để lễ lạy, kế đến là cái bàn dài và to dùng để chưng bày quả phẩm khi cúng tế, hai bên đặt 2 bộ binh khí, xung quanh Chánh điện là hành lang, mỗi bên có một cửa sổ nhỏ và phía sau có hai cánh cửa ra vào. Do vậy Chánh điện có vẻ thâm nghiêm, huyền bí, hành lang luôn đóng cửa sổ, tuy trống trơn, nhưng cũng âm u. Ngày thường chỉ có ông Từ vào ra lo việc hương khói, khi cúng tế chỉ có những người bưng mâm bày quả phẩm, Hương kiểm và học trò lễ đi vào dâng hương, trà, rượu …
-         Kế trước Chánh điện là một ngôi Tiền điện, nơi đây có đặt những hương án để cho những vị cúng tế hành sự. Thuở đó có bốn chiếu, mỗi chiếu đứng ba vị, hàng trên cùng, ba gian là ba chiếu, gian giữa gồm có Chánh Tế và hai Bồi Tế, phía sau chiếu Chánh tế, có hương án và thêm một chiếu nữa, như vậy vị chi, có tất cả 12 vị cúng tế. Chắc đó là vị trí của 12 vị trong Ban Hội Tề thuở trước. Sau chiếu thứ hai, ba gian để trống, mõ và chiên, trống để gian giữa, mõ ở gian phía Đông và chiêng ở gian phía Tây, sau đó người ta đặt mỗi gian một cái bàn, trên ấy đặt những chân đèn, khay rượu cho Học trò lễ sử dụng, đó là phần sau cùng Tiền điện giáp với nhà Võ Ca.
-         Nhà Võ Ca là nơi dành cho hát xướng, xưa kia là Hát bộ vừa múa hát vừa cho nên người ta gọi là nhà Võ Ca, thông thường vào dịp cúng Đình, Ban Hội Tề thường rước gánh Hát bội về hát Chầu, đào kép đi từ sân khấu vào bàn thờ lạy Thần hoàng. Khi tôi biết, nhà Võ Ca này cất 8 mái, phần dưới 4 mái lớn, lên trên chóp 4 mái nhỏ, như hình cái bánh ít, lợp lá. Trước cuộc Cách mạng mùa Thu, Đình trùng tu lại, nhà Võ Ca xây tô, nhưng gặp thời cuộc lúc ấy không có xi măng, phải dùng vữa là mật mía với vôi, cát. Ông Hương Chủ lúc ấy là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, cúng Đình ông chủ trương cúng chay, ông giữ giới không muốn cho Hát bội hát nữa, nên cho xây một bàn thờ Tổ quốc to ngay giữa nhà Võ Ca.
Chánh điện, Tiền điện và Nhà Võ Ca là một quần thể, cất liền nhau, Chánh điện  ngăn cách với Tiền điền bằng ba bộ cửa, khi cửa mở ra có bao lam, Tiền điện với nhà Võ Ca không có cửa hay vách ngăn, hai bên hông Tiền điện và nhà Võ Ca chỉ là những cây song tết diện vuông cạnh chừng 4 phân, song cách nhau chừng non gang tay, đứng bên hông có thể nhìn vào trong rất thoáng.
-         Nhà Hội nằm phía tay trái, cách Đình là một lối đi chừng 2 thước, có ba gian với những hàng cột gõ đưòng kính trên 2 tấc, xây tô trên nền cao chừng 1 thước, lợp ngói móc, có bề ngang chừng 8 thước, dài chừng 20 thước, chia ra làm 3 phần, Phần ở trước dài chừng 8 thước, gian giữa đặt chiếc bàn dài với hai hàng ghế hai bên, nối theo là bộ ván gõ, hai gian bên cũng kê những bộ ván gõ, tất cả đều dày chừng 1 tấc. Đây là nơi Làng hội họp, khi cúng Đình, mâm cỗ dọn ăn nơi đây. Lúc nhà Võ Ca không thể hát xướng được, thì gánh hát bội hay cải lương được phép dùng Nhà Hội làm sân khấu và xếp ghế cho khán giả ngồi xem. Kế đó hai gian hai bên là hai cái phòng, để chứa thực phẩm, tô chén dĩa …., sau cùng là khu nhà bếp khá rộng rãi.
