Monday, July 1, 2024

Tôi dự lễ kỷ niệm Ngày Quân Lực VNCH

 Ngày Thứ Sáu 21 tháng 6 năm 2024, tôi nhận được Thư Mời qua Điện thư (email), dự lễ kỷ niệm Ngày Quân Lực VNCH của Hội Ái Hữu Cựu Tù Nhân Chánh Trị & Hậu Duệ tại Thành phố Louisville. Đến ngày Thứ Hai 24-6-2024 thư gửi qua đường Bưu Điện mới được phát tới nhà.



Theo như Thư mời, chiều Chủ Nhật vào lúc 2 giờ 15, tôi chuẩn bị đi dự lễ theo thư mời, nhà tôi thấy thế bảo con gái tôi lái xe đưa đi.

Khi tôi đến địa điẻm hành lễ trong phòng họp của Nhà thờ, vào khoảng gần 3 giờ, muốn vào phòng họp phải vào nhà bếp, rồi từ đó mới vào phòng họp. Nhưng ở nhà thờ ấy chắc từ chánh tòa có cửa chánh thức vào phòng họp, chúng tôi đi của sau chắc là vì Hội mượn địa điểm của Nhà thờ nên phải đi như thế.

Chắc khoảng 3 giờ 15 hoặc 20, các Hội viên và thân hữu mới đến nhiều, có nhiều người tôi quen biết từ lâu, nhưng cũng có vài người mới gặp lần đầu, nhất là giới trẻ, sau tôi mới biết đó là Hậu Duệ của HO.


Anh Lê Văn Hùng, Cựu Sĩ Quan Không Quân đương kim là Hội Trưởng, người năng nổ nhất hiện nay, hôm nay anh là người điều khiển chương trình, trước tiên là mọi người đứng lên nghiêm chỉnh chào đón toán Hầu Cờ rước Quốc Quân Kỳ đến vị trí hành lễ trước bàn thờ Tổ Quốc, cũng là trước mặt mọi người hiện diện.

Toán hầu cờ đang chuẩn bị hành lễ

Buổi lễ tiến hành chào cờ, phút mặc niệm rồi giới thiệu thành phần tham dự, kế tiếp là Nghi thức dâng hương do anh La Diệu Hưng đãm nhiệm.



Tiếp theo là giới thiệu Nhân sự mới của Ban Chấp Hành, tức là các Hậu Duệ tham gia vào Ban Chấp Hành, sẽ là những người thế hệ thứ hai sẽ tiếp nối truyền thống của những bậc cha, chú đã dấn thân vì tổ quốc, bảo vệ núi sông, màu cờ sắc áo nhất là chính nghĩa của dân tộc.

Mục tiếp theo là anh Hội Trưởng báo cáo hoạt động của Hội trong năm vừa qua, tiếp theo là mục Đóng góp ý kiến. Có vài Hội viên đã có ý kiến đóng góp để cho mọi hoạt động của Hội tốt hơn.

Kế đến là Tiết mục văn nghệ và ăn uống, mọi người vui vẻ hàn huyên, tâm sự, lâu ngày gặp lại nên anh chị em thăm hỏi nhau về gia đình, về sức khỏe nhất là những Hội viên cao niên như anh Trần Ngọc Ẩn năm nay đã 92 tuổi vẫn đến tham dự.

Lâm Thanh Xuân, Trần Ngọc Ẩn, Huỳnh Ái Tông

Trước khi chia tay, anh chị em đã cùng nhau góp mặt chụp một tấm ảnh kỷ niệm ngày họp mặt nhân ngày Kỷ niệm 59 năm Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, ngày đó năm 1965, chánh phủ dân sự do Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ Tướng Phan Huy Quát thỏa hiệp bàn giao quyền lãnh đạo quốc dân cho Quân Đội Vìệt Nam Cộng Hòa.


Ngày 19-6-1965 tại Sàigòn, có buổi lễ ra mắt của Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia do Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ Tịch và Ủy Ban Hành Pháp Trung Uơng do Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ Tịch.

