Nhà tôi
cách ngôi trường làng có bốn căn nhà khác, đó là những căn nhà của bác tám
Toán, ông bảy Đời, ông năm Phận, anh xã Chênh, những căn nhà kia đều là cột
tre, vách lá. Riêng có nhà anh xã Lý Quốc Chênh là cột gỗ thao lao, vách đóng bổ
kho, mái lợp ngói móc. Nhà của cha tôi tuy cột gỗ, nhưng vách lá mái lá, vì ở
vùng nước nổi nên mấy căn nhà trên là nhà sàn, trừ nhà ông bảy Đời nền đất như
nhiều căn nhà khác.
Khi đi học
vở lòng, tôi theo chú qua bên kia sông học trường làng khác, do chú tôi làng
trưởng giáo, rồi chiến tranh xảy ra chú tôi bỏ trường về tỉnh, trường gần nhà các
thầy giáo theo Thanh Niên Tiền Phong bỏ trường, bỏ lớp cho nên tôi bị thất học
vài năm.
Sau đó, một
người cháu gọi ông Phủ là ông cố, vốn là con của một thầy giáo dạy ở trường tỉnh,
lấy ngôi trường làng mở lớp dạy tư, tôi theo học lớp học nầy, nhưng thầy giáo ấy
tôi chỉ gọi là Chú Hai, chớ không bao giờ gọi là thầy, vì chú ấy với cha tôi đều
là cháu cố của ông Phủ, lại nữa trước kia khi tôi lên ba, lên bốn nhà chú cách
nhà tôi chỉ có một căn nhà khác.
Đến giờ
ra chơi của học trò vào buổi sáng hay buổi chiều, chú Hai thường hay đến nhà tôi
uống nước trà, bàn chuyện thời sự với cha tôi. Vài năm sau, tôi với vài học trò
của chú, cùng đi thi tại trường tỉnh, năm đó tôi đậu bằng Sơ đẳng Tiểu học.
Rồi chú ấy
xin được làm thầy giáo, ở tỉnh lại phân bổ thêm một người thầy giáo nữa, thế là
trường làng tôi có hai thầy dạy học trò, thay vì tôi được xuống tỉnh học, nhưng
vì nhà không đủ sức nuôi, nên cha mẹ tôi cho tôi tới trường đi học một buổi sáng,
buổi chiều ở nhà phụ giúp việc nhà, chờ thuận tiện cho tôi xuống tỉnh học tiếp.
Trường có
thêm thầy giáo, hơn nữa học trò đi học khỏi phải đóng tiền, nên nhiều phụ huynh
cho con em tới trường, cô tôi có đứa cháu ngoại cũng được mẹ cháu cho tới trường,
nó rủ thêm một đứa bạn cùng xóm đi học, bạn của nó là con của chú chệt ở sát cạnh
nhà cô tôi, chú ấy ai cũng gọi là chú chệt Soạn, còn tôi gọi là chú Tư vì là hàng
xóm của cô tôi.
Chú Tư và
thím tư, người không quen biết mới nhìn biết ngay là khách trú, chú cũng như thím,
không rõ từ đâu tới, mua đất đai và cất nhà bên cạnh nhà cô tôi, nói tiếng Việt
rành nhưng giọng còn lơ lớ, chú thím có 2 cô con gái, cô gái lớn chắc hơn tôi bốn
năm tuổi, tên là A Muối, tôi gọi là chị Muối, cô gái kế nhỏ hơn tôi một vài tuổi,
tên là A Dậu, chắc cả hai sinh ra tại Việt Nam, nên nói tiếng Việt chẳng khác
chi người Việt.
Cháu tôi ở
nhà bà ngoại là cô tôi, nhà cô ấy và chú thím Tư ở đầu cù lao, gần ngôi chợ làng,
từ đó cách trường học chừng bốn cây số ngàn.
Trường học
thầy giáo dạy ngày hai buổi, nhiều học trò nhà ở xa trường, đi học phải mang
theo thức ăn, buổi trưa ăn cơm tại trường, còn cháu tôi và A Dậu đến nhà tôi ăn
trưa, có khi leo lên võng đưa kẻo kịt rồi ngủ trưa một giấc, cho đến khi nghe
tiếng trống trường báo hiệu giờ học buổi chiều, hai cô bé mới thức dậy vội vàng
rửa mặt, ôm vở tới trường.
Vào những
dịp Tết hay có giỗ quảy ở nhà cô tôi, tôi thường đến dự, khi chị Muối được gia đình
gả đi lấy chồng, A Dậu không còn đi học nữa, nên sang nhà cô tôi phụ giúp nấu
nướng hay dọn mâm cỗ, tôi vẫn được gặp A Dậu trông cô xinh đẹp và thùy mị, e lệ
mỗi khi chạm mặt tôi.
Một lần vào
dịp Tết, tôi đi chúc Tết cô tôi, A Dậu cũng sang phụ dọn ăn, nhân khi không có
ai, A Dậu đang cầm mỗi tay một dĩa thức ăn, mang đến cho tôi để tôi mang ra dọn
ở bàn, khi A Dậu đến gần tôi liền vịn hai vai A Dậu và đặt lên gò má ửng hồng của
nàng một cái hôn, A Dậu phản ứng nhẹ nhàng:
- Đừng
anh!
Rồi tôi đi
học và xa gia đình. Mấy năm sau, nghe nói A Dậu đã lập gia đình, nhiều năm sau
nữa chú thím Tư Soạn mất, đất nhà của chú bán cho người khác, từ đó tôi không
nghe ai nói về chị Muối và A Dậu. Rồi cô tôi cũng mất, mỗi khi về quê tôi không
có nhiều thì giờ để đi thăm con cháu của cô tôi, tuy nhiên thỉnh thoảng tôi vẫn
nhớ tới A Dậu, hình ảnh cô xẩm nhỏ duyên dáng ở trong lòng tôi.
Gần đây,
trong một dịp về quê, tôi phải đi phà qua sông để thăm gia đình người em cô cậu,
lúc mới bước xuống phà tôi thấy một người đàn bà trộng tuổi, nhìn tôi không e
ngại, khi tôi đứng yên chỗ, phà từ từ rời bến, người đàn bà ấy bước đến bên tôi
hỏi:
- Xin lỗi!
Anh có phải là anh của chị Út Lan không ?
Tôi ngạc
nhiên, không trả lời ngay, nhìn người đàn bà để moi trong trí xem có gặp bà ta
lần nào chưa ? Bà ta tuy có tuổi, nhưng dáng người thon gọn, mặc một bộ bà ba vải
đắt tiền màu nhã, tóc cắt ngắn chấm vai, uốn dợn cho tôi đoán ngay bà ta người
đứng đắn, gia đình khá giả ở thôn quê, là ai ? Tôi đành chịu, nhưng đoán biết
vai vế nhỏ hơn, nên tôi đáp lời:
- Dạ phải!
Tôi là anh của Út Lan. Nhưng xin lỗi cô là ai ? Biết tôi mà tôi chưa nhận ra được
cô !
Cô ta không
mừng khi biết rõ tôi, lại có cử chỉ và giọng nói hờn trách:
- Phải rồi
! Anh không nhớ em cũng phải !
- Xin lỗi
! Cho tôi hỏi lại lần nữa, cô là ai ?
Cô ta ngập
ngừng đáp:
- Em … là
.. A Dậu đây !
Tôi không
còn bình tỉnh, đưa cả hai tay nắm vai cô ta, nói to:
- A Dậu!
Tiếng gọi
của tôi làm cho vài người đứng gần, ngạc nhiên nhìn về phía chúng tôi, tôi lấy
lại bình tỉnh, bỏ tay khỏi hai vai A Dậu nói:
- Không
ngờ hôm nay lại được gặp cô !
- Em cũng
vậy !
- Giờ cô đi
đâu ?
- Em mới
được tin, thằng con út của em nằm ở bệnh viện dưới tỉnh, nên em liền phải đi xuống
đó thăm nó.
- Tôi đi
với cô nghe ?
- Chi vậy
anh ?
- Lâu ngày
mới gặp, để có thì giờ nói chuyện nhiều hơn.
- Hồi đó
em chờ đợi anh, từ khi em có gia đình em vẫn thầm mong có ngày gặp lại, nhưng
nhà em đã bán, cô anh bà Tám đã mất, từ đó em nghĩ sẽ không bao giờ gặp lại, không
ngờ hôm nay em còn được gặp anh.
A Dậu nói
đến đó, phà cập bến, mọi người rộn rịp lên bờ. Tôi đi theo A Dậu, chưa kịp nói
thêm điều chi, cô đã lên tới đường rồi bước lên chiếc xe đò. Khi tôi lên bờ, xe
từ từ lăn bánh, tôi kịp nhìn thấy A Dậu đã ngồi trong xe, nhìn lại vẫy tay chào.
Tôi đứng
bên vệ đường ở bến phà nhìn theo xe, một câu hỏi tự dưng nổi lên xâm chiếm tâm
hồn tôi: Sao dung ruổi gặp lại A Dậu làm chi, khuấy động mặt hồ sau mấy mươi năm
yên tĩnh ?!
10-II-2015
No comments:
Post a Comment