Friday, December 22, 2017

Trở lại Paris


Tôi bị đánh thức vì cái điện thoại cầm tay của tôi reo, lấy điện thoại lên để nghe, thấy lúc đó 4 giờ sáng, nhìn thấy số điện thoại khởi đầu 33, tôi biết từ Pháp gọi tới, đầu dây bên kia tiếng anh Vong A Kim:

- Anh Tông ơi ! Anh của anh đi rồi.

Tôi sững sờ im lặng. Anh Kim tiếp:

- Biết không ? Anh của anh chết rồi !

- Chết khi nào vậy ?

- Mới đây ! Anh có qua không ?

- Có, tôi sẽ qua.

Kim là em của chị dâu tôi, tháng 7 tôi qua Pháp, tôi có gặp anh Kim vài lần, trong đó có 2 lần anh Kim đưa tôi đi tới nhà băng, để đổi tiền giấy 500 Euros, lần thứ nhất không có hẹn không vào được, hôm sau lần thứ hai đi tới nhà băng khác, đổi được 6 tờ giấy 500 Euros, lần nầy anh Kim mời tôi uống coffee, ở một cái quán gần porte d’Italy, nơi đó gần chung cư anh ở, rồi anh lấy xe đưa tôi về nhà. Chị dâu tôi cũng như anh Kim là người Hoa, sinh ở Nam Vang nên biết nói tiếng Việt.

 Tôi và anh Vong A Kim

Ngay sau khi chấm dứt nói chuyện, tôi vội vàng lái xe đến nhà con trai tôi để lấy vé đi Pháp, vì con trai tôi cho biết ở phi trường Cincinnati, có đường bay thẳng qua Paris, từ chỗ chúng tôi lái xe đến đó mất khoảng 2 giờ, phi trường nầy thuộc thành phố Cincinnati của tiểu bang Ohio nhưng nó nằm trong phần đất của Kentucky.

Vì cần đi ngay, chúng tôi lấy vé mất 2,882.96 USD của hãng Delta chuyến bay có mã số Delta 228, bay thẳng từ phi trường Cincinnati CVG khởi hành lúc 6: 10 PM ngày 17-9-2017 đến phi trường Charles De Gaulles CDG vào lúc 8:15 ngày Thứ Hai 18-9-2017, thời gian mất 8 giờ 5 phút, bay qua khoảng cách 4,150 miles.

Máy bay đến phi trường Charles De Gaulles, hành khách xuống phi cơ, phải lấy xe điện nội bộ đi tới cổng số 2E, tôi không ngờ được, không biết bao nhiêu chuyến bay cùng đến vào buổi sáng, nên có khoảng chừng 5 ngàn hành khách xếp hàng chờ làm thủ tục nhập cảnh, di chuyển theo đường zigzag trên khoảng cách chừng 100 thước. Tôi mất khoảng 1 giờ mới ra khỏi nơi đây.

Sau khi qua thủ tục nhập cảnh đơn giản, tôi đi ra ngoài thấy có chừng 5, 7 chục người cầm bảng đón chờ khách đến. Tôi chưa từng đi phi trường New York, nên chưa biết ra sao, còn phi trường Dallas Fort Worth hay Chicago lượng khách nhập cảnh chẳng đáng bao nhiêu so với Charles De Gaulles.

Những lần trước đến Paris có người đón, lần nầy không có người đón, tôi phải lấy vé xe điện RER về Paris. Lấy vé qua máy trả bằng thẻ credit hay Debit Card, có nhiều máy, nếu trả tiền mặt thì phải xếp hàng đợi chừng 10 phút. Tôi mua vé trả tiền mặt, tôi nhớ mấy năm trước đã đi từ ga Gentilly tới phi trường, nên tôi tôi mua vé xuống trạm Gentilly, phải trả 12.50 Euros.

Trên cùng vé đi tới trạm Massy Palaiseau, kế vé từ Charles De Gaules đi tới Gentilly, kế là vé đi từ Massy Palaiseau đến Gentilly và dưới cùng là tập vé chưa đi, sử dụng chung cho Bus, Tramway, Metro và RER trong Paris

Sau khi xuống trạm Gentilly, tôi ra khỏi nhà ga đi về hướng nhà bà con tôi đã ở 1 tháng năm 2012, dọc đường tôi gặp một cô gái, tôi hỏi cô ta trạm xe Autobus 125, cô ta bảo đi theo cô ta, tôi bảo trước tôi ở đây, hướng tôi đi có trạm autobus, cô ta cười và hỏi tôi người ở đâu ? Tôi trả lời người Việt Nam, cô ta cho biết vừa mới du lịch Thái Lan về, rồi chúng tôi chào chia tay.

Tôi đi xuống dốc, đến căn nhà cũ, nhưng nghĩ rằng con của người bà con, đi làm ban đêm, không nên ghé làm mất giấc ngủ anh ta, tôi định theo đường cũ đến quán cà-phê nơi ấy có bán vé xe bus để tôi mua 1 tập vé, tôi gặp một thanh niên tuổi chừng 30, hỏi anh ta có phải chỗ trạm xe autobus, có xe 125 chạy ngang qua, anh ta cho biết không có, anh ta hỏi tôi đi đâu, tôi cho biết đi mua vé xe, anh ta cho biết khỏi cần, cứ lên xe, tài xế sẽ bán vé 2 Euros/vé, thế là tôi đi theo anh ta, vì anh ta cùng đi về hướng trạm xe autobus.

