Sunday, July 28, 2019

Đi xin ăn để trả hiếu cha mẹ

Vào đầu thập niên 1950, thuở niên thiếu, cha mẹ tôi còn sanh tiền, tôi còn nhỏ tuổi, nhà ở gần ngôi trường làng, đây là ngôi trường duy nhất trong làng, tôi không biết nó được xây cất từ năm nào, cùng giống như nhiều ngôi trường làng khác ở trong Nam, trường xây tường, lợp ngói móc, nền xây cao hơn sân chừng 3 tấc, lát gạch Tàu.

Trường cách xa nhà tôi chưa đầy 100 thước, nhưng thuở nhỏ đi học vở lòng, tôi không học trường nầy mà theo người chú là Trưởng giáo sang bên kia sông học với thầy Lê Văn Thọ, thầy gốc người Tân An, cả 2 ngôi trường đều xây cất giống nhau, có 3 lớp học và một gian nhỏ bên cạnh, để Trưởng giáo cư ngụ và trông nom trường.  


Trường tôi theo học có tên là École de Bình Mỹ, chỉ có 2 thầy giáo dạy học trò. Thầy tôi dạy lớp Élémentaire, chú tôi dạy 2 lớp nhập chung là Cour Moyen và Superieure, trai gái học chung, lớp tôi ngày nay tôi chỉ còn nhớ có cô The, lớp chú tôi có nhiều con gái hơn, nào là con của chú tôi nào là chị Phấn …

Còn trường làng tôi, cả 3 lớp đều có học trò. Bây giờ tôi mới hiểu làng tôi đông dân cư hơn, nó có một cù lao, đó là cù lao Năng gù có chừng 16 cây số vuông, cộng thêm một ấp Bình An là xóm Đạo nằm bên kia sông giáp với làng Bình Mỹ thuộc quận Châu Phủ tỉnh Châu Đốc, với làng Bình Hòa và Cần Đăng cùng với làng tôi Bình Thủy thuộc huyện Châu thành, tỉnh Long Xuyên.

Cho đến khi Nhật đão chánh Tây năm 1945, các thầy giáo dạy trường gần nhà tôi bỏ lớp, bỏ trường đi theo Thanh niên Tiền phong chống Pháp, giành độc lập, còn trường bên kia sông chú tôi, thầy tôi bỏ trường về tỉnh Châu Đốc dạy học. Tôi mới học “đánh vần ngược” thì bị thất học từ đó.

Trường làng gần nhà, các thầy đi theo kháng chiến hay họ trở về quê nhà tôi không rõ, chìa khóa trường giao cho cha tôi cất giữ, có lúc anh tôi và một người bạn lấy trường mở lớp dạy tư, được một thời gian vài tháng, anh tôi trốn nhà lên Sàigòn lập thân, người bạn anh tôi đi bán thuốc “Sơn Đông mãi võ” lấy hiệu là Hoài Sanh, chuyên bán ở vùng “sông nước miền Tây”.

Thuở đó trong làng, thuộc vùng Cù lao, gần như tôi biết hết mọi nhà, vì cha tôi là cháu chắt dòng họ Dương, có ông Dương Văn Hóa lập làng nầy, mộ ông chôn cất trong phần đất của bà Cố tôi, gần đây con cháu họ Dương lập phủ thờ, họ cải táng ông Dương Văn Hóa về Phủ thờ cất bên cạnh Đình làng.

Cha tôi từng giữ chức Hương Quản rồi Hương Sư, nên cha tôi biết hết dân cư trong làng, cha tôi có hôm nói với người quen: “Trong làng nầy, tôi không thể làm suôi với ai hết, vì không bà con bên nội cũng bà con bên ngoại.

Thời cha tôi làm làng không hiểu do đâu mà 12 ông Hội tề, mỗi ông commande một chiếc xe đạp từ bên Pháp gửi sang hiệu Saint-Etienne, do cha tôi cao, nên chiếc xe cao hơn hết, chỉ có chú Chín tôi là chiếc “xe máy đầm”. Tôi tập chạy xe khi còn nhỏ, phải lòn người qua “cái đòn dong”, nửa bên nây và nửa bên kia để chạy, xe không có thắng, muốn ngừng phải dùng bàn chân tựa vào sườn xe để đè ép võ xe lại.

