*
Có những hôm xem truyền hình, thấy chiếu những cảnh học sinh hồn nhiên ôm cặp sách vở tới trường hay thong thả trên chiếc xe đạp, đạp về nhà. Nhà tôi bảo:
- Trông chúng hồn nhiên biết bao! Vô tư lự, không bận tâm lo nghĩ tới tương lai, thật là hạnh phúc, tuổi thơ đã đi qua lâu rồi !
Mỗi người đều có tuổi thơ của mình, không ai giống ai, Tuy nhiên không phải tuổi thơ nào cũng đẹp cả, nhưng nhờ vào những mộng mơ có thể đạt được ở ngày mai, cho nên ai cũng hy vọng, mà hỵ vọng luôn luôn đặt ở mọi điều tốt đẹp.
Lúc mới đi học vở long ở Trường Bình Mỹ, nay cũng đã trên sáu mươi năm qua rồi, học trò ba bốn mươi cô cậu, nay tôi chỉ còn nhớ có tên cô The, tóc để dài, người mảnh khảnh, nước da trắng, học trò trai chỉ còn nhớ tới trò Khải, trò Trai và trò Độ, bốn đứa chúng tôi cùng ngồi chung một bàn.
Khải con thầy giáo, trò Trai nhà kế bên trường học phía trên, trò Độ nhà kế bên trường học phía dưới, tôi ở bên kia sông, cũng có trường gần nhà, nhưng theo chú đi học.
Học được đánh vần ngược thì chiến cuộc lan tràn, Nhật chiếm đóng trường học rồi chú tôi, cùng thầy giáo bỏ trường lên ở tỉnh.
Sau cha mẹ tôi cho học tư với thầy giáo ở trường gần nhà, vài năm sau tôi thi đậu Văn Bằng Sơ Đẳng Tiểu Học ở Long Xuyên, lại ở nhà nghỉ, mấy năm sau mới lên Châu Đốc theo học lớp Nhì, lúc đó hình như Khải đã học Đệ Thất Thủ KHoa Nghĩa rồi, Trai với Độ không còn được tiếp tục học nữa.
Sau này, tôi thi đỗ vào học trường kỹ thuật,thầy tôi chán sống tỉnh lẻ xin thuyên chuyển về Sàigòn, rồi cũng cho Khải thi vào trường kỹ thuật. Do đó Khải lại học sau tôi.
Còn Độ ở nhà quê, nối nghiệp nhà nông, về phần Trai nhờ gia đình có tiền, mua xe đò chạy đường Long Xuyên – Châu đốc, có người anh làm tài xế, Trai theo xe góp tiền. Nghe biết thế chớ từ ngày trường đóng cửa, Trai và tôi chưa gặp lại, không rõ ngày nay Trai đã thay đổi ra sao, già thì chắc hẳn là già rồi.
Độ và tôi
Khải lúc học cùng trường vẫn thỉnh thoảng gặp nhau, hoặc khi tôi đến nhà thăm thầy cũ, lần gặp gần đây nhất cũng đã vài năm, Khải vẫn gầy đứng sau quầy hang bận rộn bán phụ tùng xe gắn máy, cửa hàng của Khải mở bán tại nhà, gần chợ Tân Quy Đông. Sàigòn.
Thầy Lê Văn Thọ, tôi và Khải
Độ thì cách nay vài năm, tình cờ tôi được gặp lại bên vệ đường ở quê, chúng tôi nhận ngay ra nhau mặc dầu hơn sáu mươi năm mới gặp lại, tay bắt mặt mừng. Độ trông có già đi, nhưng vẫn khỏe mạnh, nhờ có hoạt động theo mùa màng, hít thở không khí trong lành, nhất là không phải tất bật với đời sống vội vả ở thị thành trong thời đại ngày nay.
Tuổi thơ tôi đã đi qua lâu rồi, không hồn nhiên nào bằng cái hồn nhiên của cô gái 11, 12 tuổi con một ông thầy giáo làng, cô mặc bộ bà ba trắng theo bạn ra đồng chơi, thấy tép nổi lềnh bềnh trên con rạch, sợ dơ quần áo bị cha mẹ rầy la, cô ta cởi bỏ hết trên bờ, nhảy xuống rạch lấy rổ chận dòng xúc tép, như năm bảy đứa trai gái khác trong xóm, nhưng đứa mặc xà lỏn, đứa mặc quần dài. than cô ta trong như ngọc, trắng như ngà, ai dám trơ tráo mà nhìn.
Vài năm sau, thân phụ cô chuyển về dạy một trường tại quê nhà ở Long Kiến Chợ Mới. Vài chục năm sau, gặp lại nhận biết nhau đều im lặng, để lắng nghe nỗi êm đềm của con tim. Gần đây, lại được tin nhà cô ấy đã an giấc thiên thu. Cũng một kiếp người.
Nhớ tới tuổi thơ, thuở vụn dại ban đầu, có tiếc nuối cũng không bao giờ, không bao giờ có thể níu kéo lại được. Mỗi thứ hồn nhiên có khác.
17-7-2011