Trong khi đi, anh ta dùng smartphone tìm đường xe autobus 125, anh ta chỉ cho tôi thấy, trạm mà tôi đến, không có xe 125, muốn đi xe 125 tôi phải đi đến một trạm khác, tôi nhận ra nơi đó, nhưng cũng đi đến trạm cũ như tôi đã đi từ trước, đến nơi tôi thấy có xe 57 vẫn còn chạy qua đó, nhưng xe 125 thì không. Bấy giờ tôi mới sáng mắt ra là tôi gặp 2 người tốt, tôi đã không tin họ.

Trên đường đi tới trạm xe autobus do anh thanh niên chỉ dẫn, tôi nhân tiện ghé qua quán cà-phê mua 1 tập vé, vé ấy đi autobus, tramway, metro, RER - trong nội ô Paris - từ chỗ quán cà-phê nếu tôi đi đến toà hành chánh Gentilly gần đó, thì tôi cùng đến trạm autobus, nhưng do anh thanh niên nói tôi phải đi up hill, theo đó tôi đã đến trạm xe bus 125, vừa đi xa lại còn phải leo lên dốc !

Đến nhà anh tôi vào khoảng 1 giờ trưa, bấm chuông không ai mở cửa, tôi gọi điện cho chị dâu, chị cho biết đang bận lo giấy tờ, bảo tôi ra khu chợ tìm quán cà-phê ngồi chờ, tôi đi loanh quanh trong khu chợ, trời Paris trở lạnh, mưa lất phất làm cho lạnh nhiều hơn.

Tôi gọi anh Đỗ Văn Bình, anh cho biết con anh đi cấp cứu 2 lần, lần cuối phải mổ, chị nhà lại đi cấp cứu, anh hỏi tôi trời lạnh có cần áo ấm không, nếu cần anh mang tới, tôi cho biết đang mặc áo lạnh đủ ấm rồi. Sau đó tôi gọi anh Nguyễn Mai Ninh, anh và tôi nói chuyện khá lâu, anh cho biết chị nhà đã đi chợ, anh đang ở nhà một mình, lấy xe bus số 38 tới nhà anh, tôi cám ơn vì đang chờ chị dâu tôi.

Tôi chọn quán cà-phê ở góc đường, gọi ly café-latte, đây là cà-phê sữa, ngồi uống để đợi chị dâu tôi gọi tới, cho đến hơn 5 giờ chiều, tôi trở lại nhà anh tôi, vì nghĩ rằng đã hết giờ làm việc chị dâu tôi về nhà, nhưng đến nơi vẫn chưa thấy chị về, tôi gọi điện, chị bảo tôi tạm thời đến nhà bạn hay đến khách sạn nghỉ, vì đến nhà chị ở sẽ bất tiện. Lần trước chị không muốn tôi đến nhà ở, nhưng vì anh tôi bảo, chị phải làm theo. Tôi không hiểu chị dâu tôi nghĩ gì, nhưng trước mắt tôi phải giải quyết chỗ ở, tôi rời khỏi nhà anh tôi, tìm khách sạn để ở. Gần đó tôi thấy có nơi ghi Hotel và Auberge, tôi nhớ lúc nhỏ khi còn ở nhà chú tôi, một hôm sau khi gác thi Trung học về, chú và Thầy tôi có bàn bạc về chữ Auberge trong đề thi, tôi nhớ đó là quán trọ, tôi ghé vào hỏi, người chủ bảo là đã đóng cửa từ lâu rồi.

Tôi liền gọi đến người chú vợ, ông ta bảo lấy tàu RER đi đến trạm Massy-Palaiseau xuống ở trạm nầy, lấy xe bus số 2 hay 3 hay 22 đi về hướng chợ Ulis2, xuống ở trạm Thomas, trạm nầy cách nhà ông chừng 100 thước.

Tôi chỉ biết có trạm RER Gentilly, nên lại ra trạm xe bus đi xe 125 trở lại nhà ga Gentilly, tại đây tôi không biết mua vé qua máy, nên nhờ người giúp, trên đường nầy có 2 chuyến xe khác nhau, tôi không biết, nhưng may mắn lên đúng chuyến xe đi qua trạm Massy-Palaiseau. Xuống ở trạm nầy nó có một cầu vượt qua 2 tuyến đường ray, cầu dài chừng 7, 8 chục thước, cả 2 đầu cầu đều có bến xe autobus, nhưng không có bên nào có xe bus số 2, 3 hay 22. Tôi lại gọi điện cho ông chú vợ, ông bảo tôi chờ, ông sẽ chạy ra đón tôi chừng 15 phút.

Tôi chờ đến gần nửa tiếng đồng hồ, không thấy ông chú vợ đâu cả, tôi lại mua vé định trở về trạm Gentilly, nơi đó tôi biết có hotel và quán ăn. Lần nầy tôi tự mua vé và vì máy chỉ thu thẻ, nên tôi trả tiền với Debit Card máy nhận.