-         Nhà Việc nằm về phía trước bên tay trái của Đình là. Nhà Việc là nơi làm việc của làng, có phòng của Xã trưởng, Hương Quản, phòng giam phạm nhân, chỗ làm việc của các Hương chức khác và Biện, cho nên Nhà Việc cũng khá lớn, bề ngang chừng 10 thước, dài có tới chừng 12 thước.
Trước Đình là cái sân, cách nhà Võ Ca chừng 2 thước có hai cái miếu day mặt ra đường, cách nhau chừng 2 thước, cách 2 cái miếu này về phía ngoài đường lại có 2 cái miếu, xây đối mặt nhau, cách hai miếu xây mặt ra đường chừng 5 tấc, chúng cách nhau nhau chừng 7, 8 thước, mấy cái miếu này xây tô lợp ngói, nền cao hơn mặt đất chừng 4 tấc, vuông vức chừng một thước rưỡi, cao khoảng 2 thước, cách đó chừng 4, 5g thước, về phía đường có xây một cái bàn dài chừng 2 thước, ngang 1 thước, đây gọi là đàn Thần Nông, bàn này mỗi khi cúng Đình, đều có lệ cúng, có một vị chủ tế, có 2 người xướng lễ, đám trẻ con và thanh niên 15, 16 tuổi vây quanh, chen lấn chờ khi nghe hai vị xướng lễ, xướng: “ - Lễ tất!” là mạnh ai nấy lấy, giành giựt nhau xôi, thịt, bánh trái, tất cả mọi thứ có thể ăn được trên bàn cúng, cách đàn Thần Nông chừng 1 thước là bức bình phong xây tô, qua khỏi bình phong là con lộ, con lộ này chạy dọc theo Xép Năng Gù suốt từ đầu cù lao đến cuối.
Ở sân đình, còn có nhiều cây sao to, buổi chiều dơi đậu đen cả các nhánh cây, cho tới thời Hòa Hảo có một Trung Đội dưới quyền Trung đội Chánh, chừng hai mươi người lính đóng ở Nhà Việc, họ bắn phá làm cho dơi hoảng sợ, từ đó không còn tụ tập về đây nữa, phía mé sông là một hàng cây dương, cuối hàng dương giáp ranh đất với bà Mụ Nhờ là một cây đa. Bến sông Đình được cẩn những phiến đá đẽo làm thành cấp bực để đi lên xuống, đá dầy chừng 2 tấc, dài trên 2 thước nhưng do nước xoáy mòn hàng dương và bến sông ngày nay không còn.
Phía tay phải của Đình, ngang nhà Võ Ca là một cây thị rất to, dưới gốc cây thị có một có một cái miếu nhỏ, vuông vức non một thước, chiều cao c ùng cỡ, xây tô, lợp ngói, đó là miếu thờ ông Xã Cọp - một con Cọp được làng phong chức Xã Trưởng – nay miếu ấy được thay bằng miếu thờ Thổ thần.
Phía sau Đình là một miếng đất rộng, ngoài một cây lâm vồ cổ thụ nằm gần vòng rào phía trên, lơ thơ vài bụi chuối, bác Năm hay ông từ Ân tuổi đã già không đủ sức cuốc đất trồng khoai, gặp lúc không có trà uống, bác lượm trái căm xe, lấy hột rang rồi nấu nước uống, đó là cây căm xe duy nhất còn lại trong làng, nó mọc ở ngay giữa đường đi con lộ cũ chạy cặp theo rạch Chanh, nó nằm trong đất của Đình như cây thị, cây đa, mấy cây sao, cây dầu, hàng dương, là những cổ thụ góp phần làm cho Đình thêm chút rêu phong, cổ kính.
Riêng ở góc cây căm xe, một thời người ta dựng lên căn nhà nhỏ, làm chi nhánh bán số đề của Cậu Hai Ngoán ở Cái Dầu. Sau khi dẹp số đề, anh Năm Ẩn lấy nơi đó làm chỗ hớt tóc.
Hồi nhỏ, buổi trưa thả dê ăn trên con lộ Đình, tôi thường ra trước Đình chơi, vì nơi đó có bến đò, thỉnh thoảng nói chuyện với bác từ Ân, có khi bác mở cửa sau Đình, bác ngồi ngạch cửa nói chuyện với tôi, đôi khi tôi thò đầu nhìn vào hành lang âm u của Đình, tuổi thơ tôi sợ ông Thần linh mà tôi cũng sợ những âm binh ở Đình, tuyệt nhiên không bao giờ tôi muốn khám phá cái thế giới huyền bí ấy.