Vì biết chạy xe đạp, nên cha tôi thường sai đi chỗ nọ, chỗ kia từ đầu làng cho đến cuối làng, hơn nữa nhà cha tôi có nuôi một bầy dê để lấy sửa uống, cho nên vào mùa nước nổi dê không thể ra đồng, tôi phải lùa dê ngoài đường lộ, cho chúng ăn những hàng me nước, người ta cũng gọi là me keo, thân và nhánh nó có gai, nên chìm dòng dọc thường làm ổ trên nhánh cây nầy, ổ của nó làm bằng những cọng cỏ kết lại, vì nó nặng nên nhánh cây bị rũ xuống, ổ có cái miệng thòng xuống như một chiếc vớ, trẻ con lấy ổ chim nầy xỏ vào chân làm chiếc vớ đùa nghịch. Cây me nước trồng lâu năm có trái, có loại ăn chát, có loại ăn ngọt, thân nó chỉ là gỗ tạp dùng làm củi, người ta thường trồng loại cây nầy làm hàng rào trước sân nhị 

Khoảng cuối thập niên 1940, có người bà con lấy trường mở lớp dạy tư, học trò đi học có người ở đầu làng cũng không thiếu người ở cuối làng, tôi cũng đi học lớp nầy, nên có nhiều bạn học. Nhờ đi công việc cho cha tôi, nhờ chăn dê, nhờ có bạn học, tôi biết được nhiều người, nhiều nhà trong làng.

Tôi có người cô, nhà cô ở phía dưới chợ, cách nhau chừng 300 thước, ngay sát cạnh nhà cô tôi có cái mương, thông từ Rạch Chanh ra Xép Năng Gù, ngày nay có tên là Mương Năm Đô, hắn là con thứ năm của cô tôi. Bên kia mương có một người, thuở nhỏ tôi biết ông ta đi xin ăn. Khi tôi lớn hơn một chút, khoảng 11, 12 tuổi ông ta không còn đi xin ăn nữa, không rõ vì trong gia đình có con lớn lên làm ăn đủ sống hay vì ông ta già yếu. Tôi không rõ lắm vì một năm có đôi ba lần tôi đến nhà cô tôi ăn giỗ hay ngày tư ngày Tết, chuyện chòm xóm của cô tôi, tôi không hỏi, trừ có A Dậu, con chú Tư chệt Soạn, nhà bên cạnh phía dưới thỉnh thoảng tôi có hỏi, khi không thấy cô ấy sang chơi hoặc phụ giúp khi nhà có giỗ quãi.

Một hôm đi chơi về, thấy có người ăn xin mặc bộ bà ba đen, đầu đội nớn lá, tay xách bị giỏ bàng, tay cầm gậy đứng ngay cầu thang lên nhà, tôi đi vượt qua người ăn xin rồi vào gặp mẹ tôi trong nhà bếp, tôi báo cho mẹ biết:

- Má ơi ! Có người đàn ông đứng ở cầu thang nhà mình xin ăn.

Mẹ tôi nói không cần suy nghĩ:

- Thì vào xúc gạo cho người ta như mọi lần đi con.

Tôi nghe lời mẹ, lấy cái chén đi đến lu gạo đặt gần bồ lúa, xúc một chén đầy, đem ra cho người ăn xin. Khi người ăn xin dùng hai tay cầm hai quai cái giỏ bàng mở miệng giỏ ra để tôi đỗ gạo vào, tôi mới nhìn được mặt người ăn xin và nhận ra anh ta là con người ăn xin, hàng xóm của cô tôi.

Khi người ăn xin đi rồi, tôi thắc mắc cầm cái chén không kịp úp vào sóng chén, đến bên bếp hỏi mẹ tôi.

- Má ơi !

- Gì nữa con ?