Nhưng tôi nghĩ ráng chờ một chút nữa. Bỗng dưng tôi thấy ông chú vợ lò dò đến, chú bảo tôi:

- Tôi gọi điện thoại cho anh không được, tại anh không chịu hỏi người ta bến xe autobus số 2, 3 và 22 - ông vừa nói vừa chỉ cho tôi thấy – Nó ở đằng kia kìa.  

Theo hướng chú chỉ, tôi nhìn thấy có mấy chiếc autobus đậu ở đàng xa kia, cách bến xe autobus gần cửa ra chừng 50 thước.

Thế rồi chú đưa tôi về nhà chú ở vùng Bures sur Yvette. Nhà chú có thím Annie và cô con gái Mary Anne. Chú đã về hưu, thím và cô con gái đi làm.

Chợ ULIS2

Ngày hôm sau, chú đưa tôi đi chợ ULIS2 cho biết, vì chú có dẫn theo con chó, cho nên chú ở ngoài với con chó, tôi vào chợ, nơi đây có chợ thực phẩm khá lớn, ngoài ra còn có những hiệu buôn khác cũng như ở các Mall Mỹ. 

Bên trong chợ ULIS2

Trên đường đi tới chợ cùng như khi đi về, chú chỉ cho tôi thấy một loại nấm, tối hôm qua thím ấy - người Pháp – đã xào với hột gà, ăn khá ngon. Chú bảo trong vườn nhà chú có nhiều nấm nầy.

Buổi chiều chú đi khỏi, tôi đi ra chợ Ulis 2, tôi mua vài thức ăn như rau, cải, cà chua, nước sauge, chuối già. Tối hôm đó thím lại cho ăn nấm xào hột gà với món soupe và tráng miệng với fromage.

Ăn xong, chú và tôi ngồi nói chuyện uống rượu chát đỏ, loại 750 ml, khá ngon, chú cho biết giá chỉ khoảng 5 euros mà thôi. Chú dẫn giải cho tôi biết về rượu nho, chú và tôi chuyện trò đến khoảng 2 giờ sáng mới đi ngủ.

Ngày hôm sau Thứ Tư 20-9-2017, tôi bị điện thoại của anh Kim gọi tới, làm tôi thức dậy khoảng 8 giờ, anh Kim hẹn tôi tới nhà anh tôi, để chị dâu bàn vài việc cần thiết. không có ai ở nhà, tôi ăn sáng với bánh mì baguette và fromage rồi ra bến xe bus đón xe đi tới trạm Massy-Palaiseau, rồi lấy vé đi đến trạm Gentilly.

Vì không hiểu đứng ở đâu để đón xe đi đến trạm Gentilly, tôi phải hỏi một nhóm 3 cô gái, một trong 3 cô cho biết tôi đứng ở đó xe tới là đúng chuyến. Khi xe tới 3 cô gái cùng tôi lên chung toa, lúc xe dừng ở 1 trạm, một trong 3 cô gái cho biết xe không dừng ở trạm Gentilly, bây giờ là trạm Cité Universitaire tôi phải xuống vì đã qua khỏi Gentilly rồi.

Tôi xuống trạm nầy, lên tới đường thì thấy có xe bus 125 ngừng tại bến, nhưng tôi biết nó đi về hướng khác, tôi hỏi một cô bán quầy sách báo tại đó, nơi nào có xe đi tới Mairie của Ivry sur Seine, cô ta chỉ bên kia đường, tôi sang bên kia đường, không thấy có bảng xe 125 mà đó là bến đỗ của Tramway, thế là tôi lấy Tramway ấy, đi một chốc thấy xe chạy ngang qua Stade Charlety, tôi nhớ lần trước có đứng nơi đó chụp ảnh với anh Kim.


Xe chạy tới trạm Porte d’Italy tôi xuống, rồi đi bộ vào công viên, xuyên qua công viên đó, tôi đi tới toà nhà Mairie de Gentilly. Tại đây tôi lấy xe bus 125 đi đến trạm trước cửa Mairie Ivry sur Seine, rồi cuốc bộ đến nhà anh tôi lúc đó gần 12 giờ trưa.

Chị dâu tôi cho biết đã xin cho tôi được thăm anh tôi ở nhà xác vào ngày Thứ Sáu 22, nên chị sẽ lấy khách sạn cho tôi ở, chị sẽ đưa tôi đến khách sạn, ngày mai tôi sẽ đến đó ở, Thứ Sáu con gái chị sẽ đến khách sạn đón tôi đi.

Trưa đó, tôi ăn cơm ở nhà chị, rồi ra Métro số 7 đi tới trạm Porte d’Ivry xuống, chị đưa tôi đi theo đường Ivry một khoảng rồi tẻ sang đường khác để sang đường Choisy, đến khách sạn Le Baron, chị đặt phòng cho tôi.

Xong việc, chị và tôi trở lui ra Boulevard Masséna chia tay, tôi lấy Tramway đến trạm Cité Universitaire, tôi lấy vé đi về, do không biết rành, tôi lên chuyến tàu đi về hướng khác, đến cuối đường biết mình bị lạc, phải đi trở lại, đến trạm khác xuống để chuyển sang tàu đi về trạm Massy-Palaiseau.