Sau đó Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia tổ chức bầu cử Quốc Hội và Tổng Thống để đất nước có Tự Do và Dân Chủ như một số nước ở Đông Nam Á, trong Thế giới Tự Do, cho đến ngày Mỹ bỏ rơi Việt Nam theo chủ trương, kế sách của tên Kissenger từ năm 1973, cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, Miền Nam Việt Nam bị Cộng Sản Bắc Việt phản bội Hiệp Định Paris 1973 và cho quân chiếm đoạt toàn miền Nam.


Bà Khúc Minh Thơ trong đêm Văn nghệ của HO

Do sự vận động của bà Khúc Minh Thơ với Quốc Hội Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ, nên các tù nhân chánh trị là các cựu Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, bị đi Học Tập Cải Tạo từ 3 năm trở lên được đi Mỹ định cư theo  chương trình  (Humanitarian Operation), gọi tắt là HO, có tên chính thức là Special Release Reeducation Center Detainee Resettlement Program (Chương trình tái định cư phóng thích đặc biệt tù nhân trung tâm cải tạo). bắt đầu từ năm 1990 chấm dứt năm 1994.

866425062024






Con gái và cháu ngoại từ Việt Nam sang thăm gia đình

 Ngày 2 tháng 6 năm nay 2024, con gái và cháu ngoại lần đầu tiên sang thăm chúng tôi, Vì cháu ngoại đang đi học tại Chi nhánh Đại học Fulbrdge tại Việt Nam nên không có thì giờ ở chơi lâu và cũng không có thì giờ đi thăm viếng vài nơi như Washington DC hay California.


Dĩ nhiên là Diệp đi cùng với con gái, nhưng cháu vì không được khỏe và mãi lo nói chuyện với con gái của Quốc, nên trong hình không có cháu.



Khanh - Lam Hồng

Có đi qua nhà Phượng ở đó mấy ngày để đi shopping, chủ yếu là mua sắm quần áo, mỹ phẩm, thuốc men và đi nhà hàng ăn uống.

Cùng cha mẹ, các em và con cháu đi ăn ở nhà hàng Kpot của Đại Hàn tại thành phố Lexington.

Huỳnh Ái Quốc, Huỳnh Ái Ngọc Diệp, Huỳnh Ái Tông


May, Khanh, Jackson, Nhân, Lam Hồng

Chụp ảnh kỷ niệm tại nhà Huân-Phượng.

 

Trở về lại Louisville, đi ăn với cha mẹ và Quốc tại nhà hàng trên đường Bardtown tại Louisville.


Quốc, Tông, Chi, Diệp

Nhân ngày Father’s Day, các con tôi tổ chức ăn uống tại nhà Quốc, kỷ niệm một ngày thật hạnh phúc cho tôi, năm nay các con, cháu họp mặt gần đầy đủ. 


Ngày 18-6-2024, cả gia đình đưa Diệp và Lam Hồng ra phi trường Louisville để trở về Việt Nam, kết thúc một chuyến đi thăm cha mẹ các em và các cháu một cách tốt đẹp. Vì quá ít thì giờ nên không thể đi thăm viếng danh lam, thắng cảnh, thành phố nước Mỹ.

 


Quốc, Phượng, Diệp, Tông, Kim Chi, Lam Hồng, Kim Ngọc

866421062024





Saturday, February 10, 2024

Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024

Hôm nay ngày Mồng Một Tết Giáp Thìn, chúng tôi có hẹn nhau đi chùa. Con rễ thứ ba của tôi và cháu ngoại gái từ thành phố Lexington cách thành phố Louisville nơi nhà tôi lái xe chừng 1 giờ 15 phút, cùng với con trai thứ tư của tôi và con gái út hẹn nhau đi chùa.

Họp mặt đông đủ như đã hẹn, chúng tôi rời nhà hơn 9 giờ sáng, chừng 20 phút sau đến chùa. Có lẽ gia đình chúng tôi đến chùa sớm nhất vào ngày Tết Nguyên Đán năm nay.

Sau khi tôi lễ Phật ở Chánh điện xong, vào Hậu tổ lễ chư Tổ, khi trở ra Chánh điện mới thấy có 3 nữ Phật tử đến chùa lễ Phật.