- Con thấy anh ăn xin là con người ăn xin, hàng xóm của cô Năm. Con thắc mắc.

- Thắc mắc chi con ?

- Ba anh ấy trước kia ăn xin, nhưng lâu rồi con không thấy ông ta ăn xin nữa. Còn anh nầy ăn mặc lành lặn, không có gì chứng tỏ nghèo khó, sao anh ta lại đi ăn xin ?

- À ! Hình như ông ăn xin xóm giềng của cô Năm mất lầu rồi. Con của người ăn xin, đi ăn xin lúc nãy không phải anh ta nghèo đói, theo má biết anh ta đi xin ăn để cúng giỗ cha mình, anh ấy đi xin ăn để trả hiếu đó con.

Mẹ tôi nói làm cho tôi thắc mắc nên hỏi thêm:

- Đi xin của thiên hạ về cúng kiến cha mẹ mình, thì có gì mà trả hiếu má ?

Mẹ tôi suy nghĩ trả lời:

- Con còn nhỏ chưa hiểu được, đó là một phong tục của người ăn xin. Nhớ lời má nói hôm nay, khi lớn lên con mới hiểu phong tục trả hiếu nầy.

Vài năm sau, năm 1956 nhà báo Anh Phương Trần Văn Ngà làm huấn luyện viên thể dục thể thao, hướng dẫn chúng tôi là học sinh Trường Thủ Khoa Nghĩa, Trường Nam, Trường Nữ tỉnh lỵ Châu Đốc đi trại Hè Vũng Tàu, vì có ít trại sinh nên ghép thêm học sinh trường Chu Văn An ở Sàigòn vào thành một Đội, nên có thêm một ông huấn luyên viên nữa trông nom.


Một hôm trại Hè tổ chức Trò Chơi Lớn đi từ trại Hè ở gần Bót Cảnh Sát đi ra Bãi Sau, hồi đó nó là con đường một bên là chân núi Lớn, một bên là đầm lầy có những đám bàng, đám lác gần ra tới bãi Sau thì có những đụn cát, Khi trò chơi chấm dứt lúc đi về, thấy phía trong xa ở những đám lác và bờ đê, có một người cụt một chân, đang đứng với cái nạn câu cá. Ông thầy huấn luyện viên chỉ người câu cá ấy nói:

- Đó là một người quân tử !

Đám học sinh chúng tôi nhao nhao hỏi:

- Ông cụt chân! Người tàn tật mà quân tử sao thầy !?

- Ừ ! Các con không biết ! Đâu phải như Quan Công mới là quân tử, người tàn tật mà không đi ăn xin. Ông ta tự đi làm để nuôi mình, có tiết tháo. Đó cũng là quân tử.

Từ đó tôi hiểu được một ý nghĩa của người quân tử. Còn về người đi ăn xin để cúng giỗ cha mẹ, nhiều năm sau nầy, tôi mới hiểu được ý nghĩa phong tục con cái của người ăn xin phải đi xin ăn để cúng giỗ, trả hiếu cho cha mẹ mình.


Thật vậy, người ta thường nói làm cha mẹ rồi mới biết công khó, lòng thương yêu của cha mẹ đối với con cái. Con của những người ăn xin, có đi ăn xin mới biết được sự tủi nhục, nhọc nhằn khi đi ăn xin từng nhà, khi ngồi ở đầu đường xó chợ. Xin đọc bài Người ăn mày của vua Lê Thánh Tông qua bốn câu Thực và Luận:

Hạt châu, chúa cấp trao ngang mặt,
Bệ ngọc, tôi từng đứng chấp tay.
Nam bắc đông tây đều tới cửa,
Trẻ già lớn bé cũng xưng thầy.

Chúng ta sẽ cảm thấy thấm thía cảnh xin ăn. Và mới thấu hiểu con người ăn xin phải đi ăn xin mới thấu hiểu mọi nổi của kiếp người xin ăn. Hiểu được như vậy mới biết công đức cha mẹ nuôi con cái như thế nào.

8664270719






No comments:

Post a Comment