 Trên xe RER có bảng chỉ dẫn các Trạm xe dừng và đi tới sân bay Charles De Gaulles. Trên sơ đồ cho thấy ở hai đầu đều có 2 tuyến xe khác nhau

Về tới nhà đã gần tối, tôi thấy chú ấy có quyển sách dầy của Paris Match, họ tuyển lựa những sự kiện đặc biệt để in thành sách, tôi cho là rất quý, chú hỏi tôi có thích không chú sẽ cho, nhưng tôi thấy cồng kềnh và nặng nên từ chối, chú cho biết giá chừng 10 Euros.

Tối đó trong bữa ăn vẫn có món nấm xào hột gà, ở nhà tôi không thích ăn nấm rơm, nấm đông cô, nhưng nấm trong vườn chú, tôi ăn rất ngon. Trong bữa ăn, tôi cám ơn chú thím đã cho tôi tới ở trong nhà vài ngày. Ăn xong, chú và tôi lại uống rượu chát đỏ, chú kể chuyện đi làm và bảo tôi lần tới đưa nhà tôi sang, chú sẽ đưa đi tham quan các nơi, đừng để chú già rồi không thể đưa đi đâu. Chú nhỏ hơn nhà tôi khoảng 5, 6 tuổi, lúc nhỏ nhà chú và nhà của nhà tôi ở cách nhau một căn phố khác, nên tuổi thơ họ có nhiều kỷ niệm, có những bạn chung cho đến khi chú đi Pháp du học trước năm 1975.

Chú còn kể cho tôi nghe, có ông thầy phong thủy nào đó đã tới nhà chú xem phong thủy, nói cây đòn dông xấu, nên dời phòng ngủ sang nhà xe, vì những thứ đó làm thím bệnh và đứa con gái bị ung thư máu, chú đã đập bỏ cây đòn dông, đã sửa nhà xe thành phòng ngủ. Sau đó thím lành bệnh, còn con gái cũng trị được ung thư máu, trong khi cùng thời gian đó, có cô gái cũng bị ung thư máu cùng điều trị tại bệnh viện thì cô gái ấy đã chết.

Sáng hôm sau thức dậy, thím và con gái đã đi làm, tôi chào từ giả chú ra xe đi tới khách sạn ở.

Tôi không tìm thấy cái card của khách sạn nên không biết dịa chỉ, nhưng nhớ chị ấy và tôi sau khi rời khỏi khách sạn, đi trên đường Choisy, có đi ngang qua trường Trung học, qua một thánh đường và qua cửa hàng McDonalds. 

Khu chợ Á Đông trên đầu đường Choisy ở quân 13

Nay trở lại tôi theo vĩa hè có hiệu McDonalds, thánh đường và trường học, nhưng không tìm thấy khách sạn, tôi đi ngược lại cũng không tìm ra  Le Baron.

Giáo đường ở trên đường Choisy

Tôi nghĩ hay là nó ở bên kia đường, nên tôi sang bên kia đường và đi một đổi thì tìm thấy khách sạn Le Baron. Khi lấy Passeport để quản lý khách sạn làm photocopy, tôi thấy cái Card của khách sạn nằm trong Passeport !!! Khách sạn Le Baron, tọa lạc tại địa chỉ 76, avenue de Choisy, 75013 Paris,


Khách sạn Le Baron

Sau khi nhận phòng, để hành lý ở khách sạn, tôi đi ra ngoài đến gần đầu đường Choisy vào một trung tâm mua bán, tôi mua bánh mì baguette, nho xanh của Ý, trái chà là tươi, bánh Croissant, một chai nước uống rồi trở về khách sạn nghỉ ngơi.

Trong chợ

Khách sạn có WiFi, nhưng tôi không thể lên Internet được, có thể vì nhiều người sử dụng, đường truyền bị bận. Cho đến gần tối, tôi nghĩ sao mình không lợi dụng thời gian nrảnh rổi nầy đi dạo chơi. Thế là tôi đi về hướng Place d’Italy.


Trên đường đi, có công viên Choisy, tôi đi vào chụp một tấm ảnh để kỷ niệm.

Rồi tiếp tục đi tới Place d’Italy, dọc đường có một cửa hàng ăn Việt Nam.


Ở đầu đường nầy có một cửa hàng KFC khá rộng và cũng đông khách. Buổi chiều xe cộ ở giao lộ nầy không tấp nập lắm.


Tôi đang đi dạo thì chị dâu tôi gọi điện thoại hỏi tôi đang ở đâu, biết tôi đang đi dạo chơi, chị bảo tôi về khách sạn gặp chị. Tôi vội vàng đi về khách sạn, nhưng gần 1 giờ sau chị mới tới với anh Kim, bảo tôi thu dọn về nhà chị nghỉ cho tiện ngày mai đi thăm anh tôi.

Phải chờ anh Kim về nhà lấy xe đến đưa tôi về nhà anh tôi. Về tới nhà, chị dâu tôi chỉ cho tôi thấy cái giường anh nằm, nó giống như giường ở bệnh viện. Chị cho biết khi 11 giờ 30, chị còn làm vệ sinh cho anh, anh bảo chị khuya rồi đi ngủ đi. Vì mệt mõi, chị ngủ cho đến 5 giờ thức dậy, gọi anh tôi không thấy trả lời, chị vào phòng thấy 2 tấm đắp đã rơi xuống nền nhà, miệng anh há hốc, đôi mắt mở, chị rờ thấy người anh đã lạnh. Cho nên chị không rõ anh đi lúc nào. Tôi đoán có lẽ vào khoảng 3 giờ sáng ngày Chủ nhật 17-9-2017 nhằm ngày 27-7 năm Đinh Dậu. Anh sanh trên giấy tờ cha tôi khai là ngày 1-12-1929, nhưng trong nhà ai cũng biết anh tuổi Mậu Thìn tức năm 1928, như vậy anh thọ 90 tuổi.