Sau khi ni cô Phước Ngọc trao lộc Phật đầu năm cho chúng tôi, chúng tôi chụp ảnh kỷ niệm rồi cáo từ ra về. Năm nào cũng vậy gia đình chúng tôi luôn đi lễ Phật ở chùa vào sáng sớm.

Ni cô Phước Ngọc cho biết đêm hôm qua nhiều Phật tử đến chùa đón Giao Thừa, cô làm tôi nhớ lúc còn ở Việt Nam vào thập niên 1970 và 1980, cứ đến Giao Thừa tôi cúng kiến gia tiên xong liền đưa các con cùng đi chùa Giác Minh rồi chùa Xá Lợi để lễ Phật đầu năm. Vì nhà chúng tôi ở Cư xá Đô Thành nằm phía sau Bệnh viện Bình Dân, vì nằm giữa hai ngôi chùa nầy, nên chúng tôi luôn đi bộ.

Trước 1975, thời điểm giao thừa nhà nhà đốt pháo, tiếng pháo nổ dòn tan và khói bay mù mịt, sau 1975 không còn đốt pháo, nhưng có tệ nạn đi chùa hái lộc, nên những chậu quất, chậu vạn thọ chưng tết ở chùa bị xát xơ thảm hại, thêm nữa hình như một số người từ Bắc vào Nam, họ đi chùa đốt nguyên cả bó nhang, lại cắm nhang tứ tung, làm cho khói bay mù mịt từ trong chùa ra đến ngoài sân.

Ni cô Phước Ngọc định gọi Thầy trụ trì báo với Thầy có chúng tôi đi chùa lễ Phật, tôi biết tối qua Thầy thức khuya, nên yêu cầu cô đừng báo cho Thầy trụ trì. Rồi chúng tôi xin phép ra về. Ni cô biết nhà tôi không được khỏe nên không đi chùa lễ Phật đầu năm được, do đó ni cô hện sẽ cùng Thầy trụ trì đi thăm nhà tôi sau.

Khi chúng tôi lên xe, tôi thấy Thầy trụ trì đang lễ đức Quán Thế Âm, tôi liền xuống xe chào Thầy, chúc Tết thăm hỏi vài câu rồi xin phép ra về.

Về tới nhà chừng 20 phút sau, con gái thứ bà của tôi mới chỡ thằng cháu ngoại đến. Do cháu không dậy sớm được, vì hôm qua đi làm về trễ. Hai đứa cháu nội thì cũng vậy, ngoài giờ học tranh thủ đi làm thêm, kiếm tiền bỏ túi tiêu xài lặt vặt để biết giá trị của đồng tiền.

Chúng tôi đã chụp một tấm ảnh, kỷ niệm ngày đầu năm họp mặt. Nghe hai con gái tôi lập chương trình trong năm nay sẽ chụp một tấm ảnh chỉ có riêng cha mẹ và chị em chúng. Ước muốn đơn giản vậy mà gần 30 năm qua chúng tôi chưa thực hiện được. Năm nay thì chắc sẽ được.


866410022024

 

 

 

 

 

 

Ngày cuối năm Quý Mão 2023

Hôm nay là ngày cuối năm Quý Mão, còn vài tiếng đồng hồ nữa là Giao Thừa (chữ Hán: 交承) có nghĩa là "Cũ giao lại, mới tiếp lấy – Lúc năm cũ qua, năm mới đến. Người ta thường dùng danh từ đón Giao Thừa, tức là đón thời điểm năm cũ bước qua, năm mới bước đến.

Đêm cuối năm, tháng thiếu là 29 còn tháng đủ là 30 cũng gọi là Đêm trừ tịch. Trừ tịch (除夕) với "trừ" nghĩa là thay đổi, hoán đổi và "tịch" là đêm, "trừ tịchnghĩa là đêm của sự thay đổi, đêm của thời khắc giao thời.

