Saturday, May 27, 2023

Vài ca khúc Tuyển chọn:

Hôm nay tự nhiên tôi muốn nghe một vài bản nhạc, tân có, cổ có với những ca sĩ danh tiếng được nhiều người ưa thích, quý vị thích bài nào xin mời nghe. Chúc nhiều an lạc.

Hạ Thương Thái Thanh

https://www.youtube.com/watch?v=4JVn-VZx-8s

Thiên Thai Ánh Tuyết

https://www.youtube.com/watch?v=bxfj5i5aZFE

Người đi qua đời tôi Thái Thanh

https://www.youtube.com/watch?v=iAEhDd5TmJY

Buồn Tàn Thu Thái Thanh

https://www.youtube.com/watch?v=lQDntvMjE8E

Hòn Vọng Phu 1, 2, 3 Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi

https://www.youtube.com/watch?v=6xlIF2Ru7lw

Hòn Vọng Phu 1, 2, 3 Thái Thanh, Ánh Tuyết

https://www.youtube.com/watch?v=kPkpxMhWxrg

Ông Lái Đò Hùng Cường

https://www.youtube.com/watch?v=Kq5Baaegyr0

Làm Quen Hùng Cường Mai Lệ Quyền

https://www.youtube.com/watch?v=v3TxQJDfoCs

Xổ Số Kiến Thiết Trần Văn Trạch

https://www.youtube.com/watch?v=WmlE1BCKH-w

Dạ Cổ Hoài Lang Hương Lan

https://www.youtube.com/watch?v=QQ9S_vZl0bg

Tình anh bán chiếu Út Trà Ôn

https://www.youtube.com/watch?v=kbilws5tJIo

866427052023






Friday, May 12, 2023

Mẹ tôi

 Để kỷ niệm ngày Mother’s Day 2023

Một buổi sáng sớm vào tháng 11 năm 1954, tôi chuẩn bị đi học thì có anh Ba Tịnh, bà con xa ở xóm tôi, anh làm tài xế xe đò Thái Nguyên chạy đường Long Xuyên-Châu Đốc, anh ghé nhà chú tôi, báo cho chú tôi biết mẹ tôi bệnh nặng, cô nhắn tin bảo tôi phải về gắp.

Thời gian đó, tôi mới vào lớp Nhì trường Nam tỉnh lỵ Châu Đốc và đang ở nhà chú tôi, để đi học được vài tháng, sau khi tôi đã thất học vài năm. Tôi nhớ ngày đầu năm, vào lớp Thầy giáo muốn biết trình độ học trò, từ những làng xa không có trường lớp cao nên về tỉnh học, như ở Núi Sam, Cồn Tiên, Châu Giang, Mỹ Đức, Tịnh Biên, Bình Di Bắc Nam …, nên Thầy giáo cho bài tập gồm có cộng trừ nhân chia. Cộng, trừ tôi làm trúng nhưng nhân với chia tôi làm sai vì không thuộc cữu chương. Mặc dù năm 1950 tôi xuống trường tỉnh lỵ Long Xuyên thi đậu văn bằng Sơ Đẳng Tiểu Học.

Văn bằng Sơ Đẳng Tiểu Học năm 1950

Vì anh kế tôi đang theo học tại trường Nam Tiểu Học tỉnh Long Xuyên, nên cha mẹ tôi không đủ sức nuôi thêm tôi xuống tỉnh học. Đầu năm cha tôi qua đời, nên mẹ và anh tôi quyết định gửi tôi ở nhờ nhà người chú đang làm thầy giáo dạy học tại Trường Nữ tỉnh lỵ Châu Đốc, để tôi đi học lại.

Sáng hôm đó, chú tôi đang chuẩn bị đi dạy, được tin chú bảo tôi:

- Chú cho tiền xe, con đi về ngay đi, việc nghỉ học ở trường để chú xin phép cho con.

Thế là tôi ra bến xe, mua vé xe đi về nhà. Với tâm trạng lo âu, không biết bệnh tình mẹ tôi ra sao? Tháng trước tôi có về nhà, mẹ tôi vẫn bình thường, chỉ cho biết trong người không được khỏe. Định sẽ về quê ngoại chữa bệnh. Việc nhà có cô tôi trông nom. Cô tôi vốn không lập gia đình, ở chung nhà với cha mẹ tôi sau khi bà nội tôi mất, lúc đó tôi chưa sinh ra đời.