Hôm sau, con gái chị đến cùng chị và tôi dùng Métro đi đến Institut Medico Legal nằm bên bờ sông Seine, để tôi được nhìn mặt anh tôi lần chót, vì ngày mai tôi phải trở về Mỹ, do tôi không thể chờ đợi lâu hơn, chị thì chưa biết ngày cử hành tang lễ.

Việp Pháp Y Paris (Institut Medical Legal) là nơi nhận tử thi các trường hợp như chết do tai nạn, do Cảnh sát mang tới, do thân nhân yêu cầu, do vô thừa nhận... Anh tôi mất tại nhà, báo cho Cảnh sát, nên Cảnh sát đưa vào đây. Sau khi bác sĩ Pháp y khám nghiệm, phải có lệnh của tòa án mới được chôn cất.


Tại đây, người nhà phải hoàn tất thủ tục ký giấy tờ ở văn phòng, sau đó họ đưa chúng tôi vào một gian phòng rộng dài chừng 8 thước, ngang 4 thước, chung quanh đặt ghế ngồi, ở giữa để trống, sau khi chúng tôi an vị, một nữ nhân viên ăn mặc lịch sự ra chào chúng tôi và cho biết thi thể anh tôi đặt trong phòng bên cạnh, phòng đó chia làm 2 phần, ngăn cách chỉ là bức tường cao 1 thước, thi thể anh tôi đặt bên kia, chúng tôi đứng bên nầy nhìn sang, yêu cầu không được sờ mó tử thi, không được chụp ảnh, thi thể được phủ kín, chỉ trừ từ cần cổ lên đầu, để thân nhân nhìn mặt. Việc khám nghiệm tử thi đã hoàn tất ngày hôm qua - Thứ Năm 21-9-2017 - Tuần sau có thể có giấy phép cho tiến hành chôn cất.


Sau khi đã phổ biến, cô nhân viên hướng dẫn chúng tôi sang phòng bên cạnh, thi thể anh tôi được đặt sát bức tường ngăn, được đấp kín bằng tấm drap trắng, trừ từ cần cổ trở lên.

Tôi nhìn thấy anh tôi như đang nằm ngủ, không khác những ngày anh nằm ở bệnh viện Charles Foix, nhưng da mặt có sắc hơi xám chớ không hồng hào.



Nhìn xong tôi định bước ra, nhưng con gái chị dâu tôi bảo hãy nhìn cho kỷ đi, tôi quay lại đứng nhìn, nghĩ rằng sẽ không bao giờ còn gặp lại, tự nhiên xúc cảm dâng tràn, lệ tôi tự nhiên đỗ, tôi đứng thêm chừng 2 phút, nói lời cám ơn cô nhân viên, rồi bước ra.

Rồi chúng tôi đi về, sau đó con gái chị dâu tôi lấy xe đưa đi tới chùa Linh Sơn, nơi chị dâu làm lễ cầu siêu cho anh tôi. 5 năm trước, anh Đỗ Văn Bình đã đưa tôi đến viếng chùa nầy, vì đó là Học viện của Phật Giáo Châu Âu, anh có dạy hội họa ở đó. 


Hòa Thượng Huyền Vi đã xây dựng nên chùa nầy từ năm 2000. Vào thập niên 1950, Đại đức Thích Thanh Từ và Huyền Vi trong Đoàn Sứ giả Như Lai đã đi khắp miền Tây thuyết pháp. Năm 1961, Hòa Thượng Huyền Vi du học ở Đại học Na-Lan-Đà Ấn Độ, ngài lấy bằng Tiến sĩ Phật học rồi về nước. Sau biến cố 1975, ngài ra nước ngoài và định cư ở Pháp. Năm 2001, Hòa Thượng Huyền Vi lâm trọng bệnh một thời gian rồi viên tịch năm 2005. Nhưng vị Tăng Việt Nam đầu tiên hoằng pháp ở Pháp đó là Đại Đức Thích Chân Thường, người Bắc, ngài tu ở Lào sang Pháp truyền đạo.

Nơi đây, trong phòng nhỏ, thiết trí tượng đức Địa Tạng Vương, một bàn thờ vong có linh vị của anh tôi đặt tại đó.


Rời khỏi chùa, chúng tôi đến cơ sở chuyên lo việc tống tang, chị tôi đã đặt áo quan, bình đựng tro cốt và vài thứ để tẩn liệm.


Sau đó, chị tôi ra cửa hàng Tang Frères, khu chợ Á Đông ở quận 13, để mua trái cây, chuẩn bị cho ngày Chủ nhật đến chùa cúng vong.

 Chợ Tang Freres trên đường Ivry

Sáng hôm sau, như đã hẹn, lúc 7 giờ anh Phan Khanh đến đón tôi đưa ra phi trường, lần trước anh không lấy tiền, lần nầy tôi buộc anh phải lấy cho tôi vui, tôi đưa cho anh 100 Euros, anh chỉ lấy phân nữa.