Đương nhiên là chúng tôi đã nói đến năm tháng ngày giờ theo cách tính xưa, chính xác hơn là theo Trung Hoa. Người xưa tính thời gian theo Can, Chị. Gọi là Thiên Can và Địa Chị Can có Thập Can: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý và Thập nhị Chi là Tý (con chuột), Sửu (con trâu), Dần (con cọp), Mão (con mèo hay con thỏ), Thìn (con rồng), Tỵ (con rắn), Ngọ (con ngựa), Mùi (con dê), Thân (con khỉ), Dậu (con gà), Tuất (con chó), Hợi (con heo). Người xưa ghép mỗi năm một Can đi với một Chi, như vậy giáp chu kỳ là 60 năm.

Như vậy chu kỳ về năm đầu tiên là Giáp Tý, còn tháng đầu tiên của mỗi năm là tháng Dần và người xưa tin rằng sự tuần hoàn trong vũ trụ về thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh xảy ra cũng lập lại như sự tuần hoàn, vì vậy người xưa có Tử vi, bói dịch họ căn cứ vào sự tuần hoàn của vũ trụ ảnh hưởng đến vạn vật.

Nói đến Miền Tây nước Việt cũng như Thất sơn huyền bí thì người ta căn cứ vào lời nhà Bác vật Lưu Văn Lang cũng như Sấm ký của Trạng Trình hoặc Sư vải bán khoại hoặc của Huỳnh giáo chủ, những youtubers ngày nay và tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tìn rằng sẽ có ngày Núi Cấm nổ, cung vàng điện ngọc sẽ hiện ra, một vị Phật sẽ xuất thế, vị Phật ấy không ai khác hơn là Phật Di Lặc, thế giới sẽ an vui, vạn vật thái bình.

Theo sấm ký đó, người ta tin rằng khi cung vàng điện ngọc lộ ra, sẽ có 18 nước đem quân đến để tranh giành, vàng bạc châu báu. Nên nhớ rằng đức Phật Thầy Tây An có sai đệ tử là đức Cố Quản Trần Văn Thành (  ? – 1873) cắm 4 cây thẻ ở 4 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc và cây thẻ trung ương, đức Phật Thầy khuyên mọi người không nên sinh sống trong vùng 4 cây thẻ đó, vì núi nổ ra, đá bay cát chạy sẽ giết hại con người.

Căn cứ vào sấm giảng của Huỳnh giáo chủ có những câu nhiều người đã biết:

Mèo kêu bá tánh lao-xao,
Đến chừng rồng rắn máu đào chỉn ghê.
Con ngựa lại đá con dê,
Khắp trong trần-hạ nhiều bề gian-lao.
Khỉ kia cũng bị xáo-xào,
Canh khuya Gà Gáy máu đào mới ngưng.
Nói ra nước mắt rưng-rưng,
Điên biểu dân đừng làm dữ làm hung.
Việc đời nói chẳng có cùng,
Đến sau mới biết Đây dùng kế hay.
Bây giờ mắc việc tà-tây,
Nên mới làm vầy cho khỏi ngại-nghi.
Thiên cơ số mạng biết tri,
Mà sao chẳng chịu chạy đi cho rồi?

Năm Mèo sắp qua, năm Rồng, năm Rắn sắp tới, cầu mong cho thiên hạ được an bình, nhà nhà an vui, người người ấm no, hạnh phúc.

866409022024

Saturday, May 27, 2023

Vài ca khúc Tuyển chọn:

Hôm nay tự nhiên tôi muốn nghe một vài bản nhạc, tân có, cổ có với những ca sĩ danh tiếng được nhiều người ưa thích, quý vị thích bài nào xin mời nghe. Chúc nhiều an lạc.

