Monday, July 18, 2011

Tuổi Thơ

*
Có những hôm xem truyền hình, thấy chiếu những cảnh học sinh hồn nhiên ôm cặp sách vở tới trường hay thong thả trên chiếc xe đạp, đạp về nhà. Nhà tôi bảo:

-         Trông chúng hồn nhiên biết bao! Vô tư lự, không bận tâm lo nghĩ tới tương lai, thật là hạnh phúc, tuổi thơ đã đi qua lâu rồi !

Mỗi người đều có tuổi thơ của mình, không ai giống ai, Tuy nhiên không phải tuổi thơ nào cũng đẹp cả, nhưng nhờ vào những mộng mơ có thể đạt được ở ngày mai, cho nên ai cũng hy vọng, mà hỵ vọng luôn luôn đặt ở mọi điều tốt đẹp.

Lúc mới đi học vở long ở Trường Bình Mỹ, nay cũng đã trên sáu mươi năm qua rồi, học trò ba bốn mươi cô cậu, nay tôi chỉ còn nhớ có tên cô The, tóc để dài, người mảnh khảnh, nước da trắng, học trò trai chỉ còn nhớ tới trò Khải, trò Trai và trò Độ, bốn đứa chúng tôi cùng ngồi chung một bàn.

Khải con thầy giáo, trò Trai nhà kế bên trường học phía trên, trò Độ nhà kế bên trường học phía dưới, tôi ở bên kia sông, cũng có trường gần nhà, nhưng theo chú đi học.

Học được đánh vần ngược thì chiến cuộc lan tràn, Nhật chiếm đóng trường học rồi chú tôi, cùng thầy giáo bỏ trường lên ở tỉnh.

Sau cha mẹ tôi cho học tư với thầy giáo ở trường gần nhà, vài năm sau tôi thi đậu Văn Bằng Sơ Đẳng Tiểu Học ở Long Xuyên, lại ở nhà nghỉ, mấy năm sau mới lên Châu Đốc theo học lớp Nhì, lúc đó hình như Khải đã học Đệ Thất Thủ KHoa Nghĩa rồi, Trai với Độ không còn được tiếp tục học nữa.

Sau này, tôi thi đỗ vào học trường kỹ thuật,thầy tôi chán sống tỉnh lẻ xin thuyên chuyển về Sàigòn, rồi cũng cho Khải thi vào trường kỹ thuật. Do đó Khải lại học sau tôi.

Còn Độ ở nhà quê, nối nghiệp nhà nông, về phần Trai nhờ gia đình có tiền, mua xe đò chạy đường Long Xuyên – Châu đốc, có người anh làm tài xế, Trai theo xe góp tiền. Nghe biết thế chớ từ ngày trường đóng cửa, Trai và tôi chưa gặp lại, không rõ ngày nay Trai đã thay đổi ra sao, già thì chắc hẳn là già rồi.
Độ và tôi

Khải lúc học cùng trường vẫn thỉnh thoảng gặp nhau, hoặc khi tôi đến nhà thăm thầy cũ, lần gặp gần đây nhất cũng đã vài năm, Khải vẫn gầy đứng sau quầy hang bận rộn bán phụ tùng xe gắn máy, cửa hàng của Khải mở bán tại nhà, gần chợ Tân Quy Đông. Sàigòn.
Thầy Lê Văn Thọ, tôi và Khải

Độ thì cách nay vài năm, tình cờ tôi được gặp lại bên vệ đường ở quê, chúng tôi nhận ngay ra nhau mặc dầu hơn sáu mươi năm mới gặp lại, tay bắt mặt mừng. Độ  trông có già đi, nhưng vẫn khỏe mạnh, nhờ có hoạt động theo mùa màng, hít thở không khí trong lành, nhất là không phải tất bật với đời sống vội vả ở thị thành trong thời đại ngày nay.

Tuổi thơ tôi đã đi qua lâu rồi, không hồn nhiên nào bằng cái hồn nhiên của cô gái 11, 12 tuổi con một ông thầy giáo làng, cô mặc bộ bà ba trắng theo bạn ra đồng chơi, thấy tép nổi lềnh bềnh trên con rạch, sợ dơ quần áo bị cha mẹ rầy la, cô ta cởi bỏ hết trên bờ, nhảy xuống rạch lấy rổ chận dòng xúc tép, như năm bảy đứa trai gái khác trong xóm, nhưng đứa mặc xà lỏn, đứa mặc quần dài. than cô ta trong như ngọc, trắng như ngà, ai dám trơ tráo mà nhìn.

Vài năm sau, thân phụ cô chuyển về dạy một trường tại quê nhà ở Long Kiến Chợ Mới. Vài chục năm sau, gặp lại nhận biết nhau đều im lặng, để lắng nghe nỗi êm đềm của con tim. Gần đây, lại được tin nhà cô ấy đã an giấc thiên thu. Cũng một kiếp người.
Nhớ tới tuổi thơ, thuở vụn dại ban đầu, có tiếc nuối cũng không bao giờ, không bao giờ có thể níu kéo lại được. Mỗi thứ hồn nhiên có khác.