Ông từ Ân, có một người con trai là anh Năm Ẩn, anh có vợ nhưng không con, làng có cho phép anh cất một căn nhà lá cột tre, chênh chếch tay trái trước Nhà Hội sau Nhà Việc, tôi thường vào nhà anh Năm Ẩn buổi trưa, anh nằm võng kẽo kẹt đưa, đọc tiểu thuyết Giọt Máu Chung Tình của Tân Dân Tử, đôi khi hứng thú lại ca Vọng Cổ Võ Đông Sơ với Bạch Thu Hà.
Tôi không thể nào nhớ hết lớp lang của một buổi cúng Đình, hình như trước hết có một viên chức là ông Hương kiểm vào Chánh điện kiểm tra các vật phẩm cúng, nghe nói phần chính yếu gồm một con heo trắng (làm sạch lông, lấy bộ đồ lòng ra), một chén đựng huyết tươi con heo đã làm thịt cúng với một nhúm lông ở trên gáy, đó gọi là “Ế mao huyết”, một mâm xôi, một mâm trái cây, một mâm trầu cau, một dĩa gạo muối. Ngoài ra còn những phẩm vật khác. Khi Hương kiểm đã thấy đầy đủ, báo cho vị Chánh tế biết, buổi tế lễ bắt đầu.
Trước tiên hai Xướng lễ mặc y phục đỏ, mũ đỏ và Học trò lễ y phục vàng mũ đen từng cập từ trong hành lang Hậu cung Đình, đi ra, họ đến vị trí hành lễ, hai người Xướng lễ đứng ở Hương án giữa khởi xướng:
-         Khởi kích cổ!
Trống sẽ đánh ba hồi, kế đó chuông đánh ba hồi, sau đó mõ đánh ba hồi, khi mõ dứt thì trống đánh ba tiếng, tiếp theo chiêng ba tiếng, tiếp theo mõ ba tiếng, cứ như thế đánh cho đến khi nào chấm dứt thì cả ba Trống, Chiêng, Mõ cùng đánh một hồi, đồng chấm dứt một lúc.
Sau ba hồi Trống, Chiêng, Mõ thì Xướng lễ xướng:
-         Các chức tựu vị!
Những vị Chánh tế, Bồi tế và các vị khác, trong mặc áo dài đen, ngoài mặc thêm áo thụng xanh dương vải thưa và cứng, đầu đội khăn đóng vào chiếu của mình. Chiếu giữa chỗ quan trọng nhất, có hai Xướng lễ đứng ở Hương án là chiếu dành cho Chánh tế và hai Bồi tế. Vì thời đó ông Hương Cả là người có đạo Thiên Chúa, nên Hương Chủ làm Chánh tế, Bồi tế là Hương Sư và Hương Trưởng.
Sau khi các vị vào chiếu của mình, Xướng lễ sẽ xướng một câu hình như là “ - Tẩy tịnh” để cho người Chánh tế bước tới chỗ có một cái giá, đặt cạnh Hương án, trên đó đặt một cái thau nước và cái khăn đỏ, người Chánh Tế nhúng hai bàn tay vào khay nước, rồi lấy khăn lau, Xướng lễ xướng:
-         Chánh tế phục vị!
Chánh tế trở về vị trí cũ của mình, sau đó mới bắt đầu dâng hương, cúng, bái, đọc văn tế, đốt văn tế… Mỗi lần dâng cúng phẩm vật chi thì Học trò lễ đi có điệu bộ nhịp nhàng theo tiếng nhạc, mang phẩm vật cúng đến các chiếu, vị ở giữa chiếu sẽ tiếp nhận hương hoặc lễ vật để niệm hương hay khấn nguyện tiến cúng phẩm vật, rồi Học trò lễ nhận lấy, tiếp tục đi vào trong Chánh điện, để lên các bàn thờ.
Trong khi hành lễ thì dàn Nhạc lễ cử nhạc những điệu khác nhau, khi lạy, khi Học trò lễ đi … trừ lúc Xướng lễ, đọc Văn tế, Nhạc lễ không cử nhạc.
Trước khi buổi lễ chấm dứt, các vị hành lễ bước ra khỏi chiếu, các vị cựu hương chức, kỳ lão vào chiếu “Cúc cung bái” theo Xướng lễ bốn lạy, các vị ấy lạy xong, rời khỏi chiếu, các vị hành lễ trở vào chiếu lạy một tuần nữa mới lui ra, họ tuần tự ra sân đình lạy ở các ngôi miếu, cuối cùng họ đi vào Nhà Việc lạy một trang thờ, trang tôn trí ở trên lối đi giữa hai phòng của Xã trưởng và Hương Quản. Tôi không được rõ trang ấy thờ vị thánh hiền nào?