Hạ Thương Thái Thanh

https://www.youtube.com/watch?v=4JVn-VZx-8s

Thiên Thai Ánh Tuyết

https://www.youtube.com/watch?v=bxfj5i5aZFE

Người đi qua đời tôi Thái Thanh

https://www.youtube.com/watch?v=iAEhDd5TmJY

Buồn Tàn Thu Thái Thanh

https://www.youtube.com/watch?v=lQDntvMjE8E

Hòn Vọng Phu 1, 2, 3 Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi

https://www.youtube.com/watch?v=6xlIF2Ru7lw

Hòn Vọng Phu 1, 2, 3 Thái Thanh, Ánh Tuyết

https://www.youtube.com/watch?v=kPkpxMhWxrg

Ông Lái Đò Hùng Cường

https://www.youtube.com/watch?v=Kq5Baaegyr0

Làm Quen Hùng Cường Mai Lệ Quyền

https://www.youtube.com/watch?v=v3TxQJDfoCs

Xổ Số Kiến Thiết Trần Văn Trạch

https://www.youtube.com/watch?v=WmlE1BCKH-w

Dạ Cổ Hoài Lang Hương Lan

https://www.youtube.com/watch?v=QQ9S_vZl0bg

Tình anh bán chiếu Út Trà Ôn

https://www.youtube.com/watch?v=kbilws5tJIo

866427052023






Friday, May 12, 2023

Mẹ tôi

 Để kỷ niệm ngày Mother’s Day 2023

Một buổi sáng sớm vào tháng 11 năm 1954, tôi chuẩn bị đi học thì có anh Ba Tịnh, bà con xa ở xóm tôi, anh làm tài xế xe đò Thái Nguyên chạy đường Long Xuyên-Châu Đốc, anh ghé nhà chú tôi, báo cho chú tôi biết mẹ tôi bệnh nặng, cô nhắn tin bảo tôi phải về gắp.

Thời gian đó, tôi mới vào lớp Nhì trường Nam tỉnh lỵ Châu Đốc và đang ở nhà chú tôi, để đi học được vài tháng, sau khi tôi đã thất học vài năm. Tôi nhớ ngày đầu năm, vào lớp Thầy giáo muốn biết trình độ học trò, từ những làng xa không có trường lớp cao nên về tỉnh học, như ở Núi Sam, Cồn Tiên, Châu Giang, Mỹ Đức, Tịnh Biên, Bình Di Bắc Nam …, nên Thầy giáo cho bài tập gồm có cộng trừ nhân chia. Cộng, trừ tôi làm trúng nhưng nhân với chia tôi làm sai vì không thuộc cữu chương. Mặc dù năm 1950 tôi xuống trường tỉnh lỵ Long Xuyên thi đậu văn bằng Sơ Đẳng Tiểu Học.

Văn bằng Sơ Đẳng Tiểu Học năm 1950

Vì anh kế tôi đang theo học tại trường Nam Tiểu Học tỉnh Long Xuyên, nên cha mẹ tôi không đủ sức nuôi thêm tôi xuống tỉnh học. Đầu năm cha tôi qua đời, nên mẹ và anh tôi quyết định gửi tôi ở nhờ nhà người chú đang làm thầy giáo dạy học tại Trường Nữ tỉnh lỵ Châu Đốc, để tôi đi học lại.

Sáng hôm đó, chú tôi đang chuẩn bị đi dạy, được tin chú bảo tôi:

- Chú cho tiền xe, con đi về ngay đi, việc nghỉ học ở trường để chú xin phép cho con.

Thế là tôi ra bến xe, mua vé xe đi về nhà. Với tâm trạng lo âu, không biết bệnh tình mẹ tôi ra sao? Tháng trước tôi có về nhà, mẹ tôi vẫn bình thường, chỉ cho biết trong người không được khỏe. Định sẽ về quê ngoại chữa bệnh. Việc nhà có cô tôi trông nom. Cô tôi vốn không lập gia đình, ở chung nhà với cha mẹ tôi sau khi bà nội tôi mất, lúc đó tôi chưa sinh ra đời.

Tôi về đến nhà thì có anh rể tôi ở làng bên, anh cũng vừa đến nhà để đi thăm má tôi, nhưng anh chưa biết quê ngoại tôi ở đâu, nên cô tôi bảo anh ấy chờ tôi về rồi cùng đi, vì tôi biết đường đi về quê ngoại cùng nhà cửa của các dì.