17-7-2011

Sunday, July 17, 2011

Thằng Lưu người lính nghĩa quân

Hồi tôi còn nhỏ, tôi biết thằng Lưu anh con Chớn là con của cô Sáu Hòa. Thằng Lưu lớn hơn tôi vài tuổi, con Chớn bằng hoặc nhỏ hơn tôi chừng một tuổi, nhà thằng Lưu cách xa nhà tôi tới sáu căn nhà khác.
Tôi nhớ phía dưới cạnh nhà tôi là nhà bà Chín Giỏi, kế nhà bà Chín là căn nhà ngói âm dương của ông Bảy Nguyễn Bá Thế, anh của bà Chín, ông là thầy giáo đã về hưu sau khi dạy học ở trường tỉnh Sa Đéc, Long Xuyên, bên cạnh đó là ông Năm, Đại Hương Cả Phạm Tứ Thể, cạnh đó là căn gạch, lợp ngói móc của ông Tư  Hương Sư Trì Phạm Trọng Trì anh của ông Năm, nhà này không rõ vì sao xây gạch nhưng chưa tô lớp ngoài, để bày ra lớp gạch đỏ, kế đó là nhà chú Năm Trình, Cô Hai Nhi, Chú Tư Kích thợ bạc, kế nữa là nhà chú Bảy Hà, đó là nhà bốn anh em, còn một người nữa là chú Sáu Nguyên cũng làm thợ bạc, nghe đâu chú theo bên vợ, hành nghề ở miệt dưới, kế đó là nhà thằng Lưu, ba mẹ con ở trong căn nhà một gian, cột tre lợp lá, vách lá. nhà cất tạm trong đất chú Bảy Hà.
Phía trên nhà tôi là nhà anh Hai Phòng, kế đó là nhà ông Chín Tri, cột thao lao, lợp ngói âm dương, vách bổ kho, kế nữa là nhà ông Bảy Quýnh anh ông Chín Tri, nhà ba gian lợp lá, cạnh nhà ông Bảy là cái mương.
Chủ những căn nhà đó đều là anh em ruột, hoặc có họ hàng xa, gia đình tôi và anh Hai Phòng có ông bà là con nuôi quan phủ, bà Chín Giỏi, ông Bảy Đe, ông Bảy Quýnh, ông Chín Tri gọi ông Phủ là ông nội, thằng Lưu có người cậu ruột không ở xóm đó, là chú Năm Để ở trong Giồng, mở trường tư dạy vở lòng trẻ con.
Xóm đó không ai có ruộng mẫu, mỗi nhà có năm bảy công ruộng, nhà tôi có một đôi công đất giồng xấu, làm không đủ ăn nhờ mẹ tôi có ruộng ở Phú Hòa đắp đổi, anh chị Hai Phòng chỉ làm mướn sống qua ngày, về sau anh phải dời nhà sang làng Bình Mỹ bên kia sông sinh sống. Còn cô sáu Hòa làm bà mụ, ba mẹ con sống lây lất qua ngày. Đó là một cái xóm sống yên bình, trước Cuộc cách mạng mùa thu.
Về sau tôi mới biết, cô Sáu Hòa còn một người con gái, chị thằng Lưu thứ hai tên Lồng, chị theo bạn bè lưu lạc lên Sàigòn, rồi lập gia đình với một anh con của điền chủ ở Rạch giá, anh ấy làm quan thuế.
Năm 1945, cô Sáu Hòa lên Sàigòn thăm con, chẳng may Cuộc cách mạng mùa thu xảy ra, cô Sáu đang ở Sàigòn, hai đứa con nhỏ là thằng Lưu với em gái nó còn nhỏ gửi cho người chị dâu. Dầu giặc giả trộm cướp khắp nơi, giao thông thủy bộ không có, lo cho hai con nhỏ, cũng muốn dù cho có chết, cũng được gửi nắm xương tàn nơi quê nhà, cô phải lội bộ từ Sàigòn về nhà trên hai trăm cây số, phải qua biết bao chặn đường bị xét hỏi, gần trót tháng cô mới về tới nhà, có ai hỏi cô cho biết như mình đã chết đi vừa sống lại. Hồi đó, tôi chỉ mới bốn năm tuổi, sau nghe người ta kể lại chuyện của cô.
Thập niên 60, tôi đã rời xa làng từ trước, nghe nói thằng Lưu vào Nghĩa quân, đơn vị hắn đóng ở Nhà Việc của làng, tôi không rõ là cấp Trung đội hay Tiểu đội, chỉ biết Nhà việc xưa, nay vừa là trụ sở của Hội Đồng Xã vừa là Đồn Nghĩa quân, nên phía sau Nhà việc được xây cất thêm, mới có đủ chỗ cho nghĩa quân đồn trú.