Trong khi đó, học trò lễ cũng từng cập vào chiếu, lúc này không có xướng lễ, nhưng họ lạy bốn lạy theo nhịp trống, kèn, phèn la của Ban Nhạc Lễ, họ lễ rất nhịp nhàng, đẹp mắt, tôi thường thích xem phần này vì họ mặc đồng phục, lạy có cung cách, nếu những ông Làng khi tế lễ, họ lạy “văn” thì Học trò lễ lạy “võ”.
Sau khi Học trò lễ lạy xong, xem như buổi cúng Đình theo nghi thức đã chấm dứt, dân chúng mới vào lạy Thần, để cầu xin phò hộ cho Quốc thới, dân an, ruộng đồng tốt tươi, được mùa, để dân chúng được ấm no hạnh phúc.
Ngày xưa khắp Nam Bộ, mỗi làng đều có một ngôi Đình thờ Thần hoàng, là vị anh hùng chẳng hạn như Đình Châu Phú, Châu Đốc thờ Chưỡng Binh Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, nơi khác thờ Nguyễn Trung Trực …, mỗi làng đều có Ban Hội Tề có 12 vị chức sắc, được chánh quyền công nhận, cấp “tờ cử” đó là Nội Hội Tề, còn những vị do Ban Hội Tề đặt thêm, như chức Hương Kiểm, Hương Văn, Hương Lễ… gọi là Ngoại Hội Tề.
Ban Hội Tề cuối cùng Làng Bình Thủy, nay tôi còn nhớ được như sau:
Đại Hương Cả: Phạm Tứ Thể
Hương Cả: Lê Bửu Linh
Hương Chủ: Phan Hòa Huỡn
Hương Sư: Huỳnh Văn Đoan
Hương Trưởng: Dương Văn Cừ
Hương Chánh: Lâm Văn Chẩn
Hương Giáo: (Không rõ)
Hương Quản: Nguyễn Văn Bổn
Hương Bộ: (Quỷnh ?)
Hương Thân: (Lâm Văn Hạnh ?)
Xã Trưởng: Lý Quốc Chênh
Hương Hào: Dương Văn Kiếm
Chánh Lục Bộ: Nguyễn Văn Kiên
Thường thường Ban Hội Tề làm tấu chương gửi về triều đình Huế, xin nhà Vua ban Sc phong Thần hoàng của làng, miền Nam là đất thuộc địa của Pháp, khoảng n ăm 1930 Ban Hội tề làng Bình Thủy cũng làm tấu chương gửi ra triều đình Huế, xin sắc phong cho một vị Phúc thần làm Thần hoàng của làng. Còn những nơi giang sơn của vua, có những công thần, triều đình xét công trận ra  chiếu, sắc phong thần ở làng nào đó, làng ấy có bổn phận tôn thờ vị anh hùng dân tộc là Thần hoàng của làng và bốn mùa cúng tế.
Xưa có những làng không biết làm tấu chương, không có Sắc phải đi trộm Sắc của làng khác để thờ, cho nên Sắc phải gìn giữ cẩn thận để tránh bị hư hỏng vì thời tiết và cũng tránh bị trộm cắp.
Năm 1945, xãy ra cuộc Cách Mạng Tháng Tám, để bảo toàn sinh mệnh, Ban Hội Tề  ngưng hoạt động, giao cho Hương Quản Nguyễn Văn Bổn toàn quyền với chánh quyền Bảo hộ, Chánh Lục Bộ Nguyễn Văn Kiên tiếp tục nhiệm vụ, để giúp dân chúng làm Khai sanh, Khai tử, Hôn thú. Nhờ vậy mà trải qua cuộc binh biến đó, các hương chức làng được bình an, trừ có Xã Trưởng Lý Quốc Chênh năm 1946 hay 1947 cùng chú Ba Chăng người hàng xóm, đi buôn bò vùng Đốc Vàng bị Việt Minh bắt, chú Ba Chăng được thả, Lý Quốc Chênh  bị kết án Việt gian mất tích từ đó, còn Hương Quản Nguyễn Văn Bổn đến sau, khoảng năm 1952, 53 bị ám sát ở nhà.