Khi tôi về tới nhà, cô tôi cho biết mẹ tôi bệnh, muốn đi Núi Sập (Thoại Sơn) để chữa bệnh, tôi biết núi Sập ở gần quê ngoại, nhưng tôi chưa có đến đó, nên cô tôi bảo:

Con đi xuống Bờ Ao, rồi hỏi thăm Dì Ba hoặc Dì Năm thì biết mẹ con chữa bệnh ở đâu. Vì nghe mẹ con bệnh trở nặng nên chị Ba, chị Tư và anh Năm con đã xuống đó hết rồi. Bây giờ con đi với anh Ba con, nó cũng muốn xuống đó thăm má con và thăm vợ con nó.

Thế là anh rể tôi chạy xe Mobylette vàng, chở tôi đi từ nhà ở Năng Gù xuống Long Xuyên rồi vào Phú Hòa cũng có tên gọi là Bờ Ao. Từ Long Xuyên đi vào Bờ Ao lúc đó phải đi theo con đường lộ chạy dọc theo sông Long Xuyên. Dọc đường trên con lộ nầy, có gặp một đám tang bên vệ đường, anh rể tôi hỏi:

- Có phải đám ma nầy không cậu ?

Do anh rể tôi chưa từng đi Bờ Ao lần nào, nên tôi giới thiệu:

- Khi nào mình chạy qua một cái cầu đúc cao,  sẽ qua chợ bên tay trái, cách đó vài căn nhà có con đường bên tay trái, anh quẹo vào đó rồi qua cái cầu sắt, gần cầu sắt có cái Đình, đó là Bờ Ao, xuống cầu mình đi về tay phải chừng 5, 6 trăm thước có cái cầu cây. Đó chính là quê ngoại, có nhà hai dì và nhà Mợ Hai.

Rồi chúng tôi cũng đến nhà Dì Ba tôi, hỏi Dì mới biết rằng mẹ tôi nằm trong chùa bên Bờ Ao ngày đó tôi không biết tên chi, nay mới biết là Chùa Khánh Hòa. Tôi không hiểu sao, mẹ tôi không nằm một trong 2 nhà của hai Dì lại nằm trong chùa để dưỡng bệnh.Dì Ba biết chúng tôi chưa dùng cơm, nên dì bảo:

Để dì dọn cơm ăn rồi hai cháu đi sang chùa thăm má các cháu.

Dì Ba dọn cơm ra, chúng tôi ăn với gia đình Dì, có anh Tư Triếu và chị Năm Huề.

Ăn cơm xong cũng hơn 5 giờ chiều chúng tôi đi trở lại con đường cũ, ngay tại chỗ đầu cầu, có một cái bót Nghĩa quân, qua khỏi Bót là tới Đình Phú Hòa, ở đây như là đầu cồn chạy bọc đó một đổi là tới chùa.

Tôi và anh rể tôi vào thăm má, má tô được nằm trên bộ ván ở nhà  Hậu tổ, tôi thấy trên người má dắp cái mền, má nằm như ngủ mê, chị Tư tôi lay thân má và nói:

- Má oi! Má! Anh Ba với thằng Tông xuống thăm má nè má.

Tôi nghe tiếng má tôi yếu ớt thốt ra:

- Ư ! Ơ !

Rồi má vẫn nằm im, chị Ba tôi bảo với tôi:

- Em nằm bên cạnh má đi !

Thế là tôi lên bộ ván ngựa, nằm bên cạnh má tôi. Tôi không còn nhớ được lúc đó tôi nghĩ gì.

Mọi chuyện tôi không còn nhớ rõ lắm. Cho đến lúc nào đó anh Hai Thâm, xưa kia là con nuôi của má tôi nói trong nghẹn ngào:

- Cô Tư đã mất rồi !

Có ai đó hỏi:

- Bây giờ là mấy giờ.

Thời đó ban đêm trong chùa thắp đèn dầu leo lét. không ai có đồng hồ đeo tay, trong chùa có nuôi một anh mù chừng 30 tuổi, anh đi lại cái đồng hồ treo trên cây cột, gần bộ ván má tôi nằm, anh lấy tay rờ rồi nói:

- Đúng mười giờ !