Anh Phan Khanh và tôi

Tôi cũng không thể ngờ ở cổng 2E, có rất đông hành khách, có đến 5, 7 ngàn người cũng xếp hàng zigzag để đi qua hải quan, cũng mất gần 2 giờ tôi mới lên đến Gate 41F.


Khi tôi xếp hàng để lên phi cơ, anh Đỗ Văn Bình gọi tới, tôi cho anh biết tôi đang xếp hàng lên phi cơ về Mỹ, anh cho biết sẽ dự tang lễ anh tôi. Do đó, tôi cho con gái chị dâu tôi số điện thoại của anh, để báo cho anh ngày giờ và địa điểm cử hành tang lễ. 


Anh đã vì tôi, ngày 2-10-2017, đến dự tang lễ anh tôi, tụng kinh và chụp ảnh, nhờ đó tôi có những tấm ảnh lễ tang nầy, tôi rất biết ơn anh Đỗ Văn Bình.

 Anh Đỗ Văn Bình ngồi bên tay trái

Ở Pháp phương tiện công cộng khá tiện lợi, nhưng phải biết cách sử dụng. Năm 2012 sang Paris, tôi đã một lần đi xe Bus từ Gentilly đến Place d’Itay để đến nhà hàng Phú Đô trên đường Choisy do vợ chồng Bs Tường mời ăn tối.

Tháng 7 năm nay sang Paris, đi đâu cũng có người hướng dẫn, lần nầy tôi phải tự lo liệu đi RER, Tramway, Autobus, nhưng phải thú thật nhận rằng tôi vẫn chưa rành cho lắm. 

Tramway tại Porte de Choisy

Trở lại Paris lần nầy ngoài dự tính, chỉ chuẩn bị có vài giờ trước khi lên đường, tôi đã chủ quan không nghĩ đến trường hợp không vào được nhà anh tôi, phải có khách sạn để dừng chân, mặc dù tôi biết ở gần trạm Gentilly có khách sạn. Nhưng nếu ở nhà lên mạng tìm khách sạn trước, có rất nhiều khách sạn từ 2 sao trở lên ở khu vực quận 13.

Về nhà, xem lại bảng chỉ dẫn các tuyến đường RER, tại nhà ga Massy-Palaiseau có tuyến xe chạy qua Ivry Sur Seine và tuyến nầy chạy tới cung điện Versaille. Tôi không biết nên đã di vòng vo, mất nhiều thì giờ. 

Từ việc sử dụng phương tiện giao thông, cho đến chổ nghỉ, đều là bài học để đời, khi tôi trở lại Paris thủ đô ánh sáng lần thứ ba.

8664311017



Trở về Đất Mẹ

Thursday, December 21, 2017

Trở về lòng đất mẹ



Huỳnh Ái Chủng (1928-2017)

Anh tôi sinh năm Mậu Thìn, nhưng không rõ vì sao cha tôi để đến cuối năm sau mới làm khai sinh. Do đó trên giấy khai sanh ghi sanh ngày 1 tháng 12 năm 1929.

Nghe gia đình kể lại, anh tôi là cháu trai đầu tiên của bà nội cũng như bà ngoại, nên được cả hai bà thương yêu, lên 3 bà nội vẫn ẳm bồng khi đi chơi hàng xóm, lớn lên đi học ở trường tỉnh Long Xuyên, mỗi lần vào Bờ Ao thăm bà ngoại, bà ngoại cho cả xâu tiền để ăn bánh.

Anh Hai và chị Ba tôi

Anh tôi thi rớt bằng Tiểu học, về ở nhà, sau đó cuộc Cách mạng mùa thu nổ ra, anh có theo bộ đội vài tháng. Trở về nhà anh đi học dệt ở Chợ Mới, khi thành thạo tay nghề, anh về nhà,  thân phụ tôi đóng khung dệt, anh dệt vải ta, dệt lãnh Mỹ A, dệt khăn mouchoir. Sau đó vải sợi được nhập cảng, thành phẩm anh dệt ra bán không chạy, nên anh bỏ nghề dệt, lấy ngôi trường làng, cùng với người bạn mở lớp dạy tư.

Anh tôi dạy học được vài tháng, có người chị có chông người Pháp ở Hà Nội, về quê thăm mẹ, anh tôi trốn gia đình theo chị ấy lên Sàigòn, chị ấy gửi anh tôi cho người chị của chị ấy, nhờ đó có chỗ ngủ nghỉ, ăn ngày 2 bữa. Muốn có tiền xài, anh tôi phải đi gánh nước mướn, mỗi đôi được 5 xu.

Sống như thế được vài tháng, chắc do chú tôi giới thiệu, anh tôi được vào làm cho nhà thuốc Nhành Mai, thời đó nhà thuốc nầy danh tiếng với Thuốc Dưỡng Thai hiệu Nhành Mai và Thuốc Dán hiệu Con Rắn, có địa chỉ 36 Sabouraine, sau đổi thành Tạ Thu Thâu, nay là đường Lưu Văn Lang, ở cửa Đông chợ Bến Thành, được ông bà chủ Nguyễn Văn Lượng cho trú ngụ luôn tại đây, ăn cơm quán.