Về tế tự Đình thì các cựu hương chức vẫn tiếp tục nhiệm vụ cúng tế, đất công điền ai làm thì tự nguyện đóng góp để cúng Đình, nên thời đó cũng không phải quyên góp của dân. Làng thì theo lệ, mỗi ông một mâm xôi, khi cúng xong người ta lấy một phần để dọn ăn ở Đình, phần còn dư trả lại với vài miếng thịt đã đặt trên mâm xôi khi cúng. Không ai giải thích được, chỉ biết rằng xôi đã cúng Đình xong, ăn rất ngon so với xôi còn để tại nhà dầu cùng chung một chỏ xôi.
Hương Cả Linh và Hương Quản Bổn là hai người theo đạo Thiên Chúa, cúng Đình có khi họ có mặt để thăm hỏi trong Ban Hội Tề, chớ họ không cúng tế, không ăn uống.
Ban Nhạc Lễ luôn luôn ngồi phía hướng Tây, ngang với ba chiếu trên, chắc chắn là để họ có thể thấy rõ Chánh tế, để cử nhạc cho đúng diễn tiến. Ban Nhạc Lễ thời đó có chú Chín Đầy đánh cập trống âm dương, anh Hai Phòng kéo đàn Cò, anh Ba Cao khảy đàn Kìm, ông Năm Dần thổi kèn tiểu mộc, chỉ có bốn người mà sử dụng các nhạc khí của nhạc lễ, nên Ba Cao nhiều lúc phải sử dụng Chập Chõa, Trống Cơm, Phèng La. Hiếm khi, ông Nguyễn Trọng Tri (Tuy), cũng đánh trống âm dương, nhưng ông không phải người trong Ban Nhạc Lễ.
Tôi không hiểu sao, tất cả những vị đứng cúng tế mặc áo thụng xanh, Học trò lễ mặc lễ phục của họ, còn mấy người trong ban Nhạc Lễ không có áo dài, khăn đóng, trừ ông Năm Dần ra, họ là những người không có đất cắm dùi, chú chín Đầy, anh hai Phòng cất nhà trong đất của ông chín Tri, anh Ba Cao cất nhà trong đất của soạn giả Hoàng Khâm. Sao hồi ấy Làng không may cho mỗi người một chiếc áo dài, một cái khăn đóng như Học trò lễ, được như vậy thì đẹp mắt biết bao, buổi lễ cúng Đình càng thêm trang trọng!
Về Học trò lễ, hồi đó tôi biết họ nhưng nay đã lâu,chỉ còn nhớ Thầy Tư Phối ở gần trên chợ đứng ở Hương án chính, để nhắc hai người Xướng lễ, xướng theo diễn tiến, Xướng lễ nay tôi chỉ còn nhớ một trong hai người là chú Hai Triều, con ông Cả Nhứt với bà Chín Giỏi, chú với thầy giáo Nguyễn Hoa Hẩu là anh em cô cậu, gọi ông Phủ Nguyễn Hà Thanh là ông cố, Học trò lễ trên mười người, nay tôi chỉ nhớ có chú Năm Thảnh, thuở đó bán thức uống bông cỏ, sau chú bán bánh mì thịt, người nữa là chú Chín Khước ở gần nhà tôi.
Mỗi lệ cúng Đình, dân làng kẻ góp công người góp của, kẻ chơi nhạc, người đi lễ, kẻ gánh nước, ngưòi nấu ăn, tất cả đều đem tấm lòng tôn kính Thần hoàng mà làm, không ai được trả công, ngoài một, hai bửa ăn thịnh soạn ở Đình.
Cúng Đình nào chiêng nào trống nào mõ, nào kèn làm tăng thêm sự trang trọng buổi lễ, làm rộn lòng người nghe, là một nét văn hóa, cần được duy trì và bảo tồn, bởi vì đó là tín ngưỡng chung của dân gian, làng Bình Thủy mỗi năm có ba lệ cúng, Tháng Giêng, tháng Năm và tháng Chạp, riêng lệ tháng Năm có tổ chức đua thuyền, đã trở thành truyền thống, có khoảng 50 năm nay.
Ngày 11-6-2011 (Mùng Mười tháng Năm Tân Mão)
theo huynhaitong.blogspot.com

Tuesday, June 14, 2011

Văn Tế Mẹ

Hởi ôi !!
Máy âm dương xoay trở, luật tạo hóa vô tư
Đường sanh tử mất còn, sổ Nam Tào nan thức.
Mây che non tị, khuất bóng thiên thu
Sương phủ nhà huyên đến tuần bá nhựt.