Tôi về đến nhà thì có anh rể tôi ở làng bên, anh cũng vừa đến nhà để đi thăm má tôi, nhưng anh chưa biết quê ngoại tôi ở đâu, nên cô tôi bảo anh ấy chờ tôi về rồi cùng đi, vì tôi biết đường đi về quê ngoại cùng nhà cửa của các dì.

Khi tôi về tới nhà, cô tôi cho biết mẹ tôi bệnh, muốn đi Núi Sập (Thoại Sơn) để chữa bệnh, tôi biết núi Sập ở gần quê ngoại, nhưng tôi chưa có đến đó, nên cô tôi bảo:

Con đi xuống Bờ Ao, rồi hỏi thăm Dì Ba hoặc Dì Năm thì biết mẹ con chữa bệnh ở đâu. Vì nghe mẹ con bệnh trở nặng nên chị Ba, chị Tư và anh Năm con đã xuống đó hết rồi. Bây giờ con đi với anh Ba con, nó cũng muốn xuống đó thăm má con và thăm vợ con nó.

Thế là anh rể tôi chạy xe Mobylette vàng, chở tôi đi từ nhà ở Năng Gù xuống Long Xuyên rồi vào Phú Hòa cũng có tên gọi là Bờ Ao. Từ Long Xuyên đi vào Bờ Ao lúc đó phải đi theo con đường lộ chạy dọc theo sông Long Xuyên. Dọc đường trên con lộ nầy, có gặp một đám tang bên vệ đường, anh rể tôi hỏi:

- Có phải đám ma nầy không cậu ?

Do anh rể tôi chưa từng đi Bờ Ao lần nào, nên tôi giới thiệu:

- Khi nào mình chạy qua một cái cầu đúc cao,  sẽ qua chợ bên tay trái, cách đó vài căn nhà có con đường bên tay trái, anh quẹo vào đó rồi qua cái cầu sắt, gần cầu sắt có cái Đình, đó là Bờ Ao, xuống cầu mình đi về tay phải chừng 5, 6 trăm thước có cái cầu cây. Đó chính là quê ngoại, có nhà hai dì và nhà Mợ Hai.

Rồi chúng tôi cũng đến nhà Dì Ba tôi, hỏi Dì mới biết rằng mẹ tôi nằm trong chùa bên Bờ Ao ngày đó tôi không biết tên chi, nay mới biết là Chùa Khánh Hòa. Tôi không hiểu sao, mẹ tôi không nằm một trong 2 nhà của hai Dì lại nằm trong chùa để dưỡng bệnh.Dì Ba biết chúng tôi chưa dùng cơm, nên dì bảo:

Để dì dọn cơm ăn rồi hai cháu đi sang chùa thăm má các cháu.

Dì Ba dọn cơm ra, chúng tôi ăn với gia đình Dì, có anh Tư Triếu và chị Năm Huề.

Ăn cơm xong cũng hơn 5 giờ chiều chúng tôi đi trở lại con đường cũ, ngay tại chỗ đầu cầu, có một cái bót Nghĩa quân, qua khỏi Bót là tới Đình Phú Hòa, ở đây như là đầu cồn chạy bọc đó một đổi là tới chùa.

Tôi và anh rể tôi vào thăm má, má tô được nằm trên bộ ván ở nhà  Hậu tổ, tôi thấy trên người má dắp cái mền, má nằm như ngủ mê, chị Tư tôi lay thân má và nói:

- Má oi! Má! Anh Ba với thằng Tông xuống thăm má nè má.

Tôi nghe tiếng má tôi yếu ớt thốt ra:

- Ư ! Ơ !

Rồi má vẫn nằm im, chị Ba tôi bảo với tôi:

- Em nằm bên cạnh má đi !

Thế là tôi lên bộ ván ngựa, nằm bên cạnh má tôi. Tôi không còn nhớ được lúc đó tôi nghĩ gì.

Mọi chuyện tôi không còn nhớ rõ lắm. Cho đến lúc nào đó anh Hai Thâm, xưa kia là con nuôi của má tôi nói trong nghẹn ngào:

- Cô Tư đã mất rồi !