Có ai đó hướng dẫn, chị em tôi ra chánh điện đốt hương, lễ Phật và cầu nguyện cho mẹ tôi được siêu thoát.

Từ đó cho đến 5 giờ sáng không ai ngủ, mọi người đều thức, đến 5 giờ anh Năm tôi và tôi ra Long Xuyên, anh Năm tôi v nhà lo hậu sự cho má tôi, còn tôi đi lên Châu Đốc báo tin cho chú tôi biết má tôi đã mất. Tôi không gặp chú vì chú đi dạy, nên báo cho thím biết rồi tôi đi về.

Về tới nhà, thấy má tôi được đặt nằm ở bộ ván phía dưới, chớ không đặt ở bộ ván giữa nhà, trên người má tôi có đắp cái mền, trên cái mền đó chỗ ngực má tôi đặt một nãi chuối lá Xiêm, ngoài sân mấy chú thợ mộc bà con đang rà lại cái hòm gỗ mới nhắc về, mấy cô, thím đang gắp rút may áo quần tang chế.

Một lúc sau chú Tám tôi về, Dượng Tư tôi từ Thị Đam xuống, Cô Dượng Sáu tôi từ Hang Tra ra, Cô Năm tôi nhà ở trên chợ làng xuống. Dì Ba, Dì Năm, Mợ Hai tôi từ Phú Hòa lên. Nói chung là thân tộc có mặt đầy đủ. Lễ phát tang bắt đầu khoảng 11 giờ trưa. Đến khoảng hơn 4 giờ chiều thì Di quan, vì là mùa nước nổi, nên quan tài mẹ tôi được đưa đi bằng chiếc xuồng có 2 người bơi, trên xuồng chỉ có anh Năm tôi ngồi phía trước quan tài, bưng một cái khay, trong khai có đặt lư hương, bình hoa và cái chung cúng nước. Xuồng chỡ quan tài bơi trên sông, còn những thân tộc đều đi bộ, từ nhà đến nghĩa trang gia đình không xa hơn 1 cây số. Nghĩa trang gia đình nằm trong khu đất có vườn cây dầu, là khu đất cao, nên không bị nước ngập.

Chôn cất má tôi xong, về tới nhà thì khách khứa đã về hết, chỉ còn bác Hai tôi nhà gần đó nên bác ở lại, chỉ chỗ cho anh Ba và anh Năm tôi đặt bàn thờ tang cho má tôi. Cũng căn nhà đó, chỉ vắng một người thấy nó như quạnh hiu, trống trơn mênh mông. Khuya đó chừng 5 giờ sáng, tôi được đưa sang sông, đón xe anh Ba Tịnh chạy, để lên Châu Đốc, trở lại trường học.

Tôi nhớ sau khi cha tôi mất, một hôm tôi làm lỗi chi đó, bây giờ tôi quên chỉ nhớ má tôi cầm roi, gọi tôi rồi bảo:

- Vô nhà nằm xuống, má phải đánh con mấy roi về chuyện nầy !

Nghe vậy, tôi bỏ chạy trốn má tôi, tránh bị trận đòn đó.

Sau nầy cho đến nay, tôi luôn ân hận vì đã không nghe lời mẹ, không nằm xuống chịu đòn cho mẹ đánh, thật là bất hiếu.  

Từ nhỏ cho đến lớn, má tôi chưa hề đánh tôi bạt tay hay roi nào hết. Bị đòn là cha tôi đánh, ông đánh không muốn ai can, không muốn nghe tiếng khóc. Càng khóc càng bị đòn nhiều hơn, ai can ngăn cũng bị đòn nhiều hơn. Cho nên mỗi lần anh em tôi bị đòn. Má và cô tôi có mặt ở nhà thì tránh đi chỗ khác, không bao giờ can ngăn.

Chuyện tôi chạy trốn để khỏi bị má đánh đòn, tôi cho là mình nhỏ dại làm điều bất hiếu, sau đó có muốn để cho má đánh đòn cũng không được vì má đã mất rồi.