Ban ngày anh tôi làm cho nhà thuốc, ban đêm anh tôi đi học thêm về kế toán ở trường nhà kiếng, là cái nhà có những tấm kiếng làm tường, gần cửa ra vào Vườn Tao Đàn, nằm trên đường Lê Văn Duyệt, nay là Cách Mạng Tháng 8, cơ sở đó sau thuộc Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam.

Anh tôi có bằng kế toán của Trường nhà kiếng, tiếp tục làm cho nhà thuốc Nhành Mai một thời gian, rồi xin vào làm cho Ngân Hàng Quôc Gia, ở Bến Chương Dương, Sàigòn. Sau đó, anh tôi đi làm cho đồn điên Cao su Mimot, bên Cambodge.

Năm 1953, anh tôi bị động viên vì chiến trường Điên Biên Phủ, nên trốn lính mua vé tàu đi sang Pháp. Năm đó, có hai sự kiện đáng nhớ, có cô Quờn ở Khánh Hội vì ghen đốt chồng, đồng bạc Đông Dương bị sụt giá so với đồng France. Sự kiện nầy làm cho anh tôi đặt chân lên thành phố cảng Marseille không tiền, ngày ăn bánh mì, uống nước fountaine, tối đi lang thang.

Cuối cùng anh tôi tìm được chân thủy thủ, vừa làm vừa học thêm.



Khoảng năm 1955, anh tôi lập gia đình với một phụ nữ người bản xứ, ở thành phố Avignon, rồi họ có đứa con gái đầu lòng, nhưng do anh tôi tánh tình nghiêm khắc, nên họ chia tay, anh tôi lên Paris lập nghiệp.


Chị dâu tôi: Marie Josephe France Dumain

Anh làm Kế toán trưởng kiêm Trưởng phòng nhân viên cho nhà in J. Beutier rồi về hưu vào  thập niên 1980, anh tôi có nhà ở vùng Ivry Sur Seine. Từ giữa thập niên 1990, anh tôi về Việt Nam mua đất cất nhà ở Bình Tân, mua nhà ở Đà Lạt, nhà ở Bình Tân nhằm giúp cho con cháu ở quê lên Sàigòn học có nơi trú ngụ, nhà ở Đà Lạt để khi cần lên đó nghỉ dưỡng.

Con gái anh tôi: Verinique Catherine Francaise Huynh

Con gái anh tôi, sau khi tốt nghiệp đại học ở Paris, trở về quê lập gia đình, có một đứa con trai, nó đã tốt nghiệp đại học, đã đi làm. Nay sống ở New-York

Cháu ngoại anh tôi: Julien Pouchon

Khoảng 10 năm trước, con gái anh tôi bị tai biến mạch máu não, sau khi điều trị có thể đi lại, nói chuyện từng tiếng một, rồi cháu đã qua đời vào năm 2015, theo ước muốn, cháu đã hiến thân xác của mình.

Con gái anh tôi

Sau khi con gái mất, anh tôi bán căn nhà ở Bình Tân, tiền bán nhà đó cho người thân, còn căn nhà ở Đà Lạt cho các cháu, con của người anh kế tôi, anh ấy đã mất cũng vì tai biến mạch máu não.



Gần đây anh tôi bệnh phải điều trị ở bệnh viện Pierre et Marie Curie, rồi bệnh viện quân đội Pháp, cuối cùng anh vào nằm ở Hôpital Chales-Foix. Tại đây, vào tháng 7-2017, tôi có sang Paris vào bệnh viện thăm anh, anh vẫn tỉnh táo, chuyện trò với tôi, bảo tôi lục tìm những tờ giấy bạc 500 Euros, để đem ra Banque De France đổi ra tiền khác, vì đến cuối năm nay Cộng đồng Âu Châu không còn xài tiền nầy nữa, anh bảo tôi lục tìm mấy cái đồng hồ Patek Philippe của anh, để anh nhờ bạn đem sang Hồng Kông sửa chữa, anh cũng nhờ tôi tìm gom những đồng tiền vàng 37.5gr để lại một chỗ.


Anh cho tôi biết, anh bị ung thư phổi nhưng đã chữa trị hết rồi, hiện anh đang bị 3 đốt xương sống cuối cùng làm cho đau khó tả, một đốt đã được bệnh viện quân đội đắp vá lại, 2 đốt kia mới bộc phát, không có cách chữa trị, chỉ uống morphine để giảm đau mà thôi.



Trong thời gian tôi tới thăm ở bệnh viện, anh có gọi người nhân viên cũ tới, anh hỏi thăm vì cô ta nuôi bà mẹ bị ung thư, cô ta cho biết mẹ cô ta mất sau 5 năm bệnh, đã uống morphine tới liều 125mg. Trong khi đó, bệnh ung thư của anh tôi mới 2 năm đã chữa xong rồi, còn thuốc chỉ mới uống sáng 10mg, chiều 15mg, tổng cộng là 25mg. Cho nên anh tôi nghĩ thời gian và liều lượng uống thuốc morphine anh còn sống vài năm nữa.


Tôi trở về Mỹ ngày 19-7 thì hôm sau anh tôi xin và được xuất viện về nhà vì anh thấy nằm trong bệnh viện chỉ có uống thuốc, không chữa trị chi cả, nhưng thức ăn của bệnh viện anh không ăn được, hy vọng về nhà sẽ ăn được ngon miệng.