Dù làng tôi rất an ninh, vì nó là cù lao nhỏ không có chỗ cho du kích quân trú ẩn, nhưng để bảo đảm an toàn, xung quanh Nhà việc đều có hàng rào dây kẽm gai kiên cố, ngày đêm đều có lính nghĩa quân túc trực canh gác nơi cửa ra vào. Nhà việc nằm sát đường, qua khỏi con đường là con sông nhỏ nên được gọi là Xép, vì nó là phụ lưu của sông Hậu Giang, chạy bọc quanh cù lao Năng gù, nên nó có tên chính thức trên bản đồ là Xép Năng gù.
Vào một đêm đầu thập niên 70, nhiều công việc bận rộn nên ông Đại diện xã cũng như Ủy viên tài chánh, đều phải làm thêm rồi cùng ngủ lại tại Nhà việc, Đại diện xã có nhà ỏ thị xã Long Xuyên, còn Ủy viên tài chánh nhà ở Ấp Bình An, bên kia Xép đi bộ thì chỉ mất trên nửa tiếng là về tới nhà.
Đêm ấy tới phiên thằng Lưu gác, từ 0 giờ tới 2 giờ sáng, là khoảng thời gian ngủ ngon giấc  Mặt sông im lặng, trời trong, cảnh vật thật yên tỉnh như mọi đêm. Đột nhiên thằng Lưu thấy một bóng đen từ bò sông nhô lên, phản ứng cấp thời hắn mở khoá an toàn, miệng hô to “ai đó”, bóng đen chỉ cách hắn có sáu thước phóng nhanh về phía hắn, thằng Lưu siết cò súng, quay mình chạy ngay vào Đồn không kịp đóng cổng, tràng đạn của thằng Lưu đánh thức đồng đội, mọi người nghĩa quân nhanh chóng vào vị trí chiến đấu, quyết tử chiến với quân du kích bên ngoài.
Lực lượng du kích bên ngoài cũng quyết tâm triệt hạ Đồn Nghĩa quân, để thu chiến lợi phẩm, chẳng những vậy mà còn có thể giết được hay bắt sống Đại diện xã cùng Ủy viên tài chánh đang ngủ đêm ấy ở trong đồn..
Trận chiến quyết liệt, tiếng súng nổ dòn tai, tiếng lựu đạn, tiếng hô “xung phong” của  du kích quân để mong áp đảo tinh thần nghĩa quân, nhưng nghĩa quân vẫn không nao núng tinh thần chống trả quyết liệt, cuối cùng lực lượng du kích phải rút lui.
Sau trận chiến, nghĩa quân không bị thiệt hại gì, sáng ngày quan sát trận địa, có dấu máu ở vài nơi bên ngoài rào kẽm gai và một xác chết của du kích quân đã bị Lưu hạ ngay phút dầu tiên, xác nằm trên lộ ngay trước cổng Đồn, nên du kích quân không thể lấy xác.
Người ta hỏi Ủy viên tài chánh, là một Trung úy quân đội miền Nam giải ngủ, nguời công giáo, anh ta cho biết:
-            Trận chiến vừa qua, nếu không có bàn tay của bề trên che chở thì ngay tên cảm tử, tung lựu đạn vào đồn cũng có một số chết và bị thương, ngoài ra còn trái mìn bọn chúng cột vào cây sào, đưa qua hàng rào kẽm gai, đưa ngay phòng ông Đại diện, không biết vì sao nó chưa nổ, nếu nó nổ chẳng chết cũng bị thương, vậy mà tất cả an toàn.
Người dân sống giữa hai lằn tên mũi đạn, đóng góp mua một cái hòm, đem chôn xác người du kích trong nghĩa địa ở đầu làng, vài đêm sau du kích quân mới bốc mộ đem xác đồng đội đi. Họ còn nói lời cám ơn dân làng đã có lòng tốt với người Cách Mạng.
Sau trận chiến, đơn vị nghĩa quân làng Bình Thủy, được chánh quyền khen tặng, riêng thằng Lưu được Thiếu Tá quận trưởng quận Châu Thành tỉnh Long Xuyên, gắn huy chương và tặng thưởng chiếc đồng hồ đeo tay SEIKO của Nhật.
Chiến công của thằng Lưu làm cho nhiều người mến mộ, trai trẻ khâm phục, đương nhiên nó trở thành mục tiêu để trả thù, do đó hơn năm sau, thằng Lưu đã bị sát hại. Tuy nó mất đã lâu, nhưng tôi vẫn còn nhớ nó, bởi vì nó là bạn trong xóm của tôi thời thơ ấu. Nó đã dự một trận chiến, có một không hai trên đất Cù Lao nàỵ