Nhớ mẹ xưa !
Tánh hạnh hiền hòa,
Công ngôn chánh trực.
Việc đối đải với làng với xóm, chẳng đổi hai lời,
Sự ở ăn cùng chị cùng em, cứ gìn một mực.
Con côi tám đứa, mẹ chí công nuôi dưỡng hằng lộ vẻ vui mừng,
Thân góa một mình, mẹ gắng sức dạy răn chẳng hề than khó cực.
Dạy con gái nấu nướng vá may công hạnh mọi đường,
Cho con trai học hành chữ nghĩa nghiệp nghề đủ bực.
Trai bốn thằng mẹ cưới vợ hai thằng, còn hai không cưới kịp cho xong,
Gái bốn đứa mẹ gả chồng ba đứa, còn một chưa gả rồi cho phức.
Ở cùng dâu mẹ chẳng rầy rà,
Đối với rể mẹ hằng khuyên dứt.
Hình mẹ mới vừa già, tóc bạc hoa râm, răng chưa rụng, mắt chưa lòa, con tưởng chẳng yếu đau,
Vóc mẹ mới vừa ốm, da mồi lốm đốm, gối không dùng, tai không lãng, con ngỡ còn sức lực.
Khoản hai mươi ba năm giữ tiết thờ chồng, làng xóm ngợi khen, con nở mặt mừng vui,
Tuần sáu mươi bảy tuổi về quê bỏ cháu, con dâu thương tiếc, mẹ đành lòng gắp bức.
Ôi !!!
Nhớ mẹ ủ ê!
Đau lòng bức rức!
Trời xui chia rẽ con ở trần gian,
Phật vội kêu đòi mẹ về Tây vức.
Tây vức mẹ về ngàn thuở tiêu diêu,
Trần gian con ở trăm năm buồn bực.
Mẹ đau năm bảy tháng con lo nuôi dưỡng, thuốc cơm không đáng kể sự công lao,
Mẹ thác ba bốn ngày con để quảy đơm, dưa muối chưa phỉ đền ơn cúc dục.
Con nuôi mẹ kể giờ kể khắc, thiếu nghĩa thiếu tình,
Mẹ nuôi con quên tháng quên ngày, đại ân đại đức.
Nhiều khi con cám thương phận mẹ, chịu phần đơn cô,
Lắm lúc con sầu tủi đoàn con, cam bề côi cúc.
Sớm đón gió, chiều nhìn mây, gió lặn mây tan, ngậm ngùi bấy xót lòng con trẻ luống ai hoài,
Đêm trông sao, ngày ngắm cảnh, sao dời cảnh đổi, bâng khuâng thay thương phận mẹ già càng thốn thức.
Khi ngày qua, giờ lại, ngồi buồn bả tay khoanh trói gối chợt thấy nhền nhện bủa tơ sầu, biếng canh biếng dệt, hay là nhện cũng vì khổ chủ đeo phiền,
Lúc đêm lụn canh tàn nằm nghĩ suy tay gác ngang đầu nghe thằn lằn chắt lưỡi thảm, biếng chạy biếng bò, hay là lằn cũng vì tang gia than tức!
Quá chạng vạng nghe dế ngâm ru rít dưới thềm, nhớ những thuở mẹ khuyên con thức học hành cho bằng anh bằng em, gắng chí gắng công,
Vừa bửng tửng nghe gà gáy ốc eo ngoài vách, nhớ những thuở mẹ kêu con đi làm lụn cho kịp thì kịp tiết, bền lòng bền sức.
Nhớ nhung áo não khôn cùng thương mến, con đổ dòng châu,
Đau đớn âu sầu chi xiết kỉnh thờ, mẹ trong nét mực.
Hằng ngày con dưng nước, dưng hương, dưng cơm hai bửa chẳng thấy mẹ về ăn con hằng vái hằng van,
Thường bửa con thay trầu thay cau thay thuốc ba lần chẳng thấy mẹ về hưởng con thường chầu thường chực.
Ôi !
Thảo phải ba tuần rượu lạt tấm lòng con xin kỉnh hiến dưng,
Đơn sơ một cỗ cơm thô, hương hồn mẹ có linh thọ thực.

Đinh Sửu niên, Trọng Thu nguyệt, sơ thập nhật (1937)
Văn tế tuần Bách nhật, Huỳnh Tạo Đoan tế mẹ
Huỳnh Tạo Đoan tự tác.