Hồi đó khoảng năm 1952, 1953 tôi được 11, 12 tuổi thường đến nhà anh Ba Cũ để nhận báo Thần Chung về đọc. Báo này anh tôi đặt mua trả trước 1 năm, báo được gửi từ Sàigòn theo đường Bưu Điện, người phát thư mang đến nhà tôi mất 3 ngày.
Lúc đó nhật báo Thần Chung đang đăng tiểu thuyết Châu Về Hiệp Phố của nhà văn Phú Đức, tôi mê đọc, nên thường chạy xe đạp tới nhà anh phát thư, chờ anh đi lãnh thư ở Long Xuyên về tới là lấy báo mang về cho cha tôi xé niêm ra, nằm trên võng đọc tin tức chiến trận Điện Biên Phủ … xong, người buông tờ báo ra tôi mới đọc, nhiều hôm có thằng em con ông chú cùng tôi, ngồi chờ chầu chực bên cạnh võng, cha tôi đọc mặt nọ, chúng tôi đọc mặt kia, nào là nhắn tin, nào là xe cán chó …
Hai nguồn tin quan trọng nhứt trong năm 1953, mà cho đến nay tôi vẫn còn nhớ là tin cô Quờn vì ghen đốt chồng chết và đồng bạc Đông Dương sụt giá so với đồng Phật Lăng (France).
Năm 1953, báo tăng giá gắp đôi, họ có thông báo cho ai mua báo năm phải trả thêm tiền, hoặc thay vì mỗi ngày mỗi gửi báo, nay hai ngày họ gửi 1 tờ. Anh tôi lúc ấy đã trốn lính đi sang Pháp, cha tôi ở nhà quê có báo thì đọc tin tức, không thì thôi, nên không đóng thêm tiền, do đó mỗi tuần chỉ nhận ba số báo mà thôi.
Người phát thư trong làng tôi, đó là anh Ba Cũ, đúng như tên của anh, anh làm việc từ thời còn Ban Hội Tề, cho đến thời Ngô Đình Diệm vẫn là anh phát thư mặc bộ bà ba đen, đội nón lá, chạy xe đạp cọc cạch, máng một giỏ bàng thư trước ghi đông xe, chạy đi khắp làng phát thư.
Anh Ba Cũ cũng họ hàng xa với tôi, cũng như tôi, thuộc dòng dõi của ông tiền hiền đã lập làng Bình Thủy, nhà anh dưới Đình làng vài trăm thước, gần con đường đi vào chùa Bình Phước.
Anh là một trong ba người hiếm hoi còn tiếp tục làm việc sau khi cả Ban Hội Tề đồng loạt từ chức, đó là Hương Quản Nguyễn Văn Bổn, Chánh Lục Bộ Kiên và anh là Người phát thư.
Khi Ban Hội Tề còn đương thời, anh Ba Cũ giữ chức Cai tuần kiêm luôn việc phát thư. Với chức Cai tuần anh cắt đặt dân canh, đặt dưới quyền sai khiến của Hương Hào, anh cũng trách nhiệm đánh trống sang canh hàng đêm.
Dĩ nhiên vào những năm 1950, thư từ gửi qua bưu điện cũng ít, có những hôm tôi đến nhận báo thì anh Ba Cũ lấy trong túi bàng đưa cho tôi cái thư bảo đem về cho cha tôi, hoặc có lúc anh đang ăn cơm bảo tôi:
- Tao đang ăn lỡ bửa, chờ chút tao lấy thư của anh mầy gửi cho chú Ba.
Khi ăn cơm xong, anh lấy thư và tờ báo đưa cho tôi đem về, cầm lá thư biết ngay là thư của anh tôi vì anh ấy viết chữ nhỏ và đẹp, lại có dán con tem nước Pháp.
Có người cho biết, một hai ngày anh phải đạp xe đạp xuống Long Xuyên cách xa 20 cây số để lấy thư, tôi cũng nghĩ là như vậy, nên không hỏi anh xem có đúng hay không.
Có hôm tôi đi chơi, thấy anh đang dừng xe trước cửa nhà người hàng xóm của tôi, anh cầm thư hỏi thăm cho biết người nhận thư ở nhà nào, vì trong làng có những nhà cố cựu, nhưng có những nhà của vài người ở tứ xứ tản cư đến, thành ra anh Ba Cũ không biết hết mọi người, vã lại nhà quê không có số nhà, thư gửi chỉ có họ tên người nhận, ấp, làng, quận và tỉnh, đôi khi chỉ có tên làng và tỉnh.
Một hôm tôi đang đi ngoài đường lộ, bị anh Ba Cũ dừng xe chận lại, móc từ trong giỏ bàng, lấy ra lá thư hỏi:
- Chú mầy có biết thư này của ai không ?
Cầm bức thư đọc tên và địa chỉ người nhận:
- Kính gửi Thầy giáo Chính
Trường học Năng gù
Long Xuyên
Tôi thắc mắc hỏi :
- Bộ anh không biết thư nầy gửi cho ai hả ?
- Không biết nên mới hỏi chú mầy! Làm ơn chỉ cho tao cái coi!
Tôi nghĩ chẳng lẽ anh này lại đùa với mình, nên hỏi lại cho chắc ăn:
- Hỏi thiệt nghe anh Ba! Bộ anh không biết chữ hả ?
- Bộ chú mầy tưởng tao biết chữ hả ? Biết tao hỏi chú mầy làm gì ?
Nghe anh nói, tôi đứng ngẩn ngơ, vì anh “không biết chữ nhứt một” mà làm người phát thư hàng chục năm, cần cù đi nhận thư, phát cho người nhận những tin vui buồn.
Nhớ lại mỗi lần anh đưa thư cho gia đình tôi đều đúng, do anh thuộc mặt chữ, chớ anh không biết chữ, người ta biết những người dốt thường sáng dạ, nhớ dai.
Trên 50 năm đã qua, nhớ lại anh Ba Cũ người dân quê chất phát, không biết chữ lại làm công tác văn hóa, thông tin. Thời đó một thời kỳ khó khăn trong lịch sử nước ta, nhờ anh tôi được đọc say mê tiểu thuyết Châu Về Hiệp Phố.
Ngày 6-2-2011
No comments:
Post a Comment