Saturday, February 5, 2011

Anh Tư Chiêm


Tôi không hiểu phải viết tên anh là Chiêm hay Chim, theo chữ nghĩa phải viết tên anh là Chiêm mới đúng, nhưng theo anh thì là Chim bỏi vì đứa con gái lớn anh đặt tên Cò, con trai kế anh đặt tên là Diệc. Nếu đặt tên cho đúng chữ nghĩa, phải viết là Chiêm, Cò, Việt. Nhưng theo như cách đặt tên ấy thì là Chim, Cò, Diệc.
Tôi gọi bằng anh vì có họ hàng, chuyện tôi muốn nhắc lại, nó đã xảy ra khoảng năm 1950, ở làng tôi, trong vùng Hòa Hảo cai trị, lúc đó anh Chiêm khoảng 50, thằng Diệc ngoài 20 và con Cò đã có chồng vừa mới sanh con.
Anh Chiêm vợ chết đã lâu, nhà anh ở phía dưới đinh làng, cất sát mé sông một gian cột tre, mái lá, vách lá, thằng Diệc chưa có vợ ở nhà làm mướn làm thuê, anh Chiêm lên chợ Cái Dầu, ngôi chợ ở làng Bình Long, được Phó Tư Lệnh Lực Lượng Hòa Hảo, Tướng Lâm Thành Nguyên tự Hai Ngoán đóng đại bản doanh, biến chợ làng thành chợ quận, nhà lồng chợ cất dài thêm, hai bên nối dài thêm hai dãi phố, cuối chợ là một tòa dinh quận. Chợ Cái Dầu trở nên thị tứ từ đó.
Một ngày nào đó, có tin về làng, anh Tư Chiêm lấy vợ người ta trên chợ Quận, bị quan chức quận xử tội phạm thuần phong mỹ tục. bắt anh phải đi từ làng nọ đến làng kia, vừa đi vừa khai tên họ, hài tội xấu đã phạm.
Ai nghe tin ấy cũng đều bất nhẫn, mọi người nghĩ có tội thì bị tù đày, cớ sao lại làm nhục người ta quá đáng, họ nghĩ chỉ có những người Hòa Hảo mới có những hình thức xử phạt như vậy mà thôi.
Rồi cái ngày anh Chiêm bị dẫn về làng, thân anh gầy gò, đen đủi chỉ mặc độc chiếc quần xà-lỏn đen, mặt bôi đen, bày đôi mắt trắng dã, ngực và lưng bị vẽ màu bậy bạ, anh thất tha thất thiểu đi trước, một người lính tuổi ngoài 20, mặc quân phục màu xanh lá mạ, chân mang giày bố, đầu đội két vải cùng màu, vai mang súng thị uy đi theo.
Anh Chiêm vừa đi vừa hô to khàn cả tiếng: “Tôi tên Lê Văn Chiêm, 49 tuổi, người ấp Bình Thới, làng Bình Thủy, phạm tội lấy vợ người ta”, chỉ bấy nhiêu lời đó, anh phải lập đi lập lại, từ làng nọ đến làng kia.
Con gái anh, tôi không nhớ có phải vì chuyện của anh hay không mà bị chồng ruồng bỏ, thời gian đó cô Cò phải sống tạm với người bạn gái cùng cảnh ngộ, tá túc nơi phòng bỏ hoang của trường học.
Mấy hôm trước, tôi nghe má với cô tôi bàn tính:
-         Tội nghiệp con Cò, nó mới sanh còn non ngày, non tháng, rủi mà nó biết ba nó như vậy, buồn khổ máu sản hậu chận nó chết thì làm sao !?
-         Mình phải tìm cách, để thằng Chiêm không rao om xòm, con Cò sẽ không nghe thấy, như vậy sẽ không sao.
Không biết người ta đã dàn xếp thế nào, vào buổi trưa khi anh Chiêm đi ngang qua nhà tôi, còn cách trường học trên 50 thước, anh được im lặng đi qua, nhờ vậy con gái anh không nghe thấy gì.
Sau khi đi hết các làng thuộc lãnh thổ của Tướng Hai Ngoán, trong một phần thuộc tỉnh Châu đốc, anh Tư Chiêm được thả về. Tôi thấy ngày ngày anh  nằm trên chiếc võng, đơn độc đưa kẻo kịt trong ngôi nhà nhỏ vắng lặng của anh, rồi vài tháng sau anh tàn tạ qua đời.
Thời ấy, trong những vùng không có chính quyền quốc gia, không có luật pháp, chẳng khác nào như thời kỳ Cộng sản vừa mới chiếm đoạt miền Nam, có những người ít học, thuộc thành phần vô sản, ngồi ghế xử kiện tùy tiện phán án cho người dân vô tội vạ.
Chuyện gian phu, dâm phụ xã hội đặt ra để có kỷ cương, làm nên thuần phong mỹ tục, nhưng trường hợp xử phạt anh Tư Chiêm, oan hay ưng không rõ. Người đàn bà Iran bị xử tội ngoại tình theo luật Hồi giáo, đem ra ném đá cho đến chết, cả hai trường hợp đều không phải là xã hội có văn hóa, trong tình yêu, con tim nó có lý lẽ riêng của nó, đâu đáng phải xử phạt chết người hay làm mất nhân phẩm của họ.

No comments:

Post a Comment