Đôi ba ngày anh tôi và tôi vẫn email cho nhau, ngày 10-9-2017, tôi được email anh cho biết ăn không được, ngày 11-9-2017, tôi email cho anh hỏi đã có giường nằm như của bệnh viện, do cơ quan ở quận hứa sẽ mang tới cho anh nằm được thoải mái hơn.

Không thấy anh tôi trả lời, ngày 16-9-2017, tôi lại gửi email hỏi anh có ăn được, ngủ được không? Đêm đó, vào lúc 4 giờ sáng ngày 17-9-2017, tôi được điện thoại tù Paris báo cho biết anh tôi đã mất rồi.

Tôi tức tốc mua vé máy bay đi về trong tuần, sáng mua vé, chiều đi, đến 8 giờ sáng hôm sau tới phi trường Charle De Gaules. Đến nhà anh tôi không vào nhà được, vì chị dâu đi lo giấy tờ, chị bảo tôi tìm bạn bè hay khách sạn ở tạm.

Chị dâu của tôi: Vong Kim Hồng

Tôi tìm đến nhà người chú vợ ở Bures sur Yvette ở mấy ngày, rồi lấy khách sạn Le Baron, 76 Avenue de Choisy 75013 Paris, gần khu chợ người Việt, cho đến đêm Thứ Năm 21-9-2017, chị dâu mới đón tôi về nhà.


Hôm sau Thứ Sáu 22-9, chúng tôi được phép vào Instutut Medico Legal (Viện Pháp Y) tại số 2 Voie Mazas, 75012 Paris, để thăm xác anh tôi, vì ngày Thứ Bảy 23-9-2017, tôi phải rời Paris trở về Mỹ, cũng vì tôi nghĩ rằng tang lễ sẽ làm nhanh chóng, nên tôi chỉ mang theo thuốc uống hàng ngày đủ dùng trong tuần lễ.


Nơi đây, nhân viên ăn mặc rất lịch sự tiếp đón chúng tôi, họ cho biết không được phép sờ mó vào xác chết, không được chụp ảnh.

Khi vào trong phòng đó, có một bức tường cao chừng 1 thước ngăn đôi căn phòng, chúng tôi đứng bên nầy nhìn sang bên kia, xác anh tôi được đặt nằm xuôi theo bức tường, phủ kín từ cổ xuống chân với tấm drap trắng. Tôi nhìn rõ mặt anh tôi không thay đổi, như những ngày nằm ở bệnh viện Charles-Foix, tóc dài hơn, sắc mặt tuy không hồng hào nhưng cũng không tái nhiều. Tự dưng tôi bị cảm xúc thương yêu ập tới, tôi không thể ngăn dòng lệ, vì biết rằng sẽ chẳng bao giờ còn gặp lại nhau. Hôm 18-7 là ngày sau cùng, gặp nhau ở bệnh viện, tôi đã linh cảm, đó là những giờ phút sau cùng anh em còn gặp nhau, cho nên tôi đã nán ở lại cho đến hết giờ thăm viếng.

Thân xác anh tôi nằm đó, anh đã rời bỏ chốn trần ai nầy, anh đã để lại trong tôi hình ảnh, tình cảm một người anh tuyệt vời. Năm 13 tuổi, tôi đã mồ côi, anh thay cha mẹ, thay chú thím nuôi cho tôi ăn học những năm học đại học, vùa giúp những khi khốn khó, vì anh thương tôi nhất trong 6 anh em.


Ngày 23-9-2017, tôi trở về Mỹ, cho đến Chủ nhật 2 tháng 10 năm 2017, gia đình mới cử hành tang lễ cho anh tôi tại nhà quàn, có thỉnh 2 ni cô ở chùa Linh Sơn đến tụng kinh, sau đó hỏa táng.


Linh vị anh tôi được đặt trong phòng thờ những người quá vãng tại chùa Linh Sơn, để được tụng kinh Cầu siêu cho đến lễ chung thất.


Ngày 10-12-2017, một người cháu gái của chị dâu tôi, mang bình tro cốt từ Paris về Việt Nam, bình tro cốt được mang về nhà quê, nơi chúng tôi được sinh ra và lớn lên tại đây, cho đến khi lập thân thì mỗi người đi mỗi nơi, thỉnh thoảng giỗ chạp mới quay về.


Ngày 13-12-2017, các em, cháu đã thỉnh chư Tăng đến nhà tụng kinh.





Sau đó tiến hành lễ chôn hủ tro cốt anh tôi trong nghĩa trang gia đình, đó là nơi an nghỉ của ông bà, cha mẹ, cô chú bác và anh em chúng tôi.



Một con chim lìa đàn bay xa, thật xa nay theo ước nguyện cuối đời, được đưa về quê hương, nằm an nghỉ trong lòng đất mẹ. 


Trở về “nơi chôn nhao cắt rún” hay là chuyến đi cuối cùng của một đời người: “Trở về lòng đất mẹ”.


Hoàn tất bằng cách ốp đá đen bên ngoài và dựng bia mộ, ngôi mộ anh tôi nằm dưới chân mộ cha mẹ, nằm giữa cô và người anh kế của tôi.





 Mời xem thêm hình ảnh tại:



8664201217