Tôi nhớ có đọc ở đâu đó về câu chuyện: Có một người đàn ông trung niên, thỉnh thoảng bị mẹ bắt nằm xuống mẹ đánh đòn vì làm lỗi. Người đó không hề khóc, nhận roi vọt cho vừa lòng mẹ. Một hôm anh ta bị mẹ đánh đòn, chịu đòn xong, anh ta khóc. Bà mẹ lấy làm lạ, hỏi con:

- Sao hôm nay mẹ đánh đòn con, đau lắm hay là oan ức mà con khóc ?

Anh ta vừa khọc vừa trả lời:

- Không phải vậy đâu mẹ ! Con bị đòn là đáng tội như những lần trước con cam chịu. Nhưng lần nầy con khóc, vì roi vọt của mẹ nhẹ hơn những lần trước, con nghĩ mẹ không được khỏe vì tuổi đã già, nên con khóc vì thương cho mẹ đó!

Tôi cứ nghĩ đó là một trong Nhị Thập Tứ Hiếu, nhưng có thì giờ xem lại thì không phải, trong sách nầy chỉ có Truyện 17 như sau:

Lão Lai Tử là người ở nước Sở, sinh vào đời Xuân Thu, đã 70 tuổi mà cha mẹ vẫn còn sống, ông thờ cha mẹ rất có hiếu. Không muốn cha mẹ thấy con già nua mà lo buồn, ông thường mặc áo sặc sỡ, rồi tay múa miệng hát trước mắt cha mẹ. 


Lại có khi bưng nước hầu cha mẹ, ông giả vờ trợt té rồi ngồi khóc oa oa trước mặt cha mẹ như trẻ nít mới lên năm lên ba vậy. Cha mẹ vui cười trước trò ngộ nghĩnh của con mình.


Thế nên có thơ rằng: 


Hý Vũ học Kiều sy

Xuân phong động thái y
Song thân khai khẩu tiếu,
Hỷ sắc mãn đình vi.


Diễn nghĩa:

Chơi đùa như con trẻ,

Gió xuân động áo hoa.

Cha mẹ già ưa thích,

Niềm vui rộn cửa nhà.

 

Còn việc má tôi nằm dưỡng bệnh trong chùa, theo sự suy đoán của tôi ngày nay như sau: Phía trước Chùa là con lộ, qua khỏi con lộ là con rạch Bờ AoBao quanh chùa 2 trong 3  cạnh còn lại là đất của Dì Ba và Mợ Ba tôi, cả 2 miếng đất đó xưa kia là của ông Cố ngoại tôi. Có lẽ ngày xưa ông bà cố tôi cho người nào đó cất một cái Am, về sau trở thành Chùa, mẹ tôi lúc nhỏ đã quy y tại chùa nầy và chính vì thế mà mẹ tôi được nằm trong chùa dưỡng bệnh, nghe kinh. Mẹ tôi được Chùa  đối xử như là con cháu của một thí chủ

Tôi nghe cô tôi kể lại, Bà Nội mất quàng lại 7 ngày, gia đình sắp xếp, mỗi ngày có 1 thông gia đi viếng tang, dịp nầy tế một con heo. Đến cha tôi mất buổi chiều hôm trước, trưa hôm sau chôn cất. Má tôi mất tối hôm trước, chiều hôm sau chôn cất. Bà nội tôi là cháu nội của quan phủ hồi hưu, cháu họ của ông Dương Văn Hóa, người lập làng Bình Lâm, Tổng Định Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Long Xuyên,  nay là làng Bình Thủy huyện Châu Phú tỉnh An Giang, có con làm thầy giáo, nên muốn làm đám tang rỡ ràng, đưa quan tài đi bằng nhà giàng, mượn của ông bá hộ Phạm Phú Quí, dinh thự của ông ta bên khia sông. Đám tang có giàn nhạc lễ và học trò lễ.

Nhà giàng đưa quan tài bà nội tôi đi chôn cất năm 1937

Có lẽ sau nầy, gia đình thấm nhuần đạo Phật, sợ tội phước, nhân quả, nên đám tang không còn làm rình rang. Người chết trong 3 ngày thì cứ chôn cất không cần coi ngày tốt, xấu.

866412-5-2023