Có ai đó hỏi:

- Bây giờ là mấy giờ.

Thời đó ban đêm trong chùa thắp đèn dầu leo lét. không ai có đồng hồ đeo tay, trong chùa có nuôi một anh mù chừng 30 tuổi, anh đi lại cái đồng hồ treo trên cây cột, gần bộ ván má tôi nằm, anh lấy tay rờ rồi nói:

- Đúng mười giờ !

Có ai đó hướng dẫn, chị em tôi ra chánh điện đốt hương, lễ Phật và cầu nguyện cho mẹ tôi được siêu thoát.

Từ đó cho đến 5 giờ sáng không ai ngủ, mọi người đều thức, đến 5 giờ anh Năm tôi và tôi ra Long Xuyên, anh Năm tôi v nhà lo hậu sự cho má tôi, còn tôi đi lên Châu Đốc báo tin cho chú tôi biết má tôi đã mất. Tôi không gặp chú vì chú đi dạy, nên báo cho thím biết rồi tôi đi về.

Về tới nhà, thấy má tôi được đặt nằm ở bộ ván phía dưới, chớ không đặt ở bộ ván giữa nhà, trên người má tôi có đắp cái mền, trên cái mền đó chỗ ngực má tôi đặt một nãi chuối lá Xiêm, ngoài sân mấy chú thợ mộc bà con đang rà lại cái hòm gỗ mới nhắc về, mấy cô, thím đang gắp rút may áo quần tang chế.

Một lúc sau chú Tám tôi về, Dượng Tư tôi từ Thị Đam xuống, Cô Dượng Sáu tôi từ Hang Tra ra, Cô Năm tôi nhà ở trên chợ làng xuống. Dì Ba, Dì Năm, Mợ Hai tôi từ Phú Hòa lên. Nói chung là thân tộc có mặt đầy đủ. Lễ phát tang bắt đầu khoảng 11 giờ trưa. Đến khoảng hơn 4 giờ chiều thì Di quan, vì là mùa nước nổi, nên quan tài mẹ tôi được đưa đi bằng chiếc xuồng có 2 người bơi, trên xuồng chỉ có anh Năm tôi ngồi phía trước quan tài, bưng một cái khay, trong khai có đặt lư hương, bình hoa và cái chung cúng nước. Xuồng chỡ quan tài bơi trên sông, còn những thân tộc đều đi bộ, từ nhà đến nghĩa trang gia đình không xa hơn 1 cây số. Nghĩa trang gia đình nằm trong khu đất có vườn cây dầu, là khu đất cao, nên không bị nước ngập.

Chôn cất má tôi xong, về tới nhà thì khách khứa đã về hết, chỉ còn bác Hai tôi nhà gần đó nên bác ở lại, chỉ chỗ cho anh Ba và anh Năm tôi đặt bàn thờ tang cho má tôi. Cũng căn nhà đó, chỉ vắng một người thấy nó như quạnh hiu, trống trơn mênh mông. Khuya đó chừng 5 giờ sáng, tôi được đưa sang sông, đón xe anh Ba Tịnh chạy, để lên Châu Đốc, trở lại trường học.

Tôi nhớ sau khi cha tôi mất, một hôm tôi làm lỗi chi đó, bây giờ tôi quên chỉ nhớ má tôi cầm roi, gọi tôi rồi bảo:

- Vô nhà nằm xuống, má phải đánh con mấy roi về chuyện nầy !

Nghe vậy, tôi bỏ chạy trốn má tôi, tránh bị trận đòn đó.

Sau nầy cho đến nay, tôi luôn ân hận vì đã không nghe lời mẹ, không nằm xuống chịu đòn cho mẹ đánh, thật là bất hiếu.  

Từ nhỏ cho đến lớn, má tôi chưa hề đánh tôi bạt tay hay roi nào hết. Bị đòn là cha tôi đánh, ông đánh không muốn ai can, không muốn nghe tiếng khóc. Càng khóc càng bị đòn nhiều hơn, ai can ngăn cũng bị đòn nhiều hơn. Cho nên mỗi lần anh em tôi bị đòn. Má và cô tôi có mặt ở nhà thì tránh đi chỗ khác, không bao giờ can ngăn.

Chuyện tôi chạy trốn để khỏi bị má đánh đòn, tôi cho là mình nhỏ dại làm điều bất hiếu, sau đó có muốn để cho má đánh đòn cũng không được vì má đã mất rồi.

Tôi nhớ có đọc ở đâu đó về câu chuyện: Có một người đàn ông trung niên, thỉnh thoảng bị mẹ bắt nằm xuống mẹ đánh đòn vì làm lỗi. Người đó không hề khóc, nhận roi vọt cho vừa lòng mẹ. Một hôm anh ta bị mẹ đánh đòn, chịu đòn xong, anh ta khóc. Bà mẹ lấy làm lạ, hỏi con:

- Sao hôm nay mẹ đánh đòn con, đau lắm hay là oan ức mà con khóc ?

Anh ta vừa khọc vừa trả lời:

- Không phải vậy đâu mẹ ! Con bị đòn là đáng tội như những lần trước con cam chịu. Nhưng lần nầy con khóc, vì roi vọt của mẹ nhẹ hơn những lần trước, con nghĩ mẹ không được khỏe vì tuổi đã già, nên con khóc vì thương cho mẹ đó!

Tôi cứ nghĩ đó là một trong Nhị Thập Tứ Hiếu, nhưng có thì giờ xem lại thì không phải, trong sách nầy chỉ có Truyện 17 như sau:

Lão Lai Tử là người ở nước Sở, sinh vào đời Xuân Thu, đã 70 tuổi mà cha mẹ vẫn còn sống, ông thờ cha mẹ rất có hiếu. Không muốn cha mẹ thấy con già nua mà lo buồn, ông thường mặc áo sặc sỡ, rồi tay múa miệng hát trước mắt cha mẹ. 


Lại có khi bưng nước hầu cha mẹ, ông giả vờ trợt té rồi ngồi khóc oa oa trước mặt cha mẹ như trẻ nít mới lên năm lên ba vậy. Cha mẹ vui cười trước trò ngộ nghĩnh của con mình.


Thế nên có thơ rằng: 


Hý Vũ học Kiều sy

Xuân phong động thái y
Song thân khai khẩu tiếu,
Hỷ sắc mãn đình vi.


Diễn nghĩa:

Chơi đùa như con trẻ,

Gió xuân động áo hoa.

Cha mẹ già ưa thích,

Niềm vui rộn cửa nhà.

 

Còn việc má tôi nằm dưỡng bệnh trong chùa, theo sự suy đoán của tôi ngày nay như sau: Phía trước Chùa là con lộ, qua khỏi con lộ là con rạch Bờ AoBao quanh chùa 2 trong 3  cạnh còn lại là đất của Dì Ba và Mợ Ba tôi, cả 2 miếng đất đó xưa kia là của ông Cố ngoại tôi. Có lẽ ngày xưa ông bà cố tôi cho người nào đó cất một cái Am, về sau trở thành Chùa, mẹ tôi lúc nhỏ đã quy y tại chùa nầy và chính vì thế mà mẹ tôi được nằm trong chùa dưỡng bệnh, nghe kinh. Mẹ tôi được Chùa  đối xử như là con cháu của một thí chủ

Tôi nghe cô tôi kể lại, Bà Nội mất quàng lại 7 ngày, gia đình sắp xếp, mỗi ngày có 1 thông gia đi viếng tang, dịp nầy tế một con heo. Đến cha tôi mất buổi chiều hôm trước, trưa hôm sau chôn cất. Má tôi mất tối hôm trước, chiều hôm sau chôn cất. Bà nội tôi là cháu nội của quan phủ hồi hưu, cháu họ của ông Dương Văn Hóa, người lập làng Bình Lâm, Tổng Định Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Long Xuyên,  nay là làng Bình Thủy huyện Châu Phú tỉnh An Giang, có con làm thầy giáo, nên muốn làm đám tang rỡ ràng, đưa quan tài đi bằng nhà giàng, mượn của ông bá hộ Phạm Phú Quí, dinh thự của ông ta bên khia sông. Đám tang có giàn nhạc lễ và học trò lễ.

Nhà giàng đưa quan tài bà nội tôi đi chôn cất năm 1937

Có lẽ sau nầy, gia đình thấm nhuần đạo Phật, sợ tội phước, nhân quả, nên đám tang không còn làm rình rang. Người chết trong 3 ngày thì cứ chôn cất không cần coi ngày tốt, xấu.

866412-5-2023





Wednesday, May 10, 2023

Vài sai lầm cần biết và nên tránh

 Trong đời sống hàng ngày có vài vấn đề cần biết, để tránh những sai lầm về văn hóa, phong tục, …

Tôi nhớ lúc còn đi học vào thập niên 1950, trong văn chương cũng như báo chí người ta thường viết hai chữ sáng lạng. Thí dụ như làm như thế tương lai sẽ sáng lạng hơn, nhưng trong thập niên 1960, có người nào đó cho biết rằng chữ Sáng lạng đó từ Hán Việt nó chính là chữ xán lạn   giản thể  . Từ đó nhà văn cũng như nhà báo và ở học đường phải sửa đổi từ chữ sáng lạng ra xán lạn cho đúng với bản gốc của nó.

Gần đây, có lẽ từ thập niên 2010, Internet bùng phát, nhiều người trẻ dùng điện thoại để giải trí, để sáng tác trên Blog hay Vlog có người dùng từ Thi Thoảng để chỉ cho việc chi đó lâu lâu lập lại mà gốc của nó là Thỉnh Thoảng, không hiểu người ta nghĩ sao mà có một số người cũng dùng theo mà không biết rằng trong ngôn ngữ Việt, trong Từ điển không có từ Thi Thoảng, chỉ có Thỉnh Thoảng mà thôi. Cho nên đừng thấy người ta dùng mà mình dùng theo, nhất là giới trể họ thường sáng chế ra những từ mới lạ để đùa vui.

Tôi thấy trong những dịp lễ truyền thống như ngày Tết, ngày lễ hỏi, lễ cưới trong gia đình, đi cúng Đình, Miếu hoặc Giỗ Chạp trong gia đình, cũng như mừng Thọ, người ta thường mặc lễ phục, cho nên năm 60 tuổi, tôi cũng may một cái áo dài, một cái khăn đóng, khi đó tôi phải tìm hiểu xem áo dài cũng như khăn đóng phải may hay mua sắm ra sao ?

Về áo dài người xưa quy định, màu đỏ dành cho những vị thần linh như Thần Tài, Thần hoàng. Màu vàng dành cho vua chúa hay hoàng phái. Người thường mặc áo các màu còn lại thường là xanh, đen. Áo dài chỉ nên dài xuống dưới đầu gối chừng 3 lóng tay, không nên dài lê thê thành ra áo dài của phụ nữ. Nút thì đơm 5 cái từ cổ xuống tới thắt lưng.

 Về khăn đội đầu gọi là khăn đóng, thường dùng màu phù hợp với áo hoặc là dùng màu đen cho tất cả màu áo. Khăn đóng hoặc là có 5 lớp hoặc là có 7 lớp. Với 5 lớp tượng trưng cho Ngũ thường là “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”. Còn 7 lớp tương trưng cho câu chữ : “Thất phu hữu trách”. Ở lớp dưới cùng, phía trước có gắn thêm 1 trong 3 chữ : Chữ nhất, dành cho vua chúa, chữ Nhân và chữ Nhập đành cho mọi người. Phía trên cái khăn có 3 trường hợp: Một là để tróng trơn, hai là có một miếng vải che chừng bằng bàn tay, để che cái búi tóc; ba là có miếng vải che kín hết ở bên trên.

Có những người mừng sinh nhật mặc áo màu đỏ, có người mặc áo màu vàng, để cho khác lạ, nhưng chúng ta nhớ rằng màu đỏ dành cho thần linh, màu vàng dành cho vua chúa. Chúng ta muốn giữ truyền thống, lễ nghĩa mà không tôn trọng những quy định cổ truyền đó, hóa ra chúng ta phá hết phong tục, lễ nghi, vô tình làm trò cười cho thiên hạ, như anh hề trên sân kháu.

Màu sắc áo dài của Nam giới

Mong rằng những ai muốn gìn giũ phong tục, lễ nghi cổ truyền nên hiểu về những uớc lệ, những phong tục đã có từ xưa, để làm cho nền văn hóa, phong tục cổ truyền ngày càng rạng rỡ hơn